Ô TÔ TỪ THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC TẠI CÔNG TY TNHH Ô TÔ ĐÔNG PHONG
3.3.5 Làm thủ tục hải quan
Khai báo hải quan
Sau khi hàng nhập khẩu về đến cảng theo như thông báo thì công ty phải đi nhận vận đơn gốc ký hậu hoặc bảo lãnh nhận hàng của ngân hàng mở L/C đến đại lý hãng tàu để nhân viên giao hàng tiến hành làm thủ tục hải quan để nhập khẩu linh kiện phụ tùng ô tô. Đây là công việc thường nhật của các cán bộ phòng xuất nhập khẩu của công ty. Các nhân viên phòng xuất nhập khẩu hoàn thành các chứng từ, mở tờ khai, tính thuế. Trong tờ khai hải quan kê khai đầy đủ, chính xác. Nội dung tờ khai bao gồm: Tên người nhập khẩu, số giấy phép nhập khẩu, số hợp đồng, hoá đơn, phương tiện vận chuyển, tên người xuất khẩu,
nước xuất khẩu, cảng xuất khẩu, cảng xuất hàng, điều kiện cơ sở giao hàng, đồng tiền thanh toán, phương thức thanh toán, kê khai đầy đủ tên hàng, quy cách phẩm chất, mã số thuế hàng hoá, đơn giá nguyên tệ, trợ giá…. Căn cứ trên trị giá thanh toán để khai báo vào mã số hàng hoá nhập khẩu, công ty tiến hành tính thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có). Đồng thời công ty phải dựa vào căn cứ tính thuế đã khai và xác định mã số hàng hoá, thuế suất, giá trị thuế theo quy định để tính toán số thuế phải nộp của từng loại thuế và từng loại linh kiện phụ tùng ô tô.
Ngoài ra thì khi làm thủ tục hải quan, công ty còn phải nộp kèm tờ khai hải quan một số giấy tờ khác có liên quan gồm:
- Hợp đồng thương mại
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao) đối với nhập khẩu lần đầu - Chứng nhận đăng ký mã số thuế xuất nhập khẩu của công ty (bản sao) đối với nhập khẩu lần đầu
- Bộ tờ khai hàng nhập khẩu và phụ lục về danh mục các linh kiện phụ tùng nhập khẩu kèm theo số khung số máy
- Hoá đơn thương mại (1 bản chính, nếu chưa có bản chính thì nộp bản sao và công văn xin nợ)
- Phiếu đống gói - Vận đơn
- Giấy giới thiệu của Giám đốc công ty - Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá - Giấy báo hàng về
Sau khi nộp bộ hồ sơ cho cơ quan hải quan, bộ phận nghiệp vụ của cơ quan hải quan tiến hành nhận hồ sơ, căn cứ sự khai báo của công ty trên tờ khai hải quan và hồ sơ nhập khẩu mà công ty xuất trình. Sau khi kiểm tra xong, hải quan sẽ cho số tờ khai và ra thông báo thuế tạm tính cho doanh nghiệp và chuyển hồ sơ cho cán bộ chi cục để kiểm tra thực tế.
Xuất trình hàng hoá nhập khẩu
Sau khi làm tờ khai hải quan, công ty sẽ xuất trình hàng hoá nhập khẩu cho cơ quan hải quan kiểm tra. Căn cứ vào tính chất của hàng hoá nhập khẩu, cơ
quan hải quan sẽ quyết định: địa điểm kiểm tra hàng hoá, tỷ lệ kiểm tra… và sẽ kiểm tra hàng hoá trước sự chứng kiến của đại diện công ty. Việc kiểm tra hàng hoá của hải quan cũng diễn ra nhanh chóng, tuy nhiên thông thường hàng hoá của công ty phải kiểm tra nhiều hoặc 100%. Nếu lô hàng phải kiểm tra thì hồ sơ sẽ được chuyển sang bộ phận kiểm hoá để kiểm tra thực tế lô hàng nhập khẩu. Cán bộ kiểm hoá sẽ kiểm tra đối chiếu số lượng hàng, mã số thuế hàng hoá nhập khẩu xem có phù hợp với khai báo của công ty hay không. Nếu có sự sai khác, cán bộ kiểm hoá sẽ ghi lại kết quả kiểm tra, điều chỉnh lại mã số thuế hàng hoá nhập. Bộ phận thuế quan của hải quan sẽ kiểm tra tính lại thuế và ra quyết định điều chỉnh tăng hay giảm thuế.
Biên bản kiểm hoá phải được lập với một số nội dung sau: - Người quyết định hình thức kiểm tra
- Hình thức kiểm tra (miễn kiểm tra, kiểm tra xác xuất, kiểm tra toàn bộ) - Địa điểm và thời gian kiểm tra
- Nhận xét và kết luận của người kiểm tra
Biên bản kiểm hoá phải có chữ ký của hai cán bộ hải quan và đại diện của công ty
Nếu khi kiểm tra phát hiện sự cố như hàng hoá đổ vỡ, thiếu hỏng những linh kiện phụ tùng lớn mà khi mở máy ra phát hiện ngay được, đại diện của công ty cùng với cơ quan hải quan phải lập biên bản xác nhận hoặc ngừng việc kiểm tra hàng hoá để mời cơ quan giám định nhà nước về lập biên bản tại hiện trường (có chụp ảnh) làm căn cứ khiếu nại với nhà cung ứng. Còn nếu phát hiện ra các sai sót như hỏng hóc, hàng thiếu do quá trình vận chuyển thì biên bản sẽ được chuyển đến công ty bảo hiểm đề nghị bồi thường.
Công ty phải chịu mọi chi phí về việc mở, đóng gói các kiện hàng, đồng thời phải sắp xếp hàng hoá thuận tiện cho việc kiểm tra.
Thực hiện các quyết định của hải quan
Sau khi kết thúc việc kiểm tra, hải quan sẽ giải phóng lô hàng. Hải quan sẽ thông báo nộp thuế cho công ty. Nếu lô hàng phải nộp thuê ngay thì công ty phải nộp thuế trước khi lấy hàng về. Còn với những lô hàng khác thì công ty sẽ phải
nộp thuế trong vòng 30 ngày. Đại diện công ty sẽ phải đến cơ quan thuế theo yêu cầu của cơ quan hải quan để nộp khoản thuế nhập khẩu.
Hàng hoá của công ty vận chuyển bằng hai con đường là đường biển qua cảng Hải Phòng và đường bộ qua cửa khẩu Lạng Sơn. Nhờ có cải cách Luật Hải quan mà thủ tục hải quan tại cửa khẩu đã được cải thiện tương đối hơn so với trước đó. Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh quốc tế nói chung và công ty Đông Phong nói riêng trong hoạt động Xuất nhập khẩu.
Nhìn vào kết quả tổng hợp ta thấy điểm bình quân mức độ thực hiện nghiệp vụ làm thủ tục hải quan của công ty là 3,625, mức điểm trung bình này thì nghiệp vụ này khá tốt. Tuy nhiên theo ý kiến đánh giá của các chuyên gia thì mức độ đánh giá nghiệp vụ này Tốt là 6.25%, Đạt yêu cầu là 25% và Còn thiếu sót là 12.5%. Điều này chứng tỏ trong quá trình thực hiện làm thủ tục hải quan công ty vẫn còn những thiếu sót. Theo như điều tra phỏng vấn từ các chuyên gia thì vấn đề vướng mắc khiến công ty thực hiện nghiệp vụ này không tốt đó là do bên xuất khẩu giao sai số lượng hàng hoá, làm cho nhân viên khai báo hải quan kê khai số lượng hàng hoá nhập khẩu sai, dẫn theo việc tính thuế cũng sai. Lý do thứ hai là vì bên xuất khẩu khi thay đổi mã kí hiệu hàng hoá không báo trước cho công ty nên cũng khiến việc khai báo hải quan sai, làm cho công tác làm thủ tục hải quan bị gián đoạn, mất thời gian làm lại ảnh hưởng tới quá trình thực hiện hợp đồng nhập khẩu.