Dành một phần tài sản trong khối di sản thừa kế để di tặng, thờ cúng

Một phần của tài liệu pháp luật việt nam về quan hệ thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài (Trang 31 - 32)

5. Bố cục đề tài

2.1.2.3.Dành một phần tài sản trong khối di sản thừa kế để di tặng, thờ cúng

Thứ nhất, theo pháp luật Việt Nam di sản dùng vào việc thờ cúng trong quan hệ thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài cũng được giải quyết dựa theo quy định tại khoản 1 điều 670 Bộ luật dân sự 2005: “Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để được thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng. Nếu như người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng. Trong trường hợp những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật”.

Di sản thờ cúng trong quan hệ thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài chỉ được đề cập đến nếu trong di chúc người để lại di sản ghi rõ là dùng vào việc thờ cúng. Luật quy định di sản thờ cúng không được chia thừa kế, vì người hưởng di sản thừa kế có quyền định đoạt phần di sản mình được hưởng từ thừa kế nhưng người quản lý di sản thờ cúng thì chỉ có quyền sử dụng và quyền chiếm hữu mà không có quyền định đoạt di sản thờ cúng. Vì vậy khi phân chia di sản thì phải trừ di sản thờ cúng ra khỏi khối di sản sẽ chia. Nếu người được chỉ định quản lý di sản thừa kế không thực hiện đúng di chúc thì những người thừa kế có quyền giao di sản thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng (theo đúng nghi lễ thờ cúng lâu đời tại nơi người để lại di sản sống, nghi lễ đó phải phù hợp phong tục tập quán, không trái đạo đức xã hội, không bị pháp luật cấm…). Trong trường hợp những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

Ngoài ra, di sản thờ cúng còn chịu sự giới hạn của pháp luật nhằm tránh việc người để lại di sản thừa kế trốn tránh nghĩa vụ tài sản cho chủ nợ nên tại khoản 2 điều 670 cũng quy định nếu toàn bộ di sản của người chết để lại không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản thì không được dành một phần di sản vào việc thờ cúng. Việc quy định như vậy nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của những chủ thể mà người để lại di chúc có nghĩa vụ tài sản.

Thứ hai, về vấn đề di tặng. Điều 671 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác. Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc. Người được nhận di tặng thì người đó không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để

thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng này cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này”. Người được di tặng cũng giống như người thừa kế theo di chúc, họ có thể là bất cứ ai, bất cứ cơ quan tổ chức nào. Hiệu lực của việc di tặng cũng được xác định theo hiệu lực của di chúc. Nghĩa là việc di tặng chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm người lập di chúc chết và người được di tặng phải còn sống vào thời điểm đó. Vì tính chất nhân văn của việc “tặng” nên người được tặng di sản không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản giống như người thừa kế. Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc, nếu không ghi rõ đó là di tặng thì người được di tặng sẽ hưởng di sản với tư cách là người thừa kế. Và họ sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết trong phạm vi di sản được nhận. Sở dĩ pháp luật quy định như vậy là việc một người để lại một phần di sản để tặng cho người khác nhằm thể hiện sự trân trọng đối với người nhận mà bắt họ cùng thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết thì mất đi ý nghĩa của việc di tặng.

Tuy nhiên, để tránh việc lập di chúc trốn tránh nghĩa vụ tài sản với chủ nợ bằng cách thay vì người nhận là người hưởng di sản với tư cách là người thừa kế thì lại cho họ hưởng với tư cách là người nhận di tặng để trốn tránh nghĩa vụ tài sản. Vì vậy pháp luật quy định nếu toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng này cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này.

Một phần của tài liệu pháp luật việt nam về quan hệ thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài (Trang 31 - 32)