Vấn đề mâu thuẫn và phủ định biện chứng

Một phần của tài liệu tư tưởng hồ chí minh về nhận thức và vận dụng phép biện chứng duy vật (Trang 48)

5. PHẠM VI NGHIÊN CỨU

2.3.1.Vấn đề mâu thuẫn và phủ định biện chứng

Hồ Chí Minh cũng là bậc thầy trong việc nhận thức và vận dụng phép biện chứng về phân tích và giải quyết mâu thuẫn, Người viết: “Khi việc gì có mâu thuẫn, khi phải tìm cách giải quyết, tức là có vấn đề. Khi đã có vấn đề, ta phải nghiên cứu cho rõ cái gốc mâu thuẫn cho vấn đề đó là gì”.[5,302] Bằng phép biện chứng về phân tích và giải quyết mâu thuẫn, đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu một cách thấu đáo, sâu sắc hoàn cảnh xã hội nước ta, một

nước thuộc địa nửa phong kiến và phát hiện ra hai mâu thuẫn cơ bản vốn có của nước ta lúc bấy giờ, một là, mâu thuẫn giữa nông dân ta với địa chủ phong kiến và hai là, mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với bọn thực dân xâm lược Pháp. Từ đó, Người xác định nhân dân Việt Nam cùng lúc có hai kẻ thù chính là đế quốc và phong kiến, cũng từ đó, Người chỉ ra cách mạng dân chủ nhân dân ở Việt Nam có hai nhiệm vụ cơ bản là chống đế quốc giành lại độc lập dân tộc và chống phong kiến đem lại ruộng đất cho dân cày.

Theo Hồ Chí Minh, đối với mâu thuẫn, không chỉ là việc phát hiện và nhận thức đúng đắn mâu thuẫn, làm rõ cái gốc của mâu thuẫn, điều quan trọng không kém là phải đề ra cách giải quyết mâu thuẫn, nhất là cách giải quyết mâu thuẫn trong lĩnh vực xã hội, trong quá trình phát triển của cách mạng một cách đúng đắn nhất, khôn ngoan nhất. Người viết: “Phải điều tra, phải nghiên cứu cái mâu thuẫn đó. Phải phân tích rõ ràng và có hệ thống, phải biết rõ cái nào là mâu thuẫn chính, cái nào là mâu thuẫn phụ. Phải đề ra cách giải quyết”. [5,302] Bởi vậy, dù xác định xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX có hai mâu thuẫn cơ bản nhưng Hồ Chí Minh không coi hai mâu thuẫn đó có vai trò, vị trí như nhau, cần phải tiến hành song song, đồng thời. Người xác định một cách hết sức chính xác tài tình, trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến, lúc này đây, mâu thuẫn nổi lên gay gắt nhất, trở thành mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam và bọn đế quốc, tay sai, có giải quyết được vấn đề dân tộc mới giải quyết được vấn đề dân chủ. Vì vậy, ngay từ năm 1930, trong Chính cương vắn tắt, Người cũng chỉ mới nêu chủ trương đánh đuổi đế quốc mà chưa nêu khẩu hiệu “người cày có ruộng”. Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/ 1941) dưới sự chủ trì của Hồ Chí Minh, nhận thấy rằng nếu không đánh đuổi được Pháp- Nhật, nếu dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu thì vấn đề ruộng dất cũng không sao giải quyết được, do đó, hội nghị cũng chủ trương tạm gác khẩu hiệu ruộng đất, chỉ tịch thu ruộng đất của đế quốc, Việt gian…

Không chỉ sáng suốt trong việc phân tích và giải quyết những mâu thuẫn cơ bản của cách mạng, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là bậc thầy trong việc lợi dụng mâu thuẫn để phân hóa kẻ thù. Tháng 7 năm 1945, theo quyết định của phe Đồng minh tại Hội nghị Pốtxđam, gần 20 vạn quân Tưởng đổ vào Bắc Đông Dương và hàng vạn quân Anh- Ấn đổ vào Nam Đông Dương với danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật. Núp dưới bóng quân đội Anh, thực dân Pháp cũng đem quân trở lại nước ta. Nếu kể cả quân đội Nhật tuy đã đầu hàng nhưng chưa bị tước vũ khí, thì vào lúc đó có gần nửa triệu quân nước ngoài chiếm đóng trên đất nước ta. Cùng lúc

phải đối phó với nhiều kẻ thù, tình thế cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ như “nghìn cân treo sợi tóc”, để bảo vệ thành quả của cách mạng, Hồ Chí Minh chủ trương phải phân hóa kẻ thù, khoét sâu mâu thuẫn giữa chúng.

Cùng với vấn đề giải quyết mâu thuẫn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người nắm rất vững quan điểm phủ định biện chứng. Quan điểm phủ định biện chứng ở Hồ Chí Minh không chỉ là những nguyên tắc có tính sách vở mà đã trở nên nhuần nhuyễn đến mức thành một phương pháp luận trong chỉ đạo mọi lĩnh vực hoạt động cách mạng. Năm 1947, khi cách mạng giành được chính quyền, cùng với việc bảo vệ chinh quyền còn non trẻ, chúng ta phải ra sức xây dựng đời sống mới cho nhân dân. Trong thời kỳ đó, đã có không ít những quan niệm lệch lạc, sai lầm của cán bộ đảng viên trong quá trình xây dựng đời sống mới. Có cán bộ tỏ ra “tả khuynh” muốn xóa bỏ hết những nền nếp cũ, lại có người “hữu khguynh” muốn khôi phục lại vốn văn hóa cũ. Hồ Chủ tịch đã phải nhắc nhở: “Đời sống mới không phải là cái gì cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới.

Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Thí dụ: ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam.

Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi.

Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Thí dụ: Ta phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước.

Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm. Thí dụ: Ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp”. [5,94-95]

“ Nói là khôi phục vốn cũ, thì nên khôi phục cái gì tốt, còn cái gì không tốt thì phải loại dần ra. Xem ra thì năm nay tương đối khá, còn như năm ngoái, khi khôi phục vốn cũ thì khôi phục cả đồng bóng, rước xách thần thánh. Vì khôi phục như thế, nên ở nông thôn nhiều nơi quên cả sản xuất, cứ trống mõ bì bõm, ca hát lu bù. Có những xã góp đến mấy triệu đồng đi mua áo, mua mũ, mua hia. Như thế nói là khôi phục vốn cũ có đúng không? cái gì tốt thì ta nên khôi phục và phát triển, còn cái gì xấu thì ta phải bỏ đi”.[9,248]

Bác khuyên mọi người phải biết khiêm tốn, biết kế thừa, biết ra sức học tập. Bác nói: “Xưa nay những bậc tài giỏi như cụ Khổng Tử, cụ Lênin cũng không biết hết mọi việc, làm

được mọi việc. Cụ Khổng không biết nấu cơm, cụ Lê không biết may áo. Vì vậy, cần nấu cơm thì cụ Khổng phải học hỏi người làm bếp, cần may áo thì cụ Lê phải học hỏi người thợ may.

Cụ Khổng và cụ Lê hơn mọi người, không phải hai cụ biết hết mọi việc, làm được mọi việc. Mà vì hai cụ không tự kiêu, tự ái, luôn luôn học hỏi”. [5,514]

Tư tưởng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là sự kế thừa, phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nổi bật là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, cả phương Đông và phương Tây. Hồ Chí Minh đã từng tỏ rõ thái độ của mình đối với việc học tập, tiếp thu những học thuyết của các lãnh tụ chính trị, xã hội, tôn giáo trong lịch sử. Sinh thời, trong một lời tự bạch, Người nói: "Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê-su có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê-su, C. Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những điểm chung đó sao? Nếu hôm nay họ còn đều sống trên đời này, tôi tin rằng họ nhất định sống chung với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm một người học trò nhỏ của các vị ấy.”

Một phần của tài liệu tư tưởng hồ chí minh về nhận thức và vận dụng phép biện chứng duy vật (Trang 48)