2.1.1. Chủ thể trần thuật trong tác phẩm tự sự
Lý thuyết văn học hiện đại hiện nay rất coi trọng vai trò của chủ thể trần thuật trong tác phẩm văn học (tác phẩm văn học ở đây là tác phẩm tự sự). Thực ra, trong một thời gian khá dài, khi nghiên cứu văn học, người ta chỉ chú ý đến thế giới nghệ thuật bên trong tác phẩm không quan tâm tới những nhân tố bên ngoài văn bản, đến “cuộc đời” sống động của tác phẩm văn học. Giá trị của một tác phẩm văn học bị chi phối không chỉ bởi chính bản thân tác phẩm mà còn bởi sự tiếp nhận văn học. Trong đó, vai trò của tác giả và người đọc rất quan trọng. Cho đến khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, những nhân tố này mới được chú ý đến. Từ việc quan tâm đến chủ thể sáng tác (nhà văn) mà người ta cũng phát hiện ra vai trò và quyền năng to lớn của chủ thể trần thuật trong tác phẩm tự sự. Đó là yếu tố hàng đầu của tự sự học. Tự sự học là một nhánh của thi pháp học hiện đại. Nó nghiên cứu chủ yếu về cấu trúc văn bản, hay nói cách khác là nghiên cứu các đặc điểm của nghệ thuật trần thuật trong một tác phẩm văn học để tìm ra một cách đọc tốt nhất. Trong các yếu tố thuộc về nghệ thuật trần thuật, chủ thể trần thuật là yếu tố giữ vai trò trung tâm. Nói như vậy vì mọi yếu tố khác của nghệ thuật trần thuật đều ít nhiều bị chi phối và có ảnh hưởng bởi yếu tố này. Bên cạnh đó, các phương diện khác của tự sự như điểm nhìn, ngôi kể, lời văn nghệ thuật,… đều được phản ánh thông qua chủ thể trần thuật của tác phẩm văn học. Có rất nhiều cách gọi khác nhau cho cùng một khái niệm chủ thể trần thuật như: người kể chuyện, người trần thuật, người thuật truyện, kẻ mang thông điệp, chủ thể kể chuyện,… Trong luận văn này, chúng tôi thống nhất cách dùng chủ thể trần thuật và người kể chuyện cho khái niệm này.
Có rất nhiều ý kiến về khái niệm chủ thể trần thuật dựa trên vai trò, mối liên hệ của chủ thể trần thuật với các yếu tố khác, kể cả trong sự phân biệt giữa chủ thể trần thuật và nhà văn. Sau đây, chúng tôi chỉ đưa ra một số những quan niệm tiêu biểu.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, thì ”người trần thuật là một nhân vật hư cấu hoặc có thật, mà văn bản tự sự là do hành vi ngôn ngữ của anh ta tạo thành (…) nó bị trừu tượng hóa đi, trở thành một nhân vật hoặc ẩn hoặc hiện trong tác phẩm tự sự” [45, 211-212]. Như vậy, chủ thể trần thuật là một hình tượng do nhà văn sáng tạo ra. Chủ thể trần thuật có thể xuất hiện hoặc không xuất hiện trong tác phẩm tự sự, nhưng tác phẩm là do nhân vật này bằng lời văn của mình tạo nên.
Nhà nghiên cứu Ngô Tự Lập lại có một cách nhìn khác về chủ thể trần thuật. Ngô Tự Lập cho rằng, chủ thể trần thuật là một sứ giả mang thông điệp từ nhà văn đến với người đọc: “Các thông điệp của một văn bản bao giờ cũng được chuyển đi, trực tiếp hoặc gián tiếp, nhờ một hay một vài phát ngôn viên (speaker, hoặc narrator), mà tôi gọi là kẻ mang thông điệp” [82, 178]. Như vậy, có thể thấy chủ thể trần thuật chính là nhịp cầu nối giữa nhà văn và người đọc. Ông cũng thống nhất với Từ điển thuật ngữ văn học khi nhấn mạnh vào đặc điểm và mối quan hệ giữa thông điệp và kẻ mang thông điệp là cái quyết định tính chất của văn bản và “trong truyện, thông điệp mang tính chất khái quát, và kẻ mang thông điệp là những nhân vật hư cấu” [82, 180].
Cùng với ý kiến của Ngô Tự Lập là Lại Nguyên Ân khi ông đưa ra quan niệm: “Trần thuật tự sự được dẫn dắt bởi một ngôi được gọi là người trần thuật - một loại trung giới giữa cái được miêu tả và thính giả (độc giả), loại người chứng kiến và giải thích về những gì đã xảy ra” [10, 360]. Có thể thấy Lại Nguyên Ân đã chú ý đến sự chứng kiến và giải thích của chủ thể trần
thuật đối với những sự việc trong tác phẩm văn học. Đây là dấu hiệu để nhận biết chủ thể trần thuật trong tác phẩm.
Đặt chủ thể trần thuật trong mối tương quan với kết cấu tác phẩm, nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương nhận định: “Khái niệm hình tượng tác giả (người kể chuyện) nói lên bản chất của tác phẩm nghệ thuật và là nơi tập trung sự thống nhất về tư tưởng, kết cấu, hình tượng và ngôn từ của tác phẩm. Đó là phạm trù thi pháp cao nhất quyết định đặc điểm và nội dung của cấu trúc tác phẩm, quyết định cả tính khuynh hướng và sự triển khai tác phẩm đó” [49, 215].
Qua những quan niệm trên, chúng tôi tóm gọn lại thành những ý như sau về khái niệm chủ thể trần thuật:
1. Chủ thể trần thuật là một hình tượng do nhà văn sáng tạo nên, là người phát ngôn trong tác phẩm tự sự, giữ vai trò là nhân tố trung tâm chi phối mọi yếu tố trần thuật khác của tác phẩm.
2. Chủ thể trần thuật không phải là nhà văn, chỉ giữ vai trò trung gian giữa nhà văn và bạn đọc. Nhà văn là chủ thể sáng tạo, còn chủ thể trần thuật là hình tượng nghệ thuật do nhà văn sáng tạo ra. Chủ thể trần thuật có thể vừa là người kể, vừa là nhân vật. Tác giả gửi gắm vào chủ thể trần thuật thái độ của mình đối với câu chuyện. Vì vậy có thể nói chủ thể trần thuật là một hình tượng nhân vật mang thái độ. Tác giả không bao giờ xuất hiện trong tác phẩm như một chủ thể trần thuật mà chỉ như một người nghe trộm và ghi trộm lời kể của người khác. Lời kể của chủ thể trần thuật mới là phát ngôn tạo lên văn bản tự sự. Vì vậy, thái độ của chủ thể trần thuật đối với sự việc trong tác phẩm có thể trùng với tác giả nhưng không trùng khít hoàn toàn. Bởi vì quan niệm của tác giả bao giờ cũng rộng lớn thẳm sâu mà một hình tượng chủ thể trần thuật không thể nào chứa đựng hết được. Ngay cả trong những tác phẩm tự truyện thì chủ thể trần thuật và tác giả vẫn không đồng nhất với nhau. Dù
tác giả lấy cuộc đời mình làm chất liệu sáng tác nhưng vẫn có sự khác biệt về không gian, thời gian giữa câu chuyện đã xảy ra và câu chuyện được kể. Từ đó mà dẫn đến sự khác nhau về cảm xúc, tư tưởng. Tất cả đã không còn được nguyên vẹn như cũ khi tác giả hồi nhớ lại. Quá khứ đã bị che phủ bởi sự tưởng tượng và trải nghiệm của nhà văn. Trần Đình Sử đã nói tác giả chỉ “xuất hiện như là một tác giả hàm ẩn, một cái tôi thứ hai của nhà văn với tư cách là người mang hệ thống quan niệm và giá trị trong tác phẩm” [121, 156].
3. Mỗi tác phẩm văn học có nhiều cách để cấu tạo nên. Nhiệm vụ của chủ thể trần thuật là phải tìm ra một kết cấu tối ưu cho câu chuyện của mình. Kết cấu ấy không chỉ khiến độc giả cảm thấy hấp dẫn, lôi cuốn mà còn phải có khả năng chuyển tải được nhiều nhất giá trị của tác phẩm. L.I.Timofiev nhận định về điều này như sau: “Hình tượng này có tầm quan trọng hết sức to lớn trong việc xây dựng tác phẩm bởi các quan niệm, các biến cố xảy ra, cách đánh giá nhân vật và các biến cố đều xuất phát từ cá nhân người kể chuyện” [39, 44]. Chủ thể trần thuật thể hiện vai trò tổ chức kết cấu tác phẩm trên nhiều bình diện. Trong đó có tổ chức hệ thống nhân vật và tổ chức hệ thống sự kiện để tạo thành truyện. Chủ thể trần thuật có thể là người đứng ngoài quan sát nhân vật và kể lại, cũng có thể tham gia vào câu chuyện với tư cách một nhân vật trong câu chuyện,… Có lúc chủ thể trần thuật nhìn bằng con mắt của chính mình, có lúc lại trao điểm nhìn cho nhân vật,… Sự biến hóa của chủ thể trần thuật và các yếu tố bên trong nó khiến cho nhân vật được thể hiện ở nhiều chiều kích khác nhau. Bên cạnh đó, chủ thể trần thuật còn tổ chức các sự kiện thành truyện, hay kết cấu văn bản nghệ thuật theo nhiều cách để tạo cho trần thuật có độ lệch giữa cốt truyện và thời gian được trần thuật.
2.1.2. Chủ thể trần thuật trong tiểu thuyết Trần Dần
Hình tượng chủ thể trần thuật được thể hiện qua ba yếu tố là điểm nhìn trần thuật, ngôi kể và lời kể. Trong tiểu thuyết của Trần Dần, hình tượng chủ thể trần thuật đã có một bước tiến dài từ Người người lớp lớp đến Những ngã tư và những cột đèn, từ chủ thể trần thuật ẩn mình ngôi thứ ba đến chủ thể trần thuật xưng tôi ngôi thứ nhất. Tương ứng với mỗi loại chủ thể trần thuật lại có những điểm nhìn và lời kể riêng. Lựa chọn chủ thể trần thuật chính xác cho từng tác phẩm không chỉ giúp nhà văn phản ánh sâu sắc hiện thực cuộc sống và tâm hồn con người mà còn chứng tỏ khả năng nghệ thuật của nhà văn.
2.1.2.1. Chủ thể trần thuật ẩn mình (ngôi thứ ba) với điểm nhìn tác giả và điểm nhìn nhân vật
Người người lớp lớp là tác phẩm được Trần Dần sử dụng chủ thể ở ngôi thứ ba trong trần thuật. Có thể nói, ở thời điểm ra đời của tác phẩm, với nội dung phản ánh chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại của dân tộc thì chủ thể trần thuật này đã xuất sắc trong vai trò mang đến cho tác phẩm một cái nhìn sử thi, vừa hoành tráng, hào hùng; nhưng cũng không kém phần lãng mạn như bao tác phẩm khác viết về chiến tranh trong giai đoạn này.
Chủ thể trần thuật ẩn mình ngôi thứ ba không hề xa lạ trong văn chương thế giới từ xưa đến nay. Đây là loại hình chủ thể trần thuật xuất hiện sớm nhất trong lịch sử văn học. Từ buổi hồng hoang nguyên thủy, những huyền thoại thường bắt đầu bằng cụm từ mơ mộng “ngày xửa ngày xưa” và chúng ta không hề biết ai là người đã quan sát, cảm nhận và kể cho chúng ta về câu chuyện đó. Người kể chuyện ở đây không xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm mà chỉ như một người đứng ngoài ghi nhận lại diễn biến sự việc. Suốt một thời gian dài, cách kể chuyện như thế này luôn chiếm ưu thế. Cách kể chuyện này cũng mang lại những lợi ích không nhỏ đối với tác phẩm. Đặc biệt là với
chủ thể ngôi thứ ba với điểm nhìn zero, điểm nhìn của Đấng tối thượng hay còn gọi là điểm nhìn toàn tri. Khi đó, câu chuyện tuy không được kể qua lời của người tham gia nhưng lại khiến người đọc có cảm giác người kể biết tuốt mọi sự việc. Thậm chí cả tâm tư sâu kín nhất trong tâm hồn người khác, người kể ấy cũng biết. Nhưng chủ yếu, cách kể ở ngôi thứ ba thường mang lại cái nhìn khách quan đối với sự vật, sự việc vì đó là cái nhìn của người không tham gia vào câu chuyện.
Chủ thể trần thuật luôn phải đứng ở một góc nhìn nào đó để quan sát câu chuyện và kể lại. Góc nhìn đó được gọi là điểm nhìn trần thuật. Điểm nhìn trần thuật được xem là “vị trí mà từ đó người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm”[45, 112]. Điểm nhìn trần thuật giúp chủ thể trần thuật dễ dàng bộc lộ ngôn ngữ, giọng điệu, thái độ của nhân vật trong tác phẩm và đồng thời điểm nhìn cũng giúp ta nhận ra đặc điểm phong cách, quan niệm về nghệ thuật và cuộc sống của nhà văn. Điểm nhìn có một vai trò quan trọng trong việc giúp người đọc nhìn sâu vào kết cấu nghệ thuật của tác phẩm. Bakhtin khi bàn về tiểu thuyết Dostoievsky đã xem điểm nhìn như là “cái lập trường mà xuất phát từ đó câu chuyện được kể, hình tượng được miêu tả hay sự việc được thông báo” [13].
Về cách phân chia điểm nhìn trần thuật đến nay vẫn còn chưa thống nhất trên thế giới. Theo các tác giả trong Lí luận văn học do Phương Lựu chủ biên thì có hai cách chủ yếu để phân chia điểm nhìn trần thuật. Nếu dựa trên “trường nhìn trần thuật, tức là điểm nhìn bao quát cái phần thế giới được nhìn từ một chỗ đứng nào đó, có thể chia làm hai loại: “trường nhìn tác giả” và “trường nhìn nhân vật”” [91, 310]. Nếu dựa trên “bình diện tâm lí, có thể phân biệt điểm nhìn bên trong và điểm nhìn bên ngoài” [91, 311]. Trong một tác phẩm có thể có nhiều điểm nhìn khác nhau, được luân phiên hoặc phối hợp với nhau một cách linh hoạt.
Ở tiểu thuyết Người người lớp lớp của Trần Dần, chúng tôi xem xét tác phẩm dựa trên trường nhìn trần thuật và nhận thấy chủ thể trần thuật ngôi thứ ba nhìn sự việc với cả điểm nhìn tác giả và điểm nhìn nhân vật.
Chủ thể trần thuật ẩn mình với điểm nhìn tác giả
Điểm nhìn tác giả chính là điểm nhìn của bản thân chủ thể trần thuật ngôi thứ ba, là cái nhìn của người không trực tiếp tham gia vào câu chuyện mà chỉ đứng ngoài quan sát và ghi nhận lại. Cái nhìn này bộc lộ thái độ, tình cảm của nhà văn rất rõ ràng, nhưng lại không làm rõ được tâm tư, tình cảm của nhân vật. Đây là một cái nhìn mang tính khách quan tuyệt đối. Tuy nhiên, dựa trên cách nhìn này của chủ thể trần thuật mà người đọc sẽ có được những cảm nhận về nhân vật, sẽ được định hướng trong việc cảm thụ thế giới nghệ thuật của nhà văn. Trong Người người lớp lớp, điểm nhìn này xuất hiện chủ yếu trong việc thể hiện khí thế của cuộc kháng chiến và miêu tả thiên nhiên.
Người người lớp lớp được sáng tác khi tác giả trên đường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và hoàn thành khi chiến dịch vừa kết thúc. Vì thế Người người lớp lớp có cái say nồng của “ly rượu tối tân hôn”. Tất cả những âm vang của chiến trận, nô nức của lòng người, những niềm vui nỗi buồn đều tươi nguyên, chưa một vết bụi mờ. Người người lớp lớp đã tái hiện chiến dịch Điện Biên Phủ từ lúc các chiến sĩ đang chờ lệnh hành quân cho đến ngày chiến thắng. Mỗi chặng đường ấy, sự vẻ vang, tinh thần quả cảm của quân dân ta đều được ghi nhận lại. Xuất hiện thường xuyên trong tác phẩm là lời của người kể chuyện ẩn mình nói về cảnh hành quân rầm rập của các chiến sĩ:
“Trong người ai nấy bừng lên một niềm sung sướng, tự hào. Năm ngoái quân ta vâng lệnh Bác Hồ vào giải phóng được một vùng Tây Bắc rộng lớn.[…] Quân ta rầm rập tiến.” (34)
Chủ thể trần thuật tuy nhìn từ bên ngoài nhưng vẫn thấy được sự háo hức, nôn nao của các chiến sĩ: “Quân ta hăm hở tiến lên, lòng tự hào thấy sức lớn mạnh của Tổ quốc.” (35) Vị trí đứng của chủ thể trần thuật rất gần với đoàn
quân, thậm chí còn nhập thân vào chiến sĩ để thấy được tâm trạng của họ. Có lúc, chủ thể trần thuật lại đứng từ trên cao để quan sát, bao quát toàn cảnh hành quân. Thế đứng này giúp chủ thể trần thuật có thể nhìn và tái hiện trọn vẹn khung cảnh ấy:
“Trăng sáng ngập đường, quân sĩ đi như sóng biển. Lính xuôi lính ngược, khắp các ngả đường lính đi cuồn cuộn. […] Vai chen vai, người chen người, tiếng nói chen tiếng nói”. (45)
Hàng loạt các từ láy dùng để diễn tả tâm trạng náo nức, ý chí quyết chiến với kẻ thù được sử dụng “sung sướng, rầm rập, hăm hở, cuồn cuộn”. Hình ảnh “quân sĩ đi như sóng biển” gợi lên những đoàn người nhấp nhô nối tiếp nhau không ngừng ra tiền tuyến. Hành quân với thái độ hăm hở như vậy nên khi được lệnh kéo pháo vào trận địa, ai nấy đều vui mừng, sung sức:
“Khẩu pháo lao đi vun vút, vun vút “hai ba! Hai ba!” mỗi một tiếng hô lại giật những khối sắt tảng nẩy lên một bước mạnh”. (94)
Bất chấp đường núi cheo leo, khẩu pháo nặng nề, trời chớp bão, sấm vang