Thẩm quyền và trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt người, tạm giữ, tạm giam trong tố tụng

Một phần của tài liệu Vai trò của viện kiểm sát trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam trong luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 30 - 33)

dụng biện pháp ngăn chặn bắt người, tạm giữ, tạm giam trong tố tụng hình sự.

1.2.1.Thẩm quyền

Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan trực thuộc Quốc hội Việt Nam, có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hành quyền công tố Nhà nước. Hệ thống kiểm sát được tổ chức theo ba cấp là cấp huyện, cấp tỉnh, cấp trung ương và các Viện kiểm sát quân sự. Trước năm 2002, với Hiến pháp 1992 chưa sửa đổi, Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền lớn rất nhiều so với hiện nay, với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ

quan ngang bộ, cơ quan hành chính các cấp và mọi tổ chức công dân. Nay, chức năng kiểm sát tuân theo pháp luật này chỉ gói gọn trong kiểm sát hoạt động tư pháp của cơ quan, Tòa án hay cơ quan thi hành án các cấp.

Thẩm quyền chung của Viện kiểm sát nhân dân được quy định tại điều 137 Hiến pháp 1992 sửa đổi bổ sung năm 2001 quy định:

“Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện kiểm sát quân sự thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong phạm vi trách nhiệm do luật định”.

Thẩm quyền chung của Viện kiểm sát về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn được quy định tại điều 79 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 :

“ Viện kiểm sát trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình hoặc người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật này có thể áp dụng một trong các biện pháp ngăn chặn sau đây: bắt, tạm giữ, tạm giam ...”

Thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt bị can, bị cáo để tạm giam gồm Viện trưởng, phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp. Trong trường hợp bắt bị can, bị cáo để tạm giam được thực hiện do cơ quan điều tra tiến hành thì lệnh bắt phải được Viện kiểm sát phê chuẩn trước khi thi hành.

Thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt người trong trường hợp khẩn cấp: Lệnh bắt khẩn cấp không cần phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát trước khi thi hành, nhưng trong mọi trường hợp, sau khi đã bắt người, người ra lệnh phải báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp để xét phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn thì người ra

lệnh phải trả tự do ngay cho người bị bắt. Luật cũng quy định trong trường hợp cần thiết Viện kiểm sát phải trực tiếp gặp, hỏi người bị bắt trước khi xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.

Thẩm quyền của Viện kiểm sát trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang, hoặc đang bị truy nã: Theo quy định của điều luật thì bất kể người nào cũng có quyền bắt và giải người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã đến cơ quan công an, Viện kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất. Sau khi nhận được thông báo cơ quan điều tra nhận người bị bắt đã ra quyết định tạm giữ người bị bắt, cơ quan đã ra quyết định truy nã có thẩm quyền bắt để tạm giam phải ra ngay lệnh tạm giam và gửi lệnh tạm giam đã được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn cho cơ quan điều tra nhận người bị bắt.

Thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ của Viện kiểm sát nhân dân: để đảm bảo công tác giám sát việc tạm giữ, tránh vi phạm quyền tự do, bất khả xâm phạm về thân thể của công dân, Bộ luật tố tụng hình sự quy định trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi ra quyết định tạm giữ, quyết định tạm giữ phải được gửi cho Viện kiểm sát cúng cấp. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn.

Thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam của Viện kiểm sát nhân dân: Đối với Viện kiểm sát nhân dân thì Viện trưởng, phó Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp có quyền ra lệnh tạm giam và một số thủ trưởng cơ quan khác do luật quy định cũng có quyền ra lệnh tạm giam. Tại khoản 3 điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định rõ: Những người có thẩm quyền ra lệnh tạm giam, thì lệnh tạm giam của những người này phải được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn trước

khi thi hành. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc tạm giam, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Viện kiểm sát phải trả hồ sơ cho cơ quan điều tra ngay sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn.

Như vậy, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 không chỉ quy định chi tiết về thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với từng biện pháp cụ thể mà còn quy định rõ về trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam.

Một phần của tài liệu Vai trò của viện kiểm sát trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam trong luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 30 - 33)