Duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao đồng thời nâng cao chất lượng tăng

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ kinh tế các mô hình lựa chọn giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã (Trang 88)

lượng tăng trưởng

Nhằm đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững cần phải duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao, đồng thời phải nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Có duy trì được tốc độ tăng trưởng cao liên tục, Thị xã mới phát triển nhanh và tạo được nguồn lực để phát triển các lĩnh vực xã hội, phát triển con người, mở rộng hệ thống phúc lợi, an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Mặt khác, có nâng cao chất lượng tăng trưởng mới tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng khả năng tích luỹ, bảo đảm nguồn lực cho tăng trưởng cao và ổn định trong dài hạn. Có thể nói chất lượng tăng trưởng là sự tăng trưởng ổn định, bền vững và tạo ra phúc lợi xã hội rộng rãi nhằm bảo đảm cuộc sống của mọi người dân ngày càng tốt đẹp hơn.

Để bảo đảm tốc độ tăng trưởng cao đồng thời nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, trước hết cần phải quan tâm đến các yếu tố nội tại cấu thành của sự tăng trưởng kinh tế (bao gồm: tích lũy tư bản, năng suất lao độngtiến bộ công nghệ) và tiếp tục đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

3.3.1.1. Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Đầu tư góp phần làm tăng cơ hội việc làm, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập và do vậy tác động đến công bằng xã hội. Tăng đầu tư không chỉ tạo

ra năng lực sản xuất mới, chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy tăng trưởng trong ngành xây dựng mà còn tạo ra thị trường cho hàng hoá và dịch vụ (như dịch vụ tài chính, thông tin, tư vấn, du lịch, thương mại, dịch vụ vận chuyển và kho vận, bán lẽ), giải quyết việc làm và do đó có tác động lan toả đến toàn bộ nền kinh tế.

Với tỉ lệ vốn đầu tư phát triển so với GDP của Bà Rịa trong thời gian qua đạt bình quân là 09,92%/năm là thấp, chưa thể đáp ứng kịp yêu cầu xây dựng và phát triển thị xã Bà Rịa thành một đô thị hiện đại. Vì vậy, trong giai đoạn 2010 – 2020, Thị xã cần tăng thêm vốn đầu tư (trong và ngoài nước) vào những lĩnh vực và dự án cần thiết, có nhiều tiềm năng phát triển hiệu quả, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất kinh doanh và đầu tư vào nguồn nhân lực (giao thông, trường học, y tế, điện, nước sạch, các công trình văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí). Không vì chủ trương xã hội hóa mà làm tăng sự đóng góp của người dân vào những nhu cầu thiết yếu như học hành, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, cần quan tâm hơn việc đầu tư vào nhà ở cho những người có thu nhập thấp. Đây là vấn đề cấp bách vì một đồng vốn trong hôm nay - hổ trợ cho người nghèo có nhà ở, còn tốt hơn hàng trăm đồng trong tương lai - để hổ trợ cho các ngân hàng đang trên bờ vực phá sản (vì cho vay “bong bóng” bất động sản) trong khi người nghèo không có khả năng mua một căn hộ giá rẻ.

Vấn đề cấp thiết lúc này là đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa các công trình vào sử dụng, tạo ra nhiều sản phẩm, qua đó mà góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng tăng trưởng cần chú trọng đến chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Nếu như một công trình đã hoàn tất và chờ được sử dụng, hoặc mới đưa vào sử dụng nhưng chất lượng kém, sau đó

lại đầu tư thêm vốn để sửa chửa hoặc làm lại, thì vốn đầu tư mới đó sẽ được tính vào tăng trưởng GDP (và hệ số ICOR có thể rất đẹp); nói cách khác, số lượng tăng trưởng thì có mà chất lượng tăng trưởng thì không. Vì vậy vấn đề chất lượng sử dụng của nguồn vốn đầu tư mới là vấn đề quan trọng nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng.

3.3.1.2. Nâng cao năng suất lao động

Năng suất lao động (tính theo giá trị tăng thêm) hiện nay ở ngành nông,

lâm nghiệp của Thị xã nhìn chung là thấp, đạt 9,708 triệu đồng/lao động/năm. Vì vậy, phải đẩy mạnh đầu tư và phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, coi đây là hướng chính để tạo ra nhiều việc làm mới, góp phần tăng năng suất lao động và tăng nhanh thu nhập cho nông dân; Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, qua đó nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Hiện nay, một số ngành dịch vụ ở Thị xã có năng suất lao động tính theo giá trị tăng thêm rất thấp như hoạt động văn hóa, thể dục-thể thao (15,314 triệu đồng/lao động/năm), Đảng-đoàn thể xã hội (20,470 triệu đồng/lao động/năm), giáo dục đào tạo (23,477 triệu đồng/lao động/năm), phục vụ cá nhân và cộng đồng (22,497 triệu đồng/lao động/năm). Những ngành nêu trên lại chính là những ngành có lợi thế so sánh về vị trí, địa-chính trị của Thị xã nằm trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và là trung tâm hành chính của Tỉnh trong tương lai. Vì vậy, Thị xã cần đầu tư mạnh hơn vào vốn con người nhằm nâng cao chất lượng lao động, nâng cao năng suất lao động và tạo ra giá trị gia tăng cao trong các ngành dịch vụ có lợi thế nêu trên.

Đầu tư vào tiến bộ công nghệ là giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao năng suất lao động và bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao. Theo kết quả khảo sát về đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ KHĐT) phối hợp cho thấy hầu hết các doanh nghiệp thường tiến hành đổi mới công nghệ một cách thụ động, mang tính chất tình huống, chủ yếu là công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài. Với thái độ đầu tư cho khoa học - công nghệ như vậy thì chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ không mang tính cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế không bền vững.

Việc đầu tư tiến bộ công nghệ phải gắn với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cụ thể là: không nên đầu tư tiến bộ công nghệ mang tính thâm dụng lao động - giá trị gia tăng thấp (đầu tư vào các ngành dùng nhiều lao động giản đơn như hàng may mặc, giày dép, đồ chơi), vì như vậy khu vực công nghiệp tuy có phát triển nhưng năng suất lao động không cao và trong tương lai Thị xã cũng chỉ là một “đại công trường đang thi công” mà thôi. Trong điều kiện phát triển nền kinh tế tri thức như hiện nay, nên đầu tư vào các tiến bộ- công nghệ mang tính tăng lao động, giá trị gia tăng cao nhằm nâng cao thu nhập và năng suất lao động xã hội. Tiến bộ- công nghệ làm tăng lao động xảy ra khi chất lượng hay kỹ năng của lực lượng lao động được nâng cao thí dụ như việc sử dụng băng ghi hình, máy ghi hình và các phương tiện truyền thông điện tử khác đối với việc giảng dạy tại lớp [22; tr. 157]. Việc đầu tư những tiến bộ- công nghệ như vậy (các ngành có hàm lượng công nghệ cao như các loại máy móc dùng cho văn phòng, thiết bị viễn thông…) sẽ giúp cho Thị xã đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển dịch cơ cấu theo hướng dịch vụ có chất lượng cao và công nghệ cao, phù hợp với lợi thế so sánh, vai trò, vị trí của Thị xã và xu hướng phát triển kinh tế hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa.

3.3.1.4. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao

Chìa khóa để cải thiện công bằng về mặt kinh tế là khả năng tạo điều kiện cho người lao động chuyển từ việc làm thu nhập thấp sang việc làm thu nhập cao hơn, cụ thể là: tiếp tục giảm dần tỉ trọng lao động nông, lâm, ngư nghiệp; tăng tỉ trọng lao động công nghiệp, xây dựng và đặc biệt là lao động ở khu vực dịch vụ trong tổng lao động xã hội. Để hướng tới một thành phố Bà Rịa phát triển hiện đại, trong cơ cấu ngành kinh tế thì các ngành dịch vụ sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất (hiện nay khu vực dịch vụ chỉ chiếm tỷ trọng 29,13% GDP) và đem lại nhiều lợi nhuận nhất trong nền kinh tế của địa phương.

Đến nay, tỉ trọng lao động đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ở thị xã Bà Rịa chiếm 33% là quá cao. Vì vậy, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải gắn với đẩy mạnh chương trình giải quyết việc làm và đào tạo nghề nhằm tăng tỷ lệ việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân. Muốn giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp thì phải luôn luôn coi trọng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; gắn phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới, giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa nông thôn và thành thị, giữa các phường, xã.

Trong sản xuất nông-lâm-thủy sản, cần chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả, sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn; hình thành và phát huy lợi thế cạnh tranh của Thị xã nhằm sản xuất tập trung (chuyên canh, nuôi-trồng, chế biến) các sản phẩm thiết yếu, phục vụ đời sống hàng ngày như: rau thực phẩm, cây cảnh, trái cây đặc sản (mít, nhãn, mãng cầu..), thịt xô các loại, trứng gia cầm, cá-tôm tươi sống, đậu đỗ, nước chấm. Đây cũng là những sản phẩm của mô hình nông nghiệp- sinh thái- đô thị.

Trong sản xuất công nghiệp: tiếp tục phát huy lợi thế so sánh của Thị xã trong sản xuất và phân phối ngành điện, nước; khai thác công nghiệp khí hóa lỏng, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, thủy sản đông lạnh, gia súc-gia cầm, sữa chữa cơ khí, ô tô, sản xuất cửa nhôm, sắt, i-nox, hàng mộc dân dụng; chú ý tránh nguy cơ trở thành “ bãi thải công nghiệp”.

Trong khu vực dịch vụ cần phát triển mạnh hơn nữa các ngành dịch vụ chất lượng cao, gắn liền với phát triển các ngành công nghệ cao như điện tửviễn thông-tin học, vận tải, khách sạn, nhà hàng, tài chính-ngân hàng-bảo hiểm, giáo dục chất lượng cao, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ cao cấp theo nhu cầu của người tiêu dùng. Tổ chức lại mạng lưới kinh doanh thương mại, nâng cấp các chợ phường, xã; phát triển hệ thống bán lẻ, bán buôn nhằm phục vụ các nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài Thị xã.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ kinh tế các mô hình lựa chọn giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã (Trang 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)