Nhân vật chính diện nguồn cảm hứng và tấm lòng yêu mến của Nguyễn Minh Châu.

Một phần của tài liệu nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của nguyễn minh châu (Trang 30)

1. Xét từ góc độ phẩm chất, đặc điểm tính cách nhân vật và việc truyền đạt lý tưởng của nhà văn, truyện ngắn Nguyễn Minh Châu khắc họa thành công nhân

1.1.Nhân vật chính diện nguồn cảm hứng và tấm lòng yêu mến của Nguyễn Minh Châu.

NGUYỄN MINH CHÂU

Con người vốn là thực thể sinh động và phức tạp trong cuộc sống đời thường. Bản thân con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội nên có thể thể hiện mình trong đa dạng. Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là con người tư tưởng khi bán mình chuộc cha, khi khuyên Từ Hải ra hàng; là con người nhân cách khi gặp Mã Giám Sinh: "Nhị đào thà bẻ cho người tình chung"; là con người chủ động "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" để đến với Kim Trọng, đến với tình yêu đích thực của mình.

Nhân vật của Nguyễn Minh Châu cũng là những con người trong dòng đời sôi động ấy. Do đó, việc phân chia các loại hình nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu chỉ có tính chất tương đối, có thể nói sẽ rơi vào cực đoan nếu phân chia một cách rõ ràng, rành mạch. Tuy nhiên, theo từng góc độ, vẫn có thể tạm thời phân chia nhân vật thành các loại hình như sau.

1. Xét từ góc độ phẩm chất, đặc điểm tính cách nhân vật và việc truyền đạt lý tưởng của nhà văn, truyện ngắn Nguyễn Minh Châu khắc họa thành công nhân tưởng của nhà văn, truyện ngắn Nguyễn Minh Châu khắc họa thành công nhân vật chính diện và nhân vật phản diện.

1.1. Nhân vật chính diện - nguồn cảm hứng và tấm lòng yêu mến của Nguyễn Minh Châu. Minh Châu.

Nguyễn Minh Châu xuất thân từ quân đội. Ông không những là nhà văn mà còn là người chiến sĩ. Bởi thế, văn ông phản ánh đậm đặc cuộc sống kháng chiến với những nhân cách cao đẹp ngay từ buổi ban đầu cầm bút. Bạn đọc không thể quên hình ảnh Chính ủy Kinh, Lữ... trong Dấu chân người lính, đó là những con người tiêu biểu cho tinh thần thời đại, một thời đại hào hùng của dân tộc. Người chiến sĩ với những nét đẹp dung dị tỏa ra từ tâm hồn luôn là nguồn cảm hứng dâng trào trên ngòi bút Nguyễn Minh Châu. Từ trong kháng chiến bước sang cả thời bình, Nguyễn Minh

Châu luôn dành cho họ những tình cảm ưu ái.

Mảnh trăng cuối rừng là bản tình ca êm ái và đầy lãng mạn. Ở đó lấp lánh hình ảnh một người con gái dịu dàng, dễ thương, chung thủy trong tình yêu lại rất gan dạ, dũng cảm trong chiến đấu là Nguyệt; một chiến sĩ lái xe tên Lãm trẻ trung, yêu đời và biết xả thân vì đất nước. Cái cốt lõi để tạo nên những con người cao đẹp ấy là lý tưởng sống, mục đích sống của họ. Vì Tổ quốc, họ quên mình và vì tình yêu, họ càng khẳng định vẻ đẹp của tâm hồn, của sức trẻ. Nguyễn Minh Châu đã để cho nhân vật của mình trong gian khổ tự khám phá, tự phát hiện ra nhau, nhân cách của họ thể hiện qua tinh thần yêu nước với tất cả sự nhiệt tình, tích cực. Họ là những con người đại diện cho cộng đồng, cho những nét son của tâm hồn con người thời chiến.

Nếu tinh yêu của Lãm và Nguyệt là một cuộc tình thơ mộng và hạnh phúc thì chuyện tình của Hạnh và Thụy (Bên đường chiến tranh) thoảng một nỗi buồn. Truyện không có những trận đánh ác liệt, chỉ có sự mất mát to lớn về sự hy sinh của ông Việt - một tiểu đoàn trưởng nổi tiếng vùng hữu ngạn sông Hồng - và người vợ hóa điên. Ở đây có một tình yêu trong sáng, chịu nhiều đau khổ nhưng rất cao thượng. Tình yêu ở đây không đơn thuần là tình yêu trai gái, ấy là ân nghĩa, là tình người, là những gì làm cho tâm hồn người ta lớn thêm lên.

Hạnh là nhân vật điển hình, tiêu biểu cho những phẩm chất đẹp đẽ của người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến. Đấy là một người con gái biết lo toan, cáng đáng việc nhà, là một người vợ biết vun vén cho cuộc sống hạnh phúc gia đình, biết dồn nén nỗi đau để sống có nghĩa tình, có đạo lý. Nhân vật Thụy, từ một cán sự tác chiến đến khi trở thành tham mưu trưởng của một quân đoàn là một quãng đời cống hiến cho đất nước, hy sinh cả tuổi xuân và tình yêu vì mục đích cao cả của mình, của dân tộc. Sau 30 năm gặp lại người yêu, tình cảm của Thụy và Hạnh vẫn không phai lạt và âm ỉ cháy nhưng họ chấp nhận sự thiệt thòi, trắc trở của cá nhân để hướng đến cái chung, là tình nghĩa lâu dài giữa người với người, giữa đồng chí, đồng đội với nhau. Chuyện giữa hai người đàn ông đứng tuổi Thụy và Phái là một câu chuyện cảm động. Ngòi bút Nguyễn Minh Châu đã trân trọng dành cho họ những tình cảm đẹp. Họ không những không là tình địch của nhau mà còn cảm thông với nhau. Tình cảm

riêng tư đã hòa chung nhịp đập với tình cảm cộng đồng, bởi lẽ không ai trong họ là người có lỗi. Câu chuyện rất giản dị nhưng tố cáo được sự tàn ác của chiến tranh và hậu quả của nó - những nỗi đau không cất nổi thành lời.

Nguồn suối là một tác phẩm mà Nguyễn Minh Châu đã gởi nhiều niềm yêu mến. Ở đó sáng lên hình ảnh nhân vật Ngạn - một huyện đội trưởng nơi vùng rừng núi Pa K. Anh là người đã gây dựng cơ sở cách mạng đầu tiên trong bản và dựng dậy cả một phong trào kháng chiến. Anh được dân làng mến yêu, quý trọng, tin cẩn - là niềm tin, niềm vui của mọi nhà ở vùng hẻo lánh này. Ở nhân vật Ngạn, dường như có những nét rất giống với nhân vật Tnú trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành - một cái gì đó rừng rú, mạnh mẽ và bất khuất. Cùng với Ngạn là cả một lớp người hết lòng ủng hộ cách mạng, ủng hộ cụ Hồ. Đấy là ông già Lào chân chất, trung thực, anh dũng hy sinh để chỉ đường cho bọn trẻ thoát khỏi vòng vây giặc, là cậu Vang mới 17 tuổi đầu đã hăng hái tham gia liên lạc và xung phong đi chiến đấu xa và còn biết bao đồng bào dân tộc H'Mông nơi biên giới. Truyện cũng tuôn trào một dòng suối réo gọi bởi mối tình đầu mãnh liệt của Y Khiêu - một cô gái Lào biết sống vì lý tưởng – sẵn sàng cho đứa con trai duy nhất tòng quân vì một niềm tin chắc chắn vào cách mạng. Tất cả họ, những người dân mộc mạc ấy, là một khối đoàn kết vững chắc tạo nên sức mạnh, là một trong những nguồn suối nhỏ đầu tiên chảy ra sông, tạo thành dòng sông lớn đổ thẳng ra biển lớn của cuộc kháng chiến vĩ đại và lâu dài.

Trong cuộc kháng chiến đầy máu lửa, có biết bao tấm gương kiên định, trung hậu, "quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh". Chiến tranh đã qua đi nhưng mãi còn ghi đậm dấu ấn trong lòng những người từng trải. Thăng (Cơn giông) đã từng trải qua những giờ phút mấp mé giữa tử sinh, đứng trước thử thách, cám dỗ cam go nhất. Anh không những giữ tròn phẩm tiết cách mạng mà còn là nhân chứng hào hùng, phá vỡ những gán ghép đê tiện, những suy nghĩ xấu xa về người chiến sĩ Việt Nam giữa các nhà báo nước ngoài. Trước cái đói, trước cơn đau thể xác hoành hành và trước thử thách ghê người của bọn giặc, như một nhân vật trong Tình yêu cuộc sống của Jack London, bằng sức mạnh tinh thần phi thường, anh đã lê người giữa trưa nắng gắt trên dải gò đất tha ma đầy cỏ, đầy gai, có lúc phải gặm răng vào đất sỏi mà bò về đến

vùng giáp ranh. Anh đã kiên cường vượt qua những gian nan, bảo toàn sinh mạng và làm khiếp đảm kẻ thù trước sức mạnh của tinh thần hết mình vì đất nước. Những trang văn của Nguyễn Minh Châu như những trang sử vàng về hình ảnh người chiến sĩ Việt Nam, chính họ đã làm nên mùa xuân 1975 đại thắng.

Nhân vật chính diện trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu còn là người biết yêu thương đồng đội, chí công vô tư, sống có nghĩa, có tình, một lòng một dạ. Phác, Lưu trong truyện Mùa trái cóc ở miền Nam là những anh lính chân thực, bình dị. Cuộc chiến vừa qua được mấy ngày nhưng có nhiều kẻ cơ hội đã lợi dụng, đã lóa mắt trước chức quyền, danh vọng mà phản bội, đối xử tệ mạt với những người anh em, đồng chí. Phẫn uất trước sự thật phũ phàng, Phác và Lưu đã không ngần ngại nhổ vào mặt bọn người tráo trở, hèn hạ, chỉ lăm lăm hãm hại đồng đội mình. Cái chết của Phác đã gây xúc động mạnh cho người đọc. Anh chết bởi bom đạn trong thời bình của những kẻ đồi bại nhưng sống mãi trong lòng những người đồng chí bởi tấm lòng yêu thương, trung thực của anh. Hình ảnh những điếu thuốc "ba con năm" vẫn còn trắng tinh đặt lên mộ những người chiến sĩ đã hy sinh trong ngày 30/4 đã làm người đọc rưng rưng. Dường như trong sự thất vọng, vẫn còn một niềm tin sâu sắc ở người cách mạng chân chính ấy.

Người chiến sĩ - thợ hớt tóc - trong truyện ngắn Bức tranh cũng là một nét son trong số những nhân vật tiêu biểu này. Với một người họa sĩ hơi cao ngạo, lạnh lùng, thẳng thừng từ chối yêu cầu tha thiết vẽ cho anh một bức chân dung, anh vẫn đối xử tốt với một tấm lòng "độ lượng". Anh đã cứu sống người họa sĩ ấy với tất cả khả năng có thể có bằng tình người đối với những người trong lúc lâm nguy. Ngay cả lúc, một lần nữa, người họa sĩ gây cho anh sự mất mát nặng nề - kết quả mẹ anh bị mù mắt vì khóc thương con - anh vẫn rộng lòng tha thứ. Anh hầu như không đả động gì đến quá khứ, vẫn ân cần với người họa sĩ như một người khách quen. Chính sự độ lượng của anh đã soi rọi vào mọi sự ích kỷ, thờ ơ của người họa sĩ, làm cho nhân vật này day dứt, trăn trở không yên.

Như vậy, nhân vật chính diện trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu là những con người mang trong mình lý tưởng thời đại và phẩm chất cao quý của cộng đồng.

Ngoài ra, trong cuộc sống đời thường, họ còn là những con người thể hiện phần "người" nhất, sống một cuộc sống xứng đáng với lương tâm trong sạch. Qua những nhân vật này, nhà văn bày tỏ niềm tự hào dân tộc, gởi gắm một niềm tin yêu cuộc đời, cuộc sống và đó cùng là nguồn mạch khơi hứng cho Nguyễn Minh Châu thể hiện tình cảm sâu sắc của mình.

Một phần của tài liệu nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của nguyễn minh châu (Trang 30)