Kết hợp chặt chẽ giữa tự giáo dục của học sinh trung cấp chuyên nghiệp với giáo dục truyền thống đạo đức, văn hoá tốt đẹp của

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức mới cho học sinh trung cấp chuyên nghiệp huyện Gia Lâm - Hà Nội trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay (Trang 91)

chuyên nghiệp với giáo dục truyền thống đạo đức, văn hoá tốt đẹp của địa phương

Tự giáo dục, tự rèn luyện là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với hiệu quả học tập, rèn luyện của học sinh. Việc phát triển đạo đức mới nói riêng và tri thức nói chung của học sinh TCCN huyện Gia Lâm chỉ thực sự đạt hiệu quả cao nếu mỗi học sinh tự ý thức và thực hiện tốt quá trình chuyển hóa giáo dục dào tạo của nhà trường thành tự giáo dục đào tạo của bản thân học sinh. Chất lượng và hiệu quả giáo dục chỉ được nâng cao khi tạo ra được năng lực sáng tạo của người học, biến được quá trình giáo dục thành tự giáo dục.

Lý luận giáo dục hiện đại từ lâu đã thừa nhận hiệu quả của phương pháp lấy người học làm trung tâm. Thực tế cho thấy, tự giáo dục, tự đào tạo là phương thức tạo ra tri thức bền vững cho con người. Kiến thức tự học được là kết quả của hứng thú, tìm tòi, lựa chọn, do đó bao giờ cũng bền vững lâu dài, thiết thực và sáng tạo.

Trong giáo dục đạo đức mới, nếu mỗi học sinh không tự giác tiếp nhận hệ thống tri thức, không chịu tìm tòi, suy ngẫm những điều giáo viên giảng, sẽ không thể nắm được tri thức cơ bản, không thể làm chủ và vận dụng sáng tạo nó. Hơn nữa, để củng cố và phát triển phẩm chất, chính trị đạo đức, giữ vững lập trường giai cấp trước những biến động của đời sống kinh tế xã hội, mỗi học sinh cần luôn tự giác rèn luyện, trau dồi bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức. Do đó, tự giáo dục, tự rèn luyện thể hiện rõ vai trò của nó.

Tự giáo dục, tự rèn luyện để phát triển đạo đức mới là quá trình tự giác của mỗi học sinh nhằm hướng đến nâng cao trình độ nhận thức chính trị, củng cố và phát triển tình cảm cách mạng, rèn luyện ý chí quyết tâm công hiến cho sự nghiệp CNH - HĐH. Đó là quá trình học sinh TCCN huyện Gia Lâm tự trau dồi tri thức lý luận của mình, làm chủ hệ thống tri thức khoa học nói chung và lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng, tự rèn

luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, giữ vững lập trường giai cấp và đạo đức cách mạng trong mọi điều kiện, quyết tâm vượt qua khó khăn để học tập, rèn luyện, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo, yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Quá trình này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song vấn đề quan trọng là cần khai thác, khích lệ, động viên nhu cầu tự hoàn thiện ở mỗi học sinh. Theo chúng tôi, nâng cao chất lượng tự giáo dục, tự rèn luyện của học sinh TCCN huyện Gia Lâm để giáo dục đạo đức mới, cần tập trung vào các vấn đề sau:

Trước hết, tạo ra động cơ, mục đích học tập, rèn luyện đúng đắn cho học sinh, khắc phục những biểu hiện “bình quân chủ nghĩa”, “cơ hội” trong học tập và rèn luyện. Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao năng lực tự giáo dục, tự rèn luyện nhận thức, tình cảm, ý chí quyết tâm của học sinh, hướng dẫn họ biết cách lựa chọn những tri thức cơ bản, thiết thực, trang bị cho họ phương pháp tiếp cận tri thức phù hợp với khả năng nhận thức của họ. Mặt khác, tích cực chủ động tạo ra các điều kiện khách quan thuận lợi để nâng cao năng lực tự giáo dục, tự rèn luyện của học sinh. Tích cực, chủ động rèn luyện học sinh thông qua thực tiễn nhiệm vụ của nhà trường. Hoạt động thực tiễn phải chú ý tới đặc điểm tâm lý lứa tuổi, sao cho vừa đảm bảo mục tiêu yêu cầu, giáo dục, đào tạo, vừa khơi dậy được sự say mê, hứng thú của học sinh. Chỉ có như vậy, học sinh mới tự giác tham gia, mới nâng cao được nhận thức chính trị, ý chí quyết tâm và phát triển đạo đức mới.

Cùng với quá trình tự giáo dục của học sinh, kết hợp chặt chẽ giữa tự giáo dục của họ với giáo dục truyền thống đạo đức, văn hoá tốt đẹp của địa phương là rất cần thiết, nhất là trong điều kiện mở cửa hiện nay. Quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế và sự bùng nổ thông tin, để giáo dục đạo đức mới có hiệu quả tất yếu phải kết hợp được các giá trị đạo đức truyền thống với những giá trị đạo đức hiện đại, phải nâng được các giá trị truyền thống lên một tầm cao mới, tức là đảm bảo tính thống nhất giữa tính truyền thống và tính hiện đại. Trong nội dung giáo dục đạo đức mới phải biết lựa

chọn những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, bền vững, đã được thử thách qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Giá trị đạo đức đó đã góp phần làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong quá trình đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, làm cơ sở cho sự hình thành và phát triển các giá trị đạo đức khác.

Với sự biến đổi của lịch sử, các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc cũng được phát triển. Chẳng hạn như: tinh thần yêu nước, đây là giá trị cốt lõi trong hệ thống giá trị đạo đức - tinh thần của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trước những yêu cầu của thực tiễn hiện nay, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm trước đây cần được chuyển hóa thành ý chí vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội. Phải chuyển từ ý chí không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, thành ý chí không chịu nghèo đói, ngu dốt, lạc hậu. Phải coi nỗi nhục nghèo nàn và lạc hậu cũng như nỗi nhục mất nước, phải thấm nhuần lời dạy của Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: “Các thế hệ trước đây đã rửa nỗi nhục nô lệ cho dân tộc, thế hệ ngày nay phải nối tiếp sự nghiệp của lớp người đi trước, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, CNH - HĐH nước nhà để rửa nỗi nhục nghèo khổ, mở ra một chương mới rạng rỡ cho non sông Việt Nam vinh quang sánh vai cùng các dân tộc khác trên thế giới” [61, tr.193].

Nếu như trước đây, yêu nước là phải cứu nước, phải thắng giặc ngoại xâm, thì nay, yêu nước là phải kiên quyết chống quan liêu, tham nhũng, chống các tệ nạn, làm cho đất nước ngày càng phồn vinh, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Lòng nhân ái của dân tộc là một yếu tố thuận lợi cho việc tiếp thu những giá trị nhân đạo của thời đại, tạo nên những giá trị mới phù hợp với sự phát triển của nhân loại. Trong xu thế quốc tế hóa và hội nhập, lòng nhân ái không chỉ bó hẹp trong phạm vi một quốc gia, dân tộc, mà đòi hỏi phải mở rộng trên phạm vi toàn thế giới. Điều này giúp học sinh TCCN huyện Gia Lâm có tấm lòng bao dung, rộng mở, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình đối với việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu như: bảo vệ môi

trường sống, chống chiến tranh, chống đói nghèo, bệnh tật…vì hạnh phúc chung của nhân loại.

Cần cù, tiết kiệm trong sản xuất và đời sống là truyền thống lâu đời của người Việt Nam, với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, cần cù kết hợp với lao động sáng tạo, có kỷ luật, hợp tác chặt chẽ trong sản xuất, học tập, nghiên cứu khoa học trở thành đặc trưng của con người hiện đại. Đặc trưng này đã rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, sự hợp tác trong học tập và rèn luyện của học sinh TCCN huyện Gia Lâm hiện nay. Lối sống tiết kiệm được hình thành từ lâu ở người Việt Nam trong nền kinh tế khó khăn, sản xuất tự cung, tự cấp. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, tiết kiệm được coi là “quốc sách”, nhưng là tiết kiệm thời gian lao động có ích, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, tạo khả năng thỏa mãn nhu cầu hợp lý của con người, chống lối sống hưởng thụ. Đối với học sinh TCCN huyện Gia Lâm, rèn luyện phẩm chất đạo đức là một yêu cầu khách quan, có như vậy họ mới trở thành lực lượng xung kích trong việc tạo nguồn lực con người cho công cuộc CNH - HĐH ở nước ta.

Hiếu học là một truyền thống của các thế hệ người Việt Nam xưa và nay. Trong thực tế, dân tộc Việt Nam luôn khao khát tri thức, đề cao vai trò của học vấn, hiểu rõ ý nghĩa to lớn của việc học tập mới có thể chiến thắng đói nghèo, đẩy lùi khó khăn và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế, xoa đói, giảm nghèo. Truyền thống này đã giáo dục cho học sinh TCCN huyện Gia Lâm, hiểu rõ vai trò của học tập: học để làm việc, làm người, học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân trong thời kỳ đổi mới đất nước hiện nay.

Chúng ta có thể tự hào, trân trọng những giá trị truyền thống của dân tộc. Ngoài các giá trị chủ yếu nêu trên, các giá trị đạo đức truyền thống khác như: lòng dũng cảm, tính trung thực, khiêm tốn, giản dị, thủy chung…cũng được kế thừa và đổi mới và phát huy trong việc xây dựng đạo đức cho học sinh TCCN huyện Gia Lâm hiện nay.

Tuy nhiên, chúng ta không nên bằng lòng với những gì đã có, bởi vì, sức sống của các giá trị đạo đức truyền thống không chỉ phụ thuộc vào bề dày lịch sử và chiều sâu tư tưởng của nó mà còn phụ thuộc vào khả năng biết tiếp cận và tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn của thời đại, phù hợp với định hướng XHCN. Việc tiếp thu tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác là cần thiết, nhưng phải chọn lọc những yếu tố phù hợp với lợi ích của dân tộc, phong tục tập quán của địa phương, không làm phương hại đến truyền thống.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, quá trình giao lưu, hợp tác diễn ra với một tốc độ nhanh, rộng chưa từng có ở Việt Nam. Cách mạng khoa học và công nghệ đang tạo ra bước phát triển nhanh chóng của thế giới hiện đại, trước tiên phải kể tới những thành tựu vĩ đại của công nghệ thông tin đang trở thành yếu tố quan trọng cho sự phát triển của xã hội. Mạng lưới tin học, viễn thông bao trùm toàn cầu và luôn biến đổi, đã làm thay đổi sâu sắc bộ mặt kinh tế, văn hóa của hầu hết các quốc gia. Đây chính là cơ hội cho các quốc gia, các địa phương xích lại gần nhau và chúng ta có thể nhanh chóng hội nhập vào thế giới hiện đại. Trong xu thế này, hơn ai hết, học sinh, sinh viên là những người có tri thức, có trí tuệ, họ rất nhạy cảm với các tác động của thời đại.

Giáo dục đạo đức mới cho học sinh trong các nhà trường nói chung và học sinh TCCN huyện Gia Lâm cần không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, giúp họ hiểu và nhận rõ truyền thống đạo đức của quê hương, đất nước, từ đó hình thành niềm tin vững chắc và lòng tự hào về truyền thống quê hương, đất nước, giúp họ bước vào hội nhập một cách tự tin mà không bị “hòa tan” trước văn hóa ngoại lai. Đồng thời, phải khắc phục các khuynh hướng cực đoan trong học tập và tiếp thu các giá trị thời đại như “sùng ngoại”, không phân biệt, không chọn lọc, coi rẻ hoặc chối bỏ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, địa phương.

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức mới cho học sinh trung cấp chuyên nghiệp huyện Gia Lâm - Hà Nội trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay (Trang 91)