Điều khiển tranh tụng tại phiên tòa giữa các bên thông qua va

Một phần của tài liệu Tranh tụng trong xét xử theo luật tố tụng hình sự việt nam (trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn tỉnh đắk nông) (Trang 30)

vai trò của Hội đồng xét xử

Về bản chất, tranh tụng trong tố tụng hình sự là một quá trình cọ sát các quan điểm lập luận về vụ án giữa các chủ thể của bên buộc tội và bên bào chữa tham gia vào quá trình tố tụng hình sự nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án. Tranh tụng chỉ được coi là bắt đầu khi có sự xuất hiện chức năng buộc tội và tương ứng với nó là chức năng gỡ tội. Bên buộc tội gồm: công tố viên, người bị hại, nguyên đơn dân sự và những người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Bên bào chữa gồm: người bị buộc tội, người bào chữa, bị đơn dân sự và người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người này. Trong suốt quá trình tranh tụng, bên buộc tội và bên bào chữa liên tục trao đổi với nhau những lập luận, chứng cứ, lý lẽ để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Tố tụng tranh tụng dành một vị trí đặc biệt cho lợi ích các bên. Lợi ích của xã hội được đặt xuống hàng thứ yếu. Có thể coi tố tụng tranh tụng là một dạng tố tụng đặc biệt diễn ra tại toà án để xử lý các tranh chấp giữa ít nhất hai bên. Tranh chấp do các bên “kiểm soát”, nghĩa là các bên xác định tranh chấp, xác định các vấn đề phải được quyết định và mỗi bên đều có cơ hội trình bày phần tranh luận của mình tại toà. Như vậy, tố tụng tranh tụng thực sự mở ra cơ hội cho các bên, bên buộc tội và bên bào chữa có một vị thế ngang nhau trong việc tìm hiểu sự thật khách quan của vụ án và bảo vệ luận điểm của mình trước Toà án. Sự ngang bằng này được

thể hiện ở địa vị là các bên trong tố tụng và có những phương tiện mà pháp luật dành cho họ trong việc thực hiện quyền của mình. Bên buộc tội, bên bào chữa đều có quyền điều tra, thu thập chứng cứ, triệu tập nhân chứng để bảo vệ cho lý lẽ của mình và cũng là để phản bác lại luận điểm của phía bên kia. Toà án chỉ ra phán quyết theo những chứng cứ và lý lẽ được coi là hợp pháp và bác bỏ những chứng cứ chưa đúng luật và bất hợp lý.

Với mục đích của mô hình tố tụng tranh tụng là hạn chế đến mức thấp nhất sự can thiệp của những người có quyền quyết định vụ án để đảm bảo cho các thủ tục tố tụng được tiến hành một cách công bằng theo cách các bên tranh chấp có quyền trình bày về vụ án mà không bị sự lấn át của bên kia nên trong tố tụng tranh tụng không có ai chiếm vai trò tuyệt đối về quyền lực, mà có sự chia sẻ quyền lực giữa công tố viên - đại diện cho bên buộc tội, luật sư - đại diện cho bên bào chữa, Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà và bồi thẩm đoàn.

Viện công tố ở các nước theo hệ tranh tụng sẽ làm nhiệm vụ truy tố kẻ bị tình nghi là phạm tội ra trước Toà. Người giữ quyền công tố - đại diện cho cơ quan này trước Toà án được gọi là công tố viên hay là luật sư buộc tội. Vai trò của công tố viên trong một phiên toà hình sự là lựa chọn và trình bày tất cả những chứng cứ mà Nhà nước sẽ lấy làm căn cứ buộc tội. Công việc buộc tội không chỉ đơn giản là đưa bản cáo trạng ra trước Toà mà còn phải dùng nhân chứng, vật chứng và lý lẽ của mình để đấu trí với luật sư bào chữa nhằm mục đích bảo vệ cáo trạng của mình tại phiên toà. Trách nhiệm của bên buộc tội là sự chứng minh sự đúng đắn và hợp pháp của nội dung truy tố bằng cách đưa ra các chứng cứ, căn cứ pháp lý và các lập luận để bảo vệ quan điểm của mình về sự buộc tội đối với bị cáo và bác bỏ các chứng cứ, căn cứ và lập luận của bị cáo và người bào chữa. Trước khi phiên toà diễn ra, công tố viên có quyền điều tra thu thập chứng cứ và tại phiên toà với tư cách là đại diện cho cơ quan công quyền họ sẽ tranh cãi với luật sư của bên bị buộc tội để cùng đi đến sự thật của vụ án.

Bào chữa là toàn bộ các hành vi, hoạt động tố tụng của người bị tình nghi; bị can; bị cáo; người bào chữa; đại diện hợp pháp của người bị tình nghi, bị can, bị cáo là vị thành niên nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị tình nghi, gỡ tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người bị buộc tội. Luật sư bào chữa là một chức danh dùng để chỉ người sẽ thay mặt và là người đại diện cho bên bị buộc tội trong việc phủ nhận những lý lẽ của công tố viên nhằm mục đích buộc tội bị cáo. Vai trò của Luật sư bào chữa là hành động không sợ hãi trong việc bào chữa cho khách hàng. Mặc dù Luật sư có nghĩa vụ với Toà án nhưng nghĩa vụ chính của họ là đối với khách hàng. Luật sư của các bị cáo theo hệ tranh tụng thường có tư duy pháp lý cao và rất mẫn cán với công việc. Pháp luật của các nước này dành cho luật sư bào chữa một vị thế và những quyền năng không hề thua kém các công tố viên. Một công tố viên có quyền gì thì tương ứng một luật sư bào chữa sẽ cũng có những quyền như thế. Họ cũng điều tra, cũng thu thập chứng cứ, cũng được phép trình bày lý lẽ của mình trước Toà án để bác bỏ sự buộc tội, chứng minh sự vô tội hoặc giảm nhẹ tội cho bị cáo và được phép tranh luận dân chủ với công tố viên.

Từ những phân tích trên cho thấy, Thẩm phán, Hội đồng xét xử có vai trò điều tiết, duy trì cuộc tranh cãi không biết mệt mỏi giữa công tố viên – luật sư buộc tội và luật sư bào chữa và chỉ thực sự chấm dứt khi một trong hai bên hoặc cả hai bên không đưa ra được một nhân chứng, vật chứng nào để chứng minh cho luận điểm của mình hoặc bằng chứng mà một bên đưa ra đã là quá đủ để buộc tội hay gỡ tội cho bị cáo.Trong phiên toà, Toà án giữ vai trò "trọng tài" là người "cầm trịch" giữa hai bên. Trước khi phiên toà bắt đầu Thẩm phán và các bồi thẩm không hề có một tài liệu, hồ sơ trong tay vì vậy họ không biết gì về vụ án ngoài cái tên gọi của nó. Thẩm phán có nhiệm vụ duy trì trật tự phiên toà và giám sát quá trình tranh tụng giữa hai bên, còn vai

trò của bồi thẩm đoàn tại phiên toà giống như "những khán giả" và chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là quan sát quá trình tranh cãi gay gắt giữa bên buộc tội và bên bị buộc tội cho đến khi vào phòng nghị án để quyết định vấn đề bị cáo có tội hay không có tội. Mặc dù, pháp luật của các nước đều quy định cho Toà án có quyền thẩm vấn các nhân chứng, bị cáo nhưng trên thực tế hầu như chẳng bao giờ Thẩm phán hoặc các bồi thẩm sử dụng quyền này. Với vai trò là người trọng tài "cầm cân công lý" làm nhiệm vụ phân xử giữa bên buộc tội và bên bào chữa, để có quyết định đúng đắn và khách quan về vụ án, Toà án không được phép định kiến đối với bất cứ bên nào và cũng không thể bị ràng buộc bởi bất cứ một yêu cầu, đề nghị hoặc ý kiến của bất kỳ ai.

Một phần của tài liệu Tranh tụng trong xét xử theo luật tố tụng hình sự việt nam (trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn tỉnh đắk nông) (Trang 30)