Kết quả xây dựng nông thôn mới

Một phần của tài liệu Hoạt động cho vay xây dựng nông thôn mới tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Lâm Đồng (Trang 65 - 70)

Một là, Chi nhánh đã khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư cho xây dựng NTM, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí quốc gia về NTM trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Sau hơn 2 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, Agribank Lâm Đồng đã phối hợp một cách tích cực và chủ động với Ban chỉ đạo chương trình cũng như các Ban, ngành địa phương, theo sát các tiêu chí đề án, cùng chung sức chung lòng tập trung vốn, tạo mọi điều kiện để phát triển sản suất kinh doanh, nâng cao đời sống, giải quyết vấn đề việc làm, cơ cấu lao động. Việc tập trung toàn lực đó đã tạo nên thành quả đáng khích lệ. Bộ mặt nông thôn ở các xã xây dựng NTM đã có những cải biến rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người tăng, có những xã hiện đã hơn 20 triệu đồng/người/năm, công nghệ kỹ thuật tiên tiến đã và đang được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản lượng, đời sống nông thôn ổn định.

Nội dung, cơ chế vốn vay ngân hàng đối với các xã thực hiện Chương trình xây dựng NTM được các chi nhánh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai một cách rõ ràng đến người dân đã tạo điều kiện để khách hàng vay vốn một cách nhanh nhất, góp phần tăng hiệu quả đồng vốn, từ đó nâng cao hiệu quả sản suất kinh doanh, cải thiện đời sống nông dân.

Chi nhánh đã cử đồng chí Giám đốc tham gia vào Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM của tỉnh theo quyết định số 376-QĐ/TU ngày 15/11/2011 của Tỉnh ủy Lâm Đồng. Qua sự chỉ đạo của Agribank, UBND và NHNN tỉnh Lâm Đồng về triển khai công tác xây dựng NTM, chi nhánh đã chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc thực hiện một số nội dung trọng điểm là: Thường xuyên phối hợp với Ban chỉ đạo xây dựng NTM tại địa phương, các Ban, Ngành có liên quan cập nhật thông tin về tiến độ thực hiện chương trình tại các xã, đồng thời nắm bắt và xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ vay vốn giữa ngân hàng và khách hàng. Từng đơn vị cơ sở căn cứ vào đề án xây dựng NTM của từng địa phương để nắm bắt nhu cầu vốn tín dụng, xây dựng phương án cụ thể để đầu tư tín dụng trên địa bàn xã xây dựng NTM.

Hoạt động đầu tư vốn của chi nhánh đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, chất lượng tín dụng đầu tư cho xây dựng NTM qua các năm đều đạt thấp hơn rất nhiều so với mức an toàn cho phép theo quy định của NHNN (dưới 3%), điều này đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay xây dựng NTM tại địa phương.

Cơ chế vay vốn ngân hàng ngày càng thông thoáng, công khai thủ tục cho vay đối với khách hàng một cách rõ ràng, minh bạch. Chủ động và ưu tiên về nguồn vốn để tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng, thực hiện tư vấn cho khách hàng trong việc sử dụng vốn vay bảo đảm an toàn, hiệu quả cho cả khách hàng và ngân hàng. Trên cơ sở phân tích, đánh giá những thế mạnh, hạn chế của địa phương, nhu cầu phát triển của kinh tế nông nghiệp, nông thôn, chi nhánh đã mở rộng cho vay xây dựng NTM, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để phát triển kinh tế trên địa bàn góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Qua hoạt động cho vay xây dựng NTM chi nhánh đã góp phần hình thành các liên kết giữa Nhà nông, nhà Doanh nghiệp và ngân hàng trong quá trình vay vốn, góp phần từng bước tạo nên các vùng chuyên canh lớn như cây chè; cà phê;

rau, hoa, cây ăn trái, đầu tư áp dụng công nghệ kỹ thuật mới, cho sản phẩm năng suất và chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, từ đó đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Tính đến 06/2012, sau hơn 02 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM, Agribank Lâm Đồng đã góp phần quan trọng vào phong trào xây dựng NTM tại địa phương, kết quả thực hiện tại địa phương như sau:

Đối với xã Tân Hội, huyện Đức Trọng (là một trong 11 xã điểm của Trung ương được chọn thí điểm xây dựng mô hình NTM) đến nay đã đạt được 18/19 tiêu chí, còn tiêu chí về cơ cấu lao động là chưa đạt được. Vốn vay của xã tập trung chủ yếu phát triển một số loại cây trồng chính như cà phê, lúa, dâu tằm góp phân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và góp phân hoàn thành các tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Tính đến nay, diện tích cà phê toàn xã là 1.150 ha; 130/210 ha lúa một vụ được chuyển đổi sang trồng các loại cây rau, hoa màu mang lại thu nhập cho người dân khoảng 78 triệu đồng/ha (gấp 7 lần so với trồng lúa một vụ), dâu tằm từ 200 ha ở đầu năm 2010 được cải tạo và mở rộng lên 250 ha với giá trị sản xuất 150 triệu/ha, thu nhập gần 100 triệu đồng/ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt khoảng 96 triệu/ha/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 21,5 triệu đồng/năm bằng 1,08 lần mức bình quân chung toàn tỉnh. Với kết quả đạt được như trên đã góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, hộ nghèo giảm còn 3%, hộ cận nghèo 2,1%.

Đối với các xã còn lại: Đã hoàn thành quy hoạch xây dựng mạng lưới điểm dân cư nông thôn, quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Đến nay có 01 xã đạt được 16 tiêu chí (Xã Xuân Trường- TP Đà Lạt, năm 2011 đạt 14 tiêu chí); 21 xã đạt từ 9-13 tiêu chí (năm 2011 là 12 xã); 18 xã đạt từ 5-8 tiêu chí (năm 2011 là 20 xã) và không còn xã nào đạt đưới 5 tiêu chí (năm 2011 là 07 xã).

Hai là, Nguồn vốn huy động tăng nhanh nhằm để chủ động đầu tư cho vay xây dựng NTM. Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của nguồn vốn, đặc biệt là

nguồn vốn tự huy động, Agribank Lâm Đồng đã áp dụng mọi biện pháp, hình thức, thể loại vừa có tính chiến lược vừa có tính thiết thực, tranh thủ tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư và nền kinh tế để đầu tư cho xây dựng NTM, ngay cả những lúc khó khăn nhất về vốn vẫn phải ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này.

Gắn việc mở rộng màng lưới ở nông thôn để huy động những khoản tiền gửi nhỏ, lẻ của dân cư với việc xây dựng và triển khai thực hiện đề án kinh doanh trên địa bàn đô thị, khai thác tối đa nguồn vốn tiền gửi của các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, chi nhánh cũng đã tranh thủ các nguồn vốn khai thác được của Agribank từ các định chế tài chính nước ngoài, các tổ chức phi Chính phủ như: WB, ADB…do Agribank chuyển về để cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM.

Đến nay, tổng vốn huy động xây dựng NTM trên toàn tỉnh là 3.810 tỷ đồng, trong đó: Vốn chương trình xây dựng NTM 114 tỷ đồng ( gồm vốn ngân sách tỉnh 67 tỷ đồng, ngân sách Trung ương 21 tỷ đồng, vốn ngân sách Huyện, Thành phố 26 tỷ đồng), vốn nhân dân đóng góp 21 tỷ đồng, vốn tín dụng 3.570 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình khác 104 tỷ đồng.

Ba là, mạng lưới họat động ngân hàng ngày càng được mở rộng đến các xã, thị trấn tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế và nhất là nông dân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận nguồn vốn vay của Agribank một cách dễ dàng, tiết kiệm thời gian, chi phí vay vốn. Đến 30/06/2012, màng lưới của chi nhánh được bố trí rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh với 27 điểm giao dịch, bao gồm: 1 Hội sở, 11 chi nhánh loại 3 và 15 phòng giao dịch.

Bốn là, mở rộng đầu tư tín dụng. Thông qua mở rộng các đối tượng cho vay, khối lượng đầu tư tín dụng cho xay xây dựng NTM của AgribankLâm Đồng đã gia tăng mạnh và liên tục qua các năm, từ đó, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tăng năng suất, hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn.

Nắm được nhu cầu của người vay và căn cứ đặc điểm trong sản xuất nông nghiệp, Agribank Lâm Đồng đã áp dụng rộng rãi các phương thức cho vay: cho vay từng lần, cho vay theo hạn mức, cho vay trả góp; thực hiện cho vay qua tổ vay vốn; cho vay hộ gia đình cá nhân nhận khoán thông qua doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm…đã từng bước hạn chế cho vay các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, tăng nhanh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, trang trại, hộ sản xuất kinh doanh tại các xã xây dựng NTM.

Năm là, góp phần xoá đói, giảm nghèo. Trong giai đoạn 2010 - 06/2012, AgribankLâm Đồng đã tạo điều kiện cho người nghèo được vay vốn để có công ăn, việc làm tăng thu nhập, ổn định đời sống, tạo tiền đề phát triển kinh tế gia đình, góp phần xoá đói giảm nghèo đối với nông dân nhất là nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn từ 26,98% năm 2010 xuống còn 16,65% năm 2012; thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn bình quân năm 2010 6,32 triệu đồng, năm 2012 là 15,36 triệu đồng.

Ngoài ra chi nhánh đã cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Thủ tướng Chính Phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo trên cả nước, trong đó tỉnh Lâm Đồng có 01 huyện nghèo là Huyện Đam Rông. Tổng doanh số cho vay từ năm 2010 đến nay là 99,461 tỷ đồng, dư nợ hiện nay là 43,315 tỷ đồng với số lượng khách hàng còn dư nợ là 535 khách hàng, tổng số tiền được hỗ trợ lãi suất là đến nay là 5,937 tỷ đồng.

Sáu là, ý nghĩa về mặt xã hội: Thông qua đầu cho vay xây dựng NTM, chi nhánh Agribank Lâm Đồng đã góp phần nâng cao trình độ dân trí ở nông thôn, tăng thêm sự hiểu biết về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như hiểu biết về thể lệ, chế độ và hoạt động của ngân hàng; tạo điều kiện học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để có thêm kiến thức trong sản xuất, kinh doanh; làm tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau trong cuộc sống; nâng cao đời sống văn

hoá, tinh thần; góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Ngoài ra, thông qua việc tiếp cận các nguồn vốn cho vay của Agribank Lâm Đồng cũng tạo điều kiện cho người dân làm quen dần với kinh tế thị trường, từng bước nâng cao hiểu biết tính toán, hạch toán kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, giảm bớt tình trạng cho vay nặng lãi, bán lúa non, cà phê non ở khu vực nông thôn như trước đây.

Một phần của tài liệu Hoạt động cho vay xây dựng nông thôn mới tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Lâm Đồng (Trang 65 - 70)