2. Một số đề xuất nhằm ứng dụng IRP và điều hành tỷ giá tại thị trường ngoại hối Việt Nam
2.1.2 Hoàn thiện thị trường ngoại tệ liên ngân hàng và minh bạch hóa trong công bố TGBQLNH
công bố TGBQLNH
Tỷ trọng doanh số giao dịch trên thị trường Interbank là quá thấp, ước tính chỉ đạt trung bình 15 - 20% trên tổng doanh số giao dịch toàn Thị trường ngoại hối Việt Nam; trong khi đó, trên thị trường ngoại hối quốc tế tỷ trọng này lên tới 85%. Chính vì doanh số giao dịch trên Interbank quốc tế lớn như vậy nên khi nói đến thị trường ngoại hối người ta nghĩ ngay đến thị trường Interbank; hay nói cách khác Interbank là trung tâm của thị trường ngoại hối. Ngược lại khi nói đến thị trường ngoại hối Việt Nam người ta nghĩ ngay đến thị trường mua bán ngoại tệ giữa các ngân hàng được phép với khách hàng và thị trường ngầm mua bán ngoại tệ. Điều này làm cho thị trường Interbank Việt Nam không phát huy được vai trò tích cực với nền kinh tế cũng như không thể phát triển và hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới cần phải có những giải pháp thúc đẩy sự phát triển của thị trường Interbank như khơi thông các kênh giao dịch và tạo thanh khoản cho thị trường, đặc biệt là dỡ bỏ các rào cản mang tính hành chính. Để có một thị trường ngoại tệ Liên ngân hàng hoạt động hiệu quả ở Việt Nam cần phải thực hiện những cải cách sau:
- Thực hiện vai trò của NHTW là người mua người bán cuối cùng trên thị trường ngoại hối. Hiện tại do tỷ giá chưa thực sự làm được chức năng điều tiết cung cầu thì vai trò hướng dẫn điều tiết của NHTW cần được thể hiện thông qua việc mua bán ngoại tệ cuối cùng trên thị trường ngoại hối.
- Việc can thiệp của NHNN cần phải diễn ra kịp thời với quy mô thích hợp, có như vậy thì thị trường hoạt động mới thông suốt. Một khi NHNN không tiến hành can thiệp hoặc quá trình can thiệp diễn ra chậm, quy mô can thiệp không thích hợp sẽ làm phát sinh tâm lý rụt rè ngóng đợi, khiến cho thị trường rơi vào tình trạng trầm lắng, kích thích đầu cơ và gây áp lực lên tỷ giá. Cần lưu ý rằng sự can thiệp của NHNN ảnh hưởng lên Thị trường ngoại hối lớn hơn nhiều so với quy mô can thiệp của chính nó. Như vậy, chỉ cần một động thái khôn ngoan thích hợp của NHNN cũng đủ để thị trường hoạt động thông suốt và hiệu quả.
- Tiến hành thiết lập Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng hoàn thiện về tổ chức cũng như quy mô nghĩa là: thị trường theo mô hình tổ chức kép bao gồm thị trường ngoại tệ liên ngân hàng trực tiếp giữa các ngân hàng và thị trường gián tiếp qua môi giới.
- Hiện nay có hơn 80 tổ chức được công nhận là thành viên Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, nhưng số thành viên tham gia tích cực thì rất hạn chế, điều này khiến cho thị trường hoạt động trầm lắng. Hơn nữa giao dịch trên thị trường thường diễn ra một chiều, nghĩa là một số ngân hàng thì chuyên bán, số khác thì chuyên mua, khiến cho thị trường mất đi tính đặc thù của nó. Để khắc phục hạn chế này cần mở rộng số lượng thành viên, mặt khác cần tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các thành viên tham gia thị trường tích cực hơn.
- Minh bạch hóa TGBQLNH cũng là một biện pháp thúc đẩy sự phát triển của thị trường Interbank. Hiện nay NHNN tiến hành công bố tỷ giá bình quân liên ngân hàng của ngày giao dịch gần nhất và tỷ giá này được lấy làm cơ sở để các NHTM niêm yết tỷ giá cho các giao dịch diễn ra trong ngày. Mục tiêu đặt ra là làm sao TGBQLNH phải phản ánh được tỷ giá giao dịch thật trên Thị trường Interbank, qua đó tỷ giá này có thể theo sát được tỷ giá thật trên toàn thị trường. Các NHTM sau khi tuân thủ quy định về tỷ giá trong biên độ cho
phép vẫn có được một tỷ giá mua vào và bán ra mang tính cạnh tranh và gần hơn với tỷ giá cân bằng giúp giảm áp lực giao dịch ngoại tệ trên thị trường chợ đen.