Sự tác động của xu hướng toàn cầu hoá

Một phần của tài liệu Luận văn: Quan hệ giữa cộng hòa nhân dân Trung Hoa và cộng hòa Ấn Độ từ năm 1991 - 2014 (Trang 39)

Thời đại ngày nay, loài người đang chứng kiến sự biến đổi diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong đời sống với quy mô rộng lớn. Sự biến đổi đó trước hết diễn ra trong lĩnh vực kinh tế và theo đó bằng sự tác động lẫn nhau, tác động một cách sâu sắc tới các lĩnh vực văn hoá, chính trị, xã hội và cả ngoại giao.

Dưới sự tác động của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật, làn sóng toàn cầu hóa (Globalisation), khu vực hóa ngày càng lan rộng và sâu sắc hơn. Sự tự do hoá thương mại, đầu tư, dịch vụ, chuyển giao công nghệ, phân công lao động quốc tế đã thúc đẩy các quan hệ song phương và đa phương, tăng cường sự liên kết giữa các quốc gia, các khu vực trên thế giới. Tự do hóa thương mại và mở cửa thị trường tạo điều kiện cho những nước có năng lực sản xuất cao mở rộng thị trường, đa dạng hóa các sản phẩm. Thế giới đang tiến dần đến một nền kinh tế không biên giới. Các quốc gia dù lớn hay nhỏ trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau với mức độ và chiều hướng khác nhau. Trung Quốc và Ấn Độ là những nước có nền kinh tế đang phát triển, cần nhiều nguồn vốn, công nghệ kĩ thuật tiên tiến và phương thức quản lí hiện đại. Do vậy, toàn cầu hóa tạo điều kiện cho các công ty của mỗi bên tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế, thâm nhập vào thị trường của nhau. Như vậy, quan hệ kinh tế giữa hai bên sẽ ngày càng chặt chẽ hơn, tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ chính trị - ngoại giao phát triển.

Cùng với xu thế toàn cầu hóa là khu vực hóa (Regionnalisation) với nội dung cốt lõi là hình thành các khu vực kinh tế, tăng cường sức mạnh và quyền tự chủ cho các khu vực, xuất phát từ mục đích phát huy những lợi thế so sánh,

những nét tương đồng của các quốc gia trong mỗi nhóm khu vực, nâng cao trình độ hợp tác khu vực. Từ chỗ thúc đẩy hợp tác kinh tế, các quốc gia đã chủ động hơn trong việc tìm kiếm sự hợp tác song phương và đa phương về chính trị, an ninh. Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang tích cực tham gia vào các tổ chức khu vực. Năm 2005, Trung Quốc trở thành quan sát viên của SAARC. Tháng 5.2005, Ấn Độ cũng trở thành quan sát viên của SCO. Đồng thời, cả hai đều là đối tác quan trọng của ASEAN. Mặc dù tham gia vào các tổ chức này chủ yếu là để tăng cường và tranh giành phạm vi ảnh hưởng của mình, nhưng đây cũng là các diễn đàn giúp hai nước xích lại gần nhau, giảm thiểu những bất đồng. Từ năm 2000 trở đi, vượt lên trên những nghi ngại về an ninh - quốc phòng và tranh chấp biên giới, thương mại Ấn - Trung đã phát triển mạnh, tăng từ 3 tỷ USD năm 2000 lên 38,7 tỷ năm 2007, năm 2010 lên 61,74 tỷ USD, năm 2011 đạt 74 tỷ USD [ 133, tr.15]. Trong chuyến thăm Ấn Độ tháng 9 năm 2014, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đặt mục tiêu sẽ nâng kim ngạch xuất khẩu song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2015 [144, tr.7]. Sự điều chỉnh này diễn ra trong bối cảnh quan hệ kinh tế - thương mại Trung - Ấn thời gian qua đã có sự tăng trưởng nhanh chóng. Trung Quốc hiện đang là bạn hàng lớn nhất của Ấn Độ và Ấn Độ hiện đang là bạn hàng lớn thứ 10 của Trung Quốc. Hai nước hiện đang xúc tiến cho việc thiết lập một khu vực tự do thương mại. Nếu điều này trở thành hiện thực sẽ có tác động rất lớn tới nền kinh tế thế giới và thúc đẩy nhanh việc giải quyết những bất đồng về chính trị và tranh chấp biên giới giữa hai nước.

Ngoài ra, cuộc cách mạng khoa học- công nghệ hiện nay với quá trình tin học hóa sản xuất đã có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế và nhiều lĩnh vực khác của thế giới. Trong nền kinh tế tri thức, các nước đang phát triển có cơ hội tiếp cận với các công nghệ mới, nhất là công nghệ thông tin sẽ giúp cho việc điều chỉnh mô hình và cơ cấu kinh tế của mình. Đồng thời, nó cũng

tạo điều kiện để các nước đang phát triển rút ngắn khoảng cách đối với các nước phát triển.

Trung Quốc và Ấn Độ là những nước đang phát triển, có tiềm năng to lớn về công nghệ thông tin. Trung Quốc hiện đang có xu hướng chuyển từ sản xuất những mặt hàng tiêu dùng đơn giản sang những hàng hóa công nghệ cao. Công nghệ của Trung Quốc hiện đang cạnh tranh quyết liệt với những hàng hóa của Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc phóng thành công tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 7 (tháng 9 năm 2008), đã đưa Trung Quốc trở thành nước thứ ba trên thế giới, sau Liên Xô và Mỹ, về tàu vũ trụ. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn về kinh tế và khoa học kĩ thuật của nước này. Ấn Độ cũng là một quốc gia có ưu thế lớn về khoa học công nghệ, nhất là dịch vụ và thông tin. Năm 2000, Ấn Độ mới chỉ xuất khẩu được 6 tỷ USD sản phẩm phần mềm nhưng đến năm 2008, con số đó là 50 tỷ USD. Công nghiệp phần mềm của Ấn Độ hiện chiếm hơn 20% thị phần thế giới... Trong số 500 công ty xuyên quốc gia lớn nhất thế giới, có tới 300 công ty có hợp đồng mua sản phẩm phần mềm của Ấn Độ [ 40, tr.70]. Trong chuỗi sản xuất toàn cầu và phân công lao động quốc tế, hiện Ấn Độ đang tiếp nhận hàng triệu việc làm đòi hỏi trình độ kĩ thuật cao từ các công ty xuyên quốc gia trên thế giới. Như vậy, tiềm năng phát triển kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ là rất to lớn. Hai nước đang xích lại gần nhau cũng vì hai nước nhận ra nhưng lợi ích của sự hợp tác và những điểm họ bổ sung cho nhau. Trên một số mặt, cái mạnh của nước này là chỗ yếu của nước kia và ngược lại. Ấn Độ mạnh về dịch vụ và công nghệ thông tin còn Trung Quốc mạnh về linh kiện máy móc. Kết hợp lại, họ sẽ tăng cường sức mạnh cho nhau. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã từng tuyên bố “Nếu Ấn Độ và Trung Quốc hợp tác thành công trong lĩnh vực này (công nghệ thông tin) chúng ta sẽ vượt qua cả thế giới”[84, tr.7].

an ninh quốc tế. Chiến tranh lạnh kết thúc, các nước trên thế giới đều tập trung cho phát triển kinh tế, hội nhập vào trào lưu phát triển chung. Tuy nhiên, những mâu thuẫn, xung đột và chiến tranh cục bộ vẫn xảy ra. Đặc biệt, sau sự kiện 11-9-2001, việc Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố đã vạch một đường phân giới mới trong nền chính trị thế giới. Điều này tác động mạnh đến môi trường an ninh và quan hệ quốc tế. Trong bối cảnh đó, các nước phải điều chỉnh chiến lược đối ngoại của mình cho phù hợp với tình hình mới. Trung Quốc và Ấn Độ đều lên tiếng ủng hộ cuộc chiến của Mỹ. Cả hai đều có vấn đề với chủ nghĩa ly khai và khủng bố. Trung Quốc đang đau đầu với xu hướng ly khai và các hoạt động chống chính quyền của Tây Tạng và Tân Cương. Còn Ấn Độ cũng đang đối phó với những phần tử Hồi giáo cực đoan đòi ly khai ở vùng Casơmia. Cả hai đều muốn thông qua việc ủng hộ Mỹ chống khủng bố để dàn xếp với Mỹ trong những vấn đề chính trị, an ninh và kinh tế của mình. Đồng thời, bằng việc ủng hộ Mỹ, quan hệ Mỹ - Trung, Mỹ- Ấn, Trung - Ấn cũng có nhiều thay đổi theo chiều hướng xích lại gần nhau hơn.

1.2.3. Sự tác động của nhân tố Mỹ

Những năm gần đây, sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc như một cường quốc về kinh tế và chính trị khu vực với nguyện vọng vươn lên thành cường quốc toàn cầu đã đưa đến một đối thủ cạnh tranh lớn với Mỹ trong tương lai. Sự nổi lên của Bắc Kinh có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực và toàn thế giới. Một Trung Quốc đang gia tăng chi phí quốc phòng, hiện đại hóa kho vũ khí chiến lược và cải thiện khả năng can thiệp ra bên ngoài đang phá vỡ cần bằng quân sự ở châu Á. Chính sách của Mỹ với Trung Quốc là vừa hợp tác vừa cạnh tranh, dùng Nhật Bản, Đài Loan và lôi kéo Ấn Độ cùng kiềm chế sự vươn lên của Trung Quốc.

Cạnh đó, Ấn Độ cũng là quốc gia đang lên nhanh chóng và cũng là nước láng giềng nhiều “duyên nợ” với Trung Quốc. Tầm quan trọng về địa - chính trị và địa - chiến lược của Ấn Độ sẽ có tác động rất lớn khi nước này nghiêng về phía nào, Trung Quốc hay Mỹ. Đây là động thái quốc tế lớn, chi phối các mối quan hệ khu vực và toàn cầu.

Trung Quốc và Ấn Độ đều là nước lớn đang phát triển và hiện đang ở vào thời kỳ trỗi dậy mạnh mẽ, nhưng họ cũng phải đứng trước một thực tế là môi trường quốc tế đang rất phức tạp và có những biến động bất lợi cho họ, nhất là với Trung Quốc. Tuy nhiên, cùng với thực lực của đất nước tăng lên thì sức ép quốc tế, nhất là từ Mỹ và phương Tây đối với Trung Quốc cũng theo đó mà tăng lên.

Có thể nhận thấy rằng, những động thái mới trong quan hệ Mỹ - Ấn có ảnh hưởng rất lớn tới quan hệ Trung - Ấn. Mục tiêu của Mỹ là đảm bảo rằng không có sức mạnh bên ngoài nào có thể chi phối được an ninh khu vực và an ninh toàn cầu. Do vậy, hơn bất cứ lúc nào Mỹ muốn lợi dụng Ấn Độ để hạn chế sự ảnh hưởng ra bên ngoài của Trung Quốc. Với một đường biên giới chung rộng lớn chưa được giải quyết dứt điểm và những "vết sẹo" vẫn chưa lành hẳn của cuộc chiến tranh năm 1962, giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn còn tồn tại những lo ngại về nhau. Mỹ muốn lợi dụng điều này để hạn chế quan hệ Trung - Ấn, từ đó kiềm chế sự phát triển và ảnh hưởng ra bên ngoài của Trung Quốc.

Còn Ấn Độ dù luôn thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ và cũng không dễ gì từ bỏ nguyên tắc của mình để trở thành quân cờ trên bàn cờ chiến lược châu Á của Mỹ, nhưng rõ ràng chính sách lôi kéo của Mỹ vẫn ít nhiều ảnh hưởng đến mối quan hệ láng giềng vốn chịu tác động bởi nhiều yếu tố phức tạp này.

Một phần của tài liệu Luận văn: Quan hệ giữa cộng hòa nhân dân Trung Hoa và cộng hòa Ấn Độ từ năm 1991 - 2014 (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(169 trang)
w