Gạo thành phẩm được vô bao PP (thông thường 50 kg), miệng bao được may bằng chỉ cotton. Sau khi vào bao, gạo được chuyển đến kho chứa thành phẩm, cách sắp xếp tương tự bảo quản nguyên liệu, ngoài ra trên pallet có trải lớp nhựa, lô gạo sau khi xếp xong được đậy kín bằng một tấm nhựa khác, mục đích là để tránh côn trùng xâm nhập phá hại, tránh hút ẩm vào gạo.
Đối với lô gạo yêu cầu phun trùng để diệt sâu bọ và trứng của nó thì sẽ đậy kín lô gạo bằng nhựa rồi xông hơi đều hơi thuốc vào bên trong. Có thời gian để thuốc tác dụng và tự phân hủy. Đến lúc xuất kho mới mở ra và vận chuyển vào xe đảm bảo không nhiễm trứng côn trùng từ bên ngoài.
Thành phẩm ít lưu lại lâu trong kho, thường thì sau khi sản xuất xong sẽ tiến hành thủ tục xuất hàng nhanh, nên tránh được những biến đổi cho thành phẩm.
Kho bảo quản phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Nhà kho có kết cấu vững chắc, có thể chống ẩm, chống nóng, mưa bão,… - Chống được sự lây nhiễm, xâm nhập của các vi sinh vật và côn trùng gây hại. - Trước khi nhập kho và sau khi xuất kho phải làm vệ sinh sạch sẽ, sát trùng (cả tường, nền kho, pallet phải được tiệt trùng bằng thuốc cho phép sử dụng trong kho lương thực và phải đúng liều lượng quy định của cơ quan chuyên ngành).
- Nền kho phải được kê lót đầy đủ.
- Gạo đưa vào bảo quản phải đạt tiêu chuẩn độ ẩm không lớn hơn 14%. Nếu vượt quá 14% phải xếp riêng để bảo quản tạm thời chờ xử lý hoặc tiêu thụ ngay.
- Bao gạo xếp thành từng lô mỗi lô không quá 300 tấn, trong mỗi lô phải xếp gạo cùng loại phẩm cấp, cùng loại bao, lô gạo không được chất quá cao.
- Lô gạo phải xếp thẳng hàng, vuông góc với sàn kho để đảm bảo lô gạo không ngã. - Lô gạo không chất xếp gạo cao quá 15 lớp bao.