2. Một số đề xuất nhằm ứng dụng IRP và điều hành tỷ giá tại thị trường ngoại hối Việt Nam
2.1.6 Nâng cao uy tín VND, tạo điều kiện cho VND có thể trở thành đồng tiền chuyển đổi.
chuyển đổi.
Để tỷ giá được bình ổn lâu dài thì chắc chắn hai yếu tố căn bản là nhập siêu và lạm phát phải được khống chế. Tuy vậy, đây là những yếu tố có tính cơ cấu, sẽ cần thêm nhiều thời gian và quyết tâm từ những nhà quản lý.
Trước mắt, việc quan trọng nhất cần làm để bình ổn tỷ giá trên thị trường là ổn định tâm lý của người dân. Cụ thể, cần phải giảm mức kỳ vọng về sự mất giá của tiền đồng bằng một chính sách minh bạch, nhất quán và khoa học trong điều hành kinh tế. Chính phủ phải thể hiện quyết tâm trong vấn đề giảm thâm hụt ngân sách, tăng hiệu quả đầu tư công và giám sát chặt hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.
Không ngừng nâng cao uy tín của Đồng Việt Nam trên cơ sở duy trì sự tương quan hợp lý giữa sức mua đối nội và đối ngoại của nội tệ, hướng dần tới mục tiêu một Đồng Việt Nam có khả năng chuyển đổi. Một đồng tiền mất uy tín tất yếu làm thương tổn tới tích lũy và đầu tư nội địa, tăng nguy cơ lạm phát, tạo điều kiện cho hội chứng “ngoại tệ hóa”. Về lâu dài muốn nâng cao vị thế của Đồng Việt Nam thì phải có các biện pháp kích thích toàn bộ nền kinh tế như: hiện đại hóa nền sản xuất trong nước, đẩy mạnh tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ, tăng cường thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước…
Để biến VND thành đồng tiền chuyển đổi cần phải có thời gian và chịu ảnh hưởng tổng hòa từ cả nền kinh tế. Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng phải có một chiến lược lâu dài mà trước mắt có thể khởi đầu bằng việc cho phép chuyển đổi các tài sản ghi bằng nội tệ VND sang ngoại tệ. Các khách hàng có tài khoản tại ngân hàng có thể chuyển đổi tiền gửi của họ từ VND sang một ngoại tệ khác với cam kết khoản tiền này sẽ được chuyển đổi ngược lại thành VND khi đến hạn rút ra. Giải pháp này có thể có thể gia tăng khả năng lưu chuyển vốn trong hệ thống các ngân hàng. Đây cũng chính là những điều kiện đầu tiên để VND có thể trở thành loại tiền tệ có khả năng chuyển đổi trong các giai đoạn tiếp theo. Quá trình nâng cao tính chuyển đổi cho đồng Việt Nam bao gồm: tự do hóa hoàn toàn giao dịch vãng lai, bước đầu xây dựng cơ chế Đồng Việt Nam thanh toán xuất nhập khẩu, tiếp tục tự do hóa có lựa chọn các giao dịch vốn, bước đầu cho Đồng Việt Nam tham gia các quan hệ vay, trả nợ nước ngoài và đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.
Tạo khả năng chuyển đổi cho đồng Việt Nam sẽ giúp tác động tích cực đến hoạt động thu hút vốn đầu tư, hạn chế tình trạng lưu thông nhiều đồng tiền trong một quốc gia. Hiện tượng đô la hóa nền kinh tế sẽ được hạn chế. Việc huy động các nguồn lực trong nền kinh tế trở nên thuận lợi hơn, hoạt động xuất nhập khẩu của quốc gia cũng trở nên năng động. Tuy nhiên đồng tiền tự do chuyển đổi cũng sẽ làm giảm sự can thiệp trực tiếp của chính phủ vào chính sách quản lý ngoại hối và cơ chế điều hành tỷ giá. Vì thế nền kinh tế nói chung và thị trường ngoại hối nói riêng cũng phải phát triển ở một tầm nhất định
đảm bảo vẫn hoạt động thông suốt khi sự kiểm soát điều hành từ phía NHNN được nới lỏng.