Trong những năm đổi mới ở nước ta, đường lối của Đảng cũng như chính sách của Nhà nước đã thể hiện một cách nhất quán và ngày càng hoàn thiện những quan điểm mới, sâu sắc và toàn diện trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội, cụ thể như sau:
Một, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với công bằng xã hội trong từng bước đi và trong suốt quá trình phát triển
Đây là quan điểm chỉ đạo cơ bản và nhất quán xuyên suốt quá trình đổi mới của Đảng. Văn kiện Đại hội VII (1991) nêu rõ “Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân”[9 ; tr.73].
Đại hội VIII (1996) nhấn mạnh: "Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ xã hội và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển"[10; tr.113].Đại hội lần thứ IX khẳng định: "… phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hoá, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường" [11; tr.8889]. Đại hội lần thứ X bổ sung và phát triển một bước quan trọng, cụ thể là: “Kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội trong phạm vi cả nước, ở từng lĩnh vực, địa phương; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển”[ 12; tr. 101].
Hai,tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người
Con người không chỉ là mục tiêu, mà còn là động lực để phát triển xã hội. Trong thời đại ngày nay, muốn tăng trưởng kinh tế phải đầu tư vào con người bằng cách mở rộng khả năng tiếp cận với các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế và mạng lưới an sinh xã hội nhằm tạo điều kiện cho con người phát huy mọi năng lực và hưởng thụ xứng đáng những thành quả của chính mình. Vì vậy, sự nghiệp phát triển kinh tế phải đặt con người vào vị trí trung tâm. Mục tiêu của chính sách xã hội thống nhất với mục tiêu phát triển kinh tế, đều nhằm phát huy sức mạnh của nhân tố con người và vì con người [9, tr.73 và 115]. Đại hội X chỉ rõ: “ Xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống chính sách bảo đảm cung ứng dịch vụ công cộng thiết yếu, bình đẳng cho mọi người dân về giáo dục và đào tạo, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe, văn hóa-thông tin, thể dục thể thao…”[12; tr.101]. Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương (khóa X) khẳng định: “ tăng
giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người” [13; tr.139- 140].
Ba, thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội
Đại hội VIII (1996) nêu rõ: “phải luôn quan tâm bảo vệ lợi ích của người lao động, vừa khuyến khích làm giàu hợp pháp, chống làm giàu phi pháp, vừa coi trọng xóa đói, giảm nghèo, từng bước thực hiện công bằng xã hội, tiến tới làm cho mọi người, mọi nhà đều khá giả” [10; tr.72-73] và khẳng định: “Công bằng xã hội phải thể hiện ở cả khâu phân phối hợp lý tư liệu sản xuất lẫn ở khâu phân phối kết quả sản xuất, ở việc tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng lực của mình" [10; tr.113].
Về phân phối: “ Chính sách phân phối và phân phối lại phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người lao động và doanh nghiệp, tạo động lực cho người lao động, doanh nhiệp và bảo đảm lợi ích quốc gia. Chú trọng phân phối lại qua phúc lợi xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế; bảo đảm đời sống, ít nhất là ở mức trung bình của xã hội cho các đối tượng chính sách” [13; tr. 143]. Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói-giảm nghèo; từng bước làm cho mọi thành viên xã hội đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển [13; tr. 154-155].
Bốn là, tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội
Thực tiễn phát triển thành công của nhiều nước đã cho thấy giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội có mối quan hệ biện chứng thống nhất với nhau, không thể vì tăng trưởng kinh tế mà coi nhẹ công bằng xã hội và cũng không thể thực hiện công bằng xã hội mà không dựa trên những thành quả do tăng trưởng kinh tế đem lại. Tăng trưởng mà không công bằng thì tăng trưởng không bền vững; ngược lại, công bằng mà không tăng trưởng thì công bằng mong manh.
Vì vậy, tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Đại hội X khẳng định: “ kết hợp chặt chẽ, hợp lý các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội trong phạm vi cả nước, ở từng lĩnh vực, địa phương; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, thực hiện tốt các chính sách xã hội trên cơ sở phát triển kinh tế, gắn quyền lợi với nghĩa vụ, cống hiến với hưởng thụ, tạo động lực mạnh mẽ hơn cho phát triển kinh tế-xã hội” [12; tr.32].