8. Kết cấu của luận văn
1.2.1. Các yếu tố khách quan
Một là, sự tác động hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việc chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã và đang tác động mạnh mẽ cả tiêu cực và tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong bối cảnh thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, sự phát triển kinh tế thị trường cũng trực tiếp tác động đến đời sống ở nông thôn, văn hóa là lĩnh vực chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Kinh tế thị trường đã tác động tích cực đến khuynh hướng phát triển đa dạng, phong phú trong hoạt động văn hóa ở khu vực nông thôn. Các chính sách kinh tế mới sẽ tạo ra cơ sở kinh tế - xã hội mới cho các hoạt động văn hóa. Nhờ những chính sách mới, phù hợp mà những năng lực văn hóa vốn tiềm ẩn sẽ được bộc lộ phát triển với nhiều hình thức phong phú khác nhau. Nhiều thành phần xã hội sẽ cùng tham gia vào quá trình xây dựng đời sống văn hóa tinh thần.
Kinh tế thị trường đã đề cao trách nhiệm cá nhân, gắn liền động cơ và hiệu quả như là một chuẩn mực giá trị trong hoạt động của con người, trong nhân cách mỗi người. Nó buộc người ta phải khắc phục lối tư duy cảm tính, phương thức tư duy kiểu “ngoại suy", chủ quan và phải rèn luyện, nâng cao phương thức tư duy lý tính, lành mạnh. Mục đích, động cơ phải trên cơ sở hiện thực và phải đi đôi với những biện pháp, những phương tiện hữu hiệu để hiện thực hóa trong thực tế. Kinh tế thị trường là điều kiện kích thích tăng năng suất lao động không ngừng. Sự tìm tòi, sáng tạo của cá nhân luôn được
khuyến khích. Chính điều này đòi hỏi mỗi người phải học tập, rèn luyện tay nghề, rèn luyện bản thân. Kinh tế thị trường cũng rất nghiêm khắc đào thải những trì trệ, sự lạc hậu, lỗi thời của con người và các sản phẩm yếu kém về nội dung cũng như hình thức.
Về phương diện đạo đức, lối sống, sự ảnh hưởng tích cực của kinh tế thị trường là từng bước hình thành nhân cách tự chủ, tự lập trong con người, rèn luyện con người ý thức lao động, bản lĩnh, năng động, thích nghi và sáng tạo. Đây là những phẩm chất đạo đức về ý chí, lòng dũng cảm, nghĩa vụ, tính nguyên tắc và tự trọng ở mỗi con người cũng như cả cộng đồng. Với sự tác động này làm cho người nông dân – chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới - trở nên năng động, sáng tạo và tích cực để xây dựng và phát triển đời sống văn hóa vật chất và tinh thần để rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn. Kinh tế thị trường thúc đẩy hoạt động văn hóa theo hướng xã hội hóa. Quá trình sáng tạo, phổ biến các giá trị văn hóa sẽ thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh những tác động tích cực đến sự phát triển của đời sống văn hóa của nhân dân, nền kinh tế thị trường vẫn có những tác động tiêu cực không nhỏ đến quá trình xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân ở nông thôn.
Kinh tế thị trường đặt mọi đối tượng, mọi mối quan hệ trong xã hội dưới quan niệm hàng hoá hoặc tính chất hàng hoá, kể cả sức lao động, tình cảm của con người. Mối quan hệ đạo đức, lối sống cũng bị chi phối bởi quan niệm đó. Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mục tiêu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là con người chứ không phải là hàng hoá. Tuy nhiên, dù muốn hay không thì các quan hệ thị trường cũng sẽ làm cho con người thay đổi đạo đức, lẽ sống cùng với sự cải
thiện mức sống và môi trường sống. Sự phân hoá giàu nghèo sẽ dẫn đến sự phân hoá đạo đức, lối sống.
Trong kinh tế thị trường phải đề phòng khuynh hướng, lối sống chạy theo đồng tiền. Kinh tế thị trường có khuynh hướng mở rộng các nguyên tắc trao đổi thị trường ra tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đời sống cá nhân, đời sống cộng đồng, có khuynh hướng làm cho người ta coi giá trị thị trường là giá trị chân thực duy nhất dùng để đo các giá trị khác. Họ định giá trị của con người căn cứ vào của cải của người đó, từ đó tìm các quan hệ trong sự đem lại lợi ích gì cho mình, cho cá nhân mình. Từ đây mà các quan hệ tình cảm cao đẹp, ấm áp tình người có nguy cơ bị băng giá trong sự tính toán vị kỷ.
Kinh tế thị trường cũng cần đề phòng khuynh hướng chạy theo lợi nhuận đơn thuần, dẫn đến nguy cơ "thương mại hóa". Hơn thế nữa, khi chạy theo đồng tiền có thể sẽ bất chấp đạo lý, những hủ tục mê tín có thể tăng nhanh, các sản phẩm phản văn hóa, làm băng hoại con người có thể tràn lan, các bậc giá trị có thể bị nhận thức sai lệch...
Tiền xâm nhập vào nhiều mối quan hệ đạo đức xã hội, thậm chí thành nguyên tắc xử thế và tiêu chuẩn hành vi của không ít người. Chính vì vậy mà những hiện tượng tham ô, hối lộ, móc ngoặc, buôn lậu, lừa đảo, làm hàng giả, mua quan bán chức, chạy chức chạy quyền bằng tiền... chúng ta đấu tranh, ngăn ngừa nhiều năm nay nhưng hiện vẫn đang diễn ra phức tạp và là nỗi lo lắng của xã hội.
Những quan niệm và hành vi của đạo đức truyền thống như tinh thần giúp đỡ nhau, kính già, yêu trẻ, tôn sư trọng đạo, vợ chồng thủy chung... sẽ bị biến động và suy giảm do toan tính của đồng tiền.
Mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới là xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mục tiêu này đang bị
nhiều cản trở do tính thương mại của hoạt động văn hóa đang diễn ra một cách xô bồ, hỗn loạn, không chỉ dừng lại ở suy thoái lối sống và đạo đức xã hội ở một bộ phận không nhỏ, mà còn có nguy cơ làm biến dạng cả mục tiêu, lý tưởng chính trị định hướng, vi phạm các nguyên tắc và chuẩn mực xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Sự du nhập tràn lan và hỗn loạn các sản phẩm văn hóa độc hại của nước ngoài, có thể làm cho văn hóa nước ta suy yếu và lệ thuộc.
Sự phân hoá xã hội trên lĩnh vực văn hóa diễn ra mạnh mẽ cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đời sống văn hóa của các vùng nông thôn, miền núi, đời sống văn hóa của những nhóm xã hội nghèo so với các vùng đô thị, các loại hình nghề nghiệp có thu nhập cao khoảng cách ngày càng xa. Đặc biệt là đời sống văn hóa của công nhân, của nông dân, nhất là ở những vùng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn trước quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Sự suy thoái về lối sống, đạo đức xã hội, có nguy cơ ngày càng gia tăng, nhất là sự sa sút về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và nếp sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; mức độ trầm trọng của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, của các tệ nạn xã hội và các tiêu cực xã hội khác. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự mất ổn định, thậm chí đe doạ sự tồn tại chế độ chính trị - xã hội.
Hai là, sự tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước hết là CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn.
Việt Nam là đất nước có một nền nông nghiệp truyền thống lâu đời với hơn 70% dân số làm nông nghiệp. Vì thế, dù ờ thời kỳ nào, người nông dân, nông thôn và kinh tế nông nghiệp cũng có một vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước. Nhận thức đúng đắn được tầm quan trọng này, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với mục
tiêu là đến năm 2020 đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng đến vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn. Điều này được thể hiện rất rõ trong một số chỉ thị, nghị quyết của các Đại hội VI, VII, VIII. Đặc biệt trong đại hội IX, nghị quyết TW 5 về “ Đẩy mạnh Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 – 2010” đã nhấn mạnh “…Ra sức bồi dưỡng sức dân ở nông thôn và phát huy vai trò của giai cấp nông dân trong sự nghiệp đổi mới, tập trung sự chỉ đạo và tạo các nguồn lực cần thiết cho Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nông thôn toàn diện, tiêu thụ nông sản háng hóa, bảo hiểm sản xuất và bảo hiểm xã hội, phát huy lợi thế từng vùng, giúp đỡ vùng khó khăn, phân bố dân cư theo quy hoạch, phát triển ngành nghề, giải quyết công ăn, việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí, xây dựng nông thông mới”… Một lần nữa tại Đại hội X của Đảng khẳng định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước”.Có thể khẳng định: Thiếu sự ủng họ và tham gia của nông dân thì quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, và CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn không thể thành công tốt đẹp.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự phát triển kinh tế xã hội, văn hóa nông thôn đang đứng trước những thuận lợi cơ bản cũng như những thách thức không nhỏ. CNH, HĐH đất nước và CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn tạo nên động lực cho sự phát triển đời sống văn hóa tinh thần ở nông thôn về nhiều mặt: làm biến đổi các giá trị văn hóa truyền thống, sự tác động đến lối sống và đạo đức của cư dân nông thôn…Song quá trình
công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng đã làm cho nông dân mất đất và hệ quả là xuất hiện các tệ nạn xã hội ở nông thôn, đặc biệt là đối với tầng lớp thanh thiếu niên…
Để có thể thực hiện tốt được tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển đất nước, nhất thiết phải tìm nguyên nhân cùng các biện pháp phát huy những ưu điểm và khắc phục cho những hạn chế và bất cập. Đánh giá, nhìn nhận đúng vai trò quan trọng của nông dân trong thời đại mới hiện nay, đưa nông thôn gần với thành thị thực hiện thành công nếp sống mới, nông thôn mới…tạo mọi điều kiện cho sự phát triển bền vững và mạnh mẽ của đất nước.
Ba là, sự tác động của quá trình đô thị hóa đến đời sống văn hóa tinh thần ở khu vực nông thôn.
Đô thị hóa là hệ quả tất yếu của việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đô thị hóa là quá trình lịch sử chú trọng vai trò của thành thị trong sự phát triển xã hội. Đô thị hoá được hiểu là sự mở rộng của đô thị tính theo tỷ lệ phần trăm giữa dân số đô thị hay diện tích đô thị trên tổng số dân hay diện tích của một vùng hay khu vực (http//vi.Wikipedia. org/). Đô thị hoá là một quá trình xã hội - kinh tế nhiều mặt và phức tạp, hiện nay đang ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội, do đó đòi hỏi một phương pháp tiếp cận tổng hợp dựa trên sự hợp tác của nhiều ngành khoa học (Pivovarov, 1976, tr.1).Trong những năm qua, nghiên cứu về đô thị hoá đã được nhiều nhà khoa học quan tâm dưới những góc độ khác nhau. Ở Việt Nam, mặc dù đô thị xuất hiện từ sớm nhưng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau quá trình này diễn ra chậm, chỉ từ sau đổi mới (1986) đến nay, cùng với việc xây dựng hiện đại hoá, quá trình đô thị hoá cũng có những bước phát triển mạnh mẽ.
Về đời sống văn hóa xã hội, đô thị hóa góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, chuyển từ lối sống nông thôn sang thành thị,
từ văn hóa làng sang văn hóa đô thị, từ văn minh nông nghiệp chuyển sang văn minh công nghiệp, đồng thời cũng tạo ra sự thay đổi về tập quán lối sống, sự phân hóa giàu nghèo, tăng nhanh các nhu cầu về giáo dục, y tế, tạo sức ép lên vấn đề việc làm, nghèo đói, tệ nạn xã hội…
Quá trình đô thị hóa đã tác động trực tiếp lên nhiều mặt đời sống tinh thần của nhân dân mà trước hết là đến việc xây dựng lối sống, nếp sống văn minh của người dân. C. Mác đã cho rằng, bản chất con người là sự tổng hòa của các quan hệ xã hội. Điều đó có nghĩa là, trong khi tham gia các mối quan hệ xã hội, lối sống của con người được hình thành, phát triển. Lối sống chính là tổng hợp các dạng hoạt động sống điển hình và ổn định, được vận hành theo một bảng giá trị xã hội nào đó trong điều kiện môt hình thái kinh tế - xã hội nhất định.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn một cách đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực đời sống văn hóa tinh thần. Văn hóa nông thôn được xác định như một phạm trù của văn hóa truyền thống và mang ý nghĩa của văn hóa truyền thống. Do bởi, văn hóa truyền thống được hun đúc từ những thành quả lao động của cha ông trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước từ nền tảng làng xã nông thôn. Văn hóa truyền thống là những biểu hiện của các mối quan hệ, các phong tục, các luật lệ, hương ước… được xây dựng tự bao đời trong cuộc sống nông thôn. Nói đến văn hóa truyền thống hay văn hóa nông thôn là nói đến truyền thống ứng xử xã hội của dân tộc. Truyền thống này được thể hiện qua triết lý sống của cộng đồng và trở thành quan niệm sống, quan niệm lý giải cuộc sống và cũng trở thành lối sống, nếp sống, lối hành xử của cộng đồng thông qua các mối quan hệ giữa con người với con người và giữa con người với môi trường tự nhiên. Trong làng xã nông thôn, hầu hết cư dân có cùng một sinh hoạt sản xuất, cùng sinh hoạt văn hóa, các giao tiếp chủ yếu diễn ra trong khuôn khổ của cộng đồng làng xã nên tính cộng đồng
cao và hầu như mọi người đều có các mối quan hệ ràng buộc với nhau trong cộng đồng. Cách xử sự trong cuộc sống của họ đa phần dựa trên tình cảm, tính khoan dung của tình chòm xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”. Người nông thôn thường có lối sống thuần nhất gắn liền với cuộc sống nông nghiệp và hay tự mãn với những gì mình đang có, không muốn chia sẻ với người khác và cũng không muốn tiếp nhận của người khác nên trong cuộc sống ít chịu thay đổi.
Sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, đã làm thay đổi lối sống, nếp sống của người dân nông thôn. Môi trường ở đô thị đòi hỏi sự cạnh tranh cao, cần năng động trong việc mưu sinh, nên các mối quan hệ xóm giềng không được thiết lập chặt chẽ như ở nông thôn. Do đó, cách xử sự của người đô thị luôn “sòng phẳng” theo nguyên tắc vay trả của cuộc sống, ít xen lẫn yếu tố tình cảm. Nếu như ở nông thôn, các mối quan hệ giữa người với người diễn ra dựa trên yếu tố tình cảm, khoan dung, thì ở đô thị mối quan hệ này dựa trên những nguyên tắc rõ ràng. Họ không đặt các mối quan hệ một cách tràn lan mà chỉ tập trung vào những mối quan hệ đem đến những lợi ích trong cuộc sống của họ. Do