Căn cứ lý luận để đề xuất giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thời kỳ đổi mới là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, gắn với những mục tiêu cụ thể. Căn cứ thực tiễn là quá trình hiện thực hoá các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thời kỳ đổi mới với cả những thành tựu và hạn chế đang tồn tại.
Song, căn cứ trực tiếp để luận văn đề cập các giải pháp là những vấn đề đang đặt ra trong nhận thức cũng như trong thực tiễn hiện thực hoá các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thời kỳ đổi mới. Những vấn đề đó là:
3.1.1. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng
Để tiến lên chủ nghĩa xã hội thì trong suốt thời kỳ quá độ, Đảng Cộng sản Việt Nam phải giữ vững vai trò lãnh đạo của mình để lãnh đạo nhân dân vừa xóa bỏ những tàn dư của xã hội cũ còn rơi rớt lại, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa; vừa trấn áp những thế lực thù địch luôn dùng mọi âm mưu, thủ đoạn để “lái” nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Nếu Đảng ta không giữ được vị thế cầm quyền của mình trong lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì nước ta sẽ không thể thực hiện được bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Những tư tưởng đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội thực chất
là muốn xa rời định hướng xã hội chủ nghĩa, muốn phá bỏ chế độ hiện nay, đưa đất nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Thực tế hơn 80 năm qua, Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi vĩ đại. Nhưng thời kỳ đổi mới lại xuất hiện tình trạng “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng”. Sự mơ hồ về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng những năm gần đây đang là một nguy cơ có thể đưa đất nước vào thời kỳ bất ổn và rối loạn. Do đó, việc giữ vững và tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn hệ thống chính trị và xã hội vừa là yêu cầu có tính chất khách quan, vừa là điều kiện tiên quyết góp phần hiện thực hoá thành công các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.