5. PHẠM VI NGHIÊN CỨU
2.2.2. Về bệnh bảo thủ và bệnh máy móc, giáo điều
Bệnh bảo thủ là một trong những biểu hiện cụ thể của việc không nhận thức đầy đủ nguyên lý về sự phát triển, không biết quán triệt quan điểm phát triển. Người mắc bệnh bảo thủ không biết rằng trên thế giới, mọi sự vật, hiện tượng luôn luôn vận động, phát triển. Cuộc sống, con người cũng luôn luôn thay đổi. Không chỉ ta thay đổi mà kẻ địch cũng thường xuyên thay đổi; không chỉ hoàn cảnh khách quan thay đổi mà yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng cũng thay đổi. Cuộc sống thay đổi, hoàn cảnh khách quan thay đổi, yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng thay đổi nên cách suy nghĩ, cách hành động, phương pháp công tác không thể giữ nguyên như cũ mà cũng cần phải đổi mới. Thế nhưng người mắc bệnh bảo thủ lại vẫn khư khư ôm lấy cái cũ, giữ rịt lấy cách nghĩ, cách làm cũ, ngại đổi mới. Nói chuyện với cán bộ dân chính đảng ở cơ quan trung ương tại lớp chỉnh huấn ngày 6 tháng 2 năm 1953, Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê bình bệnh bảo thủ của một bộ phận cán bộ, đảng viên: “Trước thế nào, sau cứ làm thế. Không có chịu nghĩ ra cái mới. Nghĩ đến cái mới là ngại, không muốn tiến bộ”. [7,35]
Bệnh bảo thủ không chỉ làm cho cán bộ, đảng viên trở nên lạc hậu, không làm được vai trò tiên phong, gương mẫu cho quần chúng noi theo mà còn không theo kịp với tình hình, không đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn cách mạng luôn luôn biến động. Vì thế, Người nghiêm túc nhắc nhở những cán bộ, đảng viên mắc bệnh bảo thủ rằng: “ Xã hội bây giờ ngày một phát triển. Tư tưởng hành động cũng phải phát triển. Nếu cứ giữ lấy cái kẹp giấy cũ không thay đổi là không đi đến đâu cả”. [7,35]
Nói về bệnh giáo điều, máy móc trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng của cán bộ, đảng viên, Bác chỉ ra: “ Cán bộ khu về tỉnh, cán bộ tỉnh về huyện, cán bộ huyện về làng thì khệnh khạng như “ ông quan”. Lúc khai hội thì trăm lần như một: “Tình hình thế giới, tình hình Đông Dương, thảo luận, phê bình, giải tán”.
“Ông cán” làm cho một “ tua” hai, ba giờ đồng hồ. Nói gì đâu đâu.. Còn công việc thiết thực trong khu, trong tỉnh, trong huyện, trong xã đó thì không động đến”. [5,247]
Máy móc đến mức: “ Có cán bộ đem “ kinh tế học” huấn luyện cho chị em phụ nữ thôn quê ở thượng du”.[5,248]
Bác chống bệnh giáo điều, máy móc trong quá trình cải tạo XHCN đối với các thành phần kinh tế, trong việc đối xử với các giai cấp, tầng lớp trong xã hội sau 1954. Bác nói: “ Thành phần giai cấp nhất định có ảnh hưởng đến tư tưởng của con người. Nhưng nó không phải là một ảnh hưởng quyết định, không khắc phục được. Khi đã đứng vào hàng ngũ cách mạng, được Đảng và nhân dân rèn luyện, người ta có thể đấu tranh và thoát ly ảnh hưởng của những giai cấp xấu, thoát ly những quan hệ xấu…. Trước kia, Các Mác là con một nhà quý phái, Ăngghen là con một nhà tư bản. Nhưng hai ông đã hoàn toàn dâng mình cho cách mạng và thành những người sáng lập chủ nghĩa cộng sản”. [8,139-140]
Bác chống máy móc: “ Muốn lãnh đạo cho đúng tất nhiên phải theo đường lối chung. Song cách làm phải tuỳ theo chỗ, tuỳ theo mùa, tuỳ theo hoàn cảnh thực tế địa phương. Đừng máy móc. Lấy kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở miền đồng bằng mà lắp vào miền biển là không được, là sai”. [8,149-150]
“ Nhiều Uỷ ban nhân dân, một khi nhận được mệnh lệnh gì của cấp trên là chỉ biết cắm đầu cắm cổ thi hành đúng như vậy, thi hành một cách máy móc”.[4,40]
- Bệnh máy móc, giáo điều có nguyên nhân trực tiếp là do không hiểu được phép biện chứng, thiếu quan điểm lịch sử - cụ thể trong nhận thức cũng như trong hoạt động thực tiễn.
Trong hoạt động cách mạng, do trình độ còn hạn chế, cán bộ ta dễ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh đối với cấp dưới, đôi khi lại can thiệp quá sâu vào những công việc cụ thể, lặt vặt, việc gì cũng nhúng vào làm thay cấp dưới, làm cho cấp dưới sinh ra tật ỉ lại và thường tỏ ra máy móc, giáo điều khi thực hiện những nhiệm vụ cấp trên giao cho. Họ tưởng rằng làm như thế là sâu sát với công việc, họ đâu biết rằng như thế là bắt cấp dưới làm việc một cách máy móc, bóp chết sự năng động, sáng tạo của cấp dưới. Để khắc phục những biểu hiện đó, Hồ Chủ tịch dạy cho các cấp chỉ huy quan điểm lịch sử - cụ thể, chống bệnh máy móc, giáo điều trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Người nhắc nhở: “Khi giao công tác cho cán bộ cần phải chỉ đạo rõ ràng, sắp đặt đầy đủ… Những vấn đề đã quyết định rồi, thả cho họ làm, khuyên gắng họ cứ cả gan mà làm. Cũng như trong quân đội, khi chiến lược, chiến thuật và nhiệm vụ đã quyết định rồi, vị Tổng tư lệnh không cần phải nhúng vào những vấn đề lặt vặt. Phải để cho các cấp
chỉ huy có quyền “ tuỳ cơ ứng biến”, mới có thể phát triển tài năng của họ. Việc gì cấp trên cũng nhúng vào, cán bộ cũng như một cái máy, việc gì cũng chờ mệnh lệnh, sinh ra ỷ lại, mất hết sáng kiến”. [5,280]
Năm 1950, Hồ Chủ tịch từng phê phán bệnh máy móc của một số cán bộ, đảng viên bằng một câu chuyện khôi hài, dí dỏm: “ Một nhóm thợ đóng một cỗ xe ngựa rất khéo. Nhưng đóng rồi thì không dùng được. Vì cỗ xe to quá, đưa ra cửa phòng không lọt.
Nghe câu chuyện đó, ai không cười những người thợ kia là ngốc. Song sự thật thì một số cán bộ ta vẫn thường “khoá cửa đóng xe” như những người thợ kia. Đó là họ mắc bệnh máy móc.
Vài thí dụ: - Một đoàn thể kia báo cáo rằng: 85 phần trăm hội viên đã được huấn luyện. Tài thật! Nhưng khi xét lại, thì chương trình huấn luyện vẫn là “ ba giai đoạn, bốn mâu thuẫn”, và 85 phần trăm hội viên được huấn luyện kia vẫn không hiểu rõ công việc thiết thực của mình là gì “. [6,4]
Ngay cả những người được phân công làm công tác huấn luyện chính trị tư tưởng cũng mắc nhiều thiếu sót, thiếu sót nặng nề nhất là phương pháp huấn luyện. Bác nhắc nhở : “ Huấn luyện thì phải hiểu rõ người học để nâng cao khả năng và tẩy rửa khuyết điểm cho họ”. Bác phê bình nhiều cán bộ được giao nhiệm vụ huấn luyện tư tưởng chính trị cho thanh niên nông thôn nhưng do thiếu hiểu biết, thiếu quan điểm lịch sử- cụ thể cho nên họ đã không có cách thức và phương pháp huấn luyện phù hợp. Họ tuyên truyền chủ nghĩa Mác nhưng lại không đúng tinh thần của Mác, vì không nắm được tinh thần của phép biện chứng duy vật nên cách làm của họ là hết sức máy móc, không biết lựa chọn tài liệu thích hợp, không biết lựa chọn phương pháp huấn luyện với trình độ của người học. Kết quả là cách huấn luyện máy móc của họ đã làm cho công tác huấn luyện trở nên tốn công, phí của, vô ích: “ Trước hết phải lấy những tài liệu về chủ nghĩa Mác- Lênin làm gốc. Nhưng tài liệu phải lựa chọn, sắp xếp lại, vì trình độ của người học không đều nhau, cần có tài liệu thích hợp với từng hạng. Tài liệu không thích hợp thì học không có ích lợi gì. Có một lần đi dự hội nghị về, Bác gặp một đoàn thanh niên và phụ nữ thôn quê ngồi nghỉ ở một đầu dốc, Bác hỏi họ đi đâu, thì họ bảo là đi dự lớp huấn luyện về, tuy đang giữa ngày mùa nhưng họ cũng cố thu xếp để đi học, mỗi người mang theo mười ngày gạo. Bác hỏi: “ Học có vui không?”
- Vui lắm.
- Thế học những gì? - Các Mác.
- Học thế rồi có biết gì không? - Họ ấp úng: “ Không ạ “.
- Thế là phí công, phí của, vô ích”.[6,49]
Là một đại trí thức, đi học ở châu Âu đã nhiều năm, mang một lòng nhiệt tình về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến, đó là anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa. Lúc kỹ sư Trần Đại Nghĩa mới về, Hồ Chủ tịch dặn: “Nước ta thiếu máy móc, thiếu nguyên liệu, thiếu thợ lành nghề. Song giàu về rừng núi, giàu về quyết tâm. Vậy chú phải đưa những cái đã học được ở nước ngoài mà áp dụng vào hoàn cảnh thiết thực ở nước ta để phụng sự Tổ quốc” Và Bác khen: “ Đồng chí rất giỏi về khoa học máy nhưng lúc thực hành thì không “máy móc”. [6,506]
Bác yêu cầu cán bộ, đảng viên khi thực hiện công việc thì cần phải có quan điểm lịch sử- cụ thể, ngay cả trong công tác tự phê bình và phê bình. Bác nhắc nhở rằng muốn có kết quả thiết thực thì tự phê bình và phê bình phải chú ý: “Mục đích tự phê bình và phê bình thì bất cứ ở nơi nào cũng giống nhau. Nhưng vì công việc khác nhau nên mỗi nơi ( thí dụ; bộ đội, cơ quan, công đoàn,v.v.. ) có những ưu điểm và khuyết điểm khác nhau. Do đó, phương hướng kiểm thảo cũng phải khác nhau. Và ở mỗi nơi, trong những thời gian khác nhau, phương hướng kiểm thảo cũng phải khác nhau”. Người chỉ ra rằng: “ Trong mỗi thời kỳ ắt có một, hai công tác chính ( thí dụ: năm ngoái, ở vùng không trực tiếp tác chiến, sau việc tạm vay, thuế nông nghiệp là công tác chính của Đảng, Chính phủ và nông dân). Trong công tác chính ấy, lại có khâu chính ( thí dụ: trong công tác thuế nông nghiệp, khâu chính là việc bàn định sản lượng thường năm của ruộng đất; đó là trọng tâm của công tác chính ấy. Lúc kiểm thảo phải nhằm vào ưu điểm và khuyết điểm của trọng tâm ấy”.[6,412]
Bác chống máy móc: “ Muốn lãnh đạo cho đúng tất nhiên phải theo đường lối chung. Song cách làm phải tuỳ theo chỗ, tuỳ theo mùa, tuỳ theo hoàn cảnh thực tế địa phương. Đừng máy móc. Lấy kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở miền đồng bằng mà lắp vào miền biển là không được, là sai”. [8,149-150]
Bác dặn: “ Cán bộ và cốt cán cần nhớ 4 điểm:
1. Nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ 2. Đi đúng đường lối quần chúng.
3. Phải cho thiết thực.
4. Chớ máy móc”.[8,150-151]
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng nhờ vận dụng chủ nghĩa Mác- Lênin một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiên cụ thể của nước ta nên cách mạng Việt Nam suốt bao nhiêu năm qua đã giành được nhiều thắng lợi to lớn. Tuy vậy, Người cũng tự nhận thấy, có lúc, có nơi, có nhiều việc: “Việc kết hợp chân lý của chủ nghĩa Mác- Lênin và thực tiễn cách mạng Việt Nam chưa được hoàn toàn. Có nhiều sai lầm là do sự thiếu kết hợp đó. Ví dụ như những sai lầm trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, xây dựng kinh tế.” [8,498-499]
Bác cũng lưu ý các cán bộ, đảng viên trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần phải rút kinh nghiệm sai lầm do máy móc, giáo điều mà chúng ta đã phải trả giá trong thời gian trước đây: “Hiện nay đứng về mặt xây dựng chủ nghĩa xã hội, tuy chúng ta đã có những kinh nghiệm dồi dào của các nước anh em, nhưng chúng ta cũng không thể áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách máy móc, bởi vì nước ta có những đặc điểm riêng của ta”. [8,499]
“ Không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều. Nhưng nếu quá nhấn mạnh đặc điểm dân tộc để phủ nhận giá trị phổ biến của những kinh nghiệm lớn, cơ bản của các nước anh em, thì sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng của chủ nghĩa xét lại”. [8,499]