trình bày lời buộc tội của ngƣời bị hại hoặc ngƣời đại diện hợp pháp của họ tại phiên tòa
Mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự quy định trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền trình bày lời buộc tội tại phiên toà, nhưng lại không quy định cụ thể trình tự về việc trình bày lời buộc tội đó như thế nào. Tại Điều 217 của Bộ luật tố tụng hình sự quy định về trình tự tranh luận tại phiên toà cũng không thấy quy định về việc trình bày lời buộc tội của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Cụ thể, Điều 217 của Bộ luật tố tụng hình sự quy định trình tự khi thực hiện phần tranh luật tại phiên toà như sau: Sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên toà, kiểm sát viên trình bày lời luận tội, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng. Bị cáo trình bày lời bào chữa, nếu bị cáo có người bào chữa thì người này bào chữa cho bị cáo và bị cáo có quyền bổ sung ý kiến bào chữa. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện của họ trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích của mình và nếu có người bảo vệ quyền lợi cho họ, thì người này trình bày hoặc bổ sung ý kiến.
Quy định trên đây cho thấy, người bị hại khi tham gia tranh luận chỉ được trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích của mình sau kiểm sát viên và bị cáo. Trong thực tế thường thì Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà hay có sự đồng nhất bị hại có yêu cầu khởi tố cũng như các bị hại bình thường khác trong vụ án, khi tham gia phiên toà và người bị hại chỉ được phép tham gia tố tụng theo thủ thục bình thường; có nghĩa là ở phần tranh luận chỉ được “trình bày ý kiến” và được hỏi có thống nhất với lời luận tội của Kiểm sát viên không và đặt ra yêu cầu bồi thường bao nhiêu? Có nên hiểu việc “trình bày” này là lời buộc tội không? Trong trường hợp họ thống nhất hoàn toàn với lời luận tội của Kiểm sát viên thì họ không cần nêu các lý lẽ có tính chất buộc tội đối với bị cáo. Trong trường hợp họ có ý kiến khác với Kiểm sát viên thì cũng là chỉ tranh luận lại với Kiểm sát viên mà thôi.
Chỉ trong trường hợp Kiểm sát viên luận tội kết luận hành vi của bị cáo không phạm tội và rút toàn bộ quyết định truy tố thì người bị hại mới có ý kiến có tính chất buộc tội nhưng nếu xảy ra trường hợp này thì vụ án cũng buộc phải đình chỉ xét xử vì Viện kiểm sát đã rút toàn bộ quyết định truy tố (Điều 221 của Bộ luật tố tụng hình sự). Như vậy, nếu cứ theo trình tự thủ tục quy định tại Điều 217 nêu trên thì trong tất cả các phiên toà người bị hại đã yêu cầu khởi tố không có điều kiện trình bày lời buộc tội. Bởi không có hướng dẫn nên trong trường hợp bị hại hoặc Luật sư có yêu cầu phải được trình bày lời luận tội thì Hội đồng xét xử gặp lúng túng. Vấn đề đặt ra là bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội vào lúc nào? Về nội dung này có nhiều ý kiến khác nhau:
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, trong những vụ án do người bị hại yêu cầu khởi tố thì quyền buộc tội thuộc về họ được thực hiện tại phần tranh luận, người bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày lời buộc tội trước, sau đó kiểm sát viên mới có ý kiến bổ sung.
Loại ý kiến thứ hai lại cho rằng, trong các vụ án do người bị hại yêu cầu khởi tố thì tại phần tranh luận cần thực hiện theo trình tự: Kiểm sát viên trình bày lời buộc tội, bị cáo bào chữa, bị hại hoặc người bào chữa cho họ cũng trình bày lời buộc tội dù là trùng quan điểm với Kiểm sát viên [42].
Một số ý kiến khác có quan điểm dung hoà giữa hai quan điểm trên đây. Theo chúng tôi, loại ý kiến thứ nhất có thể sát với thức tế tiến hành tố tụng nhưng không phù hợp với các quy định hiện hành. Chúng tôi nhất trí với ý kiến thứ hai vì ý kiến này cơ bản là phù hợp với trình tự thủ tục quy định tại Điều 217 và đảm bảo được quyền của người bị hại quy định tại khoản 3 Điều 51 của Bộ luật tố tụng hình sự nêu trên. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là cách vận dụng có tính chất linh hoạt vì nếu để cho người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của họ “trình bày lời buộc tội” là chưa đúng hoàn toàn với quy định tại Điều 217 nêu trên vì điều luật chỉ cho phép bị hại “trình bày ý kiến” chứ không phải là “trình bày lời buộc tội”.
Chúng tôi cho rằng quyền “trình bày lời buộc tội” của người bị hại trong những vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại là quy định có tính nguyên tắc nhằm xác định quyền nhưng cũng là trách nhiệm của người bị hại khi tham gia tố tụng. Do Bộ luật tố tụng hình sự chưa có quy định cụ thể về thủ tục nên khi thực hiện quyền này còn có nhiều vướng mắc.
Vì Bộ luật tố tụng hình sự không quy định cụ thể nội dung này nên trong thực tiễn xét xử còn có nhiều hạn chế như: người bị hại hoặc đại hiện hợp pháp của họ ít khi được Hội đồng xét xử cho thực hiện quyền trình bày lời buộc tội tại phiên toà. Những người tiến hành tố tụng tại phiên toà dường như “quên” hẳn nội dung này, với người bị hại trong vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại cũng như người bị hại trong các vụ án thông thường, “Thường thì thẩm phán chủ toạ phiên toà đồng nhất bị hại có yêu cầu khởi tố cũng như các bị hại khác trong vụ án khi tham gia phiên toà và
người bị hại chỉ được phép tham gia tố tụng theo thủ tục bình thường; có nghĩa là ở phần tranh luận họ chỉ được trình bày ý kiến…”[42]; hoặc trong vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại có luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại, khi luật sư và người bị hại yêu cầu được trình bày lời luận tội thì Thẩm phán chủ tọa phiên toà lúng túng, không biết cho họ trình bày lời buộc tội vào thời điểm nào.
Thực tiễn áp dụng chế định này còn có rất nhiều vấn đề đặt ra, hầu hết các vụ án khởi tố theo yêu cầu người bị hại tại các phiên toà xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ không trình bày lời buộc tội có chăng chỉ là trả lời các câu hỏi do người tiến hành tố tụng đặt ra có tính chất buộc tội đối với bị cáo. Qua nghiên cứu việc áp dụng thấy, sở dĩ có hiện tượng trên là do nhiều lý do:
Thứ nhất, họ chưa được báo trước là có quyền và có trách nhiệm trình bày lời buộc tội tại phiên toà.
Thứ hai, về trình tự thủ tục chưa có quy định cụ thể người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ được trình bày lời buộc tội vào lúc nào tại phần nào trong quá trình xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.
Theo chúng tôi cần sửa đổi quy định tại Điều 217 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về trình tự phát biểu khi tranh luận. Cụ thể, trong phiên toà xét xử vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nên để người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của họ trình bày lời luận tội ngay sau khi Kiểm sát viên trình bày lời luận tội. Trình tự này vừa đảm bảo cho việc thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên tại phiên toà lại vừa đảm bảo quyền trình bày lời buộc tội của người bị hại, đồng thời đảm bảo cho quyền bào chữa của bị cáo. Với những trình bày trên, Điều 217 của BLTTHS năm 2003 sau khi sửa đổi, bổ sung sẽ được quy định như sau:
Trình tự phát biểu khi tranh luận
1. Sau khi kết thúc việc xét hỏi, kiểm sát viên trình bày lời luận tội, bị cáo, người bào chữa trình bày lời bào chữa; người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ được trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; nếu có người bảo vệ quyền lợi cho họ thì người này được quyền trình bày, bổ sung ý kiến.
2. Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại quy định tại Điều 105 của BLTTHS thì người bị hai, người đại diện hợp pháp của họ trình bày bổ sung ý kiến của mình sau khi kiểm sát viên trình bày lời luận tội [38, Điều 217].