8. Đóng góp mới của đề tài
1.2.3. Khái niệm biện pháp tổ chức hoạt động khám phá khoa học cho trẻ –6 tuổi
1.2.3.1. Hoạt động khám phá khoa học của trẻ 5 – 6 tuổi
Hoạt động khám phá khoa học của trẻ 5 – 6 tuổi là một hoạt động nhận thức thế giới khách quan, là một quá trình diễn ra một loạt hành động có liên quan chặt chẽ với nhau để khám phá, phát hiện, tác động vào đối tượng cụ thể nhằm chiếm lĩnh tri thức về thế giới xung quanh một cách phù hợp với trẻ 5 – 6 tuổi. Trong quá trình đó, trẻ nhỏ cần phải sử dụng các thao tác quan sát, so sánh, phân loại, thử nghiệm, dự đoán, suy luận, thảo luận, giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định nhằm chiếm lĩnh hệ thống tri thức mang tính khoa học.
Dựa vào định nghĩa hoạt động, hoạt động khám phá khoa học và phân tích cấu trúc hoạt động, HĐKPKH cho trẻ 5 – 6 tuổi có một số đặc điểm sau:
- Trẻ 5 – 6 tuổi HĐKPKH nhằm lĩnh hội tri thức về sự vật hiện tượng xung quanh một cách khoa học. Trẻ càng có nhiều biểu tượng (hình ảnh của đối tượng- xuất hiện lần một) về sự vật hiện tượng và biểu tượng càng đầy đủ, chính xác (hình ảnh đối tượng xuất hiện lần hai) thì càng tạo cơ hội phát triển các kỹ năng KPKH liên quan.
- HĐKPKH cho trẻ 5 – 6 tuổi liên quan đến nhu cầu nhận thức. Vì vậy cần đặt trẻ vào các tình huống có vấn đề nhận thức (tạo ra sự thiếu thốn về nhận thức- nhu cầu xuất hiện lần một) và tạo điều kiện cho trẻ nhận ra đối tượng đáp ứng và có cơ hội sử dụng các kỹ năng KPKH khác nhau để đạt mục đích nhận thức.
- Để thực hiện và đạt được mục đích nhận thức là nhờ biết sử dụng các kỹ năng KPKH phù hợp.
Với cách hiểu này, việc tổ chức HĐKPKH cho trẻ 5 – 6 tuổi của GVMN cần xuất phát từ bản thân nhu cầu nhận thức của trẻ mầm non, đặc biệt là trẻ 5-6 tuổi. Bên cạnh đó HĐKPKH chứa đựng rất nhiều tiềm năng để thoả mãn những nhu cầu của trẻ như môi trường hoạt động đa dạng, đối tượng hoạt động phong phú, ẩn chứa nhiều
điều lạ lẫm, thú vị. Quá trình tổ chức HĐKPKH chính là quá trình GVMN tạo điều kiện để nhu cầu của trẻ có cơ hội được thỏa mãn (gặp được đối tượng). Khi gặp đúng đối tượng, trẻ sẽ bị cuốn hút và tích cực hoạt động.
Như vậy, để tổ chức HĐKPKH cho trẻ được hiệu quả, trước hết giáo viên phải nắm được đặc điểm nhu cầu, hứng thú của trẻ để chuẩn bị môi trường hoạt động thích hợp nghĩa là môi trường đó cuốn hút trẻ, làm cho trẻ thích thú từ đó kích thích đứa trẻ hoạt động. Hoạt động KPKH là phương tiện để trẻ thoả mãn những nhu cầu vì vậy sau khi đã tạo được môi trường hoạt động thì cần đưa trẻ vào hoạt động một cách hiệu quả trong môi trường đó – đây là giai đoạn trẻ được cung cấp, mở rộng thêm tri thức mới, rèn luyện các kỹ năng KPKH và hình thành thái độ tích cực về thế giới xung quanh.
1.2.3.2. Nội dung hoạt động khám phá khoa học của trẻ 5 - 6 tuổi
Nội dung của hoạt động KPKH của trẻ 5 – 6 tuổi được thiết kế dựa trên các căn cứ: đặc điểm, dấu hiệu đặc trưng; sự phong phú, đa dạng của các sự vật hiện tượng, mối quan hệ của các sự vật hiện tượng với nhau và với môi trường sống; sự thay đổi và phát triển của chúng. Giáo viên cần căn cứ vào trình độ, khả năng hứng thú của trẻ và điều kiện hoàn cảnh của trường để lựa chọn nội dung phù hợp cho trẻ khám phá.
Nội dung của hoạt động KPKH có thể phân loại: Nội dung khám phá môi trường thiên nhiên gồm động vật, thực vật, thiên nhiên vô sinh, hiện tượng tự nhiên; Nội dung khám phá thế giới đồ vật gồm đồ dùng, đồ chơi, phương tiện giao thông; Nội dung khám phá cuộc sống xã hội gồm bản thân trẻ; trường MN; nghề nghiệp của người lớn; quê hương, đất nước, văn hóa dân tộc và các hành tinh. [5, tr.36–45]
1.2.3.3. Kỹ năng khám phá khoa học của trẻ 5 – 6 tuổi
Kỹ năng khám phá khoa học là những kỹ năng thuộc về nhóm kỹ năng nhận thức của trẻ mầm non.
Khi xác định các kĩ năng nhận thức của trẻ mầm non đã có những ý kiến khác nhau:
Trong Đề tài cấp bộ B2001-47-03-TD, tác giả Nguyễn Thị Thanh Thuỷ [10] đã xác định các kĩ năng nhận thức cơ bản của trẻ mầm non bao gồm : kĩ năng quan sát, kĩ năng so sánh, kĩ năng phân loại, kĩ năng đo lường, kĩ năng giao tiếp.
Đề tài nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc Viện Khoa học Giáo dục do Tạ Ngọc Thanh chủ biên [8] xác định các kĩ năng nhận thức cơ bản của trẻ gồm: kĩ năng quan sát, kĩ năng so sánh, kĩ năng phân loại, kĩ năng ghi nhớ.
Nhìn chung trẻ em lứa tuổi mầm non đặc biệt là trẻ 5-6 tuổi đã hình thành nhiều KNNT, các kĩ năng này hình thành và phát triển trên cơ sở của nhau. Kĩ năng nhận thức cơ bản là những kĩ năng có thể giúp trẻ tìm hiểu được nhiều loại đối tượng khác nhau, tác động lên nhiều nội dung hoạt động khác nhau. Tính bền vững của những kĩ năng nhận thức cơ bản là nền tảng cho việc hình thành những kĩ năng nhận thức cao hơn như lập luận, suy đoán,…Hai quan điểm nêu trên không có gì mâu thuẫn, khi liệt kê có những kĩ năng không trực tiếp được nêu tên song chúng ta có thể tìm thấy nó trong những kĩ năng khác, ví dụ kĩ năng so sánh đã bao hàm trong nó cả kĩ năng phân tích, kĩ năng ghi nhớ. Cách dựa vào độ tuổi để xác định mức độ hình thành và phát triển KNNT của trẻ cũng chỉ mang tính tương đối bởi mỗi trẻ sẽ có vốn tri thức, kinh nghiệm sống khác nhau, loại hình thần kinh, tình trạng thể lực khác nhau. Có thể mới ở tuổi mầm non nhưng nhiều trẻ đã có kĩ năng lập luận, suy đoán tương đối tốt. Do đó, ngoài những kĩ năng nhận thức cơ bản, trẻ lứa tuổi mẫu giáo còn có thể thực hiện một số kĩ năng nhận thức bậc trung và bậc cao ở mức đơn giản. Theo chúng tôi, kĩ năng nhận thức của trẻ mẫu giáo lớn gồm ba mức độ:
-Những KNNT cơ bản
Kĩ năng quan sát: Trẻ sử dụng các giác quan để thu thập thông tin về đối tượng quan sát. Quan sát là kĩ năng nhận thức khoa học cơ bản nhất, chính nhờ quan sát và qua quan sát chúng ta mới thu nhận thông tin về thế giới xung quanh mình.Tất cả các cơ quan cảm giác là phượng tiện để não thu nhận thông tin và cho chúng ta mô tả một vật nào đó. Đây là bước đầu tiên trên con đường thu nhận thông tin để giải quyết vấn đề vì thế trẻ phải được có nhiều cơ hội quan sát hình dạng, kích thước, các thuộc tính bề mặt và những đặc điểm khác trong một đối tượng.
Kĩ năng so sánh: Trẻ tìm những điểm giống và khác nhau của các đối tượng và vật thật sau đó dần dần trẻ có thể so sánh, đối chiếu ý tưởng và khái niệm. Khi trẻ có kĩ năng quan sát thì chúng cũng tự nhiên bắt đầu so sánh và đối chiếu. So sánh làm quan sát trở nên tinh tế hơn và bước đầu dẫn đến hình thành kĩ năng phân loại. So sánh giúp củng cố và mở rộng kết quả quan sát, ngoài những đặc điểm thu nhận được nhờ quan sát thì trẻ có thể phát hiện thêm những đặc tính nhờ so sánh, so sánh không phải là mục đích mà là phương tiện để phát hiện ra những đặc tính mới của đối tượng, để làm giàu các liên tưởng
Kĩ năng phân loại: Trẻ biết lựa chọn những vật cùng loại và xếp chúng vào một nhóm theo những dấu hiệu khác nhau như kích thước, hình dạng, màu sắc, cấu tạo, công dụng, đặc tính…Khi bắt đầu tập phân loại trẻ thường phân loại 1 lần dựa trên 1 dấu hiệu, khi trẻ tiến bộ dần trong kĩ năng này, chúng ta cần yêu cầu trẻ phân loại cùng 1 đối tượng nhiều lần theo những dấu hiệu khác nhau. Mặt khác chúng ta không chỉ nêu ra đặc điểm để trẻ phân loại theo mà cần rèn cho trẻ thao tác ngược lại nghĩa là tập cho trẻ đặt tên nhóm đã hình thành.
Kĩ năng đo lường: đó là việc mô tả định lượng bằng các đơn vị đo, bao gồm số lượng, trọng lượng, khoảng cách, thời gian, âm lượng, nhiệt độ; những đại lượng này có thể đo bằng các đơn vị chuẩn hoặc các đơn vị không chuẩn mà trẻ lựa chọn như: một vốc, một gang tay, vài bước chân…Đo lường thường kéo theo việc xếp các đối tượng theo trật tự phân hạng như tăng dần hoặc giảm dần của số lượng hay sắc thái.
Kĩ năng giao tiếp: Giao tiếp là nhu cầu không thể thiếu của con người. Với vai trò là một KNNT giao tiếp thực hiện việc tiếp thu, trao đổi các ý tưởng, nêu và giải đáp những thắc mắc, trình bày, hướng dẫn cách thực hiện…nhằm đạt đến kết quả nhận thức. Để giao tiếp được trẻ phải có sự thu thập thông tin, sắp xếp lại và trình bày nó theo một logic để người khác hiểu. Phương tiện giao tiếp không chỉ là ngôn ngữ nói mà còn bằng cử chỉ, tư thế, nét mặt, tranh ảnh, sơ đồ, mô hình…
- Những KNNT bậc trung
Kĩ năng suy luận : Khi trẻ suy luận nghĩa là trẻ đã quan sát hàng loạt hiện tượng, hệ thống chúng lại và gắn cho chúng một ý nghĩa nào đó. Khi suy luận trẻ nhận ra quy luật và hiểu rằng qui luật đó sẽ lặp lại ở những tình huống tương tự. Kĩ năng suy
luận đòi hỏi một vốn kiến thức nhất định, hợp lý. Nó đòi hỏi trẻ suy ra một điều mà trẻ chưa nhìn thấy bởi nó chưa xẩy ra hoặc trẻ không quan sát trực tiếp được. Chính vì vậy kĩ năng này được xếp vào kĩ năng bậc trung, tương đối khó với trẻ mẫu giáo. Trẻ mẫu giáo lớn có thể được tập với những dạng suy đoán sơ đẳng dựa trên kết quả quan sát trực quan và có thể kiểm nghiệm được.
Kĩ năng dự đoán: là đưa ra những dự báo hợp lý hoặc ước lượng dựa trên kết quả quan sát và kinh nghiệm cũng như kiến thức đã có. Dự đoán khác với đoán thử, đoán mò mà phải dựa trên những kiến thức nhất định đủ để lý giải cho dự đoán của mình. Dự đoán có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển hiểu biết về nguyên nhân – kết quả, hiểu biết này sẽ được phát triển và hoàn thiện thông qua nhiều tình huống để trở thành khả năng nhận biết qui luật và dựa trên qui luật để dự đoán chính xác điều gì sẽ xảy ra. Trẻ rất thích những câu hỏi hướng tới dự đoán đơn giản và sau đó trẻ có thể thực hiện để kiểm nghiệm dự đoán.
- Các KNNT bậc cao
Kĩ năng đặt giả thuyết: Là đưa ra một phát biểu dựa trên kết quả quan sát nhưng còn cần thực nghiệm kiểm chứng. Mẫu phổ biến nhất của một giả thuyết là “nếu...thì...”. Trong nghiên cứu khoa học việc đặt giả thuyết là việc làm quan trọng, đối với trẻ có thể hiểu đó là những câu hỏi mang tính tìm tòi “ điều gì xảy ra nếu...”
Kĩ năng kiểm soát các điều kiện tác động: Khi thực hiện hoạt động cần tìm hiểu và xác định được những yếu tố có thể tác động, làm ảnh hưởng tới việc thực hiện và tìm cách khống chế, kiểm soát chúng. Đây là kĩ năng khó vì nó đòi hỏi khả năng quan sát, bao quát và phân tích tình hình; để làm được việc này chủ thể phải là người có kiến thức, kinh nghiệm và có khả năng tư duy tốt. Với trẻ mẫu giáo lớn, giáo viên có thể giúp trẻ tìm ra những điều kiện tác động và cùng bàn cách kiểm soát.
Như vậy, ở trẻ 5 – 6 tuổi, nhà giáo dục chủ yếu quan tâm hình thành cho trẻ các kĩ năng nhận thức cơ bản và một số kĩ năng nhận thức bậc trung phù hợp gồm quan sát, so sánh, phân loại, suy luận, dự đoán; tập cho trẻ làm quen dần với một số kĩ năng nhận thức bậc cao ở mức đơn giản như đặt giả thuyết ở dạng nếu ... thì ..., tìm ra những điều kiện tác động và cùng bàn cách kiểm soát.
1.2.3.4. Các giai đoạn hình thành kỹ năng nhận thức
Để hình thành kĩ năng về bất cứ một hành động nào, con người đều cần luyện tập theo một qui trình. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều ý kiến về các giai đoạn hình thành kĩ năng.
+ K.K.Platonop và G.G.Golubev đưa ra 5 giai đoạn hình thành kĩ năng và cũng là 5 mức độ hình thành kĩ năng:
. Giai đoạn kĩ năng sơ đẳng: con người ý thức được mục đích hành động và tìm kiếm cách thực hiện hành động dựa trên vốn hiểu biết và kĩ xảo sinh hoạt đời thường. Hành động được thực hiện bằng cách thử và sai.
. Giai đoạn 2: biết cách làm nhưng không đầy đủ nghĩa là có hiểu biết về phương thức hành động, sử dụng được các kĩ xảo đã có nhưng không phải là kĩ xảo chuyên biệt dành cho hành động này.
. Giai đoạn 3: có những kĩ năng chung nhưng còn mang tính riêng lẻ
. Giai đoạn 4: có kĩ năng phát triển cao, sử dụng sáng tạo vốn hiểu biết và các kĩ xảo đã có, ý thức được không chỉ mục đích hành động mà còn cả động cơ lựa chọn cách thức đạt mục đích.
. Giai đoạn 5: Sử dụng sáng tạo các kĩ năng khác nhau.
Hai tác giả đã không đề cập đến vai trò của mẫu hành động hay sự hướng dẫn của người có kiến thức, kĩ năng cao hơn đối với sự hình thành kĩ năng mà hai ông đã đánh giá cao vai trò của tri thức và các kĩ xảo đã có. Vấn đề này cũng tìm thấy sự đồng nhất trong quan điểm của A.V. Pêtrôvski và X.I. Kixegof, hai ông cho rằng có hai loại kĩ năng đó là kĩ năng ban đầu và kĩ năng bậc cao: kĩ năng ban đầu là kĩ năng đơn giản được hình thành trên cơ sở tri thức và kinh nghiệm về hành động. Kĩ năng bậc cao là kĩ năng dựa trên các kiến thức, vốn kinh nghiệm và một số kĩ xảo có trước.
Một vấn đề cần giải quyết ở đây là mối quan hệ giữa kĩ năng và kĩ xảo với hai luồng quan điểm:
. Một là: kĩ xảo hoàn thiện hơn và hình thành trên cơ sở kĩ năng. . Hai là: Kĩ năng nảy sinh trên tri thức, kinh nghiệm và kĩ xảo đã có.
Mối quan hệ giữa kĩ năng và kĩ xảo cần được đặt trong phạm vi hoạt động nào đó để xem xét. Với các hành động đơn giản thì kĩ năng có trước sau đó mới hình
thành kĩ xảo ( thường là với những hành động thiên về vận động cơ như đan lát, thể dục, viết…). Với những hành động phức tạp hơn (đòi hỏi cả vận động cơ và hoạt động tư duy) thì kĩ năng hình thành dựa trên tri thức, kinh nghiệm và kĩ xảo có trước.
Kĩ năng nhận thức là kĩ năng khó bởi hoạt động nhận thức thường yêu cầu sự phối hợp hoạt động của nhiều kĩ năng và đối tượng nhận thức lại luôn thay đổi. Kĩ năng nhận thức có nhiều loại và chúng được hình thành trên cơ sở của nhau, ví dụ như con người không thể thực hiện kĩ năng phân loại nếu thiếu kĩ năng quan sát và kĩ năng so sánh. Để có thể sử dụng các kĩ năng phức tạp thì đòi hỏi các kĩ năng đã có phải đạt tới mức thuần thục nhất định và chủ thể hoạt động phải nắm được mối liên hệ giữa các kĩ năng để xác định nên lựa chọn kĩ năng nào và trình tự ra sao khi thực hiện hành động.
+ Trong luận án Phó Tiến sĩ, tác giả Trần Quốc Thành đã nêu ra 3 giai đoạn hình thành kĩ năng:
. Giai đoạn nhận thức đầy đủ về mục đích, cách thức, điều kiện hành động . Giai đoạn quan sát mẫu và làm thử theo mẫu