7. Kết cấu Luận án
2.1.2. Tình hình kinh tế, xã hội tỉnh Thái Nguyên trước năm 1997
Tình hình kinh tế
Sau năm 1954, Thái Nguyên lãnh đạo phát triển sản xuất, giải quyết những khó khăn về kinh tế, thực hiện phong trào “Thi đua phát triển sản xuất và thực hành tiết kiệm cứu đói”. Thực hiện chủ trương cải tạo các thành phần kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng, Thái Nguyên xác định nhiệm vụ trước mắt, chủ yếu là lãnh đạo, vận động nhân dân đi vào con đường làm ăn tập thể, xây dựng các tổ đổi công và hợp tác xã. Năm 1958, toàn tỉnh có 4.257 tổ đổi công, xây dựng được 28 hợp tác xã với 492 hộ gia đình xã viên.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V (1 – 5/2/1959) đã đưa ra Nghị quyết: Lãnh đạo nhân dân tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế địa phương. Cuối năm 1960, Thái Nguyên đã đạt được những kết quả rất căn bản trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965), Uỷ ban nhân dân tỉnh đã phát động các phong trào thi đua trong lao động sản xuất như “Phong trào thi đua 10 giỏi”, “Ba nhất”, “Thi đua làm thuỷ lợi”... Cùng với hoạt động của Khu Liên hiệp Công nghiệp Gang thép, nhà máy điện Cao Ngạn, nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, mỏ sắt Trại Cau được xây dựng.... Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc.
Năm 1965, tỉnh Thái Nguyên hợp nhất với tỉnh Bắc Kạn thành tỉnh Bắc Thái (theo Nghị quyết của Quốc hội ngày 20/4/1965). Từ 1965 đến năm 1972, các ngành kinh tế của tỉnh đã phát triển, nhất là nông nghiệp và thương nghiệp; đặc biệt là ngành giao thông vận tải và thông tin liên lạc. Phong trào “Toàn Đảng, toàn dân làm giao thông vận tải” được triển khai có hiệu quả, do vậy giao thông vận tải và thông tin liên lạc của tỉnh đáp ứng yêu cầu thời chiến đặt ra.
Mặc dù hai lần chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ, dưới sự lãnh đạo kịp thời của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, nhân dân trong tỉnh vẫn thực hiện tốt
nhiệm vụ sản xuất, sản lượng lương thực tăng, giao thông vận tải được đảm bảo, công tác xây dựng chính quyền, trật tự an ninh được củng cố.
Sau Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam (27/1/1973), Tỉnh uỷ đã lãnh đạo nhân dân ổn định, trở lại sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ra Nghị quyết nhấn mạnh: Phải tạo nên một sự chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào thi đua sản xuất, tiết kiệm trên mọi lĩnh vực, đồng thời khắc phục một bước những hạn chế của từng ngành, địa phương, từng đơn vị sản xuất.
Từ khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đến năm 1986 là chặng đường 10 năm Thái Nguyên cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh thuận lợi cơ bản, tỉnh gặp không ít khó khăn, nhất là về kinh tế. Ngoài ra, chiến tranh biên giới (2/1979), và tình hình các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng kinh tế cũng ảnh hưởng đến sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của tỉnh.
Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986), Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên tích cực thực hiện công cuộc đổi mới. Thái Nguyên đã vượt qua được một giai đoạn thử thách, cam go với những nguy cơ, thách thức lớn.
Trong 5 năm (1991 - 1995), nhân dân Thái Nguyên tiếp tục công cuộc đổi mới, bước đầu thực hiện “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000” và thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI (26 – 29/9/1991). Thái Nguyên đã giành được nhiều thành tựu: Nhịp độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,8%/năm, sản lượng lương thực năm 1995 đạt 28,7 vạn tấn. Giá trị sản xuất công nghiệp trung ương tăng 20,2%/năm; công nghiệp địa phương tăng 24%. Thu ngân sách hằng năm tăng 20%, mức sống của gần 70% dân số của tỉnh được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa các vùng không đều và chưa vững chắc. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng nhưng còn chậm. Kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể chưa khai thác được các lợi thế, một số lĩnh vực chưa giữ được vai trò chủ đạo.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, Thái Nguyên khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội chưa được bao lâu thì tình hình có những chuyển biến mới.
Ngày 6/11/1996, tại kì họp lần thứ 10, Quốc hội (khóa IX) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết chia tách và điều chỉnh địa giới một số tỉnh trong cả nước. Tỉnh Bắc Thái tách thành 2 tỉnh: Bắc Kạn và Thái Nguyên, có địa giới như trước
khi hợp nhất (7/1965) và hoạt động theo đơn vị hành chính mới kể từ ngày 1/1/1997. Từ đó, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ Thái Nguyên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh bước vào thời kì mới: Thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tình hình xã hội
Sau khi hòa bình lập lại (7/1954), cùng với các tỉnh, thành khác trên miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên từng bước vượt qua khó khăn để xây dựng cuộc sống mới.
Giáo dục
Từ năm 1955, sự nghiệp giáo dục của tỉnh tiếp tục giữ vững nhịp độ phát triển. Đến năm 1961, với kết quả đạt 92,51%, Thái Nguyên được Chính phủ công nhận là tỉnh hoàn thành nhiệm vụ thanh toán nạn mù chữ. Năm học 1967 - 1968, các trường chuyên nghiệp, dạy nghề trong tỉnh không ngừng phát triển (tăng từ 30% đến 57%). Ngoài ra, Đảng bộ các huyện Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa đã lãnh đạo mở được ở mỗi huyện 1 trường thanh niên dân tộc vừa học, vừa làm, thu hút con em của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Cao Lan – Sán Chí vào học tập.
Trong những năm 1975 - 1985, Ủy ban nhân dân tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các địa phương kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ giáo dục giữa nhà trường với gia đình và xã hội. Đời sống của cán bộ, giáo viên, học sinh các trường đại học, trung học chuyên nghiệp được quan tâm. Tuy nhiên, trong thời gian này, hiện tượng học sinh bỏ học, giáo viên bỏ nghề xảy ra ở nhiều nơi, do đời sống quá khó khăn, thiếu thốn.
Từ tháng 12/1986 đến năm 1990, cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở đã quan tâm hơn đến việc tạo dựng cơ sở vật chất cho con em học tập. Khoảng 60% – 100% số trường, lớp trên địa bàn Thái Nguyên được ngói hoá.
Trong năm học 1991 - 1992, tỉnh đã thành lập Trường phổ thông nội trú huyện Võ Nhai; nâng cấp một số trường cấp I, II ở các huyện Định Hóa, Võ Nhai, Đại Từ và Đồng Hỷ. Đa số giáo viên ở các trường của tỉnh đều yêu nghề, chất lượng giáo viên từng bước được nâng cao. Tính đến năm học 1995 – 1996, Thái Nguyên đã có 50% giáo viên mầm non, 97% giáo viên tiểu học, 78% giáo viên trung học cơ sở và 90% giáo viên trung học phổ thông đạt chuẩn đào tạo [7.321].
Văn hoá thông tin – Thể dục thể thao
Công tác thông tin- tuyên truyền đã được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quan tâm. Các hình thức văn nghệ quần chúng được tổ chức nhằm tuyên truyền, biểu dương những gương người tốt, việc tốt; phê phán, lên án, ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan, ma to, cưới lớn và các việc làm xấu khác, góp phần xây dựng cuộc sống mới ở địa phương.
Công tác phát hành sách, báo và ấn phẩm văn hóa khác cũng phát triển. Năm 1960, toàn tỉnh đã phát hành được 2,5 triệu bản sách, báo các loại, gấp 3 lần năm 1957, kịp thời phổ biến chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, thông tin tình hình thời sự trong nước và quốc tế đến với nhân dân. Đời sống văn hóa của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã được cải thiện rõ rệt.
Từ tháng 12/1986 đến đầu những năm 90, ngành Văn hóa – Thông tin, Thể dục- Thể thao đã có chuyển biến tích cực. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao thực sự trở thành nhu cầu của quần chúng, tạo nên phong trào khá rộng rãi ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Những hoạt động này đóng góp phần quan trọng đẩy lùi văn hóa độc hại xâm nhập vào địa phương, hạn chế các tập tục lạc hậu trỗi dậy, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Năm 1995, cùng với việc tổ chức kỉ niệm các ngày lễ lớn, tỉnh đã tổ chức thành công Đại hội Văn hóa – Thể thao lần thứ II và Hội diễn sân khấu toàn quốc.
Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức, góp phần cổ vũ, động viên, hướng dẫn cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh nêu cao truyền thống yêu nước và cách mạng, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ do Đại hội Đảng bộ lần thứ VII đề ra.
Y tế
Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, tình trạng ốm, đau thiếu thuốc hoặc không có thuốc còn khá phổ biến, nhất là ở những xã vùng sâu, vùng xa. Các dịch bệnh sốt rét, đau mắt hột, bệnh đường ruột... có nguy cơ bùng phát trở lại.
Trước tình hình đó, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh luôn được các cấp chính quyền quan tâm. Sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền kết hợp với sự cố gắng của cán bộ, nhân viên ngành Y tế Thái Nguyên đã góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, nhân dân trong tỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho lực lượng dự bị và khám tuyển nghĩa vụ quân sự.
Đến năm 1986, Thái Nguyên đã xây dựng được một hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh rộng khắp, gồm 10 bệnh viện tỉnh, huyện, ngành, 5 phòng khám khu vực, bệnh viện điều dưỡng, trạm bảo vệ bà mẹ trẻ em và 174 trạm y tế xã, phường, với trên 2.000 giường bệnh. Tuy có những cố gắng, nhưng tình trạng thiếu giường bệnh, thiếu thuốc chữa bệnh trở thành một hiện tượng kéo dài. Hệ thống y tế xã, phường, thị trấn nhiều nơi không còn hoạt động, do không có tiền trả lương cho cán bộ y tế cơ sở, không có thuốc phục vụ người bệnh.
Từ năm 1991 đến năm 1996, ngành Y tế đã thực hiện 19 chương trình quốc gia, trong đó có chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em đạt 83%; thành lập 8 trung tâm y tế huyện, thành, thị, đưa 30 bác sĩ về tuyến xã, 100% cán bộ y tế cơ sở được trả lương bằng ngân sách. Các cơ sở y tế vùng cao và vùng sâu được chú ý đầu tư nâng cấp. Chất lượng hoạt động y tế, nhất là tuyến cơ sở đã được nâng lên; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu có kết quả, bảo đảm cung cấp đủ thuốc chữa bệnh cho nhân dân, góp phần chủ động ngăn chặn và kịp thời dập tắt các ổ dịch.
Lĩnh vực an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội
Lợi dụng các mặt sơ hở trong quản lí kinh tế, xã hội của các cấp, các ngành trên địa bàn, bọn tội phạm hình sự, lưu manh, trộm cướp tăng cường hoạt động. Với tình hình đó, Tỉnh ủy đề ra chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, học tập Chỉ thị 192 và Nghị quyết 195 của Trung ương Đảng, nhằm giáo dục và ngăn chặn các hành vi phi pháp, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, giữ vững kỉ cương xã hội.