Khắc họa tâm lý, tính cách nhân vật qua những biểu hiện đa dạng của thủ pháp độc thoại nội tâm

Một phần của tài liệu nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của nguyễn minh châu (Trang 63)

pháp độc thoại nội tâm

Nếu miêu tả ngoại hình xuất phát từ những biểu hiện bên ngoài của con người thì độc thoại nội tâm có đối tượng chủ yếu là thế giới bên trong. Đó là những suy tư thầm kín, là những lời nhân vật tự nói với chính mình, là những cuộc đấu tranh nội tam đầy khắc khoải, là đối thoại bên trong với sự phân thân của nhân vật, là tiếng nói thuộc tầng sâu tâm hồn nhân vật. Thủ pháp quen thuộc này có khả năng hữu hiệu trong việc khắc họa nhân vật qua những dòng ý thức, qua những mạch hồi tưởng, những giấc mơ chảy tràn tâm trí và cả những cơn mộng du để tái hiện nhân vật trên những bình diện rộng của cuộc sống.

Truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu sau 1975 xây dựng nhiều loại nhân vật có đời sống nội tâm phong phú. Nhân vật ở đây không chỉ được phát hiện chiều sâu tâm hồn dưới cái nhìn bao quát, am hiểu của tác giả mà còn tự thể hiện mình qua sự phát hiện của chính bản thân.

Người họa sĩ trong truyện Bức tranh đã phải trải qua một cuộc tra tấn tinh thần dữ dội chưa bao giờ anh đối diện với chính mình gay gắt đến thế. Trong nhịp sống yên ổn của một cuộc đời tương đối thành đạt, những tưởng anh có thể tự mãn nguyện với chính mình. Nhưng, cái khoảnh khắc đặc biệt ấy, cái giờ phút khứa vào tâm hồn anh, phanh phui vệt tội lỗi mà bấy lâu anh che giấu đã khiến anh hứng chịu một sự phân thân,vật vã trong lòng. Vùng trí nhớ trả anh về với sự thật trần trụi cách đấy tám năm, đó là lúc miệng lưỡi anh ngon ngọt với những điều hứa hẹn tốt lành để rồi lãng quên trong danh vọng, đúng hơn là thái độ thờ ơ, bàng quan, xem nhẹ đã khuất lấp anh. Đối diện lại với người chiến sĩ năm xưa, đầu óc anh nổ bùng trong sự đấu tranh day dứt. Lời độc thoại nội tâm vọng ra trong tâm trí để trách móc, lên án anh: "Tại sao ngày ấy tôi không đưa "tấm ảnh" đến cho gia đình anh ? Tại sao tôi không giữ lời hứa? Mà tôi vẫn còn nhớ, tôi đã hứa với anh và cả với tôi nữa, đinh ninh và hùng hồn lắm, mà cũng thực tâm lắm chứ ?" Đi cùng với dòng tâm tư ấy là cảm giác xâu hổ , hối lỗi dâng trào. Anh đã trải qua những chuỗi dài đấu tranh nội tâm, có lúc những lý lẽ vững chắc đã binh vực cho việc làm của anh - cái phần chất chứa "rắn rết" và "ác quỷ" đã lên tiếng biện hộ cho thân chủ, nhưng cái phần tinh túy nhất trong sâu thẳm tâm hồn đã bóc trần sự thật, đặt anh trước vành móng ngựa của tòa án lương tâm.

Từ trạng thái dày vò với chính mình, anh đã đặt mình trong cuộc đối thoại mà anh kiêm thủ cả hai vai để phân tích mình một cách trung thực nhất, buộc anh phải nhìn nhận những cái xấu xa đã tồn tại trong cõi tâm linh bí ẩn của mình. Sự phát triển tâm lý qua dòng độc thoại nội tâm đã hướng anh nhận lãnh trách nhiệm để vươn tới sự hoàn thiện của bản chất người. Dòng chảy âm thầm mà căng thẳng, sôi sục ấy đã quét những luồng ánh sáng vào những ngóc ngách tâm hồn để khắc họa tâm lý, tính cách con người biết đấu tranh để hoàn thiện nhân cách.

Nhân vật chính trong Cỏ lau (Lực) cũng chính là nhân vật người kể chuyện do đó, việc trình bày những suy tư, xúc cảm thành một mạch chảy rất tự nhiên và dễ dàng. Suốt chiều dài câu chuyện, lẫn chen trong những đoạn hồi tưởng và những va chạm hiện thực là những dòng suy tư, là những lời thủ thỉ tâm tình mà nhân vật tự nói với chính mình để nhìn rõ mình trong sự đối diện với nội tâm. Đây là những trăn trở,

dằn xé trong tâm hồn anh khi anh thấm thía nỗi đau mà bản thân gánh chịu; khi anh nhận ra rằng mình trở thành người thừa trong cuộc sống tạm yên ổn của những người thân, là người "đã bị chặt lìa ra khỏi ngay cuộc đời mình". Những trở trăn ấy càng bùng len khi anh đối diện với nỗi đau mà chính anh là thủ phạm để rồi bật ra thành những lời tự vấn trước mặc cảm tội lỗi: "Hòn đá vẫn đứng đó một chỗ giữa trời không xê dịch, hay là chính Phi đang đi lang thang trong lòng đất? Anh đi tìm gì? Hay là anh đang đi tìm tôi?" Xen giữa lời tâm sự, tỉ tê là nỗi lòng xáo động, khắc khoải của Lực, là sự phân thân để chiêm nghiệm, thấm thìa những mất mát không thể nào bù đắp nổi của những người sống có người thân nằm xuống. Những mảng độc thoại nội tâm day dứt không yên ấy đã tái hiện nhân vật một cách chân thật trong đời sống tinh thần vốn dĩ rất phức tạp này.

Nếu độc thoại nội tâm trong Bức tranh được biểu hiện dưới hình thức tự thú thì ở Một lần đối chứng, đấy là sự chiêm nghiệm lẽ đời của nhân vật nhà văn. Anh đã miêu tả tỉ mĩ cuộc sống và cả "tâm hồn" của những con mèo nhưng anh xác định rõ ràng đấy không phải là câu chuyện nhân cách hóa loài vật chỉ để viết thành sách Kim Đồng cho trẻ em. Trong dòng suy tư và tưởng tượng phong phú, nhân vật nhà văn đã muốn "nhân danh loài người, thử làm một cuộc đối chứng với loài vật - một cuộc đối chứng giữa thiện và ác, giữa lý trí, trí tuệ và bản năng mù quáng. Hòa trong mạch kể là những điều suy tưởng quẩn quanh mà anh độc thoại với chính mình: "Tôi lại tự hỏi mình rằng, không biết những lúc này cọn mèo của tồi đang nghĩ gì?" Đằng sau những dòng chữ tưởng như vu vơ ấy là cả một dòng chảy lặng lẽ mà sôi sục trong tâm trí để tiếp tục mạch suy tưởng của mình khám phá những triết luận của cuộc sống.

Việc chiêm nghiệm lẽ đời qua những dòng hồi tưởng còn được thể hiện rõ nét ở nhân vật người thủ thành trong Dấu vết nghề nghiệp. Ở đây, ngôn từ là của tác giả - người kể chuyện, nhưng giọng điệu và tâm trạng lại là của nhân vật, điều đó cho phép nhân vật có điều kiện dẫn dắt người đọc đi vào những tầng sâu tâm hồn của mình. Trước lúc sắp lìa đời, người lão tướng thủ thành 83 tuổi danh tiếng một thời ấy đã bị "luật hội tụ ánh sáng" chi phối hoàn toàn. Qua những suy ngẫm trong dòng độc thoại nội tâm, ông đã tái hiện cả một cuộc đời dành trọn cho bóng đá với tất cả những vinh

quang và cay đắng. Ông đã trung thực và mạnh dạn soi rọi với chính mình để nhận chân cuộc sống rằng "con người ta thường xuyên không hoàn hảo" và "có những phút vụng dại, yếu ớt và ngu ngóc đến mức không thể tưởng tượng được." Những điều đúc kết chín chắn ấy khiến ông thấm thía sự độ lượng của cuộc đời và giá trị của tình người để từ đó vượt qua khỏi những cái tầm thường nhỏ bé, sống xứng đáng hơn và hoàn thiện mình hơn.

Với thủ pháp độc thoại nội tâm, có khi tác giả để cho nhân vật thốt lên thành tiếng nhưng thực chất là mình nói với mình. Đối với nhân vật Quỳ trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, hơn thế, Nguyễn Minh Châu đã để cho nhân vật tỉ tê trong căn bệnh mộng du để đi sâu vào thế giới tâm linh. Chị đã sống trong triền miên những nghĩ suy và cả những ức chế cần được giải tỏa. Đấy là một cuộc đấu tranh đầy vất vả và có trả giá bằng những vết xước tâm hồn để đi từ một người con gái đầy kiêu hãnh và hồn nhiên sang một người đàn bà dung dị với cuộc sống đời thường, biết chấp nhận những điều không phải lúc nào cũng tuyệt đẹp trong đời sống. Con đường tự thức nhận chính mình quả lắm chông chênh, với Quỳ, nó đã phát sinh bệnh lý. Nhưng sâu thẳm trong ý nghĩa của nó, Quỳ là một người phụ nữ có đời sống nội tâm phong phú và nhạy cảm đến mức vượt qua khỏi những điều bình thường, chị ý thức về mình sâu sắc đến mức tưởng như là vô thức. Nguyễn Minh Châu đã "đào bới bản thể ở chiều sâu tâm hồn" để khám phá những phức điệu sâu kín của cuộc đời - một sự kiếm tìm đầy vật vã...

Không chỉ sử dụng những tưởng tượng và những mộng du, Nguyễn Minh Châu còn dùng thủ pháp giấc mơ để xây dựng nhân vật tận sâu trong từng ngóc ngách của tâm hồn. Phiên chợ Giát - "văn bản đa tranh" kỳ diệu cuối cùng với nhân vật đặc sắc lão Khúng đã chuyển tải được nhiều vấn đề trên nhiều bình diện của cuộc sống, đặt biệt là dự báo của tác giả về số phận của người nông dân. Nếu như ở các nhân vật đã trình bày trước, ta tìm thấy họ trong một mảng của đời sống nội tâm thì đến Khúng, Nguyễn Minh Châu đã xăm soi những đường cày trên mảnh đất canh tác màu mỡ này. Cái con người tưởng chừng như cục mịch, u tối ấy lại chất chứa một tấm lòng rộng mở với những tình thương vô bờ và một thế giới tâm linh đầy bí ẩn. Lão là con

người của ban đêm và cái phần thật nhất nằm khuất trong bóng tối. Lão đã như một kẻ mất hồn trước cái chết nghiệt ngã của đứa con mà lão hết mực yêu quý; lão đã đau đớn trò chuyện với vong linh của con mà cứ ngỡ con đang hiện hữu trước mình đê ròi bật lên những tiếng nấc nghẹn ngào như xé nát tâm can. Dòng độc thoại nội tâm mang tính chất đối thoại ấy đã diễn tả sâu sắc nỗi đau tột cùng của lão trước sự mất mát không gì bù đắp nổi. Trái tim nóng ấm ấy còn dịu dàng che chở cho những đứa con bé bỏng của mình và đặc biệt dành một tình thân cho người bạn nhọc nhằn: con Khoang đen - con vật đã từng chung lưng đấu cật với lão gắn bó với hòn đất. Từ những dòng suy nghĩ miên man, hỗn độn, nhập nhằng trên cả mót quãng đường dài từ nhà ra chợ, lão đã nói chuyện với con vật biết bao điều: Lúc thì thủ thỉ với con vật về những kỷ niệm đã qua, lúc thì hậm hực,gắt gỏng để che giấu những bối rối trong lòng và dồn nén tình cảm, lúc lại lầm rầm với giọng hơi cau có khi thả con bò vào rừng hoang với ước mơ giải phóng cho số kiếp khốn khổ của con vật Tất cả những điều đó đã diễn tả những biến động lớn lao trong tâm hồn với những nét tâm lý và tính cách rất mực lão Khung. Tuy nhiên, đỉnh điểm của những xác động đến mức bấn loạn là những giác mơ kinh hoàng, quái đản làm lão khiếp sợ.Trong tiềm thức âm u, hoang dã, lão đã thấy mình vung búa tạ vào đầu con Khoang đen và rồi hốt hoảng nhận ra rằng con Khoang đen ấy lại chính là lão! Cái vòng lẩn quẩn, trớ trêu ấy chạy rần rần trong tâm trí, trong dòng ý thức bề bộn của lão. Kết hợp với giấc mơ là chuỗi hồi tưởng, liên tưởng và cả ảo tưởng xoắn xuýt trong đầu óc lão, xoáy sâu vào cõi tâm linh. Lão Khung chính là đại diện của một kiếp người, là cuộc sống quẩn quanh của người nông dân với số phận ngậm ngùi.

Như vậy, với thủ pháp nghệ thuật độc thoại nội tâm, Nguyễn Minh Châu đã có những khám phá mới mẻ về chiều sâu tâm hồn con người, khắc họa đậm nét thêm tâm lý, tính cách nhân vật. Với sự phấn đấu không ngừng của một ngòi bút đầy tâm huyết Nguyễn Minh Châu đã thâm nhập vào thế giới bên trong đầy bí ẩn để khai thác những tầng bậc đời sống tâm linh để nhân vật bộc lộ mình chân thực, sinh động như vốn có. Thủ pháp này có tác dụng hữu hiệu và có sức nặng hơn so với cách miêu tả hướng ngoại như trước đây, mở ra một triển vọng đáng mừng cho văn học hiện đại vừa bứt mình ra khỏi không khí của nền văn học thời chiến.

Một phần của tài liệu nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của nguyễn minh châu (Trang 63)