6. Cấu trúc luận văn
1.3.2. Người thực hành hát ru
Trong hát ru, người mẹ đóng vai trò là người diễn xướng chủ yếu, còn người bà/cô/dì/chị… chỉ hát ru thay thế khi mẹ bận việc, đối tượng nghe chính là người con, là đứa bé. Một người hát cho một người nghe, giữa hai
người có mối thâm tình mẫu tử, hát ru chính là chất xúc tác làm tăng thêm sự khắng khít trong tình mẹ con mà không gì có thể thay thế được.
Nhà nghiên cứu Hà Châu trong bài Truyện kể và bài ca đối với trẻ nhỏ
đăng trên Tạp chí Văn học (1966) đã nhận định về hát ru như sau : « Hát ru là hình thức diễn xướng quen thuộc của quê hương, được truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhằm biểu hiện những trạng thái tình cảm của người phụ nữ mà tuổi thơ là đối tượng trực tiếp được hưởng thụ, thưởng thức những giai điệu ngọt ngào, đằm thắm, chan chứa niềm tin ». [3] Nhận định này đã chỉ rõ cho ta thấy về người thực hành hát ru là những người phụ nữ và đối tượng thưởng thức hát ru chính là các em nhỏ.
Trên thế giới, hát ru cũng là một loại hát cho trẻ thơ nghe và dường như không thể thiếu ở hầu khắp các dân tộc. Trong đó, hầu như việc làm ra các bài hát ru và thực hành các làn điệu hát ru thường được dành cho phụ nữ, gắn liền với hình ảnh người mẹ, người bà, người chị. Họ chính là người ru - người thực hành chức năng chuyển tải bài hát ru.
Bởi lẽ bên cạnh công việc nội trợ bếp núc, trông giữ, chăm sóc trẻ được xem như chức năng thiên phú của phái nữ. Mẹ ru con, mẹ bận thì bà ru cháu hay chị ru em... Một đôi khi đàn ông trong nhà cũng tham gia đỡ đần, thay đàn bà ru trẻ ngủ. Nhìn chung, hát ru với tính thực hành xã hội chủ yếu là dỗ đứa trẻ ngủ ngoan để người ru còn quay sang làm việc khác, hoặc giả cùng chìm vào giấc ngủ với đứa bé hát ru để ngủ là vậy!
Ta hãy nghe những buổi trưa hè ở vùng quê Việt Nam, hòa với tiếng bờ tre kẽo kẹt, tiếng lá lao xao, tiếng gà cục tác, tiếng ve râm ran, văng vẳng đâu đây có tiếng ru dìu dặt nồng nàn:
À… a… à… ơi….. Con cò mà đi ăn đêm,
Ông ơi ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng [17]
Hoặc:
À… a… à… ơi….. Đồng đăng có phố Kỳ Lừa, Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh.
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em [17]
Đó chỉ có thể là tiếng mẹ ru con, cũng có thể là bà ru cháu hoặc chị ru em. Và nếu là tiếng ru của người cha thì tuy có thể vụng về nhưng vẫn có sức lay động cõi lòng.
Đây là lời mẹ ru con:
À… a… à… ơi…..
Ru con con ngủ cho ngoan Để mẹ đi đắp đường quan cho rồi
Thương con khó nói nên lời
Mong con chẳng khổ như đời mẹ nay [17]
Còn đây là lời bà ru cháu :
À… a… à… ơi….. Cái ngủ mày ngủ cho lâu Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về
Bắt được con trắm con trê
Cầm cổ lôi về cho cái ngủ ăn… [17]
Đây là lời chị ru em :
À… a… à… ơi….. Ru em em ngủ cho muồi
Chị ra buông cửi chị ngồi quay tơ Năm nay tơ kén được mùa
Chị xin thày mẹ mua cho mấy đồng [17]
Người ta thường lấy bất cứ bài ca dao lục bát nào để ru. Ở đây, âm điệu được lặp đi lặp lại bằng những chuỗi hư từ “à ơi, ầu ơ…”. Ru còn được nâng cao bằng những làn điệu dân ca khắp các vùng đất nước. Lúc này, lời ca là những câu ca dao lục bát và phong phú hơn là âm điệu của những làn điệu dân ca đã làm cho bài hát ru hoàn chỉnh hơn, hấp dẫn hơn như một ca khúc,
bài Ru con Nam Bộ là một ví dụ tiêu biểu.
Nhà nghiên cứu Hà Châu trong một chuyến đi công tác chứng kiến một cách sinh động và cụ thể về việc người hát ru và tác dụng của hát ru trong đời sống thực tế hiện đại như sau: “Vừa qua đi công tác tại một hợp tác xã nông nghiệp cao cấp tôi ở gần một vườn trẻ. Các cháu được ở trong một căn nhà rộng rãi cao ráo, có sân chơi rộng, có bàn ghế giường chiếu đầy đủ, sạch sẽ. Hai bà trạc ngoài năm mươi tuổi và hai cô gái trẻ trông nom các cháu. Một buổi trưa, đang đi ngoài ngõ đã nghe thấy tiếng bà bảo mẫu hát giọng ngân nga:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương.
Khi bước vào sân tôi thấy hai cô gái trách bà: “Bà chỉ hát những câu cũ cả ngày!” Bị bạn đồng nghiệp trẻ “phê bình” như vậy, thấy tôi mà bà nói như phân bua: “Tôi làm sao hát được những bài mới như các cô bây giờ. Hát gì nó ngủ là được”…. Bà chỉ khiêm tốn như vậy, nhưng đâu phải bà chỉ ru cháu ngủ, chính bà đã gieo vào tâm hồn các cháu tiếng nói của quê hương, lời ca trong như ngọc của tổ tiên để lại,… những lời ca câu hát ấy cũng cần như sữa mẹ,…”
Trong đời sống âm nhạc hiện đại, đã có rất nhiều nhạc sĩ đã sáng tác ra những ca khúc mới mang âm điệu ru, trên cơ sở tiếp thu chất liệu của những
khúc ru dân gian khắp các vùng đất nước. Cụ thể như những bài Mẹ yêu con của Nguyễn Văn Tý, Từ trên đỉnh núi của Nguyên Nhung, Lời ru trên
nương của Hồ Thuận An, Ru con trong đêm pháo hoa của Hoàng Vân, Lời ru
theo sóng của Trần Khánh, Khúc ru mùa xuân của Nguyễn Đình San, Ru con
mùa đông của Đặng Hữu Phúc…