kiện kinh tế thị trường hiện nay
Gia Lâm là một trong bốn huyện ngoại thành, nằm ở cửa ngõ Đông Bắc của thành phố Hà Nội. Vị trí địa lý: phía Bắc huyện Gia Lâm giáp huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh; phía Tây - Tây bắc giáp huyện Đông Anh ngoại thành Hà Nội; phía Đông - Đông bắc giáp huyện Mỹ Văn, huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên và huyện Thuận thành tỉnh Bắc Ninh; phía Tây Nam giáp sông Hồng; quận Long Biên và Thủ đô Hà Nội.
Trên địa bàn của huyện có hai con sông chảy qua đó là Sông Hồng và Sông Đuống, đã chia lãnh thổ của huyện thành hai khu vực: Bắc Đuống và Nam Đuống. Năm 2004, thực hiện Nghị định 132/CP của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành quận mới Long Biên, huyện Gia Lâm còn 21 xã và 02 thị trấn, dân số 20,4 vạn người, diện tích đất tự nhiên 11.400ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 6.501ha chiếm 57,3%.
Huyện Gia Lâm nằm ở vị trí tương đối thuận lợi về giao thông, đường sắt có ga Phú Thụy, ga Yên Viên, đường bộ có các quốc lộ lớn như: 1A, 1B, 3 và 5A chạy qua, đường thủy có sông Hồng và sông Đuống. Với vị trí địa lý như vậy, Gia Lâm trở thành một đầu mối giao thông quan trọng, từ đó có thể đi vào Thủ đô Hà Nội, đi xuống khu công nghiệp du lịch Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, đi lên các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc bằng nhiều phương tiện khác nhau. Đây là một trong những lợi thế của huyện để mở rộng giao lưu về kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn của huyện theo hướng CNH - HĐH.
Là một huyện nằm ở vùng đồng bằng Bắc bộ, dân cư đều là người Kinh, phần lớn sống bằng nghề nông. Đa số dân trong huyện không theo tôn giáo nào, chiếm khoảng 80%. Một số theo đạo Thiên chúa giáo chiếm khoảng 5 - 6%, một bộ phận khác theo đạo Phật chiếm khoảng 14 - 15%. Huyện Gia Lâm mang đặc trưng của nền văn hóa Kinh Bắc kết hợp với nền
văn hóa Thủ đô, nên vừa có nét truyền thống kết hợp với nét hiện đại của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa của huyện. Hiện nay, 100% trẻ em đến tuổi đi học được cắp sách tới trường, 100% dân số của huyện đã thoát khỏi nạn mù chữ.
Cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội, quá trình đô thị hóa, CNH HĐH cũng diễn ra khá mạnh mẽ trên địa bàn Gia Lâm. Tác động của quá trình đô thị hóa, CNH - HĐH được biểu hiện ở một số mặt sau đây:
Một là: Việc xây dựng nhà ở, cửa hàng, khách sạn và các công trình phúc lợi công cộng phát triển với tốc độ nhanh, đã xuất hiện nhiều thị tứ ở các xã, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất và nhiều trung tâm dịch vụ thương mại. Kinh tế ở làng nghề như: Ninh Hiệp, Bát Tràng, Kiêu Kỵ, Kim Lan, phát triển nhanh. Khu công nghệp nhỏ và vừa Phú Thị, khu đô thị mới Đặng Xá đang được mở rộng.
Hai là: Các cơ sở kinh tế khoa học kỹ thuật của Trung Ương, Thành phố, của huyện cũng được phát triển mạnh. Cho đến nay trên địa bàn huyện có khoảng 170 cơ quan, xí nghiệp, công ty, trường học của Trung Ương và Thành phố. Trong đó, có nhiều cơ sở được xây dựng với quy mô lớn, hiện đại như khu công nghiệp Phú Thị, nhà máy chế biến sữa Hà Nội, công ty Stanley, công ty gốm sứ vệ sinh cao cấp Inax, khu công nghệp cơ khí Yên Viên.
Ba là: Các cơ sở vật chất kỹ thuật, các công trình phục vụ cho sản xuất và đời sống của huyện như hệ thống ngân hàng, bưu chính viễn thông, trường học, bệnh viện, các trung tâm dịch vụ thương mại từng bước được xây dựng và hiện đại hóa.
Bốn là: Những thành tựu mới về khoa học và công nghệ được áp dụng vào sản xuất ngày càng nhiều hơn như: công nghệ cơ khí, công nghệ sinh học, hóa học, điện tử viễn thông và thông tin, đã làm cho năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ tăng. Huyện Gia Lâm đã hình thành bước đầu các làng rau sạch ở các xã như: xã Đặng Xá, xã Trung Màu và xã Kim Lan.
Quá trình đô thị hóa, CNH - HĐH tác động hết sức mạnh mẽ và sâu sắc đến sự phát triển kinh tế xã hội huyện Gia lâm. Quá trình này đã làm cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn huyện phát triển khá mạnh. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút lao động, giải quyết việc làm ở nông thôn. Đồng thời, quá trình công nghiệp hóa đã làm cho thị trường ngày càng phát triển. Các khu công nghiệp tập trung sẽ trở thành thị trường đầu ra đối với sản phẩm nông nghiệp và nông thôn.
Có thể nói rằng sau hơn 2 năm tách để thành lập quận Long Biên, bức tranh kinh tế của huyện Gia Lâm đã có nhiều khởi sắc. Tăng trưởng kinh tế của huyện năm 2005 đạt 14,1% (năm 2004 là 13,4%). Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành công nghiệp - xây dựng là 53,5% (năm 2004 là 52,4%); nông lâm - thủy sản: 24,4% (năm 2004 là 24,7%); thương mại - dịch vụ: 23,1% (năm 2004 là 22,9%). Cơ hội và tiềm năng phát triển kinh tế của huyện Gia Lâm là rất lớn. Trong định hướng phát triển của huyện giai đoạn 2006 - 2010, Gia Lâm xác định, việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là một trong những hướng phát triển chủ yếu của huyện. Khuyến khích các ngành sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có nhu cầu sử dụng nguồn lao động trẻ như sản phẩm cơ, kim khí, sản phẩm điện tử, lắp ráp ô tô, may mặc. Với tiềm năng đang được khai thác, kinh tế của huyện cửa ngõ Thủ đô và Đông Bắc đang mở ra nhiều cơ hội chuyển mình, phát triển.
Bên cạnh ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, chính sách vĩ mô của Nhà nước đã ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội huyện Gia Lâm. Trước hết, đó là chính sách phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Ngay sau khi được ban hành, chính sách này đã đi vào cuộc sống rất nhanh, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Đây là sự đổi mới rất căn bản từ chỗ tuyệt đối hóa hai thành phần kinh tế Quốc doanh và kinh tế Tập thể, không thừa nhận hoặc ít coi trọng kinh tế gia đình, kinh tế cá thể và kinh tế tư nhân, đã chuyển sang một chủ trương mới. Trong đó nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng và khuyến khích mọi thành phần kinh tế cùng phát triển, cùng phát huy
khả năng của mình trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và cùng bình đẳng trước pháp luật.
Chính sách phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đã làm cho mọi người yên tâm bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh và tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật cho phép. Điều này đã tác động không nhỏ đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, đến việc mở rộng các khu công nghiệp và đến việc phát triển các làng nghề truyền thống ở huyện Gia Lâm như: làng nghề Ninh Hiệp, làng nghề Bát Tràng.
Điểm mấu chốt của chính sách kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, nhất là một huyện vốn chủ yếu là nông nghiệp như huyện Gia Lâm, đó là sự công nhận và khẳng định hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, được quyền sử dụng đất lâu dài và được quyền sở hữu tư liệu sản xuất khác. Từ đây, các chủ thể có quyền tự quyết định mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của mình để có thể thu được hiệu quả kinh tế cao nhất trong hành lang pháp lý mang tính định hướng và thông thoáng hơn trước.
Với đặc thù là một huyện ngoại thành chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, một chính sách tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp đó là chính sách ruộng đất. Trước đây, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng do hợp tác xã quản lý và sử dụng. Hợp tác xã khoán sản lượng, chi phí và công điểm cho xã viên nên người nông dân hoàn toàn thụ động trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Từ khi có chỉ thị 100 của Ban Bí thư, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, nhất là từ khi Luật Đất đai có hiệu lực, người nông dân mới thực sự chủ động sử dụng ruộng đất một cách ổn định. Chủ trương trên của Nhà nước đã tác động một cách tích cực đến sản xuất nông nghiệp, đã gắn bó người nông dân với ruộng đồng, phát huy quyền tự chủ của họ trong sử dụng cải tạo và bồi dưỡng đất, để nâng cao năng lực sản xuất của đất đai. Người nông dân yên tâm sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp. Cơ cấu nông - lâm - thủy sản đã chuyển dịch sang những cây, những con có giá trị
kinh tế cao đưa giá trị sản xuất trên 1ha canh tác của huyện đạt 56 triệu đồng, hình thành những trang trại lớn vùng chuyên canh: bò sữa ở xã Phù Đổng, xã Dương Hà; lợn nạc ở xã Yên Thường, xã Văn Đức; rau sạch ở xã Đông Dư, xã Đặng Xá; lúa cao sản ở xã Trâu Quỳ, xã Yên Thường.
Từ khi chuyển sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, cơ cấu kinh tế huyện Gia Lâm có nhiều chuyển biến tích cực, đó là nhờ vào chính sách thị trường, giá cả. Để sớm tạo ra một nền kinh tế hàng hóa phát triển trên các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, Nhà nước đã có chủ trương tự do hóa lưu thông sản phẩm và các loại vật tư nông nghiệp. Từ đó đã hình thành trong huyện Gia Lâm một thị trường thông suốt, thống nhất giữa các xã thị trấn trong huyện và kết nối với thị trường các tỉnh thành lân cận. Giá cả của hàng hóa, dịch vụ và các nông phẩm hàng hóa khác đều do người bán và người mua thỏa thuận với nhau trên thị trường.
Mặt khác, để hạn chế ảnh hưởng bất lợi của thị trường đến nông dân, Nhà nước chủ trương sẽ can thiệp tích cực vào giá nông sản và giá vật tư kỹ thuật nông nghiệp khi có những đột biến bất thường.
Với những chính sách kinh tế vĩ mô như trên của nhà nước, sau 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, kinh tế xã hội huyện Gia Lâm tiếp tục có những bước phát triển ổn định và liên tục đạt mức tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch, đưa giá trị các ngành kinh tế chủ yếu của huyện năm 2005 đạt hơn 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 30 lần so với năm 1985. Tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ - thương mại chiếm 77% trong cơ cấu kinh tế của huyện, tăng gấp 25 lần so với năm 1985. Đến nay, số doanh nghiệp công nghiệp của huyện tăng gấp 2 lần năm 2004 (trên 100 doanh nghiệp), số doanh nghiệp phát triển mạnh tập trung chủ yếu vào khu vực các làng nghề.
Ngoài những chính sách trên, Nhà nước còn thay đổi một số chính sách kinh tế vĩ mô khác như: Chính sách tỷ giá hối đoái, Chính sách xuất nhập khẩu, Chính sách giáo dục đào tạo, Chính sách khoa học công nghệ v.v… nhằm giải phóng sức lao động, khuyến khích các thành phần kinh tế
trong huyện phát triển nhằm đưa kinh tế huyện Gia Lâm theo hướng CNH - HĐH hòa cùng với sự phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội và của đất nước.