Phạm trù “Nhân tố chủ quan” được hình thành và phát triển trong quá trình nghiên cứu hoạt động thực tiễn của con người và nó thường được dùng bên cạnh phạm trù “Điều kiện khách quan”. Đây là những phạm trù chủ yếu khái quát mối quan hệ giữa hoạt động nhận thức và hoạt động cải tạo giới tự nhiên của con người. Trong quá trình hoạt động, tác động và cải tạo giới tự nhiên, con người đóng vai trò vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể cải tạo. Do vậy, việc xác định cái gì là điều kiện khách quan, cái gì là nhân tố chủ quan chỉ mang tính tương đối. Đồng thời, để hiểu rõ những phạm trù này, phải tìm hiểu các phạm trù liên quan tới hoạt động của con người như: “chủ thể”, “khách thể”, “chủ quan”, “khách quan”.
a. Phạm trù “chủ thể”, “khách thể”
Theo từ điển Triết học: “Chủ thể là con người (cá nhân hoặc nhóm) tiến hành hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn”. Hoặc: “Chủ thể là con người có ý thức, ý chí, và đối lập với khách thể bên ngoài” [47, tr.192].
Con người với tư cách là chủ thể, là con người thực tiễn, con người hành động, với đặc trưng cơ bản là năng lực hoạt động sáng tạo nhằm cải tạo tự nhiên, xã hội và chỉ trong quá trình nhận thức, cải tạo giới tự nhiên và cải tạo đời sống xã hội thì con người mới bộc lộ mình với tư cách là chủ thể của lịch sử. Khi nói tới phạm trù “chủ thể”, V.I.Lênin viết: “Khái niệm ấy (= con
mình, một tính khách quan trong thế giới khách quan và tự hoàn thiện (tự thực hiện) mình” [17, tr.288].
Từ các quan niệm đã nêu ở trên, có thể hiểu: Chủ thể - đó là con người có ý thức với những cấp độ khác nhau (cá nhân, nhóm, giai cấp) đã và đang thực hiện một quá trình hoạt động nhằm cải tạo khách thể tương ứng.
Với cách hiểu khái niệm “chủ thể” như vậy thì chỉ có thể quan niệm:
Khách thể là tất cả những gì mà chủ thể hướng vào nhằm nhận thức và cải tạo nó. Không phải tất cả hiện thực khách quan đều là khách thể mà chỉ có những hiện thực khách quan mà con người hướng tới nhận thức và cải tạo mới trở thành khách thể. Tùy mức độ xác định chủ thể nhận thức, cải tạo thế giới khách quan là ai mới có thể xác định được khách thể tương ứng. Khách thể có thể là những hiện tượng, quá trình thuộc giới tự nhiên, cũng có thể là những gì do con người tạo ra nhờ hoạt động lao động sản xuất vật chất, là những yếu tố xã hội, những quan hệ kinh tế, quan hệ chính trị - xã hội v.v…
b. Phạm trù “chủ quan”, “khách quan”
Đây là hai phạm trù nói lên những thuộc tính chung của chủ thể và khách thể được bộc lộ trong quá trình hoạt động thực tiễn của con người. Những thuộc tính, tính chất, yếu tố tồn tại phụ thuộc vào chủ thể là cái chủ quan; những tính chất, yếu tố tồn tại ngoài chủ thể, không phụ thuộc vào chủ thể là cái khách quan. Nhưng giữa cái khách quan và cái chủ quan luôn tồn tại mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại và chuyển hóa lẫn nhau. Vì vậy, khi nói về khái niệm “cái chủ quan”, Giáo sư Phan Ngọc cho rằng: “Chủ quan là những gì thuộc về chỉ đạo hoạt động của chủ thể” [29, tr.92]. Tuy nhiên, khi xem xét toàn bộ hoạt động của con người và những sản phẩm của hoạt động đó thì thấy rằng: chúng bao giờ cũng chứa đựng những dấu ấn của cái chủ quan; nhưng không thể coi tất cả những cái mang dấu ấn chủ quan (nhất là những dấu ấn thuộc những sản phẩm nằm ngoài chủ thể) là thuộc về cái chủ quan. Hơn nữa, cái chủ quan cũng không đơn thuần chỉ là ý thức như một số
học giả quan niệm, mà cái chủ quan còn bao gồm cả yếu tố thể lực, yếu tố tinh thần như: tri thức, tình cảm, ý chí v.v… của con người, và chính cả bản thân hoạt động của họ. Như vậy, có thể nói: cái chủ quan là tất cả những gì thuộc về chủ thể và phụ thuộc vào chủ thể.
Trong những hoạt động cụ thể, khi chủ thể tác động lên khách thể và biến đổi nó theo mục đích của mình, không phải lúc nào chủ thể hoạt động cũng dùng tất cả những năng lực, phẩm chất, yếu tố vốn có của mình, mà có thể chỉ huy động một phần, một bộ phận các yếu tố tạo thành cái chủ quan trong quá trình tương tác với khách thể, cái đó gọi là “nhân tố chủ quan”.
Nhân tố chủ quan là những gì thuộc về chủ thể, tham gia trực tiếp vào quá trình hoạt động của chủ thể, cũng như bản thân hoạt động đó.
Do vậy, sẽ là sai lầm nếu đồng nhất nhân tố chủ quan với tất cả các yếu tố tạo thành cái chủ quan, hoặc đồng nhất nhân tố chủ quan với ý thức của chủ thể. Vì “yếu tố” là khái niệm chỉ các bộ phận cấu thành sự vật hiện tượng, còn “nhân tố” là khái niệm chỉ cái trực tiếp tham gia vào hoạt động của chủ thể. Nhân tố chủ quan chỉ là một bộ phận của cái chủ quan được chủ thể huy động sử dụng trực tiếp trong quá trình tác động lên khách thể cụ thể. Cho nên, nếu đồng nhất nhân tố chủ quan với cái chủ quan, hoặc với ý thức của chủ thể sẽ là không đầy đủ và không làm rõ được đặc trưng của nhân tố chủ quan như là những gì thuộc về hoạt động của chủ thể. Nhân tố chủ quan không phải là ý thức nói chung của chủ thể, mà là ý thức trực tiếp chỉ đạo hoạt động của chủ thể. Ngoài các yếu tố của chủ thể như năng lực thể chất, ý thức chỉ đạo và định hướng hoạt động thực tiễn, thì nhân tố chủ quan còn bao hàm cả bản thân hoạt động đó nữa, nếu thiếu hoạt động của con người thì không thể thay đổi hiện thực và không thể trở thành nhân tố chủ quan. Đề cập đến vấn đề này, theo C.Mác thì, tư tưởng căn bản không thể thực hiện được gì hết. Muốn thực hiện được tư tưởng cần có những con người sử dụng lực lượng thực tiễn.
Phạm trù nhân tố chủ quan cũng không đồng nhất với phạm trù nhân tố con người. Nhân tố con người là tất cả những gì thuộc về con người (mọi mặt của con người) trong hoạt động cải tạo thế giới (tự nhiên, xã hội và cả bản thân con người). Nhân tố chủ quan có phạm vi xem xét hẹp hơn nhân tố con người, vì nó chỉ thể hiện vai trò của chủ thể trong một hoạt động xác định.
Về phạm trù cái khách quan, cũng có rất nhiều cách hiểu và quan điểm khác nhau, có ý kiến quy phạm trù khách quan về phạm trù vật chất, có ý kiến cho rằng cái khách quan bao hàm cả hiện tượng ý thức … Trên thực tế, muốn khẳng định cái gì là khách quan phải đặt nó trong mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể. Không thể đồng nhất cái khách quan với hiện thực khách quan hay thế giới vật chất, vì chỉ có những hiện tượng ý thức tồn tại bên ngoài ý thức và ý chí của chủ thể, bị chủ thể tác động biến đổi, thì ý thức ấy đóng vai trò là khách thể.
Như vậy, cái khách quan là tất cả những gì tồn tại ngoài chủ thể và không phụ thuộc vào ý thức, ý chí của chủ thể.
Cái khách quan bao gồm cả những yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần. Nhưng trong hoạt động thực tiễn của chủ thể không phải toàn bộ cái khách quan đều đóng vai trò là khách thể, mà chỉ có một bộ phận của cái khách quan liên quan tới hoạt động của chủ thể, trở thành khách thể chịu tác động của chủ thể trong một thời điểm, hoàn cảnh nhất định. Một bộ phận ấy (có thể là những yếu tố vật chất như: môi trường tự nhiên, là quan hệ chính trị - xã hội, hoặc là yếu tố tinh thần như: ý thức xã hội lạc hậu cần cải tạo…) chính là điều kiện khách quan.
Khi nói tới phạm trù điều kiện khách quan, các học giả cũng đưa ra rất nhiều cách tiếp cận khác nhau như: “Là những gì tạo nên một hoàn cảnh hiện thực…”, “Là một phần của cái khách quan…”, nhưng tất cả những quan điểm đó đều thống nhất cơ bản ở một điểm, đó là: “tồn tại không phụ thuộc vào ý thức, ý chí của chủ thể và chi phối hoạt động của chủ thể” .
Có thể nói: Điều kiện khách quan là tổng thể những mặt, những nhân tố tạo nên hoàn cảnh hiện thực.
Điều kiện khách quan luôn mang tính cụ thể, bao gồm: những yếu tố vật chất, tinh thần, những quy luật khách quan, những khả năng khách quan (khả năng tiềm ẩn có thể xảy ra trong tương lai). Những yếu tố ấy sẽ là những điều kiện cụ thể tạo nên hoàn cảnh, môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của chủ thể tại một thời điểm lịch sử nhất định, nó quyết định hoạt động của chủ thể, vì những hoạt động của chủ thể chỉ được thực hiện trong những điều kiện nhất định. Việc lựa chọn nắm bắt hoàn cảnh như thế nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công hay thất bại trong hoạt động thực tiễn của chủ thể.
Nhân tố chủ quan và điều kiện khách quan tồn tại trong mối quan hệ biện chứng với nhau. Điều kiện khách quan quy định vai trò của nhân tố chủ quan. Tính quy định đó được thể hiện ở chỗ: trong hoạt động thực tiễn, những dự định mà con người đặt ra phải dựa trên cơ sở hiện thực khách quan, nếu chỉ căn cứ vào ý muốn chủ quan, thoát ly cơ sở hiện thực thì hoạt động của con người sẽ không thể thành công. “Thật ra mục đích của con người là do thế giới khách quan sản sinh ra và lấy thế giới khách quan làm tiền đề” [18, tr.201].
Tuy nhiên, nhân tố chủ quan cũng có vai trò tác động tích cực đến sự biến đổi của điều kiện khách quan. Vai trò tích cực sáng tạo của nó thể hiện ở chỗ: Trong hoạt động thực tiễn, chủ thể vận dụng sáng tạo cái chủ quan của mình để tìm hiểu, nhận thức quy luật vận động của cái khách quan, khi cả hai tương thích sẽ tạo nên sự chuyển hóa khả năng thành hiện thực. Với tư cách là chủ thể hoạt động, con người luôn chủ động lựa chọn những khả năng tốt nhất, vừa đáp ứng được nhu cầu, lợi ích của mình vừa không đi ngược lại tiến trình phát triển của lịch sử. Trong quá trình tác động trở lại quy luật khách quan, nhân tố chủ quan cũng đồng thời tự nâng cao khả năng nhận thức của mình trong quá trình biến đổi thế giới khách quan. Tuy nhiên, dù có vai trò to
lớn đến đâu, sức sáng tạo đến thế nào thì trong việc xem xét, giải quyết các vấn đề vẫn phải xuất phát từ thực tế khách quan và phải tuân thủ các nguyên tắc khách quan.