Nhận thức về mục tiêu của chủ nghĩa xã hội thời kỳ trước đổi mới

Một phần của tài liệu Hệ mục tiêu của chủ nghĩa xã hội ở việt nam thời kỳ đổi mới (Trang 43)

Những năm 1930 - 1954, chủ nghĩa xã hội mới chỉ là định hướng phát triển trong tư duy của Đảng. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), miền Bắc được giải phóng và bước vào xây dựng chế độ mới xã hội chủ nghĩa, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa đã bước đầu hình thành và được thực hiện trên phạm vi miền Bắc.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960) đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng: Vạch ra con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và con đường giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Đại hội đã xác định đường lối chung của Đảng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc: Đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống phấn đấu anh dũng và lao động cần cù của nhân dân ta, đồng thời tăng cường đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa anh em do Liên Xô đứng đầu, để đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc ở miền Bắc và củng cố miền Bắc thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, góp phần tăng cường sức mạnh khối xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới. Rõ ràng, tư tưởng đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc ở miền Bắc và củng cố miền Bắc thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống

nhất nước nhà đã trở thành mục tiêu xuyên suốt nhiệm kỳ Đại hội III của Đảng và những năm tiếp theo, góp phần quan trọng vào việc tạo cơ sở, động lực to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần, động viên nhân dân cả nước hăng hái thi đua sản xuất, xây dựng chế độ và anh dũng chiến đấu đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Sau đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước ta đã thống nhất, cả dân tộc Việt Nam cùng bước vào một giai đoạn cách mạng mới - tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Thế nhưng, khi bước vào giai đoạn cách mạng này, thực trạng kinh tế - xã hội ở hai miền Nam - Bắc còn có sự khác nhau đã đặt Đảng trước sự lựa chọn bước phát triển tiếp theo cho cách mạng Việt Nam nói chung, ở mỗi miền nói riêng. Trong đường lối chung của cách mạng Việt Nam là thực hiện con đường phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thì ở miền Nam, chúng ta còn phải tiếp tục hoàn thành về cơ bản công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa; ở miền Bắc có nhiệm vụ cụ thể là tiếp tục củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, cải tiến công tác thương nghiệp, giá cả, tài chính... Mặc dù ở hai miền đất nước còn có những nhiệm vụ cụ thể riêng, song trên cơ sở phân tích nội dung cơ bản của thời đại, tại Đại hội IV (1976) Đảng ta đã xác định: “Trong thời đại ngày nay, khi độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội không thể tách rời nhau, và ở nước ta, khi giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo cách mạng thì thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng là sự bắt đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa, sự bắt đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” [21, tr. 39].

Với tư tưởng quán xuyến này, Đảng đã quyết định lựa chọn con đường cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Sự lựa chọn đó là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn phát triển của cách mạng Việt Nam, phù hợp với xu thế chung của thời đại. Song, do chúng ta bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội từ xuất phát điểm thấp, nền kinh tế còn rất lạc hậu, cơ sở vật chất - kỹ thuật còn non yếu, phần lớn lao

động vẫn là thủ công, sản xuất xã hội chưa bảo đảm được nhu cầu, lại bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa là con đường hoàn toàn mới mẻ, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại nên đòi hỏi phải rất nhiều nỗ lực của nhân tố chủ quan. Trên cơ sở của đường lối chung, chúng ta cần phải cụ thể hoá cho phù hợp để từ đó xác định mục tiêu, bước đi, cách thức thực hiện trong thực tiễn.

Đại hội xác định đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là: nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt; đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa; xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xóa bỏ nghèo nàn lạc hậu; xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đó cũng chính là những mục tiêu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước sau thống nhất do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thực hiện.

Tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954 - 1975) và trên cả nước (1975 - 1986) đã đạt được những thành tựu quan trọng, tỏ rõ tính ưu việt và sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa trong xây dựng và phát triển đất nước, nhất là trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Nhìn một cách tổng quát, thời kỳ trước đổi mới, nhận thức của Đảng ta về mục tiêu, bản chất của chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là đúng đắn. Tuy vậy, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã bộc lộ những khuyết điểm và hạn chế trên nhiều mặt, nhất là về chính sách và cơ chế quản lý kinh tế. Bệnh chủ

quan, duy ý chí, nóng vội, làm trái quy luật khách quan, quan liêu, không nắm vững thực tiễn đất nước và chủ nghĩa giáo điều là những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội từ cuối những năm 1970. Đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, tạo tiền đề cho sự phát triển, cải thiện đời sống nhân dân trở thành yêu cầu bức thiết và mệnh lệnh của cuộc sống.

Toàn Đảng từ Trung ương đến các cấp ủy địa phương phát huy quyền làm chủ, trí tuệ và sáng kiến của nhân dân đã quyết tâm khảo nghiệm, từng bước tìm con đường đổi mới. Đó là quá trình kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới nhận thức và tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ với tổng kết thực tiễn để đi đến đường lối đổi mới tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986) - Đại hội có giá trị bước ngoặt lịch sử, đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta phát triển có hiệu quả theo đường lối đổi mới.

Một phần của tài liệu Hệ mục tiêu của chủ nghĩa xã hội ở việt nam thời kỳ đổi mới (Trang 43)