Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc dưới tác động của toàn

Một phần của tài liệu Nhân tố chủ quan với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trang 53)

đang đứng trước một thách thức thực sự về việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Điều đó đòi hỏi phải có sự nhận thức và có những giải pháp kịp thời, hiệu quả để nền văn hoá của dân tộc được giữ gìn, để các thế hệ tiếp theo còn biết đến cội nguồn của dân tộc, còn biết được mình là ai. Lúc này mệnh đề: Văn hoá còn - dân tộc còn, văn hoá yếu - dân tộc suy, văn hoá mất - dân tộc diệt là điều mà chúng ta cần phải nhận thức đầy đủ hơn.

1.3.2. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc dưới tác động của toàn cầu hoá toàn cầu hoá

Năm 1921, Mahatma Gandhi - lãnh tụ tinh thần của nhân dân Ấn Độ, danh nhân văn hoá thế giới - đã tuyên bố: Tôi không muốn ngôi nhà của tôi bị ngăn cách bốn bề, và tôi không muốn cửa sổ nhà tôi bị bít kín. Tôi muốn các nền văn hoá trên mọi miền đất của thế giới được thoải mái thổi qua căn nhà tôi. Nhưng tôi từ chối không để cho bất cứ cái gì thổi bay tôi đi. Trong lời tuyên bố này, Thánh Gandhi đã bày tỏ một nguyện vọng phổ biến của toàn thể nhân loại là loài người bao giờ cũng muốn giao lưu văn hoá với nhau, nhưng đồng thời mỗi một dân tộc cũng luôn luôn muốn giữ lại những cái gì là chính mình.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của các dân tộc trên thế giới, có lẽ Việt Nam là quốc gia có thời gian bị nước ngoài xâm chiếm, đặt ách đô hộ lâu nhất. Nhưng, văn hóa Việt Nam không những không bị mất bản sắc, mà

còn tiếp thu, hoàn thiện thêm từ các nền văn hóa nước ngoài, cả phương Đông và phương Tây. Mặc dù vậy, không có gì bảo đảm được rằng Việt Nam sẽ không bị mất bản sắc văn hóa của mình trước toàn cầu hóa hiện nay, nếu như không có những hành động cần thiết. Thực hiện nền kinh tế thị trường, mở rộng giao lưu quốc tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, song phải luôn luôn coi trọng những giá trị truyền thống, quyết không được tự đánh mất mình, trở thành cái bóng mờ hoặc bản sao chép của người khác; phải đặc biệt quan tâm giữ gìn và nâng cao bản sắc văn hoá dân tộc; kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc. Xử lý tốt mối quan hệ giữa giữ gìn và phát huy hệ giá trị văn hóa truyền thống Việt nam với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là nhằm mục đích xây dựng văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó cũng là sự kết hợp chính sách đối nội với chính sách đối ngoại, kết hợp nội lực với ngoại lực trong lĩnh vực văn hóa.

a. Chắt lọc để giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống tích cực của dân tộc

Truyền thống dân tộc một mặt góp phần suy tôn, giữ gìn những gì quý giá của dân tộc, là nền tảng cho sự phát triển của dân tộc. Mặt khác nó còn là mảnh đất hết sức thuận lợi cho sự dung dưỡng, duy trì sự bảo thủ, lạc hậu, lỗi thời làm cản trở sự phát triển. Mác cho rằng truyền thống như một khối núi khổng lồ đè nặng lên các thế hệ đi sau, còn GS. Trần Văn Đoàn cho rằng: “truyền thống có thể là một phúc lành nhưng cũng có thể là một lời nguyền rủa” [2, tr.38]. Vì vậy, việc lựa chọn trong bảng giá trị của truyền thống văn hoá dân tộc để giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc hiện nay là một việc làm rất cần thiết để bảo vệ cái hồn dân tộc của mình, bởi vì:

Thứ nhất, trong điều kiện toàn cầu hoá hiện nay, thì một mặt nó tạo cơ hội cho các dân tộc làm phong phú thêm bản sắc của mình, một mặt nó cũng

đem theo đến cả nguy cơ đồng hoá theo hướng các giá trị truyền thống của các nước nghèo, chậm phát triển dễ bị lấn át, bị xói mòn dẫn đến mất bản sắc.

Thứ hai, việc giữ gìn các giá trị truyền thống là bản sắc văn hoá của dân tộc giúp cho chúng ta khai thác được sức mạnh nội sinh của dân tộc. Đó là những cái đã làm nên sức mạnh và những thành tựu vĩ đại trong quá khứ.

Thứ ba, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc không chỉ đảm bảo cho sự phát triển mang tính hệ thống và định hướng chuẩn mực cho sự lựa chọn hướng phát triển mà còn tạo bộ lọc cho tiếp biến những tinh hoa văn hoá của nhân loại.

Theo tác giả Hồ Sỹ Quý: Xã hội càng phức tạp thì càng làm cho truyền thống trở thành lãnh địa để con người tìm kiếm hy vọng. Ai đó đã từng ví truyền thống như hòn đảo cứu nạn của những chuyến viễn du. Còn theo cách nói của F.Mayơ thì “... bất cứ một kế hoạch phát triển nào cũng ít nhiều là một cuộc phiêu lưu. Nếu muốn cuộc phiêu lưu ấy không trở nên vô vọng hay khả dĩ có thể tin cậy được thì truyền thống nhân bản của mỗi cộng đồng phải trở thành linh hồn và chỗ dựa của nó” [35, tr.144].

Bản sắc văn hoá dân tộc thể thiện thông qua các giá trị văn hoá. Từ góc nhìn của giá trị học, thì cái gì cũng có giá trị: là giá trị tích cực - giá trị dương hoặc là giá trị tiêu cực - phản giá trị - giá trị âm. Nhưng bản thân giá trị dương cũng có hai mặt của nó, nếu tuyệt đối hoá giá trị nào đó thì sẽ xuất hiện mặt tiêu cực trong chính nó. Giá trị mang tính tương đối, do vậy để đánh giá tính giá trị hay phi giá trị thì phải đặt trong một không gian, thời gian và chủ thể văn hoá cụ thể. Nếu thoát ly khỏi cái đó chúng ta khó đánh giá được giá trị của nó. Vì thế khi xem xét, đánh giá giá trị truyền thống cần phải chống hai khuynh hướng:

Thứ nhất, là thái độ tuyệt đối hoá vai trò của giá trị truyền thống, không thấy tính khả biến của chúng, không biến đổi chúng cho phù hợp với yêu cầu mới của lịch sử. Khuynh hướng này không chỉ tán dương thái quá giá trị

truyền thống mà còn cản trở sự tiếp nhận những giá trị mới, không chủ động tiếp thu những tinh hoa văn hoá của nhân loại.

Thứ hai, là thái độ hư vô chủ nghĩa, phủ định sạch trơn mọi giá trị truyền thống của dân tộc, cho rằng chúng không còn có ý nghĩa gì trong đời sống hiện tại. Đây là thái độ coi thường và không thấy được sức mạnh của truyền thống, từ đó sùng bái và bắt trước những giá trị ngoại lai một cách mù quáng.

Vì vậy, khi lựa chọn phải xuất phát từ cội nguồn dân tộc và thực tiễn hôm nay chứ không phải xuất phát từ cảm tính chủ quan. Về điều này, GS Trần Văn Đoàn nhận xét: “Nói tóm lại, sự lựa chọn, ý nguyện gìn giữ hay loại bỏ, ý định phát triển hay cải tạo truyền thống ... tất cả đều được tính toán kỹ càng từ các mặt ưu việt của truyền thống đó, giữa các mặt tích cực và tiêu cực của nó. Một sự tính toán thiếu kỹ càng hay không hợp lý hay sai lầm ... về vai trò và giá trị của truyền thống cũng như bất kỳ một định kiến thiên vị sai lệch nào xuất phát từ lòng hận thù, phân biệt chủng tộc và hệ tư tưởng chống lại truyền thống đều có thể bị phán xét như là “non nớt”, “ấu trĩ”, “ngờ nghệch”, “dốt nát”, hay thậm chí tồi tệ hơn, “độc ác”, “nham hiểm” ... ” [2, tr.51-52].

Giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc không có nghĩa là tuyệt đối hoá chúng và cũng không có nghĩa là kế thừa trọn vẹn, bê nguyên xi mọi giá trị truyền thống của dân tộc để đặt nó vào một hoàn cảnh hoàn toàn mới. Bởi chính trong bản thân mỗi giá trị văn hoá thì nó không chỉ hoàn toàn có mặt tích cực mà còn sẽ xuất hiện cả mặt tiêu cực nếu giá trị đó bị đẩy tới mức cực đoan. Chính vì thế, việc giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc cần phải có những hoạt động đan xen, gắn bó với nhau:

- Phải lựa chọn các giá trị có ý nghĩa tích cực, tiến bộ với đời sống hiện thực hiện nay;

- Gạt bỏ những mặt hạn chế, tiêu cực và các giá trị đã trở nên lạc hậu, bảo thủ;

- Hiện đại hoá các các giá trị đã lựa chọn, làm mới nội hàm để nó có thể xứng với tầm của thời đại.

Theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng cần giữ gìn đồng thời phải làm mới nội hàm của một số giá trị tiêu biểu hơn và chi phối những giá trị còn lại. Đó là: giá trị yêu nước; giá trị nhân văn; giá trị cộng đồng, đoàn kết; giá trị gia đình; giá trị hiếu học; giá trị cần cù, tiết kiệm.

b. Tiếp thu chọn lọc giá trị văn hóa thế giới

Mác và Ăngghen cho rằng những thành quả hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc khác. Tính đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không tồn tại được nữa, và từ những nền văn học dân tộc và địa phương muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở một nền văn hóa chung toàn thế giới. V.I.Lênin cũng có những quan điểm cởi mở đối với các học thuyết ngoài chủ nghĩa Mác khi cho rằng người nghệ sĩ có thể tìm thấy cho mình nhiều cái có lợi trong bất cứ triết học nào.

Việt Nam chưa bao giờ có cơ hội được tiếp thu những giá trị từ nhiều nền văn hóa như hiện nay, nhưng cũng chứa đựng rất nhiều nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Việc tiếp thu các giá trị là tinh hoa văn hoá của nhân loại sẽ làm phong phú thêm bảng giá trị văn hoá của dân tộc, có thêm những giá trị mới đáp ứng những đòi hỏi mới mà thời đại đặt ra cho cuộc sống hiện đại, đồng thời nó còn giúp chúng ta có cái nhìn khách quan hơn về giá trị truyền thống. Mở cửa giao lưu văn hóa, hợp tác với bên ngoài sẽ đón nhận, chọn lọc, tiếp thu nhiều cái tốt, cái tích cực, nhưng cũng phải đối mặt với không ít cái xấu, cái tiêu cực. Tuy nhiên, không vì lo sợ cái xấu, cái tiêu cực để rồi chúng ta đóng cửa, sống biệt lập. Cách làm như vậy không những kìm hãm sự phát triển mà còn không khẳng định được bản sắc dân tộc, không phát huy được sức mạnh nội sinh, không loại bỏ được yếu tố mang tính lạc hậu, bảo thủ. Do đó, trong quá trình tiếp thu cái bên ngoài chúng ta cũng cần phải chống hai khuynh hướng:

Thứ nhất, là thái độ tuyệt đối hoá vai trò của cácgiá trị bên ngoài (chủ yếu là giá trị văn hoá của các nước tư bản phát triển), tâm lý phục ngoại một cách mù quáng, coi đó là hiện thân của cái mới, cái tốt, là đỉnh cao của văn hoá nhân loại. Khuynh hướng này không chỉ tán dương thái quá các giá trị của văn hoá bên ngoài mà nó còn là cơ sở để phủ nhận các giá trị bản sắc của dân tộc.

Thứ hai, là thái độ “dị ứng” với văn hoá thế giới, kể cả với những tinh hoa văn hoá của nhân loại, cho rằng chúng chỉ hoàn toàn là cái xấu, là cái có hại cho truyền thống văn hoá của dân tộc. Khuynh hướng này lại dẫn đến thái độ phục cổ, từ chối phát triển.

Giao lưu, tiếp xúc là quy luật trong phát triển văn hoá. Vì vậy, khi lựa chọn để tiếp thu các giá trị văn hoá bên ngoài trong quá trình giao lưu hội nhập hiện nay phải xuất phát từ nền văn hoá của dân tộc và thực tiễn hôm nay chứ không phải xuất phát từ cảm tính chủ quan. Cũng như việc giữ gìn các giá trị truyền thống, khi tiếp thu các giá trị tinh hoa văn hoá bên ngoài chúng ta phải trả lời một loạt các câu hỏi: Có phù hợp với “phông văn hoá” của dân tộc hay không? Giá trị đó có giúp cho dân tộc có sự phát triển hay không? Có phù hợp với chuẩn mực nhân loại hay không? Chúng ta tiếp thu các tinh hoa văn hoá, tiên tiến, hiện đại và đặc sắc của các nền văn hoá khác song không phải là bắt chước một cách rập khuôn mà phải năng động cải biến, sáng tạo thành các giá trị của Việt Nam. Sắp xếp lại thang bậc cho phù hợp và sáng tạo những hình thức biểu đạt để chúng mang tâm hồn Việt. Do vậy, giao lưu, tiếp xúc văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, chúng ta phải các định rõ tâm thế và cách xử trí trước những giá trị văn hoá bên ngoài để lựa chọn các giá trị phù hợp, làm giàu thêm, phát triển nền văn hoá của dân tộc:

Thứ nhất, phải có thái độ “khoan dung văn hoá”, đó là thái độ thừa nhận, tôn trọng tính đa dạng phong phú của các nền văn hoá, là thái độ ứng xử

tích cực thừa nhận các giá trị là tinh hoa của nhân loại phù hợp với chuẩn mực chung vì con người vì hoà bình.

Thứ hai, lựa chọn những giá trị phù hợp với truyền thống văn hoá của dân tộc chứ không tiếp thu trọn vẹn cả hệ thống giá trị của nền văn hoá bên ngoài. Ví dụ: tiếp thu tư tưởng đề cao lý tính, tư tưởng tôn trọng đề cao giá trị pháp luật của phương Tây nhưng không tiếp thu toàn bộ quan điểm về lối sống của họ.

Thứ ba, tiếp thu, các hình thức mới về văn hoá, nghệ thuật của thế giới để biểu đạt các nội dung văn hoá của dân tộc Việt Nam. Hình thức nghệ thuật vừa là công cụ giữ gìn các giá trị văn hoá vừa là phương tiện để đưa các giá trị đó đến công chúng. Hình thức phong phú, phù hợp sẽ giúp cho nội dung được dễ dàng tiếp thu chấp nhận hơn.

Chương 2

NHÂN TỐ CHỦ QUAN VỚI VIỆC GIỮ GÌN, PHÁT HUY

BẢN SẮC VĂN HOÁ DÂN TỘC TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA HIỆN NAY Ở NƯỚC TA - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Một phần của tài liệu Nhân tố chủ quan với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trang 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)