Khái quát về tỉnh Thái Nguyên

Một phần của tài liệu Quá trình chuyển biến kinh tế, xã hội tỉnh thái nguyên từ năm 1997 đến năm 2010 (Trang 33 - 36)

7. Kết cấu Luận án

2.1.1.Khái quát về tỉnh Thái Nguyên

Điều kiện tự nhiên

Thái Nguyên là một tỉnh miền núi, thuộc vùng trung du – miền núi Đông Bắc, diện tích tự nhiên 3.531,02 km2 nằm trong hệ tọa độ địa lí từ 21o19’ đến 22o03’ vĩ Bắc và 105o29’ đến 106o15’ kinh Đông [73.19]. Thái Nguyên phía bắc giáp tỉnh Bắc Kạn; phía đông giáp các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang; phía nam giáp thủ đô Hà Nội; phía tây giáp các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang. Do vị trí địa lí thuận lợi, Thái Nguyên là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế quan trọng thuộc vùng trung du, miền núi phía Bắc và là cửa ngõ giao lưu kinh tế, xã hội giữa trung du, miền núi phía Bắc với đồng bằng Bắc Bộ.

Địa hình

Thái Nguyên phần lớn là đồi núi thấp, trên 2/3 diện tích có độ cao hơn 100m so với mặt biển; diện tích còn lại là vùng phù sa dọc hai bên sông Cầu và sông Công. Cấu tạo địa hình tự nhiên của tỉnh Thái Nguyên được phân thành ba vùng: Vùng núi phía Tây và Tây Bắc gồm các huyện Định Hóa, Đại Từ, các xã phía Tây huyện Phú Lương; Vùng núi phía Đông gồm hai huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai; Vùng có địa hình đồi núi thấp gồm phía Nam huyện Phú Lương, phía Tây huyện Đồng Hỷ, thành phố Thái Nguyên, huyện Phú Bình, huyện Phổ Yên, thị xã Sông Công.

Khí hậu

Thái Nguyên nằm trong vùng nhiệt đới, nóng ẩm và gió mùa, hình thành hai mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhìn chung, khí hậu tỉnh Thái Nguyên thuận lợi cho phát triển một hệ sinh thái đa dạng và bền vững, có giá trị đối với nông, lâm nghiệp.

Sông ngòi

Thái Nguyên có mạng lưới sông ngòi dày đặc. Đại bộ phận lãnh thổ thuộc hệ thống sông Cầu. Ngoài ra, Thái Nguyên còn có một số sông, suối khác nhưng hầu hết đều là phụ lưu của sông Cầu. Sông ngòi ở Thái Nguyên hằng năm đã cung cấp phù sa màu mỡ, nước tưới cho cây công nghiệp, nông nghiệp. Tuy nhiên, lũ lụt cũng gây thiệt hại không nhỏ. Thái Nguyên không có hồ tự nhiên, nhưng lại có nhiều hồ nhân tạo do đắp đập

ngăn dòng chảy, lấy nước làm thủy lợi, bao gồm nhiều hồ lớn nhỏ phân bố khá đều ở các khu vực trong tỉnh như Hồ Núi Cốc, hồ Bảo Linh, hồ Quán Chẽ, hồ Phú Xuyên...

Cơ cấu đất đai

Tỉnh Thái Nguyên có tổng diện tích tự nhiên là 353.101,67ha (số liệu năm 2010). Cơ cấu đất đai gồm các loại: Đất nông nghiệp (gồm đất sản xuất nông nghiệp; đất lâm nghiệp có rừng; đất nuôi trồng thuỷ sản; đất làm muối; đất nông nghiệp khác) chiếm 83,44%; Đất phi nông nghiệp (gồm đất ở; đất chuyên dùng; đất tôn giáo, tín ngưỡng; đất nghĩa trang, nghĩa địa; đất sông suối và mặt nước chuyên dùng) chiếm 12,09%; Đất chưa sử dụng (gồm đất bằng; đất đồi núi; Núi đá không có rừng cây) chiếm 4,46%.

Rừng và động thực vật

Diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 180.639,32ha, chiếm 51,16% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, được chia ra thành ba loại: Rừng sản xuất chiếm 31,39%; rừng phòng hộ chiếm 9,87% và rừng đặc dụng chiếm 9,90%. Thực vật, động vật khá đa dạng, đặc biệt có nhiều loại cây, con làm được dược liệu quí, có thể phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Tuy vậy, do việc săn bắn bừa bãi, nên nhiều loài thú, chim, bò sát... của Thái Nguyên đang ở tình trạng bị đe dọa, khan hiếm và tuyệt chủng.

Khoáng sản

Nằm trong vùng sinh khoáng Đông Bắc Việt Nam, thuộc vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương, Thái Nguyên có nguồn tài nguyên khoáng sản rất phong phú (34 loại hình khoáng sản); trong đó có những khoáng sản có giá trị cao về phát triển kinh tế trong cả nước như sắt, than (đặc biệt là than mỡ) đã tạo cho Thái Nguyên một lợi thế lớn trong việc phát triển ngành công nghiệp luyện kim, khai khoáng. Đây là thế mạnh đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm công nghiệp luyện kim lớn của cả nước.

Truyền thống lịch sử và đời sống văn hoá

Các cứ liệu khoa học thu được cho thấy con người xuất hiện ở vùng đất Thái Nguyên ngay từ thời tiền sử (cách ngày nay 40.000 năm đến 23.000 năm trước Công nguyên).Thời các vua Hùng, nước Văn Lang chia thành 15 bộ, Thái Nguyên thuộc bộ Vũ Định. Thời An Dương Vương, Thái Nguyên thuộc đất Âu Lạc. Vùng đất Thái Nguyên biến đổi qua bao thăng trầm của lịch sử từ thời thuộc Hán, thuộc Đường đến thời Lí, Trần, Lê, cho đến thời Nguyễn: Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) xứ Thái Nguyên được đổi thành trấn Thái Nguyên. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) đổi trấn thành tỉnh Thái Nguyên gồm cả vùng đất Bắc Kạn. Địa danh Thái Nguyên vẫn trường tồn cùng đất nước [140.23].

Năm 1900, chính quyền bảo hộ Pháp chia Thái Nguyên thành 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Ngày 21/4/1965, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

quyết định sáp nhập 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn thành tỉnh Bắc Thái. Ngày 6/11/1996, tại kì họp thứ 10, Quốc hội (khóa IX), nước CHXHCN Việt Nam đã quyết định tách và điều chỉnh một số tỉnh trong cả nước - Tỉnh Bắc Thái được chia tách thành 2 tỉnh: Bắc Kạn và Thái Nguyên có địa giới như trước khi hợp nhất và hoạt động theo địa giới hành chính mới kể từ ngày 1/1/1997.

Qua các thời kì phát triển của lịch sử, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã trải qua nhiều chặng đường đấu tranh cách mạng vô cùng khó khăn, gian khổ, đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang và hun đúc nên truyền thống lịch sử tốt đẹp như truyền thống yêu nước, đoàn kết bất khuất kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cần cù trong lao động sản xuất.

Thái Nguyên là nơi hội tụ nền văn hóa của các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, tạo nên một nền văn hóa phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc.

Về văn hóa phi vật thể

Thái Nguyên có kho tàng văn hóa phi vật thể đặc sắc, đa dạng, như truyền thuyết, sự tích, truyện cổ tích, thơ, ca dao, tục ngữ, câu đối, các làn điệu dân ca (hát sli, hát lượn, hát pardzung...). Hằng năm, các lễ hội truyền thống được tổ chức như Hội Lồng tồng (xuống đồng) ở Định Hoá, lễ hội đền Đuổm ở Phú Lương tạ ơn công đức của danh tướng Dương Tự Minh, lễ hội đình Phương Độ (Phú Bình); lễ hội núi Văn, núi Võ (Đại Từ); lễ hội đền Lục Giáp (Phổ Yên); lễ hội Chùa Hang (Đồng Hỷ)... Mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán riêng trong việc cưới, việc tang, thờ cúng và vẫn đang bảo tồn, phát huy những thuần phong mĩ tục.

Về văn hóa vật thể

Các điểm du lịch chính của Thái Nguyên: Khu du lịch hồ Núi Cốc, khu Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, đền thờ Đội Cấn, khu du lịch hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà tại huyện Võ Nhai, khu di tích lịch sử An toàn khu (ATK) huyện Định Hóa, đền Đuổm thờ Dương Tự Minh (Phú Lương), chùa Hang (Đồng Hỷ), chùa Phủ Liễn, đền Xương Rồng (thành phố Thái Nguyên). Ngành du lịch ở Thái Nguyên có thể khai thác các danh lam thắng cảnh theo hướng kết hợp du lịch sinh thái với cảnh quan thiên nhiên và văn hóa dân gian. Các di tích văn hóa, lịch sử ở Thái Nguyên là tài sản vô giá phản ánh truyền thống kiên cường dựng nước, giữ nước. Đây là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.

Về văn hóa ẩm thực

Ẩm thực tại tỉnh Thái Nguyên rất phong phú. Đặc biệt chè (trà) Thái Nguyên nổi tiếng trên khắp Việt Nam và được tôn vinh là một trong hai loại trà ngon nhất nước.

Ngoài ra, Thái Nguyên có sản phẩm cơm lam, bánh trà lam của người Tày, bánh trứng kiến của người Sán Dìu, gạo Bao Thai Định Hóa, bành chưng Bờ Đậu...

Trong quá trình đổi mới, văn hóa truyền thống của các dân tộc tỉnh Thái Nguyên có điều kiện vừa bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc mình, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của các vùng miền trong nước và thế giới, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Một phần của tài liệu Quá trình chuyển biến kinh tế, xã hội tỉnh thái nguyên từ năm 1997 đến năm 2010 (Trang 33 - 36)