4. Điểm mới của đề tài
4.1.1. Số lượng nhà cổ trong những năm gần đây
Theo kết quả khảo sát điều tra ở ba thôn: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh tháng 7/2004, Đường Lâm có khoảng 956 ngôi nhà lần lượt ở các làng Đông Sàng, Mông Phụ, Cam Thịnh là 441, 350, 165 ngôi nhà. Trong đó, các ngôi nhà có niên đại trên 100 năm tuổi lần lượt của ba làng đó là: Đông Sàng có 38/441 ngôi nhà, Mông Phụ 75/350 ngôi nhà, Cam Thịnh 28/165 ngôi nhà, trong đó có những ngôi nhà cổ được xây dựng từ năm 1640, 1703, 1820... Hầu hết các ngôi nhà đều có cổng, tường rào, sân, vườn, nhà chính, nhà phụ, bếp, khu chăn nuôi... rất quen thuộc mà đây đó còn thấy không nhiều lắm ở các làng xã trong cả nước.
Chỉ sau đó hai năm, theo sở Văn hóa – Thông tin Hà Tây (cũ) tính đến tháng 5/2006 Đường Lâm còn giữ được khoảng gần 800 ngôi nhà truyền thống mang đặc trưng dân gian vùng châu thổ Sông Hồng. Trong đó, có khoảng gần 140 ngôi nhà cổ có niên đại trên – dưới 100 năm tuổi. Ở làng Mông Phụ có khoảng gần 100 nhà cổ/350 ngôi nhà, ở Cam Thịnh có 17/182 ngôi nhà, Đoài Giáp có 8/124 ngôi nhà, Phụ Khang có 13/340 ngôi nhà.
Nhưng theo báo cáo của Ủy ban nhân dân xã Đường Lâm gửi lãnh đạo ngành văn hóa năm 2009 toàn xã Đường Lâm chỉ còn hơn 300 ngôi nhà truyền thống trong đó có khoảng gần 100 ngôi nhà cổ có niên đại trên 100 năm, riêng làng Mông Phụ là nơi lưu giữ được nhiều nét cổ kính nhất với khoảng 45 ngôi nhà cổ có niên đại trên 100 – 200 năm. Ở làng cổ vẫn còn lưu giữ được hai ngôi nhà có niên đại trên 300 năm. Tất cả các ngôi nhà cổ đều trong tình trạng mối, mọt và ẩm thấp. Thực tế thì trong hơn 300 nhà cổ còn lại chỉ có 10 ngôi nhà cổ loại I là được sửa chữa, tu bổ để phục vụ du lịch, số còn lại vẫn cứ bị mối, mọt dần theo thời gian.