Tình hình nghiên cứu pheromone giới tính ở Việt Nam

Một phần của tài liệu đánh giá hiệu quả phòng trị sâu đục trái conogethes punctiferalis guenée (lepidoptera: pyralidae) bằng bẫy pheromone giới tính tổng hợp trên cây ổi và sầu riêng tại thành phố cần thơ và tỉnh vĩnh long (Trang 25 - 27)

Từ khi Butenandt et al. (1959) tìm ra hợp chất pheromone đầu tiên là chất bombykol [(10E,12Z)-10,12-hexadecadien-1-ol] của bướm tằm (Bombyx mori L) thì việc nghiên cứu và ứng dụng pheromone giới tính đã được phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới (Ando et al., 2004). Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực khá mới mẻ đối với Việt Nam, nên điều kiện và số lượng đề tài nghiên cứu còn nhiều hạn chế.

Năm 2003, bẫy pheromone đã được áp dụng trên tổng diện tích 656,8 ha tại 9 tỉnh trong cả nước để phòng trừ 6 loại sâu hại trên 7 loại cây trồng là rau hoa thập tự, hành tây, cà chua, lạc, dưa hấu, nho và vải thiều. Trong đó, cây trồng áp dụng lớn nhất là rau hoa thập tự với tổng diện tích 245 ha (Lê Văn Trịnh và ctv, 2005). Bẫy pheromone giới tính đang là một công cụ phòng trị côn trùng gây hại hiệu quả ở nước ta. Kết quả thí nghiệm về khả năng hấp dẫn của pheromone đối với một số đối tượng sâu hại trên rau họ thập tự, cà chua, nho, hành tây, hành ta, dưa hấu, lạc và vải thiều đã ghi nhận được số lượng trưởng thành sâu tơ (Plutella xylostella), sâu ăn tạp (Spodoptera litura), sâu xanh (Helicoverpa armigera) và sâu xanh da láng (Spodoptera exigua) vào bẫy khá lớn (125,8 - 139,2 con/bẫy/ngày), riêng sâu đục cuống quả vải (Camellia sinensis) thì rất ít (7,6 con/bẫy/ngày) (Lê Văn Trịnh và ctv., 2005).

Một số nghiên cứu về khảo sát sự biến động quần thể côn trùng gây hại. Đỗ Đức Cương (2006) đã thực hiện thí nghiệm theo dõi sự biến động số lượng thành trùng Prays sp. vào bẫy pheromone (1 mg Z7-14:Ald/tuýp) tại 3 vườn bưởi thuộc tỉnh Vĩnh Long trong suốt thời gian từ ngày 9/8/2005 - 7/2/2006. Thí nghiệm đã ghi nhận được Prays sp. hiện diện liên tục trong suốt thời gian thí nghiệm và mật số biến động cao hay thấp phụ thuộc vào mùa và tương ứng với các giai đoạn sinh lý của cây. Mức độ vào bẫy của thành trùng loài sâu đục vỏ trái ở các tháng cuối mùa mưa tương ứng với giai đoạn cây bưởi chưa ra hoa là thấp và tăng đỉnh điểm là vào các tháng của mùa nắng tương ứng với giai đoạn cây ra hoa và tượng trái non.

Vang et al. (2008), qua quá trình nghiên cứu tổng hợp và đánh giá ngoài đồng ở Việt Nam và Nhật Bản đối với 7,11,13-Hexadecatrienal – thành phần pheromone giới tính mới được xác định từ bướm sâu vẽ bùa cái (Phyllocnistis citrella) đã chỉ ra rằng bướm sâu vẽ bùa đực tại Thành phố Cần Thơ, Việt Nam chỉ bị hấp dẫn mạnh khi phối hợp 7,11-Hexadecadienal và 7,11,13-Hexadecatrienal với tỉ lệ 1:3 mà không hề bị thu hút khi chỉ có một thành phần 7,11-Hexadecadienal, trong khi ở Nhật Bản thì hiệu quả thu hút bướm đực vào bẫy sẽ giảm khi pha thêm thành phần 7,11,13-Hexadecatrienal vào mồi pheromone. Cho đến nay, pheromone giới tính của 4 loài bướm thuộc giống Prays đã được xác định và tất cả đều là hợp

chất Z7-14:Ald, P. citri ở Israel, P. olae ở Hy Lạp, P. nephelomima ở New Zealand và Prays sp. ở ĐBSCL. Theo kết quả phân tích và đánh giá ngoài đồng của Lê Kỳ Ân (2009) cũng chứng tỏ pheromone của Prays sp. ở vùng ĐBSCL cũng chỉ gồm một thành phần duy nhất là Z7-14:Ald. Lê Kỳ Ân (2009), qua quá trình đánh giá hiệu quả phòng trừ loài sâu đục vỏ trái Pray sp. bằng phương pháp quấy rối bắt cặp, kết quả ghi nhận được ở hai nghiệm thức treo 200 tuýp/ha và nghiệm thức treo 400 tuýp/ha cho hiệu quả ngăn chặn bắt cặp 100% trong suốt quá trình thí nghiệm.

Diễn biến mật số quần thể của bướm sâu vẽ bùa Phyllocnistis citrella

Stainton, gây hại cây có múi ở Thành phố Cần Thơ và huyện Châu Thành tỉnh Hậu Giang đã được khảo sát bằng biện pháp đặt bẫy pheromone giới tính (Châu Nguyễn Quốc Khánh và ctv., 2009)… Có thể thấy, việc khảo sát biến động quần thể của các loài côn trùng gây hại bằng pheromone giới tính đang phát triển và dần thay thế cho các loại bẫy thủ công khác như bẫy đèn và bẫy màu.

Huỳnh Thị Ngọc Linh (2008) đã xác định rằng, bẫy pheromone giới tính đã thành công trong khảo sát diễn biến mật số quần thể của bướm sâu đục vỏ trái bưởi

Prays sp., bướm hiện diện liên tục quanh năm với mật số cao nhất vào tháng 3, 4, 12 và mật số thấp nhất vào tháng 8.

Theo Nguyễn Quốc Tuấn (2012), trong điều kiện ngoài đồng ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, hàm lượng thích hợp cho việc áp dụng mồi pheromone giới tính là 0,5 mg/tuýp đối với sùng khoai lang. Biện pháp đặt bẫy pheromone giới tính kết hợp nấm xanh (Metarhizium anisopiae) có hiệu quả phòng trị sùng khoai lang tương đương với biện pháp xử lý nông dược của nông dân ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh và cho hiệu quả cao hơn có ý nghĩa so với biện pháp xử lý bằng nông dược của nông dân ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Theo kết quả phân tích Sắc ký khí – Điện râu (GC-EAD (Gas Chromatographic-Electroantennogram Detector)) và Sắc ký khí – Khối phổ (GC- MS (Gas Chromatography combined with Mass Spectrometry)) của mẫu pheromone ly trích từ bướm cái thô và với dẫn suất DMDS và kết quả đánh giá ngoài đồng đã xác định ở ĐBSCL pheromone giới tính của loài Archips atrolucens

là hỗn hợp gồm E9-14:OAc, E11-14:OAc và Z11-14:OAc ở tỉ lệ 4:32:64; pheromone giới tính của loài bướm Homona sp. là hỗn hợp gồm Z11-14:OAc và Z9-12:OAc ở tỉ lệ 96:4 và pheromone giới tính của loài bướm Adoxophyes privatana là hỗn hợp Z11-14:OAc và Z9-14OAc với tỉ lệ 92:8 (Hồ Như Thủy, 2012).

Pheromone giới tính của sâu đục thân cây mai dương Camenta mimosa

Eichlin và Passoa (Lepidoptera: Sesiidae) tại Thành phố Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long là một thành phần (Z,Z)-3,13-Octadecadienyl acetate (Z3,Z13-

18:OAc) (Liễu Triều Tiến, 2013) Khi chế tạo mồi bằng tuýp cao su do Việt Nam sản xuất thì hiệu lực hấp dẫn kéo dài đến 56 ngày tương đương với tuýp cao su ngoại nhập Aldrich là 77 ngày (Phạm Bảo Lộc và Trần Văn Hiếu, 2012). Mở ra một triển vọng mới trong việc phòng trị loài cỏ dại nguy hiểm này.

Một phần của tài liệu đánh giá hiệu quả phòng trị sâu đục trái conogethes punctiferalis guenée (lepidoptera: pyralidae) bằng bẫy pheromone giới tính tổng hợp trên cây ổi và sầu riêng tại thành phố cần thơ và tỉnh vĩnh long (Trang 25 - 27)