Trong chương một khi đề cập đến những nhân tố làm cho IRP bị chệch trên thực tế chúng ta đã nhắc đến những nguyên nhân như: Chi phí giao dịch; Chi phí thu thập và xử lý thông tin; Can thiệp của chính phủ; Trở ngại tài chính và thị trường không hoàn hảo; Tính không đồng nhất của các tài sản nhưng trên thực tế tại Thị trường ngoại hối Việt Nam thì tồn tại những yếu tố nào trong những yếu tố kể trên và đâu là nguyên nhân chính khiến IRP không được duy trì? Sau đây theo quan điểm của nhóm xin liệt kê một số các nguyên nhân khiến cho IRP bị chệch. Đó là những nguyên nhân từ các chính sách quản lý ngoại hối của NHNN và những nguyên nhân từ các yếu tố thị trường.
1.1 Nguyên nhân từ các chính sách
Chính sách điều hành tỷ giá
Theo như hệ thống tỷ giá mà Việt Nam đang thực thi, các NHTM tự niêm yết tỷ giá mua vào và bán ra trên cơ sở tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng với biên độ cho phép do NHNN công bố, ví dụ: ±1%, ±3% (ví dụ: NHNN đã công bố tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngày 03/04/2012 là 20.828 VNĐ/USD và biên độ giao động tỉ giá hiện tại là ±3%) ….Tuy nhiên NHNN đã can thiệp sâu vào việc xác định tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng dẫn đến hậu quả là tỷ giá của các NHTM không phản ánh được hoàn toàn tỷ giá cân bằng trên thị trường. Bằng chứng chính là việc tỷ giá giao dịch tại các NHTM thường đạt đến mức kịch trần trong giới hạn cho phép của NHNN. Tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do vẫn thường cao hơn tỷ giá của các NHTM vào khoảng 20 - 30 VND, thậm chí có nhiều thời điểm lên tới 150 - 600 VND trên 1 USD. Câu hỏi được đặt ra là có phải tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng đã bị bóp méo? Giải băng tỷ giá đã làm giảm đi sự tự chủ trong điều hành tỷ giá của bản thân các NHTM? Vậy có nên dỡ bỏ rào cản này đi hay không? Trong một số thời kỳ nguồn cung ngoại hối đã không đáp ứng cầu dẫn đến việc tỷ giá trên thị trường có xu hướng tăng lên. Để chấp hành các quy định về quản lý ngoại hối trong bối cảnh tỷ giá cân bằng vượt quá xa mức biên độ cho phép của NHNN các bên tham gia giao dịch đã sử dụng “các biện pháp ma thuật” để lách luật. Một trong những “biện pháp ma thuật” đó là sử dụng hợp đồng kỳ hạn với tỷ giá kỳ hạn tương ứng hoặc mua bán một ngoại tệ thứ ba sau đó chuyển đổi sang USD. Một biện pháp khác được các NHTM lựa chọn nhằm bù đắp sự thiếu hụt trong cung ngoại hối là nâng lãi suất cho vay bằng USD.
Các biện pháp trên đã gây tác động làm bóp méo cả tỷ giá giao ngay và tỷ giá kỳ hạn trên Thị trường ngoại hối cũng như gây những tác động bất lợi tương tự đến thị trường tiền tệ. Kể từ khi giao dịch ngoại hối kỳ hạn được cho phép thực hiện vào năm 1998, các thành viên tham gia trên thị trường ngoại hối Việt Nam vẫn rất e dè với loại hình giao dịch này. Khối lượng giao dịch kỳ hạn trên tổng khối lượng giao dịch ngoại hối trên thị trường là rất nhỏ và không tương xứng với nhưng ưu điểm mà loại hình giao dịch này mang lại. Hợp đồng kỳ hạn chỉ được ưa chuộng hơn khi thị trường rơi vào trạng thái khan hiếm ngoại tệ, cung không đủ đáp ứng cầu. Tại những thời điểm dư thừa nguồn cung ngoại tệ, các giao dịch giao ngay dễ dàng được thực hiện thì gần như các giao dịch kỳ hạn không diễn ra.
Quy định về trạng thái ngoại tệ
Tương tự như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam cũng đang áp dụng các chính sách khống chế Trạng thái ngoại tệ do NHNN ban hành (Tài khoản ghi bằng ngoại tệ nằm ngoài biên độ cán cân cho phép sẽ phải được mua vào để bù đắp thiếu hụt hoặc bán ra nếu dư thừa) các NHTM không được phép duy trì tài khoản ghi bằng ngoại tệ vượt ra ngoài mức giới hạn mà NHNN đã phân bổ cho từng ngân hàng tính trên vốn chủ sở hữu của các ngân hàng này. Chính điều này làm xuất hiện các vấn đề:
- Nếu các NHTM có vị thế trường ngoại hối vượt quá mức cho phép họ bắt buộc phải bán khoản vượt quá đó. Trong trường hợp NHNN không đứng ra mua, các ngân hàng trên sẽ phải bán với mức tỷ giá thấp hơn tỷ giá trên thị trường.
- Ngược lại, NHTM phải mua vào ngoại tệ để bù đắp thiếu hụt gây ra bởi trạng thái đoản ngoại tệ với mức tỷ giá cao hơn tỷ giá thị trường.
Chính vì vậy áp dụng quy định về trạng thái ngoại tệ làm cho các NHTM bị bắt buộc thực hiện giao dịch ngoại hối với những tỷ giá mà họ không mong muốn và đây cũng chính là một trong các yếu tố làm cho điều kiện ngang giá lãi suất không được duy trì tại Thị trường ngoại hối Việt Nam.
Quy định về quyền được tham gia giao dịch ngoại hối
Quyền được tham gia mua bán trên Thị trường ngoại hối của các khách hàng (như các công ty, các doanh nghiệp và các cá nhân) bị hạn chế. Họ chỉ có quyền thực hiện các giao dịch ngoại hối với các NHTM, các giao dịch ngoại hối giữa khách hàng với nhau trên thị trường nội địa nước ta đều bị cấm. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc trên Thị trường ngoại hối Việt Nam, những cá nhân đơn lẻ thường ở thế yếu, nghĩa là phải chấp nhận giá mà các NHTM đặt ra mỗi khi muốn giao dịch. Các cá nhân thiếu sự chủ động trong các giao dịch ngoại hối hoặc phải tìm đến những cách thức mà luật quản lý ngoại hối Việt Nam không cho phép. Điều này đã tạo cơ sở cho sự phát triển của thị trường ngoại tệ ngầm, thị trường ngoại tệ chợ đen và gây ra những khó khăn trong điều hành quản lý ngoại hối cho NHNN.
Quyền được tiếp cận với dòng vốn ngoại tệ đối với mỗi bộ phận doanh nghiệp cũng là khác nhau. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với lợi thế hơn hẳn về trình độ quản lý, thêm nữa lại được nhà nước “cho phép” vay ngoại tệ, các ngân hàng cũng mạnh dạn hơn trong việc cho các doanh nghiệp này vay ngoại tệ cho nên họ càng có cơ hội để tận dụng được chênh lệch lãi suất. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam, hay là người dân
Việt Nam dù có tính toán được chênh lệch lãi suất thì cũng không thể tận dụng được vì rào cản quản lý ngoại hối của nhà nước, theo qui định hiện hành thì chỉ có các doanh nghiệp có hợp đồng nhập khẩu mới có thể được vay ngoại tệ. Một rào cản vô tình đã được dựng lên hạn chế doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ là vay bằng ngoại tệ và tác động khiến cho IRP không được duy trì.
Những quy định hạn chế tính chuyển đổi của VNĐ
Các chính sách quản lý ngoại hối của nước ta quy định rằng, các hoạt động mua ngoại tệ của khách hàng muốn được chấp nhận phải có đủ các chứng từ chứng minh mục đích hợp pháp trong sử dụng lượng ngoại tệ được mua. Việc chuyển đổi từ VNĐ sang USD được giám sát một cách sát sao, sự lưu chuyển giữa các dòng vốn bị hạn chế và hậu quả là rất khó để chuyển đổi một loại tài sản đang được ghi bằng loại tiền tệ này sang một loại tiền tệ khác. Việc chuyển ngoại tệ ra khỏi biên giới Việt Nam cũng bị kiểm soát chặt chẽ và không chế về số lượng. Nói chung khả năng chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam là rất yếu.
Tính chất chuyển đổi của một đồng tiền thường được phân biệt thành ba loại với mức độ và điều kiện khác nhau, theo mục đích khác nhau của việc chuyển đổi. Đó là: tính chất chuyển đổi cho các khoản vãng lai; tính chất chuyển đổi cho các khoản di chuyển vốn; tính chất chuyển đổi nội bộ. Xét trên cả ba mặt trên thì tính chất chuyển đổi của Đồng Việt Nam đều rất hạn chế và đây cũng chính là nguyên nhân khiến một trong những điều kiện để IRP được duy trì đã không được thảo mãn.
1.2 Nguyên nhân từ các nhân tố của thị trường
Cung và cầu về ngoại hối thường xuyên lệch nhau
Chính sự bất cân xứng về cung cầu ngoại hối là nguyên nhân làm cho tỷ giá biến động mạnh, do đó trong nhiều thời điểm các giao dịch ngoại hối được thực hiện mà không tính đến yếu tố chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền. Trên phương diện lý thuyết cũng như thực tiễn ở nhiều nước trên thế giới, tỷ giá kỳ hạn được xác định trên cơ sở tỷ giá giao ngay và chênh lệch lãi suất giữa đồng tiền định giá và đồng tiền yết giá và số ngày kỳ hạn của hợp đồng nhưng tại Việt Nam điều này không xảy ra. Tỷ giá kỳ hạn chịu nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố cung cầu. Tình trạng khan hiếm ngoại hối đẩy tỷ giá kỳ hạn và điểm kỳ hạn lên cao, còn vào những thời điểm dư thừa ngoại hối thì giao dịch kỳ hạn lại ít được sử dụng.
Hoạt động của N.H Nhà nước trên Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng
Ngân hàng nhà nước Việt Nam với vai trò là Ngân hàng trung ương vừa chịu trách nhiệm điều hành vừa trực tiếp tham gia vào các hoạt động trên thị trường với vai trò là người mua và người bán cuối cùng nhưng hiện tại NHTW mới chủ yếu quản lý thị trường thông qua các mệnh lệnh hành chính hơn là qua việc thực hiện chức năng là người mua và người bán cuối cùng. Rất khó để mua được ngoại tệ từ NHTW, thậm chí bán ngoại tệ cho NHTW đôi khi cũng không dễ dàng. Trong trường hợp NHTW chấp nhận giao dịch thì các NHTM cũng phải mua với tỷ giá trần và bán với tỷ giá sàn. Trên thực tế hiện tượng trên là khá phổ biến, các NHTM được yêu cầu duy trì trạng thái ngoại hối theo quy định nhưng để duy trì được trạng thái đó họ có nhu cầu mua hoặc bán ngoại tệ thì NHTW lại từ
chối giao dịch đẩy các NHTM và các TCTD vào tình thế bắt buộc phải tìm kiếm những biện pháp khác để lách luật, thực hiện các giao dịch.
Tồn tại hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất
Trên Thị trường ngoại hối Việt Nam có tồn tại hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất, trong khi đó “Học thuyết ngang giá lãi suất” lại chỉ ra rằng hành vi kinh doanh chênh lệch lãi suất chỉ tồn tại khi mà có sự khác biệt về lãi suất có bảo hiểm giữa thị trường trong nước và thị trường nước ngoài. Đây chính là điểm đặc thù tại Thị trường ngoại hối Việt Nam, nếu nhà kinh doanh dạo một vòng thị trường anh ta có thế kiếm được tiền bằng việc mua và bán ngoại tệ tại cùng một thời điểm. Những lý do chính dẫn đến việc tồn tại hành vi kinh doanh chênh lệch lãi suất có thể kể đến ở đây là: Thông tin bất cân xứng trên Thị trường ngoại hối Việt Nam, sự khác biệt trong khống chế trạng thái ngoại hối đối với mỗi ngân hàng và thậm chí có khi là do danh tiếng của từng ngân hàng.
Tồn tại chi phí giao dịch ngoại hối
Điều kiện đầu tiên để IRP được duy trì là: “không tồn tại chi phí giao dịch”. Nhưng điều này gần như là bất khả thi trên mọi Thị trường ngoại hối các quốc gia và Thị trường ngoại hối Việt Nam không phải là ngoại lệ. Chi phí đối với các giao dịch ngoại hối vẫn luôn tồn tại mặc dù tất cả các giao dịch ngoại hối đều diễn ra trên cùng thị trường. Những chi phí này bao gồm: phí tư vấn; phí môi giới... thậm chí không loại trừ cả chi phí cho việc đi cửa sau, tham nhũng. Thị trường ngoại hối Việt Nam còn non trẻ và chưa chuyên nghiệp làm cho những chi phí này cao hơn so với các thị trường phát triển khác trên thế giới.
Tình trạng độc quyền trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ trên thị trường ngoại hối Việt Nam
Trên thị trường ngoại hối Việt Nam tồn tại tình trạng độc quyền trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ. Kể từ khi hình thành Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, các NHTM và các TCTD đã có thể tham gia kinh doanh ngoại hối nếu được NHNN cấp phép, tình trạng chỉ có Ngân hàng Ngoại thương được quyền kinh doanh ngoại hối đã được dỡ bỏ. Tuy nhiên hiện nay Thị trường ngoại hối nói chung và Thị trường ngoại hối chính thức,có tổ chức (Thị trường Interbank) nói riêng còn chưa hoàn thiện, chưa phát triển một cách đồng đều. Hoạt động kinh doanh ngoại tệ hầu hết chỉ tập trung ở một số các ngân hàng mà chủ yếu là khối các ngân hàng nước ngoài một vài ngân hàng trong nước như Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Kỹ thương (Teckcombank) hay Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu (Eximbank). Tình trạng độc quyền trong kinh doanh ngoại hối chứng tỏ tính cạnh tranh trên thị trường là không hoàn hảo hay một trong các điều kiện để IRP tồn tại đã không được đáp ứng.
Tỷ giá giao ngay trong tương lai luôn thấp hơn tỷ giá kỳ hạn
NHNN can thiệp sâu vào việc xác định tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng và duy trì khung giao động của tỷ giá, làm cho tỷ giá giao ngay trong tương lai thường thấp hơn tỷ giá kỳ hạn. Nếu “Điều kiện ngang giá lãi suất” có bảo hiểm hay không có bảo hiểm tồn tại thì tỷ giá kỳ hạn và tỷ giá giao ngay tại thời điểm hợp đồng kỳ hạn đến
hạn phải bằng nhau nhưng sự can thiệp với biên độ còn hẹp của NHNN không cho phép tỷ giá giao ngay tăng quá một mức trần nhất định khiến cho tỷ giá kỳ hạn luôn cao hơn tỷ giá giao ngay trong lương lai. Chính vì vậy sự can thiệp này là nguyên nhân khiến cho “ngang giá lãi suất” không tồn tại.