Sự tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đến giáo dục đạo đức mới cho học sinh trung cấp chuyên nghiệp

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức mới cho học sinh trung cấp chuyên nghiệp huyện Gia Lâm - Hà Nội trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay (Trang 29)

XHCN đến giáo dục đạo đức mới cho học sinh trung cấp chuyên nghiệp

Sự chuyển đổi kinh tế từ quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường với sự tác động mạnh mẽ của quy luật kinh tế thị trường đã tác động đến đời sống và đạo đức học sinh TCCN theo hai hướng tích cực và tiêu cực.

Cùng với những tác động tích cực, phát triển tính chủ động, sự sáng tạo, linh hoạt, đức tính hiếu học, đề cao giá trị thực tiễn, gắn học với hành, đề cao học vấn trong học sinh, kinh tế thị trường còn làm tha hóa một số giá

trị đạo đức truyền thống trong học sinh TCCN theo chiều phản các giá trị đạo đức. Các giá trị đạo đức truyền thống về tình bạn, tình yêu, coi nhẹ giá trị văn hóa tinh thần, đề cao các giá trị vật chất, lấy tiền làm thước đo giá trị cho đạo đức, lương tâm, trách nhiệm đã và đang hình thành trong một bộ phận không nhỏ học sinh TCCN.

Những phản giá trị đạo đức hình thành trong nền kinh tế thị trường không hoàn toàn chỉ do nguyên nhân mặt trái của nền kinh tế thị trường, đó còn là kết quả từ sự thiếu phấn đấu tu dưỡng của một bộ phận học sinh TCCN, sự yếu kém của công tác quản lý, kiểm tra, giáo dục chỉ chú ý đến “dạy chữ” mà quên mất “dạy người” của không ít thầy cô và số ít cơ sở đào tạo.

Những tác động tiêu cực đến đạo đức học sinh TCCN được biểu hiện cụ thể ở một số mặt sau:

Một là: Quá đề cao các giá trị vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần, văn hóa truyền thống.

Trong nền kinh tế thị trường lợi ích vật chất cá nhân, lợi ích cục bộ thường được đề cao thái quá, dẫn tới sự xem thường lợi ích cộng đồng xã hội, lợi ích đoàn thể, không thấy vai trò lợi ích tinh thần, văn hóa truyền thống. Nền kinh tế thị trường đã phân hóa xã hội thành các giai tầng xã hội, giàu nghèo, thu nhập và hưởng thụ khác nhau, kích thích tư tưởng sống chạy theo đồng tiền, bất chấp luân thường đạo lý và pháp luật. Các yếu tố của đời sống tinh thần bị xem nhẹ, thói vụ lợi, lấy vật chất là mục đích chủ yếu của cuộc sống, làm thước đo của giá trị. Cuộc sống con người bao hàm cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Một bộ phận không nhỏ trong xã hội hiện nay quá coi trọng đồng tiền, họ cho rằng tiền có thể mua được hết thảy mọi thứ.

Tiêu dùng vật chất ngày càng cao là một biểu hiện của tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, sự sùng bái tiền bạc, coi trọng giá trị vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần, chạy theo đồng tiền, lẫn lộn trắng đen làm lệch lạc các chuẩn mực đạo đức truyền thống trong học sinh TCCN cần phải phê phán, loại trừ khỏi đời

sống xã hội. Với triết lý “tiền được tôn thờ” thì “ người có tiền cũng được tôn thờ”. Một số học sinh TCCN cũng vì tiền mà băng hoại đạo đức, lương tâm. Họ dùng tiền để mua chuộc bạn bè, tình yêu và bằng cấp, chạy theo đồng tiền, vứt bỏ các giá trị tinh thần, tình cảm, kể cả những tình cảm thiêng liêng như tình phụ mẫu, tình bạn hữu, tình yêu, tình thầy trò. Đó là sự đảo lộn về các chuẩn mực đạo đức, lối sống của một bộ phận học sinh TCCN do mặt trái của kinh tế thị trường tác động, cùng với những yếu kém trong giáo dục quản lý học sinh, khả năng tự giáo dục của những học sinh này chưa tốt.

Hai là: Đề cao giá trị tài năng coi nhẹ giá trị đạo đức.

Theo quan niệm truyền thống thì đức - tài là một thể thống nhất, những yếu tố hết sức quan trọng, trong đó đức là gốc. Đức được hiểu như là những phẩm chất chính trị, phẩm giá làm người, những tình cảm con người đối xử với nhau trong cuộc sống, tài được coi như là trí tuệ, học vấn, thông minh có năng lực quản lý, điều hành, hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Cho nên, trong hoàn cảnh nào đức và tài cũng là hai mặt thống nhất của một nhân cách. Con người chỉ có thể phát huy tài năng của mình, cống hiến tài năng đó cho xã hội khi con người có đạo đức tốt. Bởi vậy, trong nền kinh tế thị trường, nếu tuyệt đối hóa một trong hai mặt trên sẽ sai lầm. Điều đó dẫn tới sự phát triển lệch lạc, méo mó về nhân cách, biến con người thành cái máy, không biết cảm nhận và suy nghĩ, mất hết lòng nhân ái trong tâm hồn.

Các Nghị quyết VIII, IX của Đảng cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ rằng: Trong việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ phải coi trọng cả đức lẫn tài, phải lấy đức làm gốc. Việc lấy đức làm gốc không phải là tuyệt đối hóa yếu tố đạo đức, xem nhẹ yếu tố tài năng mà là nhấn mạnh vị trí của đức trong chỉnh thể Đức - Tài. Hồ Chí Minh luôn quan tâm coi trọng giáo dục cả đức vài tài cho thanh niên. Người nói: Có tài mà không có đức là người vô dụng, còn có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó… Sự thống nhất giữa đức và tài là sự thống nhất mang tính biện chứng. Đạo đức là cơ sở để phát

triển tài năng, ngược lại, tài năng chỉ thực sự được phát huy, được cống hiến, được sử dụng có hiệu quả trong con người có đạo đức.

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, một bộ phận không nhỏ học sinh TCCN cho rằng chỉ cần người có tài mà không cần người có đức là một cách hiểu phiến diện, không đầy đủ về hai mặt của một vấn đề. Thực tế cho thấy, một bộ phận học sinh TCCN là sản phẩm của kinh tế thị trường trong các năm qua đã thành công bằng sự học tập nghiêm túc, sáng tạo, linh hoạt. Đồng thời, họ đã tu dưỡng, rèn luyện không ngừng về phẩm chất đạo đức, sức khỏe nên họ nhanh chóng được thị trường lao động ở các doanh nghiệp, cơ quan, trường học tiếp nhận.

Một bộ phận còn lại do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể tài năng và phẩm chất đạo đức của họ chưa đủ để thỏa mãn yêu cầu của thị trường lao động. Một bộ phận không nhỏ khác vì cạnh tranh không được, đã dùng các thủ thuật cá nhân, lợi dụng sơ hở trong quản lý của Nhà nước để mua bằng, xin bằng cố tìm được việc làm. Thị trường là nơi sát hạch nghiêm túc nhất để lựa chọn con người có đủ đức, tài thích ứng với những điều kiện kinh tế - xã hội mới. Những học sinh thiếu đức hoặc thiếu tài đều khó có cơ hội xin được việc làm. Thật đáng buồn khi hỏi một số học sinh TCCN về quan niệm đức - tài thì họ đã trả lời: “Chỉ cần học giỏi là đủ”.

Quan niệm truyền thống về đức - tài là một quan niệm đúng đắn cần được học sinh sinh viên ngày nay bảo vệ, giữ gìn và vận dụng một cách linh hoạt trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Những giá trị tinh thần, giá trị đạo đức bị coi nhẹ có xu hướng gia tăng trong học sinh TCCN, đã gây lên những khuyết tật trong sự phát triển nhân cách của họ hiện nay. Vì vậy, cần nghiên cứu, nhận thức bản chất, chỉ ra quy luật hình thành phát triển nhằm đổi mới quá trình giáo dục đào tạo giúp cho học sinh TCCN hình thành, phát triển nhân cách cho phù hợp với sự phát triển tiến bộ xã hội và đòi hỏi của thị trường lao động hiện nay.

Ba là: Phai nhạt niềm tin lý tưởng cách mạng, lối sống thực dụng gia tăng.

Niềm tin lý tưởng cách mạng là sự hòa quyện hữu cơ giữa nhận thức khoa học với tình cảm và ý chí cách mạng trên lập trường của giai cấp công nhân đối với sự thắng lợi tất yếu của chế độ XHCN. Niềm tin lý tưởng là những giá trị tốt đẹp của con người, nó là một phạm trù lịch sử, luôn có sự thay đổi về nội dung và hình thức cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi thời đại. Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, lý tưởng của thanh niên, học sinh Việt Nam là: “Tất cả vì độc lập tự do của Tổ quốc”, họ đã rời xa quê hương, giảng đường tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà không hề tính toán thiệt hơn. Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nền kinh tế bao cấp đã trở nên gò bó, áp đặt con người với lý tưởng sống nặng về lý thuyết, xa rời thực tế. Một lý tưởng đẹp nhưng lại dựa trên một nền vật chất nghèo nàn, thiếu thốn, thiếu sự kích thích về lợi ích vật chất đã làm cho lý tưởng niềm tin ít nhiều bị giảm sút.

Bước sang kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, mục tiêu lý tưởng chung của người Việt Nam được Đảng và Nhà nước ta lựa chọn là: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Đó là hướng phấn đấu chung của toàn xã hội. Trong nền kinh tế thị trường, mặt mạnh của học sinh TCCN là biết nhấn mạnh năng lực thực tiễn của con người trong hoạt động kinh tế - xã hội, nghề nghiệp. Nhưng mặt yếu của họ là coi nhẹ phẩm chất nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức công dân, trách nhiệm xã hội. Nó được biểu hiện ra ngoài ở các hành vi suy giảm đạo đức, làm xấu đi quan hệ giữa học sinh và xã hội, bộc lộ những khía cạnh thấp hèn, vụ lợi trong cuộc sống. Điều đó, làm cho một bộ phận không nhỏ học sinh TCCN còn băn khoăn về lý tưởng. Sự băn khoăn đó được bắt nguồn từ những nguyên nhân: Tình trạng mất dân chủ còn diễn ra phổ biến trên nhiều lĩnh vực, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng, vấn đề thiếu việc làm sau khi ra trường cũng là một trong các nguyên nhân làm cho lý tưởng sống

của học sinh TCCN trở nên mờ nhạt. Lý tưởng sống, lối sống không phải tự nhiên sinh ra, mà nó do tồn tại xã hội quy định. Thực trạng này kéo dài sẽ dẫn đến mất cân đối trong cả nền kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến sự nghiệp CNH - HĐH nước nhà.

Việc không ít học sinh TCCN hiện nay thờ ơ với lý tưởng, mất niềm tin, sống buông thả, thực dụng do nhiều nguyên nhân chi phối. Vấn đề cơ bản ở chỗ phát hiện, nghiên cứu, tìm ra biện pháp hữu hiệu để giúp đỡ học sinh TCCN khắc phục hơn là lớn tiếng phê phán. Những tình huống phản giá trị nảy sinh trong đời sống học sinh TCCN, rất cần đến sự quan tâm của nhiều cấp, nhiều ngành hướng dẫn họ để khỏi lệch “quỹ đạo” phát triển, làm cho họ suy nghĩ, hành động bình tĩnh, chín chắn, tỉnh táo hơn trong cơn lốc của kinh tế thị trường.

Bốn là: Truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc bị xem nhẹ, đề cao các giá trị văn hóa của nền kinh tế thị trường .

“Tôn sư trọng đạo” là một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam từ xưa đến nay. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khác nhau truyền thống này hiện nay đang bị xói mòn. Quan hệ giữa thầy và trò nhiều khi tốt xấu đan xen khó phân biệt.

Mặt trái của kinh tế thị trường đã len lỏi và ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đào tạo của các trường TCCN. Những hiện tượng tiêu cực trong học tập, thi cử, cấp bằng đã làm chao đảo niềm tin của học sinh vào công bằng xã hội, vào kỷ cương phép nước. Trong cùng một cơ chế, đại bộ phận giáo viên vẫn hết lòng vì sự nghiệp “dạy chữ, dạy người”, hết lòng vì học sinh thân yêu, luôn được học sinh yêu quý và ngưỡng mộ. Thầy, cô là một mô phạm, là khuôn mẫu, tấm gương sáng có tính chất giáo dục trò tốt nhất, hiệu quả nhất. Tuy nhiên, một số bộ phận thầy trò trong nhà trường ở một số cơ sở đào tạo đã bị thương mại hóa, tình trạng mua bằng, bán điểm xảy ra khá nghiêm trọng, hàng loạt vụ tiêu cực trong quản lý thi cử chưa được xử lý nghiêm minh khiến cho việc thi cử trở thành gánh nặng, thành nỗi nhức nhối

của toàn xã hội. Việc học thêm, phụ đạo và các khoản thu bất hợp lý được một số người hiểu đó là xã hội hóa giáo dục. Thực trạng đó đã làm tổn thương đến tình cảm thầy trò, ăn mòn truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam. Nhiều thầy cô dạy học một cách thiếu trách nhiệm, hình thức, “học giả thi thật”. Mặt khác, nhìn vào đời sống của người thầy - đa số khó khăn về vật chất cũng làm cho học sinh, sinh viên có nhiều đánh giá khác nhau về thầy, từ đó đã mua chuộc thầy dưới nhiều hình thức tinh vi, khôn khéo.

Hiện nay, quan hệ thầy trò vừa có nhiều điểm tích cực như bình đẳng, cởi mở, hợp tác, nhưng cũng nhiều điểm đáng chê trách như cơ hội, thực dụng, thiếu chân thực. Sự xói mòn truyền thống “tôn sư trọng đạo” biểu hiện trong học sinh hiện nay đang là một trong các vấn đề nhức nhối của xã hội ta.

Như vậy, kinh tế thị trường tác động đến đạo đức học sinh TCCN theo hai hướng tích cực và tiêu cực. Mặc dù vẫn còn một bộ phận học sinh TCCN sa sút về đạo đức, lối sống, mờ nhạt về lý tưởng hoài bão, song đại bộ phân học sinh TCCN hiện nay có ý thức đạo đức tốt, thừa nhận kết quả đổi mới của dân tộc, có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, có trách nhiệm với gia đình, bản thân có trình độ tay nghề cao. Vì vậy, họ đã phát huy được tính sáng tạo, chủ động học tập, nghiên cứu, gắn học với hành, khẳng định vị trí trong xã hội. Nghiên cứu sự tác động, ảnh hưởng của kinh tế thị trường đến giáo dục đạo đức học sinh TCCN cần phải chỉ ra những mối quan hệ bản chất, những vấn đề có tính quy luật hình thành và phát triển đạo đức của họ, nhằm hình thành các giải pháp đồng bộ giáo dục học sinh TCCN theo định hướng giá trị vừa mạng đậm bản sắc dân tộc vừa mang tính hiện đại là góp phần vào việc phát triển đất nước những năm tới.

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức mới cho học sinh trung cấp chuyên nghiệp huyện Gia Lâm - Hà Nội trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay (Trang 29)