Để có thể thiết kế một từ điển điện tử có chất lượng, quá trình thiết kế từ điển đòi hỏi phải dựa trên những nguyên tắc sư phạm chặt chẽ. Điều này nhằm nâng cao tính tiện dụng cũng như hiệu quả đối với người sử dụng. Chúng tôi đề nghị từ điển điện tử cần đảm bảo các nguyên tắc sau đây:
1. Giao diện thân thiện, chặt chẽ và dễ sử dụng
Từ điển điện tử phải có cấu trúc đơn giản, rõ ràng. Cần thiết kế sao cho người dùng tìm thấy ngay thông tin mà họ cần. Trang chủ và các trang nội dung cần thiết kế bắt mắt và thu hút người sử dụng.
2. Từ ngữ nhất quán, dễ hiểu
Với đối tượng sử dụng là HS phổ thông, giao diện sử dụng của từ điển điện tử phải được sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Việt, từ ngữ được dùng trong từ điển cần dễ hiểu. Thuật ngữ hóa học cũng cần phải cập nhật theo SGK mới nhất nhằm đảm bảo tính nhất quán. Nếu không có trở ngại về mặt kỹ thuật thì cần phải đảm bảo nhất quán các tiêu chí sau:
− Thống nhất về kích cỡ, kiểu chữ và màu sắc ở các tiêu đề và nội dung. Không nên áp dụng quá nhiều định dạng cho chữ viết vì sẽ làm rối mắt người nhìn, gây phản cảm.
− Tạo chuẩn chung trong thiết kế (màu sắc, cấu trúc, bố cục) cho trang chủ, các trang nội dung hoặc chỉ thay đổi, khi thật sự cần thiết.
3. Khả năng liên kết
Tạo các đường dẫn bằng biểu tượng ở tất cả các trang nhằm tăng khả năng liên kết giữa trang chủ – các trang nội dung và giữa những trang nội dung với nhau và giữa trang đã xem với trang hiện tại. Do đó chỉ cần chọn các biểu tượng thích hợp, người dùng có thể di chuyển sang ngay các trang khác.
4. Dễ sử dụng đối với các máy tính thông thường
Cần đảm bảo yêu cầu cấu hình và dung lượng bị chiếm không quá lớn để máy tính có cấu hình thấp không bị chậm đi khi dùng từ điển. Không nên lạm dụng đồ họa, màu sắc vì sẽ vừa làm dung lượng của từ điển tăng lên vừa làm giảm tính thẩm mĩ.
Từ điển hoá học chạy trên giao diện riêng được xây dựng bởi ngôn ngữ lập trình C# nên không phụ thuộc nhiều vào máy tính cài đặt. Tuy nhiên, để sử dụng từ điển điện tử này yêu cầu máy của người dùng phải có .Net Framework 4.5.
5. Mở rộng SGK
Muốn phục vụ tra cứu tốt thì nguồn thông tin từ điển cung cấp phải mở rộng hơn, không gói buộc trong SGK. Chính vì điều đó, chúng tôi đã tham khảo rất nhiều nguồn tài liệu trong và ngoài nước, nhằm phục vụ việc tra cứu.
6. Kiểm tra kỹ từng phần trước khi tiếp tục
Đọc và kiểm tra cẩn thận từ nội dung:
− Kiểm tra lỗi chính tả. Thường khi nhập nội dung từ các nguồn, tác giả đã tiến hành kiểm tra chính tả. Nhưng đó chỉ là lần kiểm tra thứ nhất, chắc chắn sai sót vẫn còn thông qua các thầy cô, người sử dụng trong quá trình tra cứu phát hiện và sửa đổi kịp thời.
− Kiểm tra độ chính xác của kiến thức. Trức tiên, từ điển điện tử xây dựng đảm bảo nguyên tắc tôn trọng kiến thức đã được trình bày ở SGK. Đối với những kiến thức đưa thêm, cần được xem xét, thẩm định cẩn thận, tốt nhất là tìm hiểu kỹ các tài liệu chuyên ngành hoặc trao đổi trực tiếp với các thầy cô đang giảng dạy, nghiên cứu các vấn đề mà tác giả quan tâm.
− Kiểm tra hoạt động từng trang. Ở mỗi trang cần chạy thử xem các hoạt động, các đường dẫn có liên kết chính xác không. Nên kiểm tra nhiều lần và trên các hệ máy khác nhau.