Luận văn thực hiện đo lường tốc độ điều chỉnh giá cổ phiếu khi có thông tin thị trường thông qua biến độ trì hoãn giá ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Sử dụng dữ liệu của 70 công ty niêm yết ở Sở GDCK TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2007 – 2012, luận văn cũng tiến hành nghiên cứu thực nghiệm để xác định các nhân tố đặc trưng nào của một công ty sẽ ảnh hưởng đến tốc độ điều chỉnh giá cổ phiếu của công ty đó. Phân tích hồi quy dữ liệu bảng được sử dụng để kiểm định mối quan hệ giữa các biến đặc trưng với độ trì hoãn giá DELAY này. Kết quả hồi quy để xác định giá trị biến DELAY cho thấy độ trì hoãn giá khá cao, nghĩa là tốc độ điều chỉnh giá cổ phiếu khi có thông tin còn thấp, chứng tỏ thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là một thị trường không hiệu quả về mặt thông tin. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy trong tất cả các yếu tố đặc trưng được xác định, yếu tố quy mô công ty, vòng quay cổ phiếu, và khối lượng giao dịch là ba yếu tố chính tác động đến độ trì hoãn giá cổ phiếu. Trong tất cả các trường hợp nghiên cứu trong giai đoạn 2007 – 2012, ba yếu tố này luôn có ý nghĩa thống kê bất kể có hay không có các yếu tố khác trong mô hình và cả ba yếu tố đều có tác động ngược chiều đối với độ trì hoãn giá. Những công ty có quy mô lớn hơn, những công ty có vòng quay cổ phiếu và khối lượng giao dịch cổ phiếu cao hơn sẽ hấp thụ thông tin mới của thị trường nhanh hơn khi so sánh với những công ty khác. Với ba yếu tố đặc trưng chính này,
kết quả nghiên cứu ở thị trường Việt Nam đồng nhất với các nghiên cứu của Chordia và Swaminathan (2000) ở thị trường Mỹ, Chiang và Lin Tan (2008) ở thị trường Trung Quốc, Prasanna và Menon (2012) ở thị trường chứng khoán Ấn Độ.
Trong giai đoạn khủng hoảng xảy ra và chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng 2008 – 2011, tốc độ điều chỉnh giá đối với thông tin có sự biến thiên qua các năm, có sự sụt giảm mạnh trong độ trì hoãn giá vào năm 2008 và tăng đột biến vào năm 2011. Trong khi vòng quay cổ phiếu và khối lượng giao dịch vẫn đạt được ý nghĩa tác động đến độ trì hoãn giá trong suốt thời kỳ khủng hoảng, thì quy mô công ty được phát hiện không phải là nhân tố ảnh hưởng đến độ trì hoãn giá.