Nhân vật số phận nỗi trăn trở của Nguyễn Minh Châu

Một phần của tài liệu nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của nguyễn minh châu (Trang 40)

2. Dựa vào nội dung cốt truyện, trong xu hướng vận động của nhân vật, truyện ngắn sau 1975 của Nguyễn Minh Châu tập trung vào nhân vật bình thường

2.2.Nhân vật số phận nỗi trăn trở của Nguyễn Minh Châu

"Con người ta từ khi lọt lòng đã được nhận một thứ mã số" về tính cách và cũng như con dâu đóng vào từng số phận riêng tư, cứ thế mà mang lấy đến suốt đời." Nguyễn Minh Châu đã nghiệm thấy điều đó trong những ngày cuối đời "ngồi buồn mà viết mà chơi". Chính sự trăn trở đó khiến nhà văn luôn suy tư về số phận con người. Truyện Cỏ lau tập trung vào vấn đề con người trong tất cả mọi quan hệ trớ trêu của số phận. Lực - nhân vật chính của tác phẩm - là người gánh chịu nhiều nỗi bất hạnh, oan khiên nhất trong cả cuộc đời. Anh đã xả thân vì nước, dốc tất cả tuổi trẻ cho công cuộc kháng chiến không chút mảy may hối tiếc nhưng số phận cứ mãi đẩy đưa, "nó như một nhát dao phạt ngang mà cả hai nửa cuộc đời tôi bị chặt lìa thật khó gắn liền như cũ. Nhưng đau hơn cả là hai nửa cuộc đời tôi cũng không bị cắt lìa hẳn." Khi cuộc sống vợ chồng chưa kịp bén hơi quen tiếng, anh đã sớm từ giã hạnh phúc riêng để lên đường chiến đấu, từ giã người vợ hết mực yêu anh và được anh yêu. Đấy chưa phải là sự bất hạnh tột cùng vì lúc ấy họ sống cho lý tưởng, cho tương lai hòa bình, độc lập của dân tộc. Chiến tranh qua đi, Lực trở thành nạn nhân của những mất mát quá to lớn, cuộc đời anh thành một chuỗi bi kịch không gì giải tỏa. Anh trở về quê đón nhận sự thật phũ phàng: em trai hy sinh, tên mình được khắc trên bia mộ, người cha già cô độc sống nương nhờ trong một căn nhà xa lạ và người vợ yêu nay đã thành vợ người ta, đã có một gia đình bộn bề để lo toan, cáng đáng, một cuộc sống riêng mà lương tâm anh không cho phép xen vào. Như định mệnh đã an bày, anh đã chạy trốn sự may mắn đắng cay để không gây sự đổ vỡ cho người khác. Kết thúc câu chuyện là "hình ảnh người lính già sống suốt đời ở đây với ông bố" giữa "những người đàn bà bằng đá đầy cô đơn giữa trời xanh" như một điệp khúc buồn trong câu hát "bởi chiến tranh không phải trò đùa".

Thai là người phụ nữ chịu nhiều bất hạnh bởi sự tàn ác của chiến tranh. Không có gì đau khổ bằng sống với người mà mình không yêu mặc dù chị đã có một gia đình sung túc, được chồng con yêu quý. Trái tim thủy chung, trọn vẹn yêu thương của chị chỉ dành cho một người và mãi mãi. Chị sống bằng bổn phận và trách nhiệm

nhưng cuộc đời đâu đã bình yên. Sự trở về của Lực đã làm đảo lộn cuộc sống của chị, bao nỗi đau dồn nén bấy lâu đã có dịp nổ bùng và những đòi hỏi tự thân được sống đích thực với tình cảm của mình bộc phát mãnh liệt. Nhưng sự thật nghiệt ngã không cho phép, mọi người đều phải mang theo mình những vết thương rỉ máu không thể xóa nhòa.

Người chồng hiện tại của Thai - ông Quảng - cũng nằm trong vòng luẩn quẩn của số phận. Chiến tranh đã gây nên sự phản bội của người vợ đầu để lại cho ông một đứa con gái hư hỏng. Đến với Thai, ông phải sống với một người mà trái tim của họ luôn hướng về người khác, đây là một nỗi bất hạnh, một sự chịu đựng nhẫn nhục của ông. Thai không có lỗi nên nỗi đau ông càng dồn nén, phải cố gắng để dung hòa cuộc sống nhiều hơn. Đã không hạnh phúc trong cuộc sống vợ chồng, ông lại thêm nỗi lo sợ, phập phồng về sự tan vỡ gia đình vì sự xuất hiện của Lực.

Cuộc tình tay ba với mối quan hệ chằng chịt và trách nhiệm của mỗi người không có một hướng giải quyết ổn thỏa, sự bù đắp cho người này là sự mất mát cho người kia. Họ tôn trọng dàn xếp với nhau nhưng không ai tránh khỏi sự tổn thất lớn lao về mặt tâm hồn, thấm thìa một nỗi đớn đau từ hậu quả của chiến tranh.

Cuộc đời của những Lực, Phai, Quảng, Phi Phi... hình thành một "nhóm tượng đài về số phận con người". Người nằm xuống đã yên nghỉ trong lòng đất sâu nhưng sự thiệt thòi, mất mát của người đang sống không gì bù đắp nổi.

Chiến tranh đã cướp mất người yêu của Phi Phi, biến cô trở thành một con người phá phách, phó mặc cuộc đời. Khi tình yêu duy nhất của cô đã không còn thì đời cô cũng chẳng còn ý nghĩa - đó là sản phẩm tàn bạo mà chiến tranh đã hình thành trong tâm hồn Phi Phi. Mọi số phận trong Cỏ lau đều dở dang, chua xót. Người đọc không khỏi rưng rưng trước những éo le, trắc trở của những kiếp người và dấy lên sự phẫn uất trước hậu quả khủng khiếp của chiến tranh gieo rắc cho bao người.

Cùng với những mảnh đời trong Cỏ lau, còn biết bao nhiêu những kiếp người có cảnh đời ngậm ngùi như thế. Cả cuộc đời vị sư già Thiện Linh (Mùa trái cóc ở miền Nam) vắt mình qua hai cuộc chiến là những chuỗi ngày trải qua bao nhiêu khổ cực vì

nạn đói, vì chạy vạy để chu toàn cuộc sống. Nhưng tai nạn kinh khủng nhất giáng xuống cuộc đời bà gây nên thương tích tâm hồn đến phút cuối cuộc đời là sự ngược đãi không thể tưởng tượng được của đứa con trai bất hiếu. Từ bỏ cuộc sống giàu sang, sung sướng để vào chùa tịnh dưỡng tâm hồn, tu nhân tích đức, những tưởng có thể thay đổi được, tìm lại được đứa con của mình nhưng sự thật hãi hùng đã dập chìm bà một lần nữa. Hình ảnh một bà già điên lang thang trên đường ăn mày tình thương thiên hạ, miệng lẩm bẩm "Con ơi" như một vết cứa xát lòng, là tiếng nấc nghẹn ngào trước nhân tình thế thái.

Người đàn bà trong Chiếc thuyền ngoài xa cũng tiêu biểu cho loại nhân vật số phận. Vì cuộc sống áo cơm ghì sát đất, vì tư tưởng cam phận hình thành lâu đời đã khiến họ không thoát khỏi sự hành hạ thể xác, sự tê liệt tinh thần. Sự thô bạo, tàn nhẫn của người chồng vụt xuống lưng người vợ bằng những lằn roi thắt lưng là những đòn roi số phận quật vào cuộc sống tối tăm, tội nghiệp ấy. Dù bị đối xử tệ bạc, tàn sát, người đàn bà đó vẫn van xin được sống cuộc sống vốn có khi có sự can thiệp của chính quyền. Với họ, nghiệt ngã đã an bài.

Nhân vật lão Khúng trong Phiên chợ giát là điển hình cho người nông dân lam lũ, suốt cuộc đời gắn với hòn đất, quần quật dãi nắng dầm sương, tích cóp cho cái gia đình cố hữu lâu đời. Qua giấc mơ nửa nhòe nửa thực, lão thấy mình là con bò, đó là nhận thức hoang sơ về kiếp người của lão. Trong những ý nghĩ mù mờ, rối rắm, lão đã có cảm giác muốn "xua đuổi cái số phận quá đỗi nhọc nhằn của lão ra khỏi đời lão, cái số phận nửa người nửa vật". Song, dù đã tự tay giải thoát cho con vật, nó vẫn tìm chốn trở về với cái nhìn "đầy nhẫn nhục và sầu não", tình nguyện cho lão Khúng bắt ách lên vai. Đó chính là cuộc đời bế tắc, quẩn quanh mà lão Khúng phải đi trọn. Nguyễn Minh Châu đã giàn giụa nước mắt khóc thương cho nhân vật này trước sự thật khắc nghiệt "không ai thoát khỏi số phận".

Số phận con người là vấn đề được nhiều ngòi bút quan tâm. Thông qua mảnh đời ấy, nhà văn muốn bày tỏ tấm lòng thương người, thương đời, tìm hiểu nguyên nhân và đề ra cách giải quyết để cuộc đời trong trẻo hơn, để con người bớt khổ hạnh hơn. Nguyễn Minh Châu là nhà văn có tấm lòng nhân ái, ngòi bút của ông đậm chất

nhân văn khi khai thác từng số phận, vạch ra nguồn gốc nỗi đau, tạo sự trắc ẩn đến lòng người.

Một phần của tài liệu nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của nguyễn minh châu (Trang 40)