7. Đóng góp của luận văn
3.1. Yếu tố cộng đồng diễn giải trong quá trình tiếp nhận văn học
Trước hết cần phải nói rằng văn bản văn học sẽ không trở thành tác phẩm nếu không có quá trình tiếp nhận, và quá trình tiếp nhận cũng sẽ không xảy ra nếu không tồn tại một cộng đồng diễn giải nhất định. Suy đến cùng, cộng đồng diễn giải là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định một văn bản có thể đảm nhận sứ mệnh một tác phẩm văn học có giá trị hay không. Vậy cộng
đồng diễn giải là gì? Nó có vai trò như thế nào và ảnh hưởng tới quá trình tiếp
nhận tác phẩm ra sao?
Trước khi bàn về Cộng đồng diễn giải, chúng tôi muốn nói đôi điều về bản chất của quá trình tiếp nhận cũng như Tầm đón đợi của độc giả. Tiếp nhận là một quá trình phức hợp của những quy luật thẩm mĩ mang tính bản chất đặc thù. Hoạt động tiếp nhận Văn học – nghệ thuật thực chất là quá trình “đọc lại” văn bản ngôn từ. Mỗi văn bản thực chất là một “liên văn bản”, một hiện thực hóa sinh động về quá trình chiếm lĩnh đời sống và nghệ thuật của
nhà văn. Cùng với đó, mỗi độc giả khi chưa tiếp xúc với văn bản ngôn từ thì ý niệm của họ về đối tượng là hoàn toàn trống rỗng. Song, trong họ đã tiềm ẩn một “vốn” cảm quan nhất định về các tác phẩm văn học đã đọc trước đấy. Đến khi tiếp cận với những hình tượng và biểu hiện cụ thể của văn bản, cái “vốn” đó kết hợp với những hiểu biết, kinh nghiệm trong cuộc sống sẽ đưa ra những kết luận và nhận thức nhất định về đối tượng. Nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung đã có nhận định rất xác đáng về điều này: “Không có hoạt động đọc nào nguyên khởi, thuần khiết, vô tư; mọi sự đọc đều bị chi phối bởi một hiện trường ấn tượng bắt buộc, cái hậu trường như là phức hợp lịch sử của những ấn tượng tồn tại một cách vô thức”[08]. Bản chất thực sự của quá trình tiếp nhận lại nằm ở tính “giao tiếp” và “đối thoại” giữa các đối tượng tham gia. Đó là quá trình “giao tiếp” khách quan giữa độc giả và văn bản. Hơn thế tiếp nhận còn là con đường “đối thoại” đầy chủ quan giữa chủ thể thưởng thức với chủ thể sáng tạo. Tựu chung lại tiếp nhận Văn học – nghệ thuật là một quá trình truyền thông thẩm mĩ. Ở đó nhà văn là chủ thể sáng tạo, còn độc giả là đối tượng nhận thông điệp, đồng thời là chủ thể giải mã và phản hồi thông điệp. Hai hoạt động “viết” và “đọc” tác động qua lại lẫn nhau và kết quả của quá trình tác động đó là cả tác giả và bạn đọc đều lần lượt chiếm lĩnh được những giá trị thẩm mĩ nghệ thuật cũng như hiện thực cuộc sống. Đó có lẽ là mục đích và giá trị cao cả nhất mà Văn học – nghệ thuật luôn muốn hướng tới. Khi vai trò của người tiếp nhận ngày càng được quan tâm trong hệ thống nghiên cứu Lí luận văn học hiện đại và hậu hiện đại thì khái niệm “Tầm đón đợi” xuất hiện. Mỗi người đọc trước mỗi thời điểm đọc tác phẩm lại có sẵn một tầm đón khác nhau. Tầm đón đó thuộc về kinh nghiệm văn học của người tiếp nhận, là tầm hiểu biết về văn học, là nhu cầu, trình độ thưởng thức được rút ra từ kinh nghiệm sống, hứng thú, quan điểm và cảm quan thẩm mĩ của từng người. Thuật ngữ “tầm đón đợi” là một trong những thuật ngữ cơ
bản của Mỹ học tiếp nhận, nó đề cao tính chủ động của người đọc khi đối diện với văn bản, để từ đó văn bản không còn là những con chữ thụ động được gán ghép cho những phiên bản ý nghĩa cố định, cứng nhắc, bất biến nữa. Về vấn đề cộng đồng diễn giải có lẽ trong giới nghiên cứu văn học ở Việt Nam nói chung và nghiên cứu tiếp nhận văn học nói riêng có thể nói am hiểu thấu đáo, tường tận với những công trình nghiên cứu rất hệ thống và khoa học chính là PGS.TS Trương Đăng Dung. Ở hạng mục này, gần như tác giả luận văn chỉ đóng vai trò tổng thuật lại những vấn đề liên quan đến cộng đồng diễn giải dựa trên cái nền là sự đóng góp của nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung trong các công trình của ông mà tiêu biểu là trong bài viết Những
giới hạn của cộng đồng diễn giải. Mở đầu bài viết ông đã trích dẫn nhận định
của Antoine Compagnon “Người đọc cần được quan niệm như tổng thể các phản ứng cá nhân, hay như sự hiện tại hóa một năng lực cộng đồng? Hình ảnh một người đọc có tự do được giám sát, do văn bản kiểm soát, có phải là hình ảnh hay nhất không”? Điều đó có nghĩa là văn bản văn học thực sư trở thành tác phẩm khi có sự tham gia của hoạt động tiếp nhận từ phía người đọc. Hơn thế người đọc ở đây là tổng thể cộng đồng chứ không phải sự riêng rẽ của những cá nhân riêng biệt, hay nói một cách khoa học chuyên nghiệp hơn đó là cộng đồng diễn giải.
Khái niệm Cộng đồng diễn giải được Stanley Fish đề xuất năm 1980, trong cuốn Có một Văn bản trong Lớp này không? (Is there a Text in This Class?)(Stanley Fish: Is there a text in this class? Cambridge, Mass: Havard University Press, 1980) cho đến hôm nay đã tìm được tiếng nói chung và cả những ý kiến khác biệt trong giới nghiên cứu lí luận văn học. Với khái niệm này, Stanley Fish vừa cho thấy những vấn đề còn tồn tại trong lí thuyết tiếp nhận, lại vừa gợi mở một cái nhìn mới về bản chất của sự diễn giải văn bản văn học Stanley Fish quan niệm không thể tìm thấy nghĩa trong chính văn bản
mà phải tìm ở trong hành động sở hữu văn bản, trong cộng đồng người đọc thực hiện hoạt động này. S. Fish viết: “Cộng đồng diễn giải chứ không phải
văn bản hay người đọc tạo nên các nghĩa của văn bản”[16,177]. Tức là các
nghĩa này được hình thành với dấu ấn của một thiết chế cộng đồng. Sự tương đồng ý kiến của các thành viên trong một cộng đồng cho thấy uy thế của cộng đồng diễn giải đã tạo ra những yếu tố làm cho các thành viên của cộng đồng trong cùng một thời gian có thể đồng ý kiến. Stanley Fish đã xây dựng khái niệm Cộng đồng diễn giải trên cơ sở lí thuyết nghĩa. Xuất phát từ chỗ nghĩa không phải là của riêng của văn bản, nghĩa không do bạn đọc (cá nhân) tạo ra mà là do cộng đồng diễn giải, cái cộng đồng quy định không chỉ sách lược đọc mà còn cả sách lược diễn giải sự viết vì những mục đích của nó. Stanley Fish viết: “Sự đồng nhất và ổn định của nghĩa là nhờ sự đồng nhất và ổn định
của nhóm người tạo ra nghĩa”[16,124]. Ở đây Stanley Fish muốn nhấn mạnh
đến quyền lực của Cộng đồng diễn giải, thứ quyền lực có sức mạnh tập hợp và tạo nên sự thống nhất ý kiến giữa các thành viên của cộng đồng trong việc diễn giải văn bản văn học. Ông muốn lưu ý đến tác động của thiết chế trong việc tạo nghĩa văn bản. Chúng ta cần phải thừa nhận có một Cộng đồng diễn giải đứng sau người đọc. Một mặt, nếu cộng đồng đó quy định các phương thức diễn giải mà thành viên của nó có thể lựa chọn thì điều đó có nghĩa là có những yếu tố ngoại lệ đặc trưng cho một nhóm xã hội nhất định, chúng tác động đến sự hiểu văn bản của các thành viên cộng đồng. Mặt khác, nếu cộng đồng diễn giải là cộng đồng của những người diễn giải văn bản văn học thì phải có cái gì đó chung cho những cá nhân cùng diễn giải giống nhau một văn bản có sẵn. Cái chung này theo Stanley Fish là sự đồng thuận, ông viết: “Sự đồng thuận không chứng minh cho sự ổn định của các sự việc, mà nó chứng tỏ cái quyền uy của một cộng đồng đã tạo ra những đối tượng để các thành
tạo ra các đối tượng đồng thời với việc tạo ra các thành viên của nó. Từ khái niệm cộng đồng diễn giải mà Stanley Fish đề xuất, chúng ta cũng có thể hình dung về những cộng đồng diễn giải được tạo ra thật sự vì mục đích diễn giải. Có những cộng đồng đặc biệt dành riêng cho sự diễn giải mà không phải bất kì ai cũng có thể là thành viên. Những cộng đồng này thường ra đời bên trong hệ thống thiết chế của đời sống khoa học như các viện nghiên cứu, trường học, thư viện… Lí thuyết cộng đồng diễn giải có thể giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn bản chất phi lí của giáo điều, lưu ý chúng ta về một cơ chế đứng sau sự diễn giải văn bản văn học có khả năng chi phối cách hiểu văn học, thậm chí làm cho người ta đánh giá văn học tốt hay xấu bằng những yếu tố nằm ngoài văn học! Chính vì thế, lịch sử phê bình văn học cần phải quan tâm nhiều đến các loại cộng đồng diễn giải thay thế lẫn nhau ở một thời kì văn học, vì chúng ta sẽ không hiểu được sâu sắc những mâu thuẫn trong cách đánh giá văn học và cả những vấn đề đặt ra trong các cuộc tranh luận văn học, nếu chúng ta không nghiên cứu các cộng đồng diễn giải đã có tác động như thế nào đến những hoạt động đó.
Bản chất của sự diễn giải là quá trình bất tận, là cuộc chiến chiếm hữu và loại bỏ các giá trị. Chính cộng đồng diễn giải đứng sau văn bản và người đọc, tạo lập và nuôi dưỡng cả hai, quy định phương thức tồn tại đặc trưng của tác phẩm văn học. Chính cộng đồng diễn giải tạo nên chuẩn thẩm mĩ cộng đồng. Sự tương đồng ý kiến của các thành viên trong một cộng đồng cho thấy uy thế của cộng đồng diễn giải, đã tạo ra các yếu tố làm cho các thành viên của cộng đồng trong cùng một thời gian có cùng một ý kiến. Có thể thấy rằng
Cộng đồng diễn giải với chuẩn thẩm mĩ cộng đồng đã chi phối hướng tiếp cận
tác phẩm. Theo Stanley Fish, người đọc lí giải tác phẩm phù hợp với hệ thống chuẩn mực mà theo thời gian cộng đồng đã quen dùng để đo giá trị. Điều này giải thích tại sao cùng nói về một văn bản nhưng các thành viên của cộng
đồng khác nhau, hoặc cùng một người đọc nhưng với tư cách là thành viên của các cộng đồng khác nhau thì sẽ có những phản ứng với văn bản tác phẩm một cách khác nhau. Từ đó sẽ dẫn đến hệ quả là có một nhóm người đọc có cùng ý kiến hoặc ngược ý kiến về cùng một tác phẩm của cùng một tác giả. Nói như vậy không có nghĩa cộng đồng diễn giải bao giờ cũng chính xác. Bởi tiếp nhận văn học cũng bị chi phối bởi yếu tố tâm lí cộng đồng, sự diễn giải tác phẩm của nhóm cộng đồng này có thể lây lan sang nhóm cộng đồng khác có cùng tư duy thưởng thức.
Văn học trước đổi mới khi mô hình phản ánh hiện thực vẫn chiếm ưu thế thì mô hình diễn giải tác phẩm văn học đương nhiên chịu sự chi phối của mô hình phản ánh. Theo đó, họ đánh giá tác phẩm là xem tác phẩm có phản ánh đúng hiện thực hay không. Theo lối tư duy diễn giải này thì một tác phẩm có giá trị là tác phẩm có nội dung rõ ràng, có kết thúc dứt khoát, địch – ta, tốt – xấu phải được phân bua rạch ròi. Đọc xong họ thấy mãn nguyện, yên lòng, không phải băn khoăn, trăn trở và luôn tin rằng cuộc đời thật tươi đẹp. Chuẩn thẩm mĩ ấy phù hợp cho cộng đồng người đọc trước 1975 và đồng thời phù hợp với nhiệm vụ của thời đại. Đến văn học sau đổi mới chuẩn thẩm mĩ chung của cộng đồng cũng có những lối rẽ mới, cộng đồng diễn giải cũng không còn dập khuôn cứng nhắc theo những nguyên mẫu như trước nữa. Nhưng chính cái Cộng đồng diễn giải cũng có những giới hạn của nó, nó làm cho sự đồng nhất hay ổn định của nghĩa phụ thuộc vào sự đồng nhất và ổn định của các nhóm người đọc. Nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung có trích ý kiến của Stanley Fish trong bài viết “Những giới hạn của cộng đồng diễn
giải”: “cộng đồng diễn giải chứ không phải văn bản hay người đọc tạo nên
các nghĩa của văn bản”.