7. Kết cấu của đề tài
2.1.2.2. Các ngành nghề truyền thống
Trên vùng đất Châu Thành, buổi ban sơ, cộng đồng người Việt, người Khmer gắn bó nhau, họ cất nhà ở xen lẫn nhau. Họ cùng nhau khai khẩn ruộng cỏ, khai thác cá bán tươi, hoặc muối mắm và phơi măng khô, đốn tre đem bán làm kế sinh nhai. Bên cạnh, còn có người gốc Hoa di cư từ Hà Tiên đến cùng gắn bó, sinh sống với người Việt, Khmer và họ chủ yếu làm nghề mua bán, trao đổi và làm nghề thuốc.
Châu Thành là huyện thuần nông, cây lúa là cây chủ lực chiếm đến 97,1% diện tích đất nông nghiệp. Cánh đồng Châu Thành vào mùa nước có nơi ngập sâu đến 4m nên cây lúa nổi đã từng chiếm vị trí quan trọng ở vùng đất này. “Ngày nay, Châu Thành có trên 30.120 ha đất trồng lúa, năng suất bình quân cả năm 6,5 tấn/ha, với sản lượng năm 2010 là 411.593,4 tấn” [4, tr 266]. Ngoài ra, bà con nông dân còn trồng bắp, khoai lang, rau dưa, đậu nành, mía, thuốc lá, nấm rơm... phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm: trâu, bò, heo, gà, vịt... nuôi trồng thủy sản: cá, lươn, tôm… mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Về tiểu thủ công nghiệp, từ lâu huyện Châu Thành có nghề chằm nón lá, nghề làm gạch ngói (An Châu, Hoà Bình Thạnh), khai thác cát cặp tuyến sông Hậu thuộc 3 địa phương An Châu, Bình Hòa, An Hoà. Các cụm cơ khí sửa chữa, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở địa bàn trung tâm xã, thị trấn như xay xát, cơ khí, sản xuất rập chuột, rèn, đan lát, may mùng, mền (xã Bình Hoà).
Khu công nghiệp Bình Hòa hoàn thành, tương lai sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, tăng trưởng kinh tế, là trung tâm công nghiệp của huyện gắn liền với phát triển đô thị, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn nhàn rỗi.