- Về căn cứ chấm dứt quyền bề mặt: Điều 295 Dự thảo BLDS (sửa đổi) quy định:“Quyền bề mặt chấm dứt trong những trường hợp sau đây: 1 Hợp đồng hoặc cam
1. Thời hiệu thừa kế
1.2. Thực trạng pháp luật Việt Nam
Sự lẫn lộn trong nhận thức phổ biến hiện nay. Luật Việt Nam hiện hành không phân biệt giữa yêu cầu về thừa kế và yêu cầu chia di sản khi nói về thời hiệu khởi kiện. Theo Điều 645 BLDS, thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm kể từ thời điểm mở thừa kế.
Với quy định đó, dù tư cách người thừa kế được thừa nhận, nhưng nếu không tiến hành chia di sản trong vòng mười năm, thì người thừa kế sẽ mất quyền yêu cầu chia di sản; Điều này cũng đồng nghĩa với việc người đó mất luôn phần di sản được hưởng trong trường hợp phần di sản đó được thể hiện thành một phần hiện vật và hiện vật ấy đang được người đồng thừa kế khác nắm giữ, quản lý.
Đáng chú ý là BLDS hiện hành cũng xây dựng hẳn một chế định sở hữu chung như là một phần của luật chung về quyền sở hữu. Trong chế định ấy lại không có quy định đòi hỏi chủ sở hữu chung phải yêu cầu chia tài sản chung trong vòng mười năm. Bởi vậy, quyền sở hữu chung có được do thừa kế có thể mất đi sau mười năm; còn quyền sở hữu chung có được do các căn cứ khác (ví dụ mua bán, trao đổi, tặng cho) thì tồn tại theo luật chung, nghĩa là có thể vĩnh viễn, nếu không ai muốn chia. Không có cách nào để lý giải sự phân biệt đối xử đó.
Trước đây, khi hướng dẫn áp dụng các quy định về thời hiệu theo BLDS năm 1995, Toà án tối cao cho rằng, để loại trừ các tác động của quy định về thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, thì các đồng thừa kế phải bày tỏ ý chí, bằng văn bản, thừa nhận lẫn nhau là đồng thừa kế; có một văn bản như thế, di sản mới được chuyển thành tài sản chung và chịu sự chi phối của luật chung[3].
Cách giải thích này không hợp lý, bởi việc thừa nhận tư cách người thừa kế là kết quả của việc áp dụng pháp luật, chứ không lệ thuộc vào ý chí chủ quan của các đồng thừa kế. Trong ví dụ nêu trên, X và Y có thể không bao giờ muốn nói chuyện với nhau thậm chí không muốn nhìn mặt nhau; nhưng họ buộc phải tuân thủ pháp luật, đặc biệt là các quy định về sở hữu chung. Y không thể mất quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản, dù bao nhiêu năm trôi qua sau khi được toà án công nhận là người thừa kế, bởi đơn giản Y không mất quyền sở hữu của mình đối với di sản.
Hướng khắc phục. Trong các nỗ lực khắc phục những sai lầm, nhóm soạn thảo BLDS[4] viết lại điều luật về thời hiệu thừa kế.
“Điều 646. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hạn yêu cầu Tòa án giải quyết việc thừa kế là ba mươi năm đối với bất động sản, mười năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
2. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản theo quy định tại khoản 1 Điều này thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu hoặc được lợi một cách ngay tình, liên tục, công khai nếu việc chiếm hữu, được lợi phù hợp với quy định tại Điều 177 và Điều 178 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước nếu không có người khác chiếm hữu hoặc được lợi về di sản theo quy định tại điểm a khoản này”.
Điều luật này vẫn còn rất tối nghĩa và vẫn có thể dẫn đến hiểu lầm như trước. Cần xác định “việc thừa kế” là việc gì. Đó chỉ có thể là việc “yêu cầu thừa nhận tư cách thừa kế” của nguyên đơn hoặc “yêu cầu bác bỏ tư cách thừa kế” của bị đơn, như nói ở trên.
Trong không ít trường hợp, một người đồng thời yêu cầu công nhận tư cách thừa kế của mình và yêu cầu chia di sản. Thời hiệu chỉ áp dụng đối với loại yêu cầu thứ nhất, không áp dụng đối với yêu cầu thứ hai. Nếu yêu cầu thứ nhất bị từ chối do hết thời hiệu, thì yêu cầu thứ hai trở nên vô nghĩa, không cần được xem xét.
Bởi vậy tốt nhất là quy định như sau.
“Điều 646. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hạn yêu cầu Tòa án công nhận tư cách người thừa kế của mình hoặc bác bỏ tư cách người thừa kế của người khác là ba mươi năm đối với việc thừa kế có đối tượng làbất động sản, mười năm đối với việc thừa kế có đối tượng là động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”.
2. Thời hiệu