Tính giản dị

Một phần của tài liệu tư tưởng hồ chí minh về nhận thức và vận dụng phép biện chứng duy vật (Trang 29)

5. PHẠM VI NGHIÊN CỨU

1.2.3.Tính giản dị

Biểu hiện trước hết của tính giản dị trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhận thức và vận dụng phép biện chứng duy vật là Người luôn dùng từ ngữ phổ thông, dễ hiểu, tránh dùng những câu chữ cầu kỳ.

Phép biện chứng duy vật- một bộ phận quan trọng của triết học Mác- Lênin, là học thuyết về sự phát triển dưới hình thức hoàn bị nhất, triệt để nhất và không phiến diện, là khoa học về những quy luật chung nhất của sự vận động và phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy. Vì phép biện chứng về bản chất là khoa học về những quy luật chung nhất của thế giới, hiển nhiên nó có mức độ khái quát cao nhất, phạm vi khái quát là vô cùng rộng lớn, cả tự nhiên, xã hội và tư duy. Bởi vậy, phép biện chứng duy vật được xây dựng trên một hệ thống thuật ngữ chuyên môn, hệ thống phạm trù hết sức trừu tượng, khó hiểu. Thật khó có thể diễn đạt các nguyên lý triết học trừu tượng, cao siêu mà lại không dùng các phạm trù có tính trừu tượng, khái quát. Việc dùng những lời lẽ cụ thể, những khái niệm thông thường không những khó chuyển tải được nội dung khoa học của phép biện chứng duy vật mà đôi khi còn làm tầm thường hóa, thậm chí xuyên tạc bản chất khoa học và cách mạng của phép biện chứng. Chỉ có người nào đã thấm nhuần một cách sâu sắc, có đầu óc thông minh đặc biệt đồng thời có vốn kinh nghiệm thực tiễn phong phú mới có thể trình bày các nguyên lý trừu tượng, các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật bằng một thứ ngôn ngữ giản dị, cụ thể. Hồ Chí Minh là một con người đặc biệt, một trường hợp ngoại lệ. Người luôn sử dụng những ngôn từ của cuôc sống, giản dị, dễ hiểu, tránh dùng những thuật ngữ triết học trừu tượng, rắc rối, khó hiểu.

Người nói đến bệnh giáo điều nhưng không dùng chữ “giáo điều”, Người phê bình bệnh bảo thủ nhưng lại không dùng chữ “bảo thủ”. Người nhắc nhở số cán bộ, đảng viên thiếu quan điểm toàn diện trong công tác, trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng, nhưng Người lại gọi đó là “bệnh cận thị”. Bàn về nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, Người không nói rông dài, không trình bày rối rắm, Người trình bày vấn đề hết sức ngắn gọn, giàu hình tượng, dễ hiểu mà vẫn chính xác: “ Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên”. [5,235]

Đối với những vấn đề rắc rối, cao xa, trừu tượng cũng được Hồ Chí Minh lý giải một cách rõ ràng, cụ thể, không hề cầu kỳ, khó hiểu. Chẳng hạn, khi cắt nghĩa chủ nghĩa Mác- Lênin cho cán bộ hiểu, Bác nói: “ Nghe nói có một vài vị lo ngại rằng chủ nghĩa Mác- Lênin bó buộc tư tưởng, bó buộc giáo dục. Lo ngại như vậy không đúng. Chủ nghĩa Mác- Lênin soi phương hướng, đường lối cho chúng ta đi. Có phương hướng đúng thì làm việc mới đúng. Hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc; bất kỳ việc to việc nhỏ cũng nhằm mục đích ấy; đó là chủ nghĩa Mác- Lênin. Nếu không hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, tự kiêu, tự đại, tự tư

tự lợi, như thế là trái với chủ nghĩa Mác- Lênin….Đại ý chủ nghĩa Mác- Lênin là phải đi đúng đường, phải phụng sự lợi ích chung, chứ không có gì cao xa”.[8,138]

Hồ Chí Minh hết sức tránh bệnh kinh viện khi trình bày các nguyên lý các quy luật của phép biện chứng duy vật. Người phê phán những người làm công tác tuyên truyền nhưng lại nói hoặc viết cầu kỳ làm cho nhiều người xem không ra, đọc không được, họ cho thế là hay, kỳ thực, họ viết để họ xem thôi. Người căn dặn: “Không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”. “Không nên lúc nào cũng trích Các Mác, cũng trích Lênin, làm cho đồng bào khó hiểu. Nói thế nào cho đồng bào hiểu được, đồng bào làm được, đó là nói được chủ nghĩa Mác- Lênin. Nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ, mới là hiểu chủ nghĩa Mác- Lênin. Nếu nói không đúng chỗ không phải là chủ nghĩa Mác- Lênin”. [11,130]

Biểu hiện khác của tính giản dị trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhận thức và vận dụng phép biện chứng duy vật là ở chỗ Người hiếm khi trích dẫn nguyên văn mà chỉ học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác- Lênin, học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác- Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta.

Hồ Chí Minh hết sức thận trọng trong việc trích dẫn, ngay cả kinh điển của chủ nghĩa Mác- Lênin. Chúng ta thấy thật hiếm khi Hồ Chí Minh trích dẫn nguyên văn những câu kinh điển theo kiểu“tràng giang đại hải” của các nhà triết học. Biều hiện của nhiều người làm triết học ngày nay là phải trích dẫn càng nhiều càng tốt, càng đưa được vào bài viết của mình “thiên kinh vạn quyển” càng hay. Làm như thế để lòe thiên hạ, để khoe khoang vốn hiểu biết cao siêu của mình.

Không chỉ trong công việc thường ngày mà cả trong việc truyên truyền chủ nghĩa Mác- Lênin, trong công tác vận động quần chúng, cần phải làm cho quần chúng dễ hiểu để làm theo, Người cũng đòi hỏi phải hết sức giản dị, dễ hiểu. Người yêu cầu: “Không nên lúc nào cũng trích Các Mác, cũng trích Lênin, làm cho đồng bào khó hiểu.”.[11,130]

Người phê phán kiểu nhận thức phép biện chứng duy vật, nhận thức chủ nghĩa Mác- Lênin mà mới chỉ dừng lại ở câu chữ, theo kiểu học vẹt, học thuộc lòng, không nắm được tinh thần Mác- Lênin, không nắm được thực chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-

Lênin. Người nói: “…chỉ học thuộc lòng, để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích”.[5,235]

Hồ Chí Minh trình bày những nguyên lý triết học, những quy luật của phép biện chứng duy vật trừu tượng nhưng lại hết sức cụ thể, dễ hiểu. Không chỉ các cán bộ, đảng viên mà ngay cả các tầng lớp nhân dân, ai nghe, đọc Hồ Chí Minh cũng đều hiểu được, bởi Người không dừng lại ở những nguyên lý, những quy luật triết học trừu tượng. Đối với Hồ Chí Minh, các nguyên lý, các quy luật triết học trừu tượng bao giờ cũng được Người trình bày, hướng dẫn thông qua các ví dụ cụ thể trong đời sống, trong công việc.

Như vậy, bằng tài năng và sự hiểu biết sâu sắc của mình, thông qua Hồ Chí Minh, các nguyên lý, các quy luật triết học không còn dừng lại ở những câu chữ trừu tượng trong các sách vở, trong giáo trình mà đã được cụ thể hóa bằng thực tiễn sinh động hết sức gần gũi của quần chúng nhân dân. Phương châm của Người là: “ Phải đưa chính trị vào giữa dân gian”.[6,298]

“ Lý luận sở dĩ quan trọng là vì nó dạy ta hành động. Nếu đưa một lý luận rất đúng ra nói, rồi xếp nó lại một xó, không đưa ra thực hành, thì lý luận ấy thành lý luận suông”.[6,254]

Khi cắt nghĩa chủ nghĩa Mác- Lênin cho cán bộ, đảng viên, Bác nói một cách giản dị, dễ hiểu nhưng cũng hết sức chính xác: “ Nghe nói có một vài vị lo ngại rằng chủ nghĩa Mác- Lênin bó buộc tư tưởng, bó buộc giáo dục. Lo ngại như vậy không đúng. Chủ nghĩa Mác- Lênin soi phương hướng, đường lối cho chúng ta đi. Có phương hướng đúng thì làm việc mới đúng. Hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc; bất kỳ việc to việc nhỏ cũng nhằm mục đích ấy; đó là chủ nghĩa Mác- Lênin. Nếu không hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, tự kiêu, tự đại, tự tư tự lợi, như thế là trái với chủ nghĩa Mác- Lênin….Đại ý chủ nghĩa Mác- Lênin là phải đi đúng đường, phải phụng sự lợi ích chung, chứ không có gì cao xa”.[8,138]

Bác nói: “ Dốt thì dại, dại thì hèn”. [8,64]

Bác phê bình: “Ở Tân Trào lúc đó (đầu năm 1945) mới làm xong cái nhà văn hoá. Hôm khánh thành, có hai đồng chí cán bộ, một nam một nữ, đến nói chuyện. Mỗi đồng chí diễn thuyết mất một giờ. Diễn thuyết xong, đồng bào vỗ tay hoan hô. Lúc đó Bác ở trong quần

chúng. Bác mới hỏi một cô: Có hiểu gì không? Cô ta trả lời: Không. Bác lại hỏi một cụ. Cụ ấy trả lời: Các đồng chí nói rất hay, nhưng tôi không hiểu gì cả”.[11,128-129] . Tiếp xúc, học hỏi lý luận Mác- Lênin nhưng có nhiều người chưa hiểu lý luận là gì, lý luận có vai trò gì và tại sao phải học lý luận, Bác giải thích rất cụ thể, sát thực: “Trước hết ta phải hiểu lý luận là gì?

Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính.

Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế.

Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi.

Hiện nay, phong trào cách mạng rất cao. Nhưng thử hỏi cán bộ và đảng viên ta đã mấy người biết rõ lý luận và biết áp dụng vào chính trị, quân sự, kinh tế và văn hoá? Đã mấy người hiểu “ biện chứng” là cái gì?

Vì kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại.

Đó là chứng kém lý luận trong bệnh chủ quan.

Có những cán bộ, những đảng viên cũ, làm được việc, có kinh nghiệm. Cố nhiên, những anh em đó rất quý báu cho Đảng. Nhưng họ lại mắc phải cái bệnh khinh lý luận. Họ quên rằng: nếu họ đã có kinh nghiệm mà lại biết thêm lý luận thì công việc tốt hơn nhiều. Họ quên rằng: kinh nghiệm họ tuy tốt, nhưng cũng chẳng qua là từng bộ phận mà thôi, chỉ thiên về một mặt mà thôi.

Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ.

Những anh em đó, cần phải nghiên cứu thêm lý luận, mới thành người cán bộ hoàn toàn. Có những người xem được sách, xem nhiều sách. Siêng xem sách và xem nhiều sách là một việc đáng quý. Nhưng thế không phải là đã biết lý luận.

Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách…

Nói tóm lại, mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông”. [5,234-235- 236]

Chương 2. NỘI DUNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHẬN THỨC VÀ VẬN DỤNG PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu tư tưởng hồ chí minh về nhận thức và vận dụng phép biện chứng duy vật (Trang 29)