Về sự phát triển

Một phần của tài liệu tư tưởng hồ chí minh về nhận thức và vận dụng phép biện chứng duy vật (Trang 42)

5. PHẠM VI NGHIÊN CỨU

2.2.1.Về sự phát triển

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhận thức và vận dụng nguyên lý về sự phát triển cũng hết sức độc đáo và sâu sắc. Người không phát biểu nguyên lý về sự phát triển của phép biện chứng dưới dạng lý thuyết thuần túy như các nhà kinh điển vẫn làm. Nguyên lý về sự phát triển trong tư tưởng Hồ Chí Minh hiện ra một cách phong phú, sống động trong các lĩnh vực của thực tiễn cách mạng Việt Nam, qua cách Người lãnh đạo cách mạng, qua lời căn dặn cán bộ cấp dưới, qua những bài nói chuyện thân tình cởi mở của Người với đông đảo các tầng lớp nhân dân và chính ngay trong cuộc sống giản dị của Người.

Quan điểm phát triển trong khi xét xét, đánh giá cán bộ: “ Trong thế giới, cái gì cũng biến hoá. Tư tưởng của người cũng biến hoá. Vì vậy cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hoá. Thí dụ: có người khi trước theo cách mạng mà nay lại phản cách mạng. Có người khi trước không cách mạng mà nay lại tham gia cách mạng. Thậm chí có người nay đang theo cách mạng, nhưng sau này có thể phản cách mạng.

Một người cán bộ khi trước có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi. Cũng có cán bộ đến nay chưa bị sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm? Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau”.[5,278]

“ Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn hơn vượt đi trước”.[4,26]

Nói chuyện với cán bộ dân chính đảng ở cơ quan trung ương tại lớp chỉnh huấn ngày 6 tháng 2 năm 1953, khi phê bình tính bảo thủ của cán bộ, đảng viên : “ Trước thế nào, sau cứ làm thế. Không có chịu nghĩ ra cái mới. Nghĩ đến cái mới là ngại, không muốn tiến bộ”, Bác Hồ dặn: “ Xã hội bây giờ ngày một phát triển. Tư tưởng hành động cũng phải phát triển. Nếu cứ giữ lấy cái kẹp giấy cũ không thay đổi là không đi đến đâu cả”. [7,35]

Tại hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành trung ương Đảng ( khoá II ) ngày 15 tháng 7 năm 1954, Hồ Chí Minh khẳng định “ Tình hình mới đặt ra những nhiệm vụ mới, phương châm

mới, sách lược mới”. Đó là: “ Ta phải có chính sách khác nhau đối với vùng giải phóng mới và vùng tự do cũ, chính sách khác nhau đối với vùng tự do của ta và vùng địch tạm đóng quân; trước đây ta chỉ công tác ở nông thôn, bây giờ phải có chính sách thành thị. Chính sách đối với Pháp trước đây và bây giờ cũng khác nhau; đối với bọn Việt gian thân Mỹ và thân Pháp chính sách cũng khác nhau. trước ta chỉ lo nội chính và ngoại giao với các nước bạn, bây giờ phải ngoại giao với các nước khác,v.v…

Ta phải phân biệt lợi ích trước mắt và lợi ích tương lai, lợi ích bộ phận và lợi ích toàn bộ. Tình hình đang ở lúc chuyển biến lớn, lại nhiều khó khăn và phức tạp cho nên tư tưởng nhân dân và cán bộ cũng có chuyển biến. Nếu ta không chuẩn bị sẵn sàng, không kịp thời lãnh đạo thì tư tưởng sẽ hỗn loạn, hành động sẽ hỗn loạn”.[7,317-318]

Quan điểm lịch sử- cụ thể trong công tác cán bộ, Hồ Chủ tịch nói: “Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ. Thường chúng ta không biết tuỳ tài mà dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tuỳ tài mà dùng người thì hai người đều thành công”.[5,274]

Người yêu cầu việc sử dụng cán bộ cũng phải quán triệt quan điểm lịch sử- cụ thể chứ không nên máy móc: “ Khi cân nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc”. [5,274]

Tháng 9/ 1957, khi đến thăm lớp học lý luận khoá I trường Nguyễn Ái Quốc, sau khi phân tích tình hình trong nước và quốc tế, Bác nói: “ Trong những điều kiện như thế, chúng ta phải dùng những phương pháp gì, hình thức gì, đi theo tốc độ nào để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội? Đó là những vấn đề đặt ra trước mắt Đảng ta hiện nay. Muốn giải quyết tốt những vấn đề đó, muốn đỡ bớt mò mẫm, muốn đỡ phạm sai lầm, thì chúng ta phải học tập kinh nghiệm của các nước anh em và áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo. Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác- Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác- Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng

xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta. Như thế là phải học tập lý luận, phải nâng cao trình độ lý luận chung của Đảng, trước hết là của cán bộ cốt cán của Đảng”. [8,494]

Một phần của tài liệu tư tưởng hồ chí minh về nhận thức và vận dụng phép biện chứng duy vật (Trang 42)