7. Kết cấu của luận văn:
2.3. Xây dựng hệ thống câu hỏi gợi mở:
2.3.1. Câu hỏi gợi mở trong dạy học Văn:
Trong bộ môn Ngữ văn, giờ đọc văn chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Giờ đọc văn giúp học sinh cảm thụ và phân tích được tác phẩm văn chương, rèn luyện năng lực thẩm mỹ và năng lực tư duy. Năng lực thẩm mỹ còn tuỳ thuộc vào yếu tố năng khiếu của học sinh, còn năng lực tư duy là một yêu cầu có tính phổ biến trong dạy học. Tác phẩm văn chương là một bức tranh phản ánh khá đầy đủ và sinh động hiện thực cuộc sống xung quanh chúng ta. Mỗi người có một cách cảm nhận riêng về tác phẩm văn học mà mình được tiếp xúc. Vì thế, trong giờ đọc văn, giáo viên cần phát huy hết năng lực tư duy, khả năng tìm tòi, phát hiện theo những suy nghĩ, cảm nhận riêng của học sinh.
Văn bản văn chương là văn bản nghệ thuật, nghệ thuật nào cũng lấy cái đẹp làm mục đích. Dạy văn là khám phá cái hay, cái đẹp trong văn bản nghệ thuật, nên trước hết nó phải là một nghệ thuật- nghệ thuật cảm thụ và phô diễn cái đẹp. Môn văn có tầm quan trọng đặc biệt trong nhà trường nhưng dạy văn không giống bất kỳ một môn học nào khác. Dạy lịch sử quan tâm đến các sự kiện lịch sử, dạy địa lý quan tâm đến các yếu tố tự nhiên và xã hội, dạy toán chú ý đến các con số, công thức tính toán. Dạy văn không chỉ cần đến kiến thức mà thêm vào đó là cảm xúc,
tình cảm, sự rung động của con tim; cái không khí văn, chất văn trong lớp học, trong mỗi cá nhân thầy và trò. Hơn nữa, cái đẹp của văn chương không chỉ thể hiện ở bề mặt ngôn từ mà còn chìm sâu vào nhiều tầng nghĩa của văn bản, của thế giới hình tượng. Chính vì vậy, việc dạy văn đòi hỏi mỗi giáo viên phải có sự sáng tạo và đổi mới trong giờ dạy, đặc biệt trong cách sử dụng phương pháp để tạo không khí văn, chất văn trong giờ học và giúp học sinh tìm hiểu, tiếp cận tác phẩm một cách sâu sắc nhất. Để thực hiện được điều đó, một trong những phương pháp không thể thiếu là phương pháp đặt câu hỏi gợi mở.
Hiện nay, phương pháp giảng dạy tích cực theo quan điểm lấy học sinh làm trung tâm đã được đưa vào ứng dụng khá phổ biến. Với phương pháp này, trong hoạt động dạy học, cần phải có sự tác động qua lại giữa giáo viên và học sinh. Để phát huy tính tích cực của học sinh trong hoạt động học tập, giáo viên phải tổ chức chỉ đạo hoạt động của học sinh, học sinh là chủ thể tự giác tích cực trong quá trình lĩnh hội kiến thức. Hệ thống câu hỏi gợi mở sẽ góp phần giúp cho giờ học tác phẩm văn chương trở nên sinh động, vai trò của học sinh trong giờ học được khẳng định và mối liên hệ qua lại giữa thầy và trò được duy trì. Tuy nhiên, việc sử dụng câu hỏi như thế nào trong giờ đọc văn để đem lại hiệu quả cao đó là điều mà giáo viên dạy văn cần trăn trở và suy nghĩ. Theo chúng tôi, câu hỏi gợi mở trong giờ dạy văn cần có những yêu cầu cơ bản sau đây:
- Câu hỏi gợi mở phải đạt được mục đích tác động đến cảm xúc và rung động thẩm mỹ, đến sự cảm thụ của học sinh với tác phẩm, gây được những phản ứng bên trong của học sinh, không nên đặt những dạng câu hỏi chỉ yêu cầu học sinh trả lời có hoặc không.
- Câu hỏi phải hướng vào thao tác tư duy: Phân tích, tổng hợp, khái quát của học sinh.
- Trong hệ thống câu hỏi gợi mở phải tập trung chủ yếu vào những điểm trọng tâm của bài học, phù hợp với mục đích, yêu cầu của bài giảng, tránh đưa ra những câu hỏi chung chung mơ hồ, vụn vặt.
- Hệ thống câu hỏi gợi mở phải được sắp đặt hợp lý, được xác định phù hợp với đối tượng và phân loại đối tượng.
+ Câu hỏi gợi mở, tạo tình huống dành cho tất cả các đối tượng học sinh; + Câu hỏi tái hiện, phát hiện dành cho học sinh nhận thức chậm, trung bình; + Câu hỏi cảm nhận, hướng vào thao tác tư duy dành cho học sinh khá, giỏi. Tóm lại, yêu cầu của câu hỏi gợi mở trong giờ đọc văn phải vừa tạo ra sự kích thích, vừa tác động đến nhận thức, tư duy của học sinh. Việc đưa ra câu hỏi phải căn cứ vào nội dung bài học, vào đối tượng học sinh, vào điều kiện khách quan của giờ học… để có cách đặt câu hỏi, cách lựa chọn hình thức câu hỏi và sử dụng số lượng câu hỏi thích hợp.
2.3.2. Câu hỏi gợi mở khi dạy các tác phẩm thơ Đường: 2.3.2.1. Gợi mở, khám phá thi đề: 2.3.2.1. Gợi mở, khám phá thi đề:
Bảng 2.4: Đề tài các bài thơ Đường trong chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở, Trung học phổ thông
Đề tài Bài thơ
Đề tài về quê hương
Cảnh “vọng nguyệt hoài hương” của người xa quê
Tĩnh dạ tứ
(Lí Bạch)
Nỗi lòng của người xa quê hương chứa chan tâm sự yêu nước, thương đời khi mùa thu về nơi đất khách.
Thu hứng
(Đỗ Phủ)
Nỗi lòng người trở về quê hương sau nhiều năm xa cách
Hồi hương ngẫu thư
(Hạ Tri Chương)
Tình cảm gắn bó với quê hương, quê hương là điểm tựa, là chốn dừng chân, niềm an ủi cho những cuộc đời phiêu bạt trong cảnh tha hương, chiều muộn, ngày tàn
Hoàng Hạc lâu
Đề tài về thiên nhiên
Vẻ đẹp nhìn từ xa của thác nước chảy từ đỉnh Hương Lô thuộc dãy núi Lư
Vọng Lư Sơn bộc bố (Lí Bạch)
Đề tài tiễn biệt
Cuộc chia tay của đôi bạn tri âm tri kỉ: Lí Bạch- Mạnh Hạo Nhiên
Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng
(Lí Bạch)
Đề tài chinh phu- chinh phụ
Nỗi sầu của người thiếu phụ có chồng đi chinh chiến
Khuê oán
(Vương Xương Linh)
Một số đề tài khác
Cái yên tĩnh và thanh tịnh của chốn Thiền môn. Khung cảnh thiên nhiên như thoát tục với hình ảnh một tao nhân mặc khách đang muốn lánh chốn bụi trần để tịnh tâm.
Điểu minh giản
(Vương Duy)
Con người chỉ là một sinh-vật bé nhỏ, hữu hạn, chìm ngập trong cái vô tận của màn đêm. Tiếng chuông chùa vọng lại trong đêm, gây được cảm nhận tri-ngộ trong tâm hồn con người.
Phong Kiều dạ bạc
(Trương Kế)
Hiện thực cuộc sống của con người trong cảnh loạn ly do chiến tranh gây ra.
Mao ốc vị thu phong sở phá ca
(Đỗ Phủ)
Khi dạy thơ Đường, tùy từng bài thơ, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh khám phá thi đề theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, việc đặt câu hỏi gợi mở để tìm hiểu, phân tích nhan đề của bài thơ là một khâu có ý nghĩa quan trọng và có tác dụng đáng kể trong việc khám phá thi đề của tác phẩm.
Ở bài “Vọng Lư Sơn bộc bố”, giáo viên dẫn dắt học sinh đi vào thế giới thiên nhiên hùng vĩ của thác nước bắt đầu vị trí của người ngắm cảnh thể hiện qua tiêu đề của bài thơ. Giáo viên đặt câu hỏi gợi mở:
- Căn cứ vào tiêu đề bài thơ “Vọng Lư Sơn bộc bố” và câu thơ thứ hai “Dao khan bộc bố quải tiền xuyên” (chú ý nghĩa của chữ “vọng” và chữ “dao”), xác định vị trí đứng ngắm thác nước của tác giả?
- Vị trí này có lợi thế như thế nào trong việc phát hiện những đặc điểm của thác nước?
Tiêu đề bài thơ có chữ “vọng” (trông từ xa) và câu thơ thứ hai có từ “dao” (xa) cho thấy: nhà thơ không đứng gần mà ở xa để ngắm cảnh thác nước. Điểm nhìn này không quan sát chi tiết, tỉ mỉ được nhưng có thể bao quát được một không gian rộng lớn, phát hiện được vẻ đẹp của toàn cảnh. Qua đó ta thấy Lý Bạch đã chọn được điểm nhìn phù hợp khi miêu tả vẻ đẹp hùng vĩ của thác Lư Sơn.
Đối với bài “Tĩnh dạ tứ”, giáo viên giúp các em tiếp cận với chủ đề “vọng nguyệt hoài hương” và mạch cảm xúc của toàn bài thơ qua việc nhận xét, khám phá nhan đề. Từ trước đến nay, hầu hết các sách đều viết tựa đề bài thơ là “Tĩnh dạ tứ”. Tuy nhiên, theo Hán Việt từ điển, chữ “tứ” chỉ có thể nêu được ý tứ, thi tứ; chữ “tư” mới nêu được cảm xúc, sự nghĩ ngợi, các vấn đề thuộc về tâm như tưởng tượng, ghi nhớ, suy xét... Giáo viên đặt câu hỏi: Căn cứ vào mạch cảm xúc của bài thơ và nhất là câu thơ cuối, em thấy nhan đề “Tĩnh dạ tứ” hay “Tĩnh dạ tư” phù hợp hơn?
Với bài “Hồi hương ngẫu thư”, giáo viên gợi mở: Xa quê, nhớ quê là đề tài quen thuộc trong thơ cổ đại, trung đại phương Đông nhưng mỗi nhà thơ trong hoàn cảnh riêng lại có cách thể hiện độc đáo, không trùng lặp. Qua nhan đề “Hồi hương ngẫu thư”, em nhận ra điều gì mới trong cách thể hiện tình cảm của Hạ Tri Chương?
Giáo viên giúp học sinh nhận ra vấn đề: Ở đây có hai sự lạ: Bao năm xa quê, Hạ Tri Chương đã không viết bài thơ nào, bây giờ lại viết khi vừa mới về quê; mặt khác, chữ “ngẫu” cho thấy nhà thơ không hề có ý làm thơ, dường như tất cả tâm
tình của nhà thơ đều đặt trong cái đích “hồi hương”. Qua đó ta thấy được nỗi lòng của nhà thơ khi trở về quê hương sau nhiều năm xa cách.
Ở bài “Khuê oán”, giáo viên giúp học sinh tiếp cận tác phẩm bằng cách khám phá sự đối lập của nhan đề: “Khuê” là nơi ở sang trọng của người thiếu phụ, là chốn lầu son gác tía, còn “oán” là nỗi sầu oán. Nhan đề bài thơ chỉ vẻn vẹn có hai chữ nhưng nói được biết bao điều. Giáo viên có thể đặt ra một câu hỏi tác động vào sự suy nghĩ và tạo tâm thế muốn tìm giải đáp của học sinh: Người thiếu phụ được ở chốn khuê phòng sang trọng như vậy tại sao lại sầu oán? Khác với nhan đề “Khuê oán” ngắn gọn, chỉ có hai chữ, bài “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” lại có nhan đề dài, trái ngược với sự ngắn gọn, súc tích của thơ Đường. Nhan đề ấy thể hiện dụng ý của tác giả: thể hiện rõ quá trình tiễn biệt: nơi ra đi, nơi sẽ đến và người được tiễn.
Tuy nhiên, nhan đề của bài thơ chỉ thể hiện một phần nào thi đề của tác phẩm, giáo viên cần giúp học sinh tiếp cận thi đề sâu hơn qua những câu hỏi trong bài học. Chẳng hạn khi hướng dẫn học sinh tìm hiểu đề tài tiễn biệt của bài “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” của Lí Bạch, cùng với câu hỏi nhận xét nhan đề để tiếp cận đề tài của tác phẩm, giáo viên đặt câu hỏi gợi mở:
- Lý Bạch tiễn Mạnh Hạo Nhiên trong bối cảnh không gian, thời gian nào? - Ba yếu tố không gian, thời gian và con người trong bài thơ có mối quan hệ với nhau ra sao? Mối quan hệ ấy có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện khung cảnh và tâm tình người đưa tiễn?
Ở câu hỏi thứ nhất, giáo viên hướng dẫn học sinh cảm nhận được không gian, thời gian của buổi tiễn đưa, đó là lầu Hoàng Hạc- một thắng cảnh thần tiên gắn với bao huyền thoại đầy chất thơ. Mạnh Hạo Nhiên lên đường vào một ngày tháng ba “tam nguyệt”, mùa hoa khói “yên hoa” để xuôi về Dương Châu- thắng cảnh phồn hoa bậc nhất đời Đường.
Bốn chữ “yên hoa tam nguyệt” được dùng để chỉ thời gian của buổi tiễn đưa song cũng là một biểu tượng nghệ thuật có sức gợi rất lớn. “Yên hoa”/ “yên ba” thường chỉ khói sóng trên sông, khói sương mù. Vào mùa xuân ở Trung Quốc, đây
là hình ảnh thiên nhiên đã đi vào thơ như một hình tượng nghệ thuật đầy gợi cảm, làm thức dậy bao nỗi niềm tâm sự của thi nhân như nhà thơ Thôi Hiệu đã thổ lộ: “Yên ba giang thượng sử nhân sầu”. Bên cạnh đó, “yên hoa” còn có nghĩa là cảnh đẹp mùa xuân. Đây có thể là một buổi sáng mùa xuân, khi hơi nước quyện với sương mù tháng ba tạo nên hình ảnh “hoa khói”, cũng có thể là vào tháng ba mùa xuân hoa nở nhiều, tầng tầng lớp lớp như là sương, là khói. Lí Bạch và Mạnh Hạo Nhiên là hai người bạn tri âm, tính tình đều rất phóng khoáng, thích ngao du sơn thuỷ. Với tâm hồn nghệ sĩ ấy, lầu Hoàng Hạc giữa mùa xuân là khung cảnh gợi bao thi hứng, đó là nơi lí tưởng để họ đàm đạo thi ca và nhân tình thế thái. Đó cũng là những giây phút mà cả hai đều thú vị nhưng họ lại phải chia tay nhau. Và đương nhiên, mỗi người đều mang trong mình một nỗi niềm tâm sự. Qua đó ta thấy được sự thống nhất và tương phản trong mối quan hệ của ba yếu tố: không gian- thời gian và con người trong buổi chia tay: không gian đẹp, thời gian đẹp, tình bạn lại càng đẹp, vậy mà họ lại sắp phải xa nhau. Vì thế, cảnh càng đẹp thì lòng người lại càng buồn, càng thấm thía nỗi xa cách, chia ly bấy nhiêu.
Bên cạnh đó, giáo viên có thể giúp học sinh tiếp cận thi đề của tác phẩm sâu hơn thông qua việc liên hệ bài thơ được học với những bài thơ khác cùng đề tài. Với bài “Khuê oán” (Vương Xương Linh), giáo viên liên hệ với “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn. Với bài “Tĩnh dạ tứ” (Lí Bạch), giáo viên hướng dẫn học sinh tìm những bài thơ, những câu thơ cùng chủ đề “Vọng nguyệt hoài hương”- một chủ đề phổ biến trong thơ cổ, không chỉ thơ Trung Quốc mà cả Việt Nam, hoặc các bài thơ của các tác giả nước ngoài khác:
Lộ tòng kim bạch dạ Nguyệt thị cố hương minh (Sương từ đêm nay trắng xóa Trăng là ánh sáng của quê nhà)
(Đỗ Phủ) Cộng khan minh nguyệt ưng thùy lệ Nhất phiến hương tâm ngũ xứ đồng.
(Xem trăng có lẽ cùng rơi lệ
Một mảnh tình quê, năm anh em ở năm nơi đều giống nhau) (Bạch Cư Dị)
Hay mở tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du, ta bắt gặp ngay bài “Quỳnh Hải nguyên tiêu” (Đêm rằm tháng giêng ở Quỳnh Hải), tác giả thấy “trăng sáng đầy trời”(nguyệt mãn thiên) lại lập tức nhớ tới cảnh “ở Hồng Lĩnh không có nhà, anh em tan tác” (Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán)
Hoặc khi dạy bài “Hồi hương ngẫu thư” của Hạ Tri Chương, giáo viên giúp học sinh cảm nhận bài thơ sâu sắc hơn thông qua sự đồng cảm, đồng điệu, đồng tình giữa bài thơ này với một bài thơ khác của Chế Lan Viên:
Trở lại An Nhơn, tuổi lớn rồi Bạn chơi ngày nhỏ chẳng còn ai Nền nhà nay dựng cơ quan mới Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người.
(Trở lại An Nhơn)
Tuy nhiên, không phải bất cứ bài thơ nào ta cũng có thể khám phá thi đề qua việc tìm hiểu nhan đề hoặc liên hệ với các bài thơ có cùng chủ đề. Chẳng hạn như với nhan đề “Hoàng Hạc lâu” trong bài thơ cùng tên của Thôi Hiệu, ta chỉ có thể nhận ra một địa danh- một khung cảnh thần tiên gắn với huyền thoại đầy chất thơ được nói đến trong bài mà không thể thấy được những cái sâu xa hơn. Đó là con người chỉ là một sinh-vật bé nhỏ, hữu hạn, bị bao trùm trong cái vô hạn của không gian vũ trụ vô chung vô thủy. Nỗi sầu từ sự ý thức giữa cái vô cùng của tạo vật và cái hữu hạn của kiếp người, giữa cái còn và cái mất tạo thành mạch cảm xúc xuyên suốt bài thơ. Chính vì thế, giáo viên cần giúp học sinh nhận ra thi đề của bài thơ thông qua thi tứ và thi ý.
2.3.2.2. Gợi mở, khám phá thi tứ:
Tứ thơ Đường thường được tạo bởi thứ ngôn ngữ khái quát, nghệ thuật miêu tả chỉ bằng vài nét chấm phá, vì vậy mà lượng thông tin nghệ thuật trong từng câu
chữ luôn lớn hơn rất nhiều dung lượng của nó. Cách cấu tạo của tứ thơ thường được thể hiện qua nghệ thuật đồng nhất, nghệ thuật đối lập và nhất là qua các phạm trù: