Tác phẩm văn học là một chỉnh thể nghệ thuật ngôn từ trong đó ngôn từ được sắp xếp tạo thành mạch liên kết bên trong để thế giới nghệ thuật hiện ra sống động, chân thực; đạt được ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Có nhiều ý kiến khác nhau về kết cấu của một tác phẩm văn học. Nhà phê bình L.Shecpilova chỉ thấy kết cấu của tác phẩm văn học đơn thuần là sự thể hiện nghệ thuật của tác phẩm, không thấy nó trong mối quan hệ với nội dung: “Kết cấu của tác phẩm là những phương thức làm nên sự thống nhất của hình tượng, và bao gồm tất cả những phương tiện của sự thể hiện nghệ thuật.” [40, 58]
Không đồng tình với quan niệm đó, các tác giả biên soạn bộ sáchCơ sở lí luận văn học lại cho rằng kết cấu của tác phẩm “không chỉ giới hạn ở sự tiếp nối bề mặt, những tương đương bên ngoài giữa các bộ phận, các chương, các đoạn mà còn bao hàm sự liên kết bên trong những mối liên hệ và quan hệ nội tại thấm sâu vào nội dung cụ thể của tác phẩm.” [40, 59]
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cũng chỉ ra kết cấu chính là sự sắp xếp, liên kết của các yếu tố về hình thức nghệ thuật và giúp cho các yếu tố đó bộc lộ được nội dung ở mức cao nhất. Theo ông, kết cấu là “sự sắp xếp, phân bố các thành phần hình thức nghệ thuật; tức là sự cấu tạo tác phẩm, tùy theo nội
dung và thể tài. Kết cấu gắn kết các yếu tố của hình thức và phối thuộc chúng với tư tưởng” [10, 167]. Ông cũng đưa ra nhận xét rằng “mặt quan trọng nhất của kết cấu … là trình tự của việc đưa cái được miêu tả vào văn bản phải khiến cho nội dung nghệ thuật luôn luôn được khai triển” [10, 168]. Ý kiến này của ông nhấn mạnh đến sự ảnh hưởng của kết cấu đối với việc biển hiện nội dung trong một tác phẩm. Theo ông, nếu tác phẩm chưa chấm dứt mà hàm nghĩa đã hết thì tức là kết cấu chưa đủ yêu cầu.
Những yếu tố thuộc kết cấu của tác phẩm tự sự được các tác giả biên soạn
Lí luận văn học xem xét trên hai bình diện sau: kết cấu hình tượng và kết cấu trần thuật. Kết cấu hình tượng là toàn bộ tổ chức của thế giới nghệ thuật; bao gồm hệ thống nhân vật, hệ thống các sự kiện, tình tiết; tổ chức không gian, thời gian được nhà văn sắp xếp theo một trình tự nào đó để tạo nên bức tranh sống động về hiện thực; thể hiện được ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Đây là cấp độ bề sâu của tác phẩm. Còn kết cấu trần thuật bao gồm sự liên tục của các biện pháp trần thuật, sự vận dụng các biện pháp tu từ cũng như sự sắp xếp các câu, đoạn.
Từ những ý kiến trên, chúng tôi nhận thấy trong tác phẩm tự sự nói riêng và nghệ thuật ngôn từ nói chung, kết cấu được xem là cách tổ chức, sắp xếp các yếu tố trong tác phẩm thành một chỉnh thể nghệ thuật. Kết cấu trước hết là hình thức nhưng là hình thức chứa đựng nội dung, không tách rời tư tưởng tác phẩm: “Kết cấu là yếu tố quan trọng của hình thức nghệ thuật mang tính nội dung… không chỉ tìm thấy trong đặc điểm của những bộ phận riêng lẻ mà cả trong những mối quan hệ phụ thuộc, trong sự kết hợp phức tạp giữa chúng” [10, 63]. Hầu hết các tác giả đều thống nhất kết cấu của một tác phẩm văn học bao gồm các yếu tố như: thế giới nhân vật, hệ thống sự việc tạo thành cốt truyện, không gian và thời gian nghệ thuật,… Vai trò của kết cấu được xác định là góp phần bộc lộ chủ đề, tư tưởng thông qua việc cấu trúc hợp lí các hệ
thống tính cách; triển khai, trình bày hấp dẫn cốt truyện; tổ chức không gian, thời gian,… Trong luận văn này, chúng tôi tìm hiểu kết cấu trần thuật trong tiểu thuyết của Trần Dần trên hai phương diện sau: tổ chức thời gian, không gian và hệ thống nhân vật.
2.2.2. Các kiểu kết cấu trần thuật trong tiểu thuyết Trần Dần
Hai tiểu thuyết của Trần Dần không chỉ có sự thay đổi về chủ thể trần thuật mà còn có sự khác biệt trong kết cấu trần thuật. Theo hệ thống sự kiện trong bình diện hình tượng của kết cấu thì Người người lớp lớp là kiểu kết cấu theo trình tự thời gian có đan xen hồi ức về quá khứ nhân vật; Những ngã tư và những cột đèn là kết cấu đảo lộn trình tự thời gian và đồng hiện thời gian. Theo hệ thống hình tượng nhân vật thì cả hai tác phẩm này đều có kết cấu đa tuyến. Mỗi kết cấu đều thể hiện sự đắc dụng của chúng trong việc bộc lộ nội dung, tư tưởng của tác phẩm.
2.2.2.1. Kết cấu theo trình tự thời gian có đan xen hồi ức trong Người người lớp lớp
Người người lớp lớp cũng như hầu hết các tác phẩm văn học cách mạng
thời ấy có lối kết cấu theo trình tự thời gian diễn ra của sự việc. Đây là kiểu kết cấu không hề xa lạ trong văn chương thế giới. Cùng với chủ thể trần thuật ngôi thứ ba, kiểu kết cấu này đã xuất hiện từ thuở hồng hoang trong những câu chuyện huyền thoại. Kết cấu này giúp độc giả dễ dõi theo diễn biến của câu chuyện, không gặp khó khăn trong việc nắm bắt các sự kiện chính của cốt truyện. Tuy nhiên, trong Người người lớp lớp, kết cấu này không thuần nhất theo trình tự thời gian mà xen vào đó là những hồi ức về quá khứ của nhân vật. Người người lớp lớp có bốn phần; trong đó, ba phần đầu được kể theo trình tự thời gian có xen lẫn hồi ức. Còn phần bốn có sự đảo lộn thời gian từ hiện tại đến quá khứ rồi lại trở về hiện tại. Và thậm chí có cả những suy nghĩ dự đoán về sự việc xảy ra trong tương lai. Do đó, trừ phần bốn sẽ được xem
xét ở phần sau, sơ đồ ba phần đầu của tiểu thuyết sẽ cho thấy điều đó. (Trong ngoặc đơn là hồi ức của nhân vật được đan xen trong trình tự kể theo tuyến tính thời gian).
Phần 1: các chiến sĩ đợi lệnh hành quân hành quân qua sông (câu chuyện về chính ủy Trần, quân đội ta lúc xưa qua hồi tưởng của chính ủy Trần ) quay trở lại cảnh tiểu đội No qua sông (câu chuyện về chị lái đò, về No, về Lục) qua sông hành quân tiếp (câu chuyện về Truyện, về chị Hà văn công).
Phần 2: nhận nhiệm vụ kéo pháo (kể chuyện cuộc đời của Sửu) pháo bị đứt dây trong khi kéo khẩu pháo đội Sửu leo núi lệnh rút lui sự hi sinh của Luân (cuộc đời Luân) đêm giao thừa ở trạm quân y No ra khỏi bệnh xá đào hào.
Phần 3: đánh Him Lam mở màn chiến dịch xong chiến dịch (câu chuyện quá khứ của đồng chí Ổn cấp dưỡng) đào trận địa thư đại tướng sửa sang nơi ăn chốn ở chuyện về đồng bào tản cư ra.
Có kiểu kết cấu này, theo chúng tôi, có lẽ xuất phát từ thực tế sáng tác tiểu thuyết Người người lớp lớp của Trần Dần. Người người lớp lớp được ra đời trong quá trình tác giả tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi chiến dịch kết thúc thắng lợi cũng là lúc Người người lớp lớp được hoàn thành. Người người lớp lớp gần như được xem là một bản “tốc ký” ghi lại toàn cảnh quân dân ta trong chiến dịch, đặc biệt là hình ảnh những người lính ở vị trí “đầu sóng ngọn gió” – tấn công vào hầm chỉ huy giặc. Trong hoàn cảnh đó, không thể nào có độ lùi về thời gian để sáng tác theo một kết cấu khác. Hơn nữa, lối kết cấu này cũng là một giải pháp tối ưu cho thế giới nghệ thuật mà Trần Dần muốn dựng nên trong tác phẩm này. Điều mà Trần Dần muốn thể hiện là khí thế rùng rùng ra trận của chiến sĩ (bằng cuộc đời nhiều cay đắng, hoặc ước mơ, lí tưởng của mỗi người; Trần Dần đã giải thích tại sao các chiến sĩ lại có
lòng quyết tâm như thế). Đồng thời, tác giả cũng muốn khắc họa tình người ấm nồng giữa các chiến sĩ với nhau và giữa quân và dân ta. Để viết được điều đó, không có cái tươi nguyên, mới mẻ của trận chiến vừa qua, không đắm mình trong không khí rạo rực của chiến dịch thì không thể làm được. Trần Dần có được cả hai điều đó, nên dù kết cấu không có gì mới mẻ nhưng chính nó lại thể hiện được những cảm xúc vẹn nguyên của những ngày chiến dịch.
Từ sơ đồ trên, có thể thấy kết cấu theo trình tự thời gian của Người người lớp lớp không hoàn toàn tuân theo dòng chảy của thời gian mà còn có sự đan xen với các hồi ức, hồi tưởng về quá khứ của nhân vật. Tuy nhiên, hồi ức ở đây chủ yếu là lời kể, lời nhận xét của chủ thể trần thuật ẩn mình chứ không phải là dòng ý thức của nhân vật. Vì vậy, quá khứ xuất hiện trong lời kể không đủ nhiều để làm nên kết cấu đan xen và đảo ngược thời gian trong
Người người lớp lớp. Câu chuyện về cuộc đời đã qua (trước khi tham gia chiến dịch của các chiến sĩ) được kể lại vào những thời điểm thích hợp và được trao điểm nhìn cho một nhân vật thích hợp giúp khắc họa tính cách nhân vật một cách rõ nét nhất. Trong Người người lớp lớp, chúng tôi nhận thấy có ba kiểu xuất hiện của hồi ức. Thứ nhất, hồi ức xuất hiện qua lời tự kể của nhân vật; hai lần trong tác phẩm với lời kể của chị lái đò sông Đà (trang 18,19) và suy nghĩ của Sâm về quang cảnh làng mình trước khi nhập ngũ (trang 260, 261). Thứ hai, hồi ức được hiển hiện bằng lời kể của chủ thể trần thuật ngôi thứ ba ẩn mình. Đây là kiểu xuất hiện của hồi ức nhiều nhất trong
Người người lớp lớp: về cuộc đời của chính ủy Trần (trang 9, 10); về No (trang 21 đến 24); về Lục (trang 27 đến 30); về Truyện (trang 140), về Sửu (trang 69, 70) và một số nhân vật khác nữa nhưng do lời kể quá ngắn gọn vả lại cũng không phải là nhân vật chính nên chúng tôi không đưa vào đây. Thứ ba, hồi ức về một nhân vật xuất hiện qua hồi tưởng của một nhân vật khác trong tác phẩm. Loại này gắn với câu chuyện cuộc đời Luân do chính trị viên
nhớ lại khi Lâm hi sinh (trang 96 đến 98). Cách hồi tưởng này giống như một bài điếu văn, kể lại toàn bộ cuộc đời và tính cách của Lâm, thể hiện lòng yêu mến, sự cảm phục của mọi người dành cho đồng đội của mình. Điểm nhìn ở đây được trao cho người thân thiết với người đã khuất nên tình cảm trong dòng hồi tưởng ấy càng dạt dào, thắm thiết.
Riêng trong phần bốn của tiểu thuyết này, chủ thể trần thuật không tuân theo trình tự trước sau của thời gian mà có sự đảo lộn thời gian trong lời kể. Thời gian quá khứ của sự kiện (không phải là quá khứ của nhân vật) được kể trước thời gian hiện tại và có cả sự đan xen của sự việc tương lai trong suy nghĩ của chính ủy Trần. Sơ đồ phần bốn như sau:
Phần 4: cảnh đi lạc của đội No vào buổi sáng hồi tưởng lại trận đánh đêm qua bàn kế thoát thân (buổi sáng hôm sau) trở lại trận đánh đêm qua (ở mặt trận và ở hầm chỉ huy) ba người trở về No gặp đại tướng Sâm bị bắt Sâm thoát ra chiến thắng suy nghĩ của đồng chí Trần về tương lai.
Tuy nhiên, những chỗ kể về thời gian “đêm qua” (thời quá khứ) so với dung lượng của lời kể về “sáng nay” (thời hiện tại) vẫn ít hơn nhiều. Hơn nữa, cách kể này chỉ xuất hiện trong một phần nhỏ của tác phẩm chứ không phải là tổ chức kết cấu trong toàn tác phẩm nên chúng tôi không cho rằng tác phẩm này có kết cấu đảo lộn trình tự thời gian. Tuy vậy, với cách kể như thế ở phần bốn của tác phẩm, Trần Dần cũng đạt được hiệu quả nhất định trong việc thể hiện lòng dũng cảm, lạc quan của quân ta. “Sáng nay” No, Lục, Sâm lạc trong trận địa của giặc nhưng vẫn không sợ sệt, lo lắng mà bình tĩnh cùng nhau tìm cách giải quyết. Họ vẫn vui vẻ cười đùa và còn “liên hoan sớm” với nhau bằng thuốc lá. Giữa lúc đó, chủ thể trần thuật ngừng nói về hiện tại mà kể về “đêm qua” ba người đã dũng cảm, mưu trí ra sao khi tấn công đồn địch. Hai mặt thời gian đó được đan cài với nhau tạo nên cái nhìn cảm phục, yêu mến
đối với những người lính. Họ luôn giữ vững tinh thần và ý chí quyết tâm dù đó là lúc hòa mình vào khí thế xông trận của người người lớp lớp hay khi lẻ loi có ba người giữa trận địa mênh mông của địch.
Trong niềm vui chiến thắng, chính ủy Trần không chỉ hồi tưởng lại trận đánh “đêm qua” và tất cả những gì quân ta đã làm được trong quá khứ mà còn nghĩ đến những chiến công vẻ vang trong tương lai:
“đội quân ta này – không phải nó chỉ có khả năng tiêu diệt tập đoàn cứ điểm! Mà nó có khả năng tiêu diệt mọi đội quân xâm lược dù cho hung hãn tối tân và bậc nhất!... Những ý nghĩ đó làm cho đồng chí Trần vui bước; những nỗi nhớ tiếc người cũ nó réo sôi và hòa thấm vào cái hào hứng nghĩ tới một tương lai lớn mạnh!...” (319)
Suy nghĩ hân hoan của người chính ủy cẩn trọng ấy khiến người ta sẵn lòng tin tưởng vào một tương lai “nhất định thắng” của dân tộc. Kết cấu này cùng với sự căng giãn thời gian khiến cho một lát cắt của chiến dịch Điện Biên Phủ hiện ra với tất cả sự sống động, sục sôi của nó.
2.2.2.2. Kết cấu đa tuyến trong Người người lớp lớp và Những ngã tư và những cột đèn
Kết cấu đa tuyến được Lê Huy Bắc định nghĩa là kết cấu “có từ hai nhân vật chính (hoặc nhân vật trung tâm) trở lên. Những nhân vật này đảm đương một tuyến cốt truyện nhằm thể hiện một hay nhiều chủ đề nào đó.” [18, 41]. Trong Người người lớp lớp và Những ngã tư và những cột đèn kiểu kết cấu này cùng xuất hiện với mức độ phức tạp khác nhau trong sự phân tầng các tuyến truyện.
Kết cấu đa tuyến trong Người người lớp lớp
Kết cấu đa tuyến trong Người người lớp lớp thực ra chỉ là kết cấu song tuyến (từ đây, người viết dùng cụm từ kết cấu song tuyến để chỉ kết cấu đa tuyến trong tác phẩm này cho chính xác). Ở tác phẩm này tồn tại hai tuyến
song song và đối lập nhau qua điểm nhìn tác giả lẫn điểm nhìn nhân vật. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy kết cấu song tuyến ở đây được hình thành trên hai đối tượng tương phản nhau là phe ta và phe địch. Do đó, đây là kết cấu song tuyến đối lập.
Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, người ta đều phải so sánh mối tương quan giữa các bên với nhau về lực lượng, vũ khí, tinh thần,… Bởi có “biết người biết ta” thì mới “trăm trận trăm thắng” được. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, Pháp đã dốc nhiều tâm huyết hòng đàn áp quân dân ta nhanh gọn. Còn nước ta, dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng nhờ ai nấy đều sẵn sàng tất cả vì tiền tuyến, chi viện cho tiền tuyến cả về người và của nên cuối cùng đã chiến thắng. Tiểu thuyết Người người lớp lớp của Trần Dần dùng kết cấu song tuyến đối lập đã thể hiện ngầm ý so sánh ta và địch trên nhiều phương diện: lính ta và lính địch, tướng ta và tướng địch, y tá của ta và y tá địch, hầm ta và hầm địch,… Những hình ảnh này không được so sánh trực tiếp và xuất hiện liên tục trong tác phẩm nhưng người đọc vẫn nhận thấy hàm ý đối sánh của tác giả.
Nổi bật trong Người người lớp lớp là hình ảnh những người lính gan dạ, hóm hỉnh, yêu đời. Có chiến sĩ đã lập được nhiều chiến công, đã trải qua trận mạc dù tuổi đời còn rất trẻ, gương mặt vẫn ghi dấu nét thư sinh như Sâm:
“Bây giờ nước da Sâm vẫn trắng, má vẫn còn lông măng. […]Ánh nắng chiều tà càng làm cho mặt Sâm lẫm liệt. Người em út vẫn hồn