Giáo dục trí tuệ

Một phần của tài liệu Phát huy vai trò của gia đình trong việc giáo dục trẻ em ở thái bình hiện nay (Trang 31)

Gia đình là thiết chế giáo dục cơ sở, nơi đào tạo đầu tiên giúp trẻ tập đi từng bước vào cuộc sống, đồng thời chuẩn bị cho trẻ có thể phát triển đầy đủ tiềm lực và có vai trò hữu ích trong xã hội khi đến tuổi trưởng thành.

26

Giáo dục trẻ em ở gia đình tuy không có chương trình, kế hoạch rõ ràng, không được soạn thảo như ở nhà trường, nhưng vẫn có nội dung rất phong phú. Và người thầy đầu tiên của trẻ, không ai khác chính là cha mẹ trẻ. Họ dạy con những tiếng bập bẹ đầu tiên, cung cấp vốn từ và luyện phát âm cho con qua những lời ru, câu ca, câu chuyện, bài thơ, vè, ca dao, bài hát...Và họ cũng chính là người cho con những ý niệm sơ khởi về những mối quan hệ giữa trẻ với các thành viên khác trong gia đình: ai là cha, ai là mẹ, ai là ông bà nội, ai là ông bà ngoại, hay cô, dì, chú, bác... và tại sao lại gọi vậy. Tất cả những câu hỏi mà cha mẹ đặt ra cho trẻ và khi trẻ hỏi cha mẹ, nếu được cha mẹ hiểu, gợi ý và giải đáp kịp thời, đúng lúc, khoa học sẽ làm động lực mạnh mẽ giúp trẻ ham học hỏi và không ngừng nâng cao tri thức, phát triển tư duy và khơi dậy khả năng học tập tích cực, sáng tạo.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít các bậc cha mẹ không nắm rõ khả năng, trình độ và sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ nên không có sự chuẩn bị hoặc thiếu kinh nghiệm trong việc dạy bảo, phát triển tư duy cho trẻ. Họ chỉ lo làm ăn và phát triển kinh tế mà phó mặc toàn bộ việc giáo dục cho nhà trường, không chịu học hỏi để đồng hành cùng con vì tự ti, nghĩ mình ít học. Do đó, họ không phát huy được sự ảnh hưởng to lớn, tích cực của mình trong việc giáo dục và phát triển trí tuệ cho con

Ở mỗi lứa tuổi, mỗi trẻ cụ thể đòi hỏi cha mẹ phải có cách thức giáo dục khác nhau. Tuy nhiên, không phải cứ nói đến phát triển tri thức, trí tuệ là phải bắt trẻ ngồi vào bàn học hay đọc sách khoa học. Để trẻ có nhiều tri thức khoa học và thông minh hơn, trên cơ sở những tri thức khoa học và kinh nghiệm cuộc sống cha mẹ có thể truyền đạt kiến thức cho trẻ thông qua các trò chơi, đố vui, khéo léo truyền kiến thức khi chơi cùng con, làm bạn cùng con và phát triển tư duy cho con. Có như vậy mới biến việc tiếp nhận tri thức khoa học, kinh nghiệm sống của trẻ diễn ra một cách thoải mái, nhẹ nhàng, vui vẻ mà vẫn đạt hiệu quả cao dưới dạng “Học mà chơi, chơi mà học”, trẻ học được rất nhiều điều mà lại thấy thích chơi. Chơi là chương trình học rất tốt, tất cả các hoạt động vui chơi mà trẻ tham gia sẽ xây dựng cho trẻ khả năng nhận thức, tình cảm tốt, nhất là đối với trẻ mầm non. Việc tiếp xúc với các

27

khối gỗ, nhựa sẽ giúp trẻ nhận thức được không gian ba chiều, là nền tảng cho những bài hình học, vật lý, kiến trúc và kỹ thuật. Nhiều trẻ mẫu giáo thích tưởng tượng những vật hình khối có kích cỡ to, vừa và nhỏ như đó là bố, mẹ và con. Qua đó, trẻ thể hiện sự hiểu biết về những mối tương quan kích cỡ trong thế giới thật. Thậm chí việc viết nguệch ngoạc ra sân, ra giấy hoặc vẽ những bức tranh biểu tượng con người, cảnh vật hoặc những thứ mà trẻ tưởng tượng ra cũng có ý nghĩa rất lớn đối với trẻ, đó là bước đệm ban đầu để trẻ quan sát thế giới xung quanh, mặc dù đối với nhiều người lớn những đường nét đó là vô nghĩa, không giống thực tế. Hay khi chơi với ráp hình, trẻ phát triển khả năng suy luận về không gian, quan sát những kiểu mẫu và chi tiết, thực tập sự phối hợp bằng tay và mắt...vv. Thậm chí, ngay cả khi trẻ học cấp II, cha mẹ có thể củng cố kiến thức vật lý, hóa học,...qua thực tiễn cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày ở gia đình trẻ.

Nhiều công trình khoa học đã chứng minh rằng tất cả các trẻ em đều thích hoạt động trí tuệ. Nhu cầu nhận thức được nuôi dưỡng và nảy nở trên cơ sở những xúc cảm và tình cảm tích cực. Vai trò của người lớn và của cha mẹ trong việc hình thành cho con mình động cơ học tập đúng đắn sẽ trở thành một trong những yếu tố tích cực nhất giúp trẻ thành công ngay từ khi mới ngồi trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó niềm tin, sự tôn trọng, sự động viên khích lệ và sự hiểu biết của cha mẹ đối với con cái trong học tập cũng như trong cuộc sống hàng ngày là những công cụ hữu ích giúp trẻ hình thành và phát triển trí thông minh.

Việc giáo dục trí tuệ cho trẻ trong gia đình chủ yếu tập trung vào việc trả lời các câu hỏi của trẻ về các vấn đề trong thế giới tự nhiên, các vấn đề liên quan đến học tập, đến quan hệ bạn bè, đến ứng xử xã hội... Cha mẹ luôn tìm mọi cách trả lời các câu hỏi của con một cách nghiêm túc. Nếu không biết hoặc thấy mình tích lũy chưa đủ lượng kiến thức cơ bản để trả lời câu hỏi của con thì phải tìm kiếm thông tin, bổ sung kiến thức cho mình. Không được trả lời tùy tiện, trả lời trẻ cho qua chuyện. Tuy nhiên các bậc phụ huynh cần nhận thức rõ khi giúp con học tập, tuyệt đối không được làm thay con mà chỉ gợi ý cho trẻ tự làm bài và học bài.

28

Ngày nay, mặc dù có những tác động to lớn của các lớp mẫu giáo, nhà trẻ, trường học và các đoàn thể nhưng gia đình vẫn giữ vị trí quan trọng trong việc giáo dục và phát triển trí thông minh ở trẻ. Cha mẹ luôn giữ vai trò quan trọng nhất trong việc cung cấp và tạo điều kiện giúp trẻ lĩnh hội những tri thức khoa học cũng như kinh nghiệm thực tế cuộc sống cả về số lượng và chất lượng. Gia đình là chiếc nôi ươm trồng và nuôi dưỡng trí tuệ, tình cảm và nhân cách cho trẻ. Kết quả giáo dục trẻ phụ thuộc rất nhiều vào trình độ học vấn, vào khả năng kinh tế và quan niệm chung của cha mẹ trẻ về thang giá trị đạo đức, văn hóa, lối sống. Trẻ càng nhỏ thì gia đình càng có ý nghĩa quan trọng trọng việc hình thành và phát triển nhân cách nói chung và phát triển nhận thức nói riêng.

Một phần của tài liệu Phát huy vai trò của gia đình trong việc giáo dục trẻ em ở thái bình hiện nay (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)