Tình hình tạm giữ người.

Một phần của tài liệu Vai trò của viện kiểm sát trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam trong luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 46 - 52)

Tạm giữ là một biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang (cả đối với người bị bắt theo lệnh truy nã) để cơ quan điều tra có đủ thời gian kiểm tra, xác minh những thông tin về tội phạm cũng như những tình tiết về lời khai của người bị bắt để quyết định khởi tố vụ án hình sự, trả tự do hay áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Mục đích của tạm giữ đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú là để ngăn chặn hành vi phạm tội, hành vi trốn tránh pháp luật, cản trở hoạt động điều tra của người phạm tội, tạo điều kiện cho cơ quan điều tra thu thập chứng cứ, tài liệu bước đầu xác định tính chất hành vi của người bị tạm giữ. Tạm giữ đối với người bị bắt theo lệnh truy nã để có thời gian cho cơ quan đã quyết định truy nã đến nhận người bị bắt.

Bảng 2.1 Tình hình bắt tạm giữ từ năm 2005 đến năm 2008

STT Năm Tổng số tạm giữ Trong đó số bị can bị khởi tố Số bị can không bị khởi tố Tỷ lệ phần trăm 1 2005 44.482 24.465 20.017 Chiếm 55% 2 2006 54.978 31.887 23.091 Chiếm 58% 3 2007 54.523 30.532 23.991 Chiếm 56% 4 2008 64.797 42.118 22.679 Chiếm 65%

Theo báo cáo số liệu thống kê của của Cục thống kê tội phạm Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Qua bảng tổng kết nêu trên có thể rút ra được một số nhận xét sau:

Trên toàn quốc, tổng số người bị tạm giữ năm 2005 là 44.482 trong đó số người bị khởi tố là 24465 người chiếm 55%, so sánh với năm 2006 tổng số người bị tạm giữ tăng lên đáng kể tăng thêm 10.496 người, bên cạnh đó tỷ lệ bị can bị khởi tố cũng tăng lên so với năm 2005 là 7.422 người. Từ năm 2006 đến năm 2007 số người bị tạm giữ đã giảm 455 người; đồng thời số bị can bị khởi tố cũng giảm 1.355 người. Tuy nhiên, đến năm 2007, năm 2008 số người bị tạm giữ lại tăng lên đáng kể (tăng thêm 10.274 người); trong đó số người bị tạm giữ bị khởi tố lại tăng thêm 11.586 người.

Như vậy, tỷ lệ tạm giữ từ năm 2005 đến năm 2008 về cơ bản là năm sau cao hơn năm trước (trừ năm 2006 đến 2007), đặc biệt năm 2008 số người bị tạm giữ tăng thêm 20.315 người so với năm 2005 tăng 45,6%.

Chất lượng bắt để tạm giữ được quan tâm thực hiện, tỷ lệ khởi tố hình sự trong các năm tăng dần năm 2005 là 24465 đến năm 2008 là 42.118 người tăng thêm 17.653 người. Các thủ tục pháp luật trong bắt để tạm giữ và chấp hành thời hạn tạm giữ đã được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nghiêm túc hơn, hạn chế những vi phạm như lạm dụng trong việc bắt, tạm giữ không có căn cứ, để quá hạn tạm giữ.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được trong công tác bắt, tạm giữ thời gian qua còn có những khó khăn, vướng mắc mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã gặp phải trong khi tiến hành áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ Cụ thể:

Thứ nhất, việc tạm giữ hình sự còn chưa phân định một cách rõ ràng, có biểu hiện hình sự hóa các sự việc, tạm giữ hành chính và tố tụng hình sự lẫn lộn, đặc biệt ở cấp huyện, các cán bộ điều tra thường xem việc tạm giữ là một hình thức để “nắn gân, cảnh cáo” các đối tượng, lấy tạm giữ thay cho việc điều tra, xác minh bằng các hoạt động điều tra khác. Thực trạng này dẫn

đến việc áp dụng biện pháp tạm giữ sai đối tượng mà hậu quả là phải trả tự do cho người bị tạm giữ, gây ra khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

Việc tạm giữ hình sự nhưng sau đó phải trả tự do vì không có căn cứ chứng minh tội phạm hoặc phải chuyển xử lý hành chính còn chiếm tỷ lệ cao ở một số địa phương. Có nơi vì muốn đưa tỷ lệ khởi tố trong tạm giữ hình sự cao hơn nên đã lạm dụng việc bắt và tạm giữ hành chính. Các đối tượng phạm tội lẽ ra phải bắt và tạm giữ theo thủ tủ trình tự tố tụng hình sự nhưng cơ quan điều tra đã ra lệnh tạm giữ hành chính 24 giờ, rồi sau đó hoặc phân loại xử lý hành chính để lọt tội phạm, hoặc tiếp tục ra lệnh tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự. Cách xử lý như vậy là trái với quy định của Pháp luật tố tụng hình sự. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp cơ quan điều tra bắt khẩn cấp nhưng sau đó không kịp gửi văn bản thông báo cho Viện kiểm sát để Viện kiểm sát phê chuẩn mà vẫn ra lệnh tạm giữ, hoặc sau khi ra lệnh tạm giữ nhưng không gửi hoặc có gửi nhưng gửi chậm so với quy định của pháp luật. Có trường hợp cơ quan điều tra bắt khẩn cấp và ra lệnh tạm giữ, sau đó cần gia hạn tạm giữ mới chuyển lệnh bắt khẩn cấp và lệnh tạm giữ cho Viện kiểm sát để đồng thời xin phê chuẩn việc bắt khẩn cấp và phê chuẩn lệnh gia hạn tạm giữ. Một số nơi tạm giữ đối tượng có địa chỉ ở địa phương khác đã không quyết định khởi tố hình sự mà lại chuyển cho địa phương nơi cư trú của người bị tạm giữ để khởi tố là trái với quy định tại khoản 4 về thẩm quyền điều tra điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về thẩm quyền điều tra:

“ cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa bàn mình. Trong trường hợp không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt. Cơ quan điều tra cấp huyện, cơ quan điều tra quân sự khu vực điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét

xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực; cơ quan điều tra cấp tỉnh, cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm, thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra cấp dưới nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra. Cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra cấp tỉnh, cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra.”

Thứ hai, do cơ quan điều tra thiếu quan tâm chỉ đạo, kiểm tra cán bộ trong hoạt động áp dụng biện pháp tạm giữ, nên để tình trạng điều tra viên áp dụng biện pháp tạm giữ thông qua hình thức triệu tập các đối tượng có sự nghi ngờ nào đó rồi đề xuất việc tạm giữ, dẫn đến tình trạng việc tạm giữ được áp dụng không đúng đối tượng, cũng có trường hợp chưa điều tra xác minh vụ việc đã triệu tập đối tượng nghi vấn để tạm giữ lấy lời khai, trong thực tế đã có những vụ việc cơ quan điều tra đã làm sai trình tự, thủ tục tố tụng về tạm giữ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra, dưới đây là một vụ việc điển hình:

Ví dụ : Vụ việc xảy ra tại phường Đồng Mai quận Hà Đông thành phố Hà Nội năm 2009, nội dung vụ việc như sau: ngày 20/5/2009 chị H có đơn tố cáo chồng chị là anh Q về hành vi hiếp dâm cháu T là con đẻ của chị H và a Q, đơn tố cáo được gửi đến công an phường Đồng Mai, quận Hà Đông, sau khi nhận được đơn tố cáo của chị H, công an phường Đồng Mai đã triệu tập a Q lên trụ sở công an phường để lấy lời khai. Tại đây, trong quá trình lấy lời khai, a Q đã tự tử bằng cách lao đầu vào tường, sự việc xảy ra, a Q được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, nhưng do vết thương quá nặng a đã tử vong sau đó.

Qua sự việc cho thấy, nếu như công an phường Đồng Mai thực hiện đúng chức năng và trình tự thủ tục, cũng như trình tự tố tụng theo quy định của pháp luật thì hậu quả đáng tiếc đã không xảy ra. Ở đây cho thấy, sự việc mới chỉ là đơn tố cáo của vợ là chị H, lẽ ra công an phường Đông Mai sau khi nhận được đơn tố cáo phải tiến hành điều tra xác minh nội dung tố cáo của chị H, nhưng ở đây công an phường Đồng Mai đã triệu tập anh Q lên trụ sở công an phường để lấy lời khai đối với anh Q, làm cho đối tượng nghi vấn hoang mang suy nghĩ tiêu cực và hậu quả là đã tự đập đầu vào tường để tự vẫn, chính việc làm của cơ quan điều tra đã vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự, dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra. Cũng từ vụ việc thiếu trách nhiệm, làm sai trình tự, thủ tục tố tụng nêu trên của cán bộ, công an phường Đồng Mai để xảy ra vụ việc như đã nêu trên Công an quận Hà Đông cũng đã có những hình thức kỷ luật xác đáng đối với cán bộ và lãnh đạo công an phường Đồng Mai, đây cũng là bài học kinh nghiệm để các đơn vị, cơ quan công an học tập rút kinh nghiệm.

Thứ ba, việc xây dựng nhà tạm giữ mặc dù đã theo mẫu thiết kế song không đảm bảo được yếu tố an toàn, có nơi đối tượng còn trao đổi thông tin được, bỏ trốn hoặc liên lạc được ra bên ngoài. Gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như ảnh hưởng đến công tác điều tra các vụ án.

Ví dụ: Công an huyện Phúc Thọ - Hà Nội, do chuyển trụ sở làm việc từ địa điểm cũ ra địa điểm mới. Tại nơi đặt trụ sở mới này có mặt tiền trụ sở là giáp quốc lộ 32, mặt sau xây nhà tạm giữ, khu vực xung quanh này chủ yếu là tiếp giáp với cánh đồng, người dân vẫn làm ruộng của mình sát với nhà giam giữ nên đã có trường hợp đối tượng bị tạm giữ nhờ người dân mua thuốc lá giúp. Điều này không những vi phạm chế độ giam, giữ mà còn không đảm bảo an ninh, an toàn cho đối tượng bị tạm giữ, có thể dẫn đến nhiều tình huống xấu có thể xảy ra như người bị tạm giữ có thể bỏ trốn, có thể bị đe dọa

tính mạng, sức khỏe hoặc có thể dùng công cụ, phương tiện khác để tự tử nhằm trốn tránh sự trừng trị của pháp luật…

Thứ tư, việc quá tải ở nhà tạm giữ, việc xử lý hành chính và tạm giữ tố tụng còn lẫn lộn nên không phân hóa được đối tượng tạm giữ. Có trường hợp tạm giữ người chưa thành niên cùng với đối tượng đã thành niên. Hơn nữa, việc tạm giữ tập trung vào một phòng sẽ gây ra tình trạng mất vệ sinh, an toàn phòng cháy chữa cháy; không đảm bảo ảnh hưởng đến sức khỏe người tạm giữ. Việc tạm giữ quá hạn do thiếu kiểm tra, do tạm giữ hành chính và xử phạt hành chính đã áp dụng lẫn lộn với hoạt động tố tụng. Mặt khác một số cán bộ thiếu kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn nên việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ người còn vi phạm pháp luật như đánh đập; không cho người bị tạm giữ được hưởng một số quyền lợi, chế độ theo quy định của pháp luật; xử lý các hình thức xử phạt một cách tùy tiện hoặc buộc thân nhân của người bị tạm giữ phải thanh toán một số chi phí bất hợp lý.

Ví dụ: Công tác tạm giữ tại quận Hà Đông cho thấy việc tạm giữ người chưa thành niên cùng với người đã thành niên, hay tạm giữ những đối tượng trong cùng một vụ án trong một nhà tạm giữ là có, việc vi phạm này cán bộ và điều tra viên, kiểm sát viên đều biết nhưng thực tế cho thấy do số lượng phòng tạm giữ có hạn cho nên có những lúc phòng tạm giữ trong tình trạng quá tải, hơn nữa có những vụ việc số lượng người tạm giữ trong cùng một vụ việc lên đến hàng chục người, vì vậy để đảm bảo được đúng nguyên tắc tạm giữ là điều không thể, với đặc thù quận Hà Đông là đơn vị đang có rất nhiều dự án đang triển khai để thu hồi đất giải phóng mặt bằng, chính vì vậy trong thời gian qua việc cưỡng chế để thu hồi đất giải phóng mặt bằng gặp phải sự phản đối gay gắt thậm chí chống đối quyết liệt với chính quyền địa phương, điều này đã dẫn đến nhiều đối tượng quá khích, cầm đầu tập trung đông người chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, công an quận Hà

Đông phải áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ những đối tượng quá khích, có những vụ số lượng người tạm giữ lên đến hàng chục đối tượng. Việc này đã dẫn đến nhà tạm giữ không đủ để đảm bảo cho việc tạm giữ đúng nguyên tắc theo quy định của pháp luật.

Một phần của tài liệu Vai trò của viện kiểm sát trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam trong luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 46 - 52)