Khi đọc hay nghiên cứu bất cứ một tác phẩm văn học nào, yếu tố đầu tiên đập vào mắt chúng ta là ngôn từ nghệ thuật. Bởi lẽ ngôn ngữ là đối tượng và chất liệu của văn học. Ngôn ngữ là thứ đầu tiên chúng ta tiếp xúc. Nhà văn dùng ngôn ngữ để sáng tạo văn học. Nhưng không phải bất kì phương diện nào của ngôn ngữ cũng được thể hiện trong tác phẩm. Ngôn ngữ trong tác phẩm văn học, từ sau đây chúng tôi thống nhất gọi là ngôn từ nghệ thuật. Bởi ngôn ngữ của cộng đồng – nơi nhà văn tìm chất liệu để sáng tác có sự khác biệt với ngôn ngữ ở trong tác phẩm. “Ngôn ngữ nhân dân là cội nguồn của ngôn ngữ văn học. Trong tác phẩm, ngôn ngữ văn học là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của nhà văn” [45, 215]. Cùng với ý kiến xem ngôn ngữ là nền tảng để tạo nên ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm là Huỳnh Như Phương. Ông cho rằng ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm là “một kiểu lời nói nghệ thuật do nhà văn sáng tạo nên trên cơ sở sản phẩm ngôn ngữ của một xã hội mà ông ta tiếp thu được. Lời văn nghệ thuật này chính là đối tượng của một sự phân tích văn học” [49, 170]. Khi nghiên cứu tác phẩm văn học, chúng ta phải tiến hành trên chính lớp
ngôn từ này chứ không phải ngôn ngữ của cuộc sống. Vì ngôn từ trong tác phẩm là “ngôn ngữ trong tính toàn vẹn, cụ thể và sinh động của nó chứ không phải là ngôn ngữ với tính cách là đối tượng chuyên biệt của ngôn ngữ học có được bằng một sự trừu tượng hóa và tất yếu một khía cạnh nào đó của sự sống cụ thể của lời nói” [14, 189]. Rõ ràng, các tác giả đều cho thấy có sự khác biệt trong ngôn ngữ cuộc sống và ngôn từ văn chương. Ở chương 1, chúng tôi cũng đã cố gắng lí giải rằng hai loại ngôn ngữ này là khác nhau. Mỗi loại ngôn ngữ có một vai trò riêng. Nếu ngôn ngữ cuộc sống là phương tiện để giao tiếp và biểu đạt tư duy thì ngôn từ nghệ thuật lại được chú ý đến ở khía cạnh thẩm mỹ của nó nhiều hơn. Theo Lại Nguyên Ân trong 150 thuật ngữ văn học thì ngôn từ nghệ thuật là “dạng ngôn ngữ được dùng để biểu đạt nội dung hình tượng của các tác phẩm nghệ thuật ngôn từ” [10, 227] và nó khác ngôn ngữ cuộc sống ở chỗ nó “sử dụng liên tục chức năng thẩm mỹ của ngôn ngữ, do chỗ nó có nhiệm vụ thể hiện ý đồ tác giả; trong khi đó ở các dạng thức khác của lời nói, chức năng này chỉ biểu lộ thất thường” [10, 227]. Chính nhờ chức năng này của ngôn từ nghệ thuật mà “các nhà văn tái hiện được những nét cá thể cùng các chi tiết đời sống của các nhân vật, chính những nét và chi tiết ấy, nói chung đã làm nên “thế giới” cụ thể của tác phẩm” [111, 104].
3.1.2. Sự độc sáng về ngôn từ nghệ thuật trong tiểu thuyết của Trần Dần