Áp dụng nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự Điểm cơ bản

Một phần của tài liệu Tranh tụng trong xét xử theo luật tố tụng hình sự việt nam (trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn tỉnh đắk nông) (Trang 40)

cơ bản trong quá trình cải cách tư pháp của nhiều quốc gia trên thế giới

Tố tụng thẩm vấn là một hệ tố tụng truyền thống của các nước theo Civil law. Nhưng thời gian dần trôi đã chứng minh rằng trong một thế giới đề cao quyền con người thì kiểu loại tố tụng này dường như không còn phù hợp nữa. Trong quá trình thực hiện công cuộc cải cách tư pháp, nhiều quốc gia trên thế giới đã tìm thấy ở hệ tố tụng tranh tụng rất nhiều điểm hợp lý để thay thế cho những nhược điểm cố hữu của hệ tố tụng thẩm vấn. Tuy không sao chép y nguyên hệ tranh tụng vào trong hoạt động tố tụng hình sự của nước mình nhưng tiếp thu những hạt nhân hợp lý của nguyên tắc tranh tụng đã làm cho hoạt động tố tụng hình sự ở các nước này đổi mới khởi sắc hơn.

1.3.2.1. Cộng hoà Pháp

Trong nghiên cứu của luật so sánh, Pháp được xếp vào các nước theo truyền thống pháp luật Châu Âu lục địa. Trước đây, cũng như nhiều quốc gia khác, tố tụng hình sự ở Pháp được bắt đầu từ mô hình đối tụng. Nhưng khi xã hội phát triển đến một giai đoạn nhất định thì nhà nước ngày càng giữ một vai trò quan trọng trong phòng chống tội phạm, chính vì lẽ đó mô hình thẩm tra đã thay thế mô hình đối tụng ở hầu hết các nước Châu Âu lục địa. Pháp bắt đầu sử dụng mô hình thẩm tra từ thế kỷ XIII vì sự cần thiết phải giải quyết các vụ án nghiêm trọng của đất nước. Trong thời kỳ này, thẩm phán thường dùng hình thức tra tấn để lấy cung của bị cáo vì thế cho nên nó được coi là kém tiến bộ hơn so với mô hình đối tụng. Nhưng trong quá trình thực hiện tố

tụng thẩm vấn, Pháp cũng đã nhận thấy các yếu điểm của hệ tố tụng này khi chú trọng đến quyền con người và nguyên tắc suy đoán vô tội. Chính vì lẽ đó vào năm 2000, Pháp đã phải đưa một số nội dung của tố tụng tranh tụng vào hệ thống pháp luật nước mình.

Hiện nay, tại Pháp mọi vụ án hình sự đều phải có luật sư. Khi cảnh sát bắt giữ một người bị nghi là phạm tội thì luật sư của anh ta sẽ ngay lập tức được mời đến, nếu không một luật sư chỉ định cũng sẽ được mời để giúp đỡ cho anh ta, khi lấy lời khai của bị can mà không có mặt của luật sư thì biên bản lấy lời khai không có giá trị. Ở Pháp, luật sư được quyền xem hồ sơ, gặp gỡ, trao đổi với thân chủ và tuy không có quyền tự mình tiến hành điều tra nhưng luật sư có quyền yêu cầu dự thẩm giám định, tái giám định, mời nhân chứng... Ở Pháp, cơ quan làm nhiệm vụ truy tố một bị cáo ra trước toà là Viện công tố. Trong phiên toà, công tố viên sẽ tranh luận với luật sư bào chữa để tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Khi tranh luận, luật sư có quyền đi lại, đứng lên ngồi xuống theo thói quen của từng vị và mang bảng, biển để minh hoạ. Thời gian biện hộ của luật sư là không hạn chế, tuy nhiên thường không dài tránh “ru ngủ” bồi thẩm đoàn. Tại phiên toà, luật sư và công tố viên phải mặc áo thụng trong khi bị cáo vẫn mặc thường phục bởi trước khi một phán quyết được đưa ra, họ vẫn chưa bị coi là có tội. Luật sư tại Pháp tham gia vụ án mà không cần phải có giấy giới thiệu và họ cũng không thể “chạy án” bởi quyền lực được san sẻ cho nhiều người mà không chỉ tập trung vào thẩm phán và đối với bản thân thẩm phán cũng không thể gây áp lực lên bồi thẩm đoàn. Mỗi vụ án tại Pháp, bồi thẩm đoàn thường gồm 9 hoặc 12 người. Các thành viên của bồi thẩm đoàn không hề được xem xét hồ sơ từ trước mà chỉ ngồi nghe tranh tụng tại toà, sau đó vào phòng nghị án và biểu quyết. Hồ sơ vụ án cũng không được đem vào phòng nghị án. Do vậy, hội đồng xét xử đóng vai trò trọng tài là chính. Trong khi xét xử, bồi thẩm viên được quyền hỏi bị cáo,

nhân chứng... nhưng không được đưa ra quan điểm chủ quan, phát biểu kết tội bị cáo, nguyên tắc suy đoán vô tội luôn luôn được đề cao [30]. Không cần phải nhắc lại chúng ta cũng có thể hình dung ra rằng một phiên toà tại Pháp sẽ là cuộc tranh tụng gay gắt giữa luật sư và công tố viên nên như ông luật sư Jacques Bourdals – chủ tịch hiệp hội hợp tác pháp luật Việt – Pháp đã nói “Bản án hoàn toàn dựa vào kết quả tranh tụng tại toà”. Đây là một kết luận mà nếu Pháp còn sử dụng mô hình thẩm tra thì sẽ không thể nào có được.

1.3.2.2.Nhật Bản

Nhật Bản là một quốc gia ở Đông Á với truyền thống thuộc hệ thống pháp luật Civil law nhưng hiện nay trong nền tư pháp Nhật Bản đã thấy xuất hiện rất nhiều những hoạt động đặc trưng của hệ tố tụng tranh tụng.

Ở Nhật Bản, công tố viên được trao cho rất nhiều quyền hành, tất cả các vụ án do cảnh sát hoặc các cơ quan khác điều tra đều được chuyển cho viện công tố. Ngoài ra, công tố viên còn có thẩm quyền điều tra với bất cứ tội phạm nào, công tố viên là người duy nhất có quyền quyết định truy tố hay không truy tố. Tại Nhật Bản, công tố viên không bao giờ truy tố một cách không căn cứ, chỉ trong trường hợp thấy có khả năng rất cao là có thể luận tội được tại phiên xử thì công tố viên mới truy tố bị can. Vì vậy tỉ lệ phán quyết vô tội tại Nhật Bản rất thấp và tỉ lệ phán quyết là có tội rất cao, vượt trên 99%.

Ở giai đoạn trước khi xét xử, công tố viên chỉ gửi cáo trạng đến toà án mà không cần gửi hồ sơ nhưng khi bắt đầu vào phiên toà thì công tố viên phải chuyển hồ sơ cho thẩm phán - chủ toạ phiên toà

Theo điều 289 BLTTHS Nhật Bản thì trong trường hợp bị cáo bị truy tố về tội có hình phạt chung thân, tử hình, tù có thời hạn từ 3 năm trở lên đều phải có luật sư bào chữa hoặc sẽ được chỉ định một luật sư bào chữa tại phiên toà.

Tố tụng Nhật Bản tại phiên toà được tiến hành theo nguyên tắc tranh tụng nên luật sư có quyền độc lập trong việc thu thập chứng cứ, được nghiên

cứu hồ sơ của công tố viên để chuẩn bị cho việc bào chữa. Quyền của luật sư và công tố viên là ngang nhau, bình đẳng trong việc thu thập và trình bày chứng cứ tại phiên toà. Điều 299 BLTTHS quy định “khi có yêu cầu thẩm vấn người làm chứng, công tố viên hoặc luật sư bào chữa của bị cáo phải cho người phản bác của mình có cơ hội trước để họ biết tên, địa chỉ người làm chứng, các tài liệu và chứng cứ sẽ được đưa ra trình bày”. Như vậy, theo luật tố tụng hình sự của Nhật Bản, luật sư có quyền thu thập chứng cứ và xem hồ sơ của công tố viên, công tố viên có quyền thu thập chứng cứ và xem hồ sơ của luật sư. Nếu luật sư bào chữa trình Toà những chứng cứ mà công tố viên chưa biết thì công tố viên có thể bác bỏ với lý do không biết chứng cứ này. Đây là điểm khác biệt giữa tố tụng hình sự của Nhật Bản và các nước Common law là luật sư được phép giữ bí mật các chứng cứ mà mình thu thập được.

Vì theo mô hình đối tụng nên phiên toà tại Nhật Bản cũng diễn ra theo chu trình: Công tố viên công bố bản cáo trạng, trình bày và đề xuất chứng cứ, kết luận tội lỗi của bị can, tranh luận với luật sư, đề xuất mức hình phạt... [41, tr.34, 36, 46].

1.3.2.3.Trung Quốc

Cũng giống như Việt Nam, Trung Quốc theo mô hình Xã hội chủ nghĩa nên đã từ lâu nay hoạt động tố tụng hình sự của Trung Quốc đều được tổ chức theo kiểu tố tụng thẩm vấn nhưng với một đất nước rộng lớn và nhiều tiềm năng như Trung Quốc thì trong quá trình hội nhập kiểu tố tụng này ngày càng bộc lộ nhiều thiếu sót vì lẽ đó, Trung Quốc đã quyết định thực hiện công cuộc cải tổ nền tư pháp của mình.

Uỷ ban pháp luật của Trung Quốc đã triệu tập các chuyên gia thống nhất cần sửa đổi bộ luật tố tụng hình sự trước, bộ luật hình sự sau. Kết quả là ngày 23 tháng 3 năm 1996, Quốc hội thông qua bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, có hiệu lực từ 1/7/1997. Bộ luật này có những nội dung sửa đổi lớn sau.

- Nếu toà án không tuyên là có tội thì không được bắt giữ bất kỳ người nào - Bỏ điều kiện miễn tố

- Luật sư được tham gia tố tụng từ khi một người bị tình nghi phạm tội bị bắt giữ. Luật sư được đến viện kiểm sát để đọc hồ sơ vụ án. Trước khi mở phiên toà, luật sư được tự mình thu thập chứng cứ, luật sư được quyền bình đẳng với kiểm sát viên tranh luận tại phiên toà.

- Mở rộng quyền hạn của bị cáo, người bị hại. Luật 1979, người bị hại không được bảo vệ quyền lợi trước toà, luật 1997 cho phép tự bảo vệ. Người bị hại có quyền khởi tố trước toà án trong trường hợp phát hiện có người phạm tội mà viện kiểm sát không khởi tố

- Cải cách công tác điều tra tại toà án, áp dụng thủ tục tranh tụng tại toà án, học tập pháp luật tố tụng của Anh, Mỹ.

Khi hoàn thành cáo trạng, viện kiểm sát chuyển giao toàn bộ hồ sơ chứng cứ cho toà án, luật cũ quy định việc đưa chứng cứ ra toà thuộc nhiệm vụ của toà án. Sau khi nhận được hồ sơ của viện kiểm sát chuyển sang thì toà án mở phiên toà xét xử. Tại phiên toà, viện kiểm sát đọc cáo trạng rồi tiến hành tranh tụng với luật sư, bị cáo. Thẩm phán nghe các bên tranh luận rồi quyết định. Như vậy, cả viện kiểm sát và luật sư đều đưa chứng cứ ra toà để tranh luận còn phán quyết sẽ thuộc thẩm quyền của toà án [41, tr.23-24].

Trong những năm vừa qua khi áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự mới, nền tư pháp của Trung Quốc đã thu được nhiều kết quả đáng kể như số người bị tuyên là vô tội đã tăng lên, số lượng luật sư ngày càng đông đảo hơn và cũng chính vì có đội ngũ tư vấn pháp lý này mà ý thức pháp luật của người dân cũng được nâng cao hơn và họ đã thực sự “sống và làm việc theo pháp luật”.

* * *

Như vậy qua chương 1, chúng ta đã cùng tìm hiểu về khái niệm, đặc điểm của hệ tố tụng tranh tụng cũng như sự hình thành, phát triển và tồn tại của hệ tố tụng này ở một số quốc gia trên thế giới. Tuy hiện nay, có thể hệ tố tụng của các nước theo truyền thống luật án lệ – Common law không còn giữ được nguyên vẹn và các nước theo truyền thống Civil law cũng không tiếp thu một cách trọn vẹn các đặc điểm của hệ tố tụng tranh tụng truyền thống; và cho dù sự biến đổi của tự nhiên và xã hội đã làm cho hệ tranh tụng không còn giữ được vẻ nguyên sơ vốn có thì thực tiễn vẫn chỉ ra rằng tất cả các nước đang duy trì hệ tranh tụng đều có một nền tư pháp mạnh, còn các nước đang theo đuổi hệ tranh tụng đều đang vươn mình phát triển mạnh mẽ. Lịch sử phát triển thế giới đã đúc kết, sự ra đời và phát triển của hệ tranh tụng được coi là một bước tiến lớn trong quá trình xây dựng nền pháp luật dân chủ và công bằng của nhân loại. Có thể là đúng, có thể là sai nhưng xét cho đến cùng chúng ta nên tôn trọng những gì đã được ghi nhận trong quá khứ và hãy gắng sức phát huy, phát triển hệ tranh tụng một cách hoàn chỉnh trong tương lai.

Chương 2

QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

VÀTHỰC TIỄN TRANH TỤNG TRONG XÉT XỬ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG

2.1. QUI ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ TRANH TỤNG TRONG XÉT XỬ 2.1.1. Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về tranh tụng trong xét xử trước 2003

2.1.1.1. Quy định pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về về tranh tụng tại phiên toà trước khi có BLTTHS năm 1988 (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ngày 2/9/1945, nhiều văn bản pháp luật có hàm chứa quy phạm tố tụng hình sự đã được Nhà nước ban hành nhưng phải đến những năm 1960 thì những quy định về pháp luật tố tụng hình sự mới được hình thành một cách cơ bản, trong đó có hàm chứa những quy định về xét xử tại phiên toà. Sau khi Nhà nước ta đã thông qua một số Luật tổ chức các cơ quan có trách nhiệm tiến hành tố tụng như: Luật tổ chức Toà án nhân dân ngày 14/7/1960, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 15/7/1960 và Pháp lệnh ngày 16/7/1962 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát nhân dân. Trong các văn bản đó có rất nhiều quy phạm pháp luật điều chỉnh việc tổ chức phiên toà và tiến hành tố tụng tại phiên toà của Toà án nhân dân. Nhìn chung các quy phạm tố tụng trong giai đoạn này chủ yếu điều chỉnh quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan và người có trách nhiệm tiến hành tố tụng tại phiên toà, một số nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng trong việc tiến hành và tổ chức các phiên toà của Toà án như: quyền dùng tiếng nói chữ viết của công dân, quyền bào chữa, việc xét xử công khai và xử kín, việc mở phiên toà tại trụ sở hay xử lưu động... Đồng thời các quy phạm pháp luật tố tụng về tổ chức và tiến hành tố tụng tại phiên toà trong giai đoạn này thường mang tính

đại cương, thiếu cụ thể. Thực tiễn xét xử mang nặng tính chất thời chiến, tạm thời, thiếu thống nhất giữa các Toà án và chịu ảnh hưởng nhiều về hình thức và khuôn mẫu của các phiên toà trong chế độ cũ. Nhìn chung thì hình thức tổ chức và việc thực hiện các quy định của pháp luật tố tụng trong thời kỳ này chỉ có thể chấp nhận trong giai đoạn chiến tranh và thời kỳ mới độc lập.

Sau khi Nhà nước ta ban hành Hiến pháp 1959 và các luật tổ chức Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, đến năm 1964 căn cứ vào các quy định của pháp luật, những kinh nghiệm thực tiễn của gần 20 năm thực tiễn tiến hành tố tụng và việc tham khảo học tập pháp luật tố tụng của Liên Xô và nhiều nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Toà án nhân dân Tối cao đã hệ thống lại các quy định của pháp luật tố tụng lúc bấy giờ thành Bản đề án về trình tự xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, trong đó có quy định tương đối cụ thể về hình thức và thủ tục tiến hành tố tụng tại phiên toà của Toà án nhân dân, để gửi về các Toà án nhân dân địa phương thống nhất áp dụng. Bản đề án đã trở thành tài liệu hướng dẫn thống nhất áp dụng pháp luật tố tụng tại phiên toà cho tất cả các Toà án, xác định những hành vi tố tụng cần thiết mà Thẩm phán và Hội thẩm phải tiến hành kể từ khi thụ lý vụ án cho đến khi mở phiên toà, kết thúc phiên toà. Tuy nhiên qua 10 năm thực hiện Bản đề án, Toà án nhân dân Tối cao đã có báo cáo tổng kết chỉ ra nhiều nhược điểm, tồn tại của Bản đề án này. Ví dụ như trong việc tổ chức phiên toà, nhiều Thẩm phán đã khoán trắng cho Thư ký việc triệu tập và tổ chức phiên toà, tiến hành mở phiên toà trong

Một phần của tài liệu Tranh tụng trong xét xử theo luật tố tụng hình sự việt nam (trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn tỉnh đắk nông) (Trang 40)