3.2.2.1. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và phát triển bền vững.
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá dựa trên tri thức vừa là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, vừa là phương thức để có thể thực hiện thành công các mục tiêu khác của chủ nghĩa xã hội - trong đó trực tiếp nhất là mục tiêu dân giàu, nước mạnh, góp phần nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân.
Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết là làm thế nào để vừa có thể đi tắt, đón đầu, vừa giữ được tính bền vững trong từng bước phát triển. Nhận thức sâu sắc vấn đề đó trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa X được Ðại hội XI thông qua đều rút ra bài học trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức, phải bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững nền kinh tế. Quán triệt quan điểm này của Đảng, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, chủ động phát huy năng lực sáng tạo ở trong nước, đồng thời phải biết tranh thủ thời cơ tiếp thu tri thức của thế giới, thu hút nguồn vốn và sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ bên ngoài để tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Nước ta hiện nay đang bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng, do đó, tiềm lực và sức sáng tạo trong dân là vô tận. Vấn đề là Nhà nước phải biết phát hiện, huy động, bồi dưỡng và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực hiện có trong nước; đồng thời tranh thủ thời cơ tiếp thu tri thức từ bên ngoài; thu hút và sử dụng có
hiệu quả nguồn vốn từ bên ngoài, đặc biệt là nguồn vốn tài chính, tri thức và khoa học công nghệ, để tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và phát triển đất nước hướng tới sự hiệu quả, bền vững, lành mạnh và ổn định.
Hai là, cải cách triệt để nền giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, từng bước hội nhập; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế tri thức.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 khẳng định: Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh dài hạn, bảo đảm phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững... Phát triển nguồn nhân lực cần phải quan tâm cả phát triển con người và hiện đại hóa hoạt động giáo dục, đào tạo.
Ở đây, phát triển con người là nền tảng, hiện đại hóa giáo dục, đào tạo là trung tâm. Trong những năm tới, Nhà nước phải đầu tư hơn nữa để phát triển giáo dục; thực hiện tốt các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, mũi nhọn. Trong đó, cần từng bước ứng dụng những công nghệ mới, hiện đại vào giảng dạy, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo các cấp; chú trọng đào tạo theo hướng tăng cường ứng dụng, thực hành, gắn kết giữa giảng dạy, nghiên cứu và sản xuất, đáp ứng nhu cầu xã hội; huy động mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục - đào tạo. Tiến hành cải tiến công tác quản lý giáo dục - đào tạo. Tăng nhanh đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật có trình độ đại học, trên đại học và đội ngũ công nhân lành nghề, đội ngũ cán bộ quản lý, các doanh nhân. Tuyển chọn đưa đi đào tạo ở các nước tiên tiến những cán bộ khoa học - kỹ thuật thuộc các lĩnh vực ưu tiên chiến lược đã được Nhà nước phê duyệt.
Ba là, phát triển và ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, chuyển hướng phát triển các lĩnh vực trọng yếu sang chủ yếu dựa vào tri thức; phát triển nhanh
có chọn lọc các ngành kinh tế dựa vào tri thức và công nghệ cao; tập trung ưu tiên đầu tư phát triển mạnh một số khu công nghệ cao đóng vai trò là đầu tàu của khoa học công nghệ - công nghiệp quốc gia.
Cần đầu tư cao vào những ngành mũi nhọn của quốc gia như: công nghệ thông tin, nhất là công nghệ phần mềm; công nghệ số hoá, công nghệ năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ sinh học... Thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia, có tiềm lực khoa học - công nghệ và tài chính mạnh đầu tư vào Việt Nam, khuyến khích xây dựng các trung tâm nghiên cứu - phát triển, tạo sự lan toả ra toàn bộ nền kinh tế.
Bốn là, coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đại hội XI xác định: “Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng và các chương trình, dự án đầu tư... Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch” [26, tr. 221-222]. Theo đó, cần tăng cường quản lý tài nguyên đất, nước, khoáng sản, rừng, bầu trời; ngăn chặn các hành vi huỷ hoại môi trường, khắc phục sự xuống cấp, tích cực phục hồi môi trường, xử lý phế thải. Từng bước sử dụng công nghệ sạch, năng lượng sạch một cách phổ biến trong đời sống xã hội. Hiện đại hóa công tác nghiên cứu, dự báo, chủ động phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
3.2.2.2. Xây dựng và phát triển quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa phù hợp trong nền kinh tế thị trường gắn với quản lý nhà nước về kinh tế; đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân về kinh tế.
Do điểm xuất phát đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta còn thấp cả về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, nên việc xây dựng từng bước quan hệ sản xuất mới để thúc đẩy sản xuất phát triển và xã hội phát triển là một yêu cầu tất yếu. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tính đan xen tác động lẫn nhau
trong quan hệ sản xuất thể hiện ở chỗ sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế đã phát huy tác dụng và thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và phát triển quan hệ sản xuất, chúng ta cũng có những thiếu sót. Vì thế, để phát triển quan hệ sản xuất phù hợp, khai thác tốt vai trò của quan hệ sản xuất đối với sự phát triển kinh tế ở nước ta, cần phải có những giải pháp thích hợp. Đó là:
Thứ nhất, từng bước xác lập và phát triển chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất chủ yếu một cách vững chắc, tránh nóng vội xây dựng ồ ạt mà không tính đến hiệu quả như trước đây.
Thứ hai, đảm bảo tính định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường nước ta, thực hiện tăng trưởng kinh tế luôn đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục.