9. Cấu trúc khóa luận
2.2. Rèn luyện kỹ năng đọc diễn cảm cho học sinh
Đọc diễn cảm là một yêu cầu của đọc thành tiếng đặt ra khi đọc các văn bản văn chương. Đó là khả năng làm chủ được ngữ điệu, làm chủ được các thông số âm thanh như tốc độ, chỗ ngắt giọng, cường độ, cao độ, tiết tấu của giọng đọc,… để biểu đạt đúng ý nghĩa tình cảm mà tác giả đã gửi gắm trong bài đọc, đồng thời thể hiện được sự thông hiểu, cảm thụ của người đọc đối với tác phẩm. Đọc diễn cảm thể hiện năng lực đọc ở trình độ cao và chỉ thực hiện được trên cơ sở đọc đúng và đọc lưu loát.
Đọc diễn cảm là yêu cầu bắt buộc và tương đối khó đối với học sinh lớp 4. Chính vì vậy, giáo viên cần chọn những biện pháp luyện đọc cho phù hợp để các em khắc phục được những bỡ ngỡ, khó khăn trong khi đọc diễn cảm, thực hiện những bài đọc diễn cảm.
2.2.1. Hướng dẫn học sinh cách xác định và thể hiện giọng đọc cho phù hợp với văn bản
Trước khi rèn luyện kỹ năng đọc diễn cảm một loại hình văn bản nào thì yếu tố quan trọng là học sinh phải được làm quen với toàn tác phẩm. Học sinh xác định, nắm được tư tưởng tác phẩm chính là xác định được giọng đọc, ngữ điệu đọc. Vì vậy, không thể áp đặt sẵn giọng điệu cho tác phẩm và cho rằng giọng thể hiện khi đọc các tác phẩm là giống nhau.
Khi rèn luyện kỹ năng đọc diễn cảm cho học sinh, giáo viên hướng dẫn các em cách đọc thông qua dẫn dắt gợi mở giúp học sinh biết thể hiện tình cảm, thái độ qua giọng đọc phù hợp với sự việc, hình ảnh, cảm xúc, tính cách của nhân vật trong bài. Giáo viên không được định ra ngữ điệu ngay từ đầu. Ngược lại giọng đọc hay ngữ điệu đọc của bài phải được học sinh xác định sau khi học sinh hiểu được sâu sắc bài đọc và biết cách diễn đạt thích hợp với sự hướng dẫn của giáo viên. Giáo viên tổng hợp ý kiến của học sinh để đưa ra kết luận đầy đủ chính xác của bài đọc.
Ví dụ: Khi rèn luyện kỹ năng đọc diễn cảm bài: “Ông Trạng thả diều” (tập đọc 4 - tuần 11) giáo viên hỏi:
Các em vừa nghe thầy đọc mẫu và tìm hiểu nội dung ý nghĩa của bài. Vậy theo các em bài văn này cần đọc như thế nào?
Sau khi một vài học sinh trả lời giáo viên có thể hướng dẫn để học sinh nắm được cách đọc và giọng đọc như:
Bài văn này đọc với giọng chậm rãi, cảm hứng ca ngợi, nhấn giọng tự nhiên những từ ngữ nói về đặc điểm, tính cách, sự thông minh, tính cần cù, chăm chỉ, tinh thần vượt khó của Nguyễn Hiền: ham thả diều, kinh ngạc, lạ thường, hai mươi, lưng trâu, ngón tay, mảnh gạch, vỏ trứng, bay cao, vi vút,
Để rèn luyện kỹ năng xác định và thể hiện giọng đọc cho học sinh giáo viên cần làm một số công việc sau:
Thứ nhất: Trước hết giáo viên cho học sinh làm quen với bài đọc, xác định giọng đọc chung cho cả bài.
Thứ hai: Giáo viên tổ chức cho học sinh đàm thoại, nhận ra thể loại văn bản , hiểu ý đồ của tác giả, tìm hiểu giọng điệu của bài. Nếu đọc thơ thì phải chú ý đến nhịp thơ thể hiện được sự luôn chuyển nhịp nhàng giữa các dòng thơ, tránh để học sinh dừng lại máy móc, giữa các dòng thơ không chú ý đến ý nghĩa tiếp nối giữa dòng trước và dòng sau. Nếu đọc văn xuôi thì điều quan trọng là cho thấy sự vận động tư tưởng của tác giả trong tác phẩm. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo cho học sinh thành công khi đọc diễn cảm trước lớp.
Thứ ba: Giáo viên giúp học sinh tìm hiểu bài để nắm được nội dung chính của bài, để học sinh xác định được đúng giọng đọc chung của toàn bài.
Khi học sinh luyện đọc giáo viên hỏi học sinh những chỗ nào mà các em thấy khó đọc, giáo viên đọc mẫu cho học sinh. Giáo viên chỉ ra những chỗ khó, những điểm mấu chốt trong bài học để học sinh hiểu rõ và có cách thể hiện trong giọng đọc riêng.
Trong khi luyện tập giáo viên cần phải cho học sinh thảo luận, nhận xét về giọng đọc của bài đọc, giải thích vì sao đọc như thế là hay, đọc như thế là chưa hay, chỗ nào trong cách đọc của bạn làm cho mình thích để giúp các em củng cố, xác định được giọng đọc, ngữ điệu đọc cho phù hợp.
Khi rèn luyện kỹ năng đọc diễn cảm giáo viên đưa ra những tình huống khác nhau để học sinh xác định xem giọng đọc, cách đọc nào là đúng, hay.
Thứ tư: Giáo viên tổ chức cho học sinh đọc diễn cảm trước lớp, học sinh có thể đọc cá nhân hoặc đọc theo vai (nếu bài đọc có lời thoại giữa các nhân vật, để học sinh phân biệt lời tác giả với lời của nhân vật).
Giáo viên nên tổ chức cho học sinh thi đọc diễn cảm giữa các nhóm hoặc cá nhân trong lớp để tạo hứng thú học tập cho các em, đồng thời có hình thức khuyến khích nhận xét khách quan (giáo viên nên cho học sinh nhận xét trước). Cần tuyên dương những em đọc đúng, đọc hay, đọc diễn cảm tốt, bên cạnh đó
cần động viên các em đọc chưa được tốt cố gắng hơn trong lần đọc sau để các em có ý thức rèn luyện kỹ năng đọc diễn cảm.
Như vậy, có thể nói rằng kết quả đọc diễn cảm của học sinh phụ thuộc rất nhiều vào quá trình luyện đọc trong giờ luyện đọc. Muốn việc luyện đọc diễn cảm của học sinh có hiệu quả cao, giáo viên cần vận dụng linh hoạt các hình thức luyện đọc và tổ chức luyện đọc sao cho phù hợp với khả năng của đối tượng học sinh mà mình trực tiếp giảng dạy. Nhờ đó mà kỹ năng đọc diễn cảm của học sinh sẽ tốt hơn.