Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội”. Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ đất nước. Gia đình không chỉ là “tế bào” tự nhiên mà còn là một đơn vị kinh tế của xã hội. Không có gia đình tái tạo ra con người để xây dựng xã hội thì xã hội cũng không thể tồn tại và phát triển được. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều giá trị mới được tiếp thu, nhưng nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam cũng đang có nguy cơ bị mất đi; tình trạng ly hôn, bạo hành gia đình gia tăng; chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, hưởng thụ,... có xu hướng tăng lên. Những hạn chế này đang làm cho nhiều “tế bào” có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, làm cho nền tảng xã hội thiếu vững chắc.
Tại Đại hội XI, Đảng đã chỉ rõ: “Gia đình là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”, “góp phần chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khoẻ, lao động giỏi, sống có văn hóa, nghĩa tình, có tinh thần quốc tế chân chính”. Con người Việt Nam chỉ có thể được trang bị những phẩm chất tốt đẹp
91
nếu có một môi trường xã hội tốt. Môi trường đó trước hết là từ mỗi gia đình- mỗi tế bào của xã hội. Các gia đình chịu trách nhiệm trước xã hội về sản phẩm của gia đình mình, phải có trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục con cái, cung cấp cho xã hội những công dân hữu ích. Cùng với nhà trường, gia đình tham gia tích cực nhiệm vụ “dạy người, dạy chữ”, tạo ra lực lượng lao động tương lai có chất lượng cao.
Gia đình phát triển bền vững không chỉ là niềm hạnh phúc cho mỗi người, mỗi nhà mà còn là nhân tố quan trọng góp phần giữ gìn sự phát triển lành mạnh, an toàn của xã hội và sự ổn định dân số của mỗi quốc gia. Vì vậy, gia đình luôn là một mối quan tâm đặc biệt của Đảng ta. Tại Đại hội XI, Đảng ta nhấn mạnh: “Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội”.
Từ những tiêu chí quan trọng của gia đình văn hóa Việt Nam được đề xuất tại Đại hội VIII của Đảng và được cụ thể hóa thành Chiến lược xây dựng gia đình văn hóa Việt Nam, đến Đại hội XI, Đảng ta đã có sự phát triển nhận thức mới về gia
đình: No ấm, tiến bộ, hạnh phúc là những điều kiện cơ bản, quan trọng để gia đình
phát triển lành mạnh. Muốn có một “tế bào lành mạnh”, một “nền tảng vững chắc” thì phải xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Thứ nhất, xây dựng gia đình no ấm.
Gia đình no ấm là gia đình đủ ăn, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; đủ mặc, phù hợp với điều kiện sinh hoạt và làm việc; có nhà ở ổn định, vững chắc; có các tiện nghi, điều kiện thiết yếu phục vụ sinh hoạt gia đình.
Gia đình no ấm là cơ sở để xây dựng gia đình tiến bộ và hạnh phúc, bởi “có thực mới vực được đạo” và tất nhiên, sự no ấm của gia đình trước hết là do lao động cần cù, năng động, sáng tạo của mỗi thành viên trong gia đình đó xây dựng nên.
Xã hội không ngừng vận động, biến đổi, phát triển và chất lượng cuộc sống của mọi công dân được cải thiện tốt hơn trước rất nhiều, nhưng ở một số nơi số hộ nghèo ở Thái Bình vẫn còn tồn tại và vẫn có nguy cơ tái nghèo. Điều đó đe dọa rất lớn đến quyền và lợi ích của trẻ. Nguyên nhân là do Thái Bình là một tỉnh thuần nông qua nhiều thế kỷ, gần đây công nghiệp đã bắt đầu phát triển nhưng cuộc sống của người dân phần lớn vẫn phụ thuộc vào việc trồng trọt và chăn nuôi, năng lực
92
sản xuất khác nhau và chưa đạt hiệu quả cao, một số gia đình làm không có kế hoạch, không khoa học dẫn đến không có của cải dư thừa để có nhà ở ổn định và sắm sửa các tiện nghi thiết yếu phục vụ sinh hoạt gia đình, cũng như để đảm bảo chế độ dinh dưỡng, vui chơi giải trí cho các thành viên, nhất là trẻ em. Thu nhập của một số gia đình chỉ trông chờ vào kết quả của việc trồng lúa, không có nghề phụ, thậm chí không thể tự tăng gia sản xuất ở nhà, vì không có điều kiện vật chất đầy đủ, vì không mạnh dạn làm ăn, không chịu học hỏi hoặc vì sức khỏe không đảm bảo, điều này xảy ra nhiều ở những gia đình trẻ hoặc gia đình có ông bà nuôi các cháu cho bố mẹ trẻ đi làm ăn xa. Do đó công tác giáo dục trẻ trong các gia đình này ở Thái Bình còn gặp nhiều khó khăn, trẻ không có điều kiện kinh tế để vui chơi và khám phá những điều mới lạ qua thế giới đồ chơi và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, không có điều kiện phát triển toàn diện.
Bên cạnh đó cũng có rất nhiều gia đình khá giả, có thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống cao. Tiêu chí “no ấm” với gia đình họ không chỉ là ăn no, mặc ấm mà là ăn ngon mặc đẹp, làm đẹp, sắm những đồ dùng sinh hoạt sang trọng, vui chơi văn minh hiện đại để thể hiện đẳng cấp của gia đình có điều kiện. Vì vậy sự chênh lệch giàu- nghèo ở Thái Bình cũng đang có những chuyển biến đáng kể. Điều đó đòi hỏi Thái Bình trong quá trình xây dựng gia đình no ấm phải tập trung xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giúp đỡ các gia đình nghèo, tạo việc làm, khuyến khích kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình. Qua đó làm giảm bớt sự phân hóa giàu- nghèo giữa các gia đình trong tỉnh, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình góp phần nâng
cao chất lượng cuộc sống của các gia đình, trong đó có chất lượng giáo dục trẻ em.
Tuy nhiên, để mỗi gia đình thực sự trở thành tổ ấm, đòi hỏi mỗi thành viên trong gia đình phải luôn tôn trọng, gắn bó, thương yêu nhau, đồng thời có ý thức gìn giữ và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Các bậc làm cha, mẹ nêu cao vai trò gương mẫu, thương yêu, tôn trọng con cái; kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình. Có như vậy hạnh phúc gia đình mới thực sự bền vững và gia đình mới thực sự là tổ ấm của mỗi con người.
93
Thứ hai, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc
Gia đình tiến bộ là gia đình lao động giỏi, biết áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất; mọi thành viên trong gia đình có lối sống lành mạnh, thực hiện nếp sống văn minh, biết tôn trọng và giữ gìn thuần phong mỹ tục của văn hóa gia đình Việt Nam. Có ý thức rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe, không sa vào tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật; các thành viên trong gia đình tích cực học tập. Trẻ em trong độ tuổi đi học không bỏ học sớm; các thành viên trong gia đình trong độ tuổi sinh đẻ đều thực hiện kế hoạch hóa gia đình; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; mọi thành viên trong gia đình thực hiện tốt đường lối chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt quy ước cộng đồng dân cư (làng, xã, khu tập thể...)
Gia đình hạnh phúc: là mọi thành viên trong gia đình hoàn toàn hài lòng, toại nguyện với tổ ấm của mình. Gia đình hạnh phúc bền vững thể hiện sự bình đẳng, tôn trọng yêu thương, chia sẻ trách nhiệm cho nhau giữa vợ và chồng, cùng nhau phấn đấu vươn lên trong cuộc sống gia đình cũng như ngoài xã hội, có sự nhất trí cao về mục đích, nội dung, phương pháp nuôi dạy con, không can thiệp thô bạo và ép buộc các con. Trong gia đình hạnh phúc, các thành viên được đáp ứng nhu cầu cần thiết về vật chất và tinh thần. Họ thực sự đồng cảm, yêu thương tôn trọng, bình đẳng và tự giác thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trước gia đình và xã hội.
Để có gia đình tiến bộ và hạnh phúc, trước hết phải chú trọng kinh tế hộ gia đình, giảm nhanh tỷ lệ đói nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Các gia đình phải hiểu, có ý thức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước như: sinh đẻ có kế hoạch, phát triển kinh tế, phòng chống các tệ nạn xã hội như rượu bia, cờ bạc, mại dâm, ma túy và bạo lực gia đình.