Điều kiện phát triển kinh tế

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng và đề xuất một số giải pháp phát triển cây mía tím tại xã đồn đạc huyện ba chẽ tỉnh quảng ninh (Trang 35)

Trong những năm gần đây nhờ có đường lối đổi mới, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, kinh tế của xã đã có những bước chuyển biến tích cực với tốc độ tăng trưởng hàng năm khá cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau tăng so với năm trước, các

chỉ tiêu kế hoạch được giao hàng năm đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng ( khoảng 14 triệu đồng/người/năm năm 2014) tỷ lệ hộ khá giả tăng, đồng thời giảm tỷ lệ nghèo theo chỉ tiêu kế hoạch của huyện đề ra.

* Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết của đại hội Đảng bộ xã lần thứ X (nhiệm kỳ 2010 - 2015), đã tạo được sự chuyển biến sâu sắc. Với phương châm phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng uỷ, chính quyền đó đề ra nhiều chương trình hành động, các kế hoạch, đề án, phương án công tác gắn với các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương từng bước lãnh đạo phát triển kinh tế chuyển dịch theo hướng phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Trong đó Nông nghiệp – Lâm nghiệp vẫn là ngành sản xuất chính của người dân địa phương , đặc biệt là ngành trồng trọt do diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm phần lớn diện tích đất sản xuất, phát huy được thế mạnh thích ứng với phát triển của vùng; ngành tiểu thủ công nghiệp cũng được phát triển theo hướng đa dạng hoá, liên tục chuyển đổi theo biến động của thị trường; ngành dịch vụ đang có xu hướng phát triển mạnh trong cơ cấu kinh tế.

* Thực trạng phát triển các ngành kinh tế

- Trồng trọt:

Những năm gần đây được sự quan tâm của Nhà nước thông qua các chương trình hỗ trợ sản xuất cho nông dân, sản lượng lương thực tăng khá nhờ việc đưa giống mới có năng suất cao và chất lượng tốt vào sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ. Tổng diện tích gieo trồng của xã năm 2011 toàn xã là 601,9 ha; cây lương thực và cây mầu là 492,5 ha. Năng suất lúa bình quân 45,4 tạ/ha; cây ngô 21,9 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực qui thóc 1.531,4 tấn. Cây lương thực chủ yếu là lúa, ngô.

Những năm gần đây một số mô hình được triển khai trên địa bàn đều mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mía tím, rau, cây vụ đông...

- Chăn nuôi:

Nhờ có các chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư...của huyện đã khuyến khích các hộ dân mạnh dạn đầu tư vào phát triển chăn nuôi, áp dụng tiến khoa học vào chăn nuôi, từng bước phát triển các mô hình chăn nuôi theo quy trình bán công nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho nhân dân trong vùng và tiêu thụ ngoài thị trường. Công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm được thường xuyên quan tâm. Đồng thời công tác tập huấn, chuyển giao công nghệ trong chăn nuôi được chú trọng vì vậy ngành chăn nuôi có bước phát triển khá, thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn cho người chăn nuôi về kỹ thuật như kỹ thuật chăn nuôi lợn thương phẩm, nuôi ong mật, ba, nhím, lợn rừng….

Tổng đàn trâu có mặt là 485 con; đàn bò 13 con; đàn lợn 3.290 con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 163,3 tấn, đàn gia cầm 12.554 con. (Nguồn UBND xã năm 2014).

- Lâm nghiệp:

Diện tích đất lâm nghiệp hiện có là 11.899,00 ha, đất rừng sản xuất chủ yếu trồng xa mộc, quế, keo. Theo số liệu báo cáo năm 2014 trên địa bàn trồng rừng mới thêm được 754,8 ha; khai thác lâm sản như gỗ xa mộc, quế, keo, vỏ quế đạt 50 tấn, tre nguyên liệu giấy 150 tấn. Trong những năm qua nhân dân trên địa bàn xã luôn duy trì chăm sóc, bảo vệ tốt diện tích rừng trồng, rừng tự nhiên hiện có, đẩy mạnh tốc độ trồng rừng, nâng cao độ che phủ của rừng đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái.

- Sản xuất tiểu thủ công nghiệp:

Tiểu thủ công nghiệp chủ yếu là sản xuất vật liệu xây dựng như: gạch nung, khai thác cát, đá sỏi ; chế biến đồ gỗ gia dụng với quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, chưa mang tính tập trung và sản xuất hàng hoá lớn nên hiệu quả thấp. Khai thác chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng, khai thác cát, sỏi lòng sông, sản xuất gạch nung tại thôn Làng Mô, Bắc Cáy, Làng Han, Khe Mằn. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 2,4 tỷ đồng.

* Đánh giá tiềm năng của xã

- Đồn Đạc có tiềm năng lớn nhất là quỹ đất, nhất là đất rừng, nguồn tư liệu sản xuất quan trọng nhất cho phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp. Đồng thời nguồn nhân lực dồi dào cũng là thế mạnh để cho xã có điều kiện phát triển kinh tế đa dạng, nhiều thành phần, theo hướng sản xuất hàng hoá, phát triển TTCN, thương mại, dịch vụ theo hướng bền vững.

- Địa hình, khí hậu đa dạng nên hệ động, thực vật rừng của Đồn Đạc phong phú, đó là cơ sở khoa học và thực tiễn đảm bảo cho xã phát triển đa dạng vật nuôi, cây trồng, cả sản phẩm nhiệt đới và cận nhiệt đới, là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất theo hướng đa ngành, đa nghề, đa dạng sản phẩm.

- Hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng theo quy hoạch sẽ khá thuận lợi, có tỉnh lộ 329 đi qua địa bàn xã, các tuyến giao thông kết nối với các xã, huyện bạn, đang được nâng cấp, mở mới đây là điều kiện để giao lưu, tiêu thụ sản phẩm hàng hoá do địa phương sản xuất, thúc đẩy phát triển nền sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hàng hoá, đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

- Đồn Đạc có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp ( Khe O, Đá Lợn, Đá Vuông...), rừng tự nhiên với các loài cây quí hiếm, phù hợp cho phát triển kinh tế lâm nghiệp. Đồng thời là xã có 08 dân tộc anh em cùng chung sống,

mỗi dân tộc có truyền thống văn hoá đặc sắc riêng như: Múa Phùn Voòng của người Dao. Phong tục tập quán sinh hoạt và canh tác khác nhau, tạo nên sự phong phú đa dạng của nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch sinh thái gắn với làng văn hoá dân tộc.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng và đề xuất một số giải pháp phát triển cây mía tím tại xã đồn đạc huyện ba chẽ tỉnh quảng ninh (Trang 35)